Những ngôi sao sáng của âm nhạc Việt Nam

Người thầy đầu tiênNhớ về những người thầy của mình, NSƯT Như Bình bảo rằng, ông luôn biết ơn Viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Ngày đó, khi Như Bình đang còn say sưa bên những bài giảng của thầy cô ở trường cấp 2 Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, thì nhóm nghệ sĩ Đoàn văn công nhân dân Trung ương (VCNDTW) mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn đến trường tuyển chọn diễn viên. Từ gần trăm học sinh của trường, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chỉ chọn hai người. May mắn và hạnh phúc khi hai anh em ruột Thanh Đính và Như Bình được chọn. Cũng từ ngày đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vừa là người truyền thụ lại những bài học về cuộc sống, cũng như những bài học nghệ thuật đầu tiên cho Như Bình.

Nghệ sĩ Như Bình bày tỏ niềm tự hào khi thông báo, ngày 12-9-2011, đúng tròn 90 năm kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, giới văn nghệ sĩ và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cần Thơ-quê hương của nhạc sĩ đã tổ chức ngày hội văn hóa tại công viên văn hóa mang tên Lưu Hữu Phước-người nhạc sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời cho nghệ thuật âm nhạc cách mạng-chiến sĩ tiên phong mở ra con đường âm nhạc vang lên như những hồi kèn xung trận. Ở mỗi tác phẩm của Lưu Hữu Phước, người nghe như thấy những thanh gươm sáng lóe, những ngọn mác sắc bén thôi thúc mọi người vào công cuộc chiến đấu giành độc lập non sông, thống nhất nước nhà.

Cùng thời với những tác giả Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ từ trước năm 1945 ở Sài Gòn, Lưu Hữu Phước là thế hệ học sinh, sinh viên yêu nước với những ca khúc tràn đầy hào khí dân tộc như: “Bạch Đằng giang”, “Hội nghị Diên Hồng”. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông giữ chức vụ Giám đốc phòng xuất bản Sài Gòn, rồi được điều ra chiến khu Việt Bắc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trong những người đầu tiên sáng lập Đoàn VCNDTW ở an toàn khu với cương vị Phó trưởng đoàn.

1554-luuhuuphuoc

Nghệ sĩ, học trò của Lưu Hữu Phước hát vang những ca khúc của ông trên những mặt trận. Ảnh tư liệu.

Tài năng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được phát huy qua thực tế đấu tranh cách mạng, được may mắn gần gũi với Bác Hồ những ngày ở chiến khu Việt Bắc, vậy nên khi ca khúc “Lãnh tụ ca” ra đời là niềm thành kính của một người nhạc sĩ với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Năm 1953, tác phẩm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được chọn tham dự Festival lần thứ IV ở Bu-ca-rét (Ru-ma-ni) là bài “Đông Nam Á châu”, ý tưởng ca ngợi về sự liên minh hòa bình dân chủ tiến bộ ngày ấy sau này đã trở thành hiện thực khi hình thành khối ASEAN. Năm 1954, tiết mục này được nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên dàn dựng cho Đoàn VCNDTW biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân ngày tiếp quản Thủ đô và ra mắt Ủy ban quân chính Hà Nội tháng 10-1954.

Trong những tháng ngày đầu đế quốc Mỹ xâm lược, những ca khúc của Lưu Hữu Phước xuất hiện kịp thời, truyền sức quật khởi của dân tộc bằng lời ca, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng như thác đổ, triều dâng. Giai điệu và lời ca của ông tràn đầy khí phách. Nếu trước cách mạng ông có “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”… thì ở thời điểm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ có “Thanh niên sẵn sàng”, “Tình Bác sáng đời ta”. Thử thách của thời gian đã chứng minh tác phẩm của Lưu Hữu Phước trở nên thân quen, đặc biệt là thế thệ trẻ. Âm điệu và lời ca của Lưu Hữu Phước toát lên từ cuộc sống chiến đấu, nhiều hy sinh tổn thất nhưng rất đỗi quật cường và được thể hiện bằng những cảm xúc mãnh liệt và chân thật. Mạnh mẽ hơn nữa là bài hát “Giải phóng miền Nam”, với bài hát này, các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đã không biết bao lần dàn dựng để đưa đi lưu diễn nhiều nước, cuốn hút không chỉ khán giả Việt Nam mà còn ở các nước như: Nga, Nhật, Pháp, Cu-ba, Trung Quốc… Bài hát đã góp phần khích lệ bạn bè thêm tin yêu và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Trước chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều chiến sĩ quân giải phóng miền Nam nhớ mãi giai điệu “Tiến về Sài Gòn” với tiết tấu hùng tráng như lời hiệu triệu. Thế mạnh của ca khúc Lưu Hữu Phước là ở tính nhạy bén chính trị, các tác phẩm của ông luôn song hành theo dòng lịch sử của cách mạng Việt Nam với tính chiến đấu cao, thúc giục thế hệ trẻ xông pha lên đường tranh đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Ghi nhận tài năng và cống hiến của ông cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập và gần đây truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giới văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh hằng năm đều tuyển chọn và trao giải thưởng với tên gọi: Giải thưởng văn học nghệ thuật Huỳnh Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước).

Cô giáo Liên và “người được Chopin chọn”

Trong khu rừng già nơi chiến khu Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian lao, hình ảnh cô giáo Liên dạy ký xướng âm cho các đội văn nghệ tiền phương vẫn luôn đọng lại những ký ức đẹp trong tâm trí mỗi nghệ sĩ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Có lẽ ngày đó, ít ai biết được thiếu nữ tài hoa Thái Thị Liên trước khi được biết đến là cô giáo dạy ký xướng âm, dàn dựng những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc để phục vụ đồng bào, chiến sĩ thì đã là một nữ nghệ sĩ pi-a-nô đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp bằng đỏ Nhạc viện Praha, Tiệp Khắc (cũ). Cũng ở chiến khu, hạnh phúc một lần nữa đến với Thái Thị Liên khi bà gặp nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng-ngày đó là Phó trưởng đoàn Đoàn VCNDTW. Tình yêu của hai nghệ sĩ đã cho đời một tài năng nghệ thuật lớn: NSND Đặng Thái Sơn.

1554-nsnd-thai-thi-lien

NSND Thái Thị Liên trong dịp về Việt Nam dự Đại hội lần thứ 8 Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: Đình Toán.

Trường Âm nhạc Việt Nam ra đời trong năm 1955 (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), gắn với tên tuổi của Thái Thị Liên và các nhạc sĩ Tạ Phước, Nguyễn Xuân Khoát… những người đặt nền móng đầu tiên gây dựng.

Những năm miền Bắc khó khăn trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Thái Thị Liên dành nhiều thời gian cho việc giảng dạy âm nhạc. Trường nhạc phải sơ tán về Bắc Giang, cậu bé Đặng Thái Sơn theo mẹ về nơi sơ tán, hằng ngày hòa cùng chúng bạn ở quê đi lấy củi, bắt cua, bắt cá. Ở một cuộc phỏng vấn của chúng tôi với NSND Đặng Thái Sơn năm 2009, khi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cùng mẹ về Việt Nam biểu diễn trong liveshow của riêng mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội, những dòng hồi ức tuổi thơ đã được anh kể lại. Với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, những người nông thôn với tấm lòng thơm thảo cùng cuộc sống tránh đạn bom năm nào luôn là những ký ức đẹp, bởi đó chính là những “chất liệu” cuộc sống quý giá giúp anh vượt qua nhiều gian khó, thử thách trên con đường nghệ thuật đầy chông gai. Đặng Thái Sơn nhớ những buổi tập đàn, mỗi tiếng đàn vang lên là mỗi lần người dân lo sợ, bởi học đàn không thể học như tập viết chữ, vậy là có những hôm cả cô giáo Liên và đám học trò phải vào sâu trong rừng để dạy và học đàn, lúc người này tập thì người kia phải cảnh giới máy bay… Những buổi cô giáo Liên dàn dựng các tiết mục nghệ thuật và biểu diễn là những buổi thu hút những ánh mắt chăm chú, những tràng pháo tay hưởng ứng của đông đảo người dân. Và ở những buổi tập đó, cậu bé Sơn không khỏi “tranh thủ” trình diễn những bản nhạc đầu tiên học từ mẹ. Ít ai có thể ngờ rằng sau đó, Đặng Thái Sơn đã làm nên một kỳ tích gây tiếng vang khắp thế giới.

1554-nsnd-dang-thai-son

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được công chúng trong và ngoài nước biết tới bởi anh là người Việt đầu tiên, cũng là người châu Á đầu tiên loại 149 đối thủ đến từ 37 quốc gia trên toàn thế giới, giành giải nhất cuộc thi Pi-a-nô quốc tế danh tiếng mang tên F.Chopin lần thứ 10, tổ chức tại thủ đô Vác-xa-va (Ba Lan) năm 1980. Tại đây, ngoài giải chính ra, Đặng Thái Sơn còn đoạt thêm 11 giải phụ khác do nhiều tổ chức thế giới tặng thưởng-một kỷ lục trong lịch sử giải Chopin. Tiếp đó Nhà nước ta trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho Đặng Thái Sơn và anh là nghệ sĩ trẻ nhất của Việt Nam giành danh hiệu cao quý này. Đặng Thái Sơn được nhắc đến với danh xưng “người được Chopin chọn”. Không ít báo chí quốc tế viết về anh với những lời đề tựa, dòng nhận định: “Sự trình diễn của ảo thuật”, “Những ngón tay lướt trên phím đàn như những tia chớp đầy dứt khoát”…Sau những giải thưởng danh giá của Đặng Thái Sơn, từ năm 1981 đến nay NSND Thái Thị Liên rong ruổi cùng con trai tiếp tục sự nghiệp âm nhạc khắp thế giới. Nhưng với NSND Thái Thị Liên, những lần cùng Đặng Thái Sơn trở về quê hương là những lần hạnh phúc nhất khi gặp lại những người thân trong gia đình. Bà như trẻ lại trong dòng hồi tưởng những năm tháng gian khó mà sáng tạo, vui tươi với người nghệ sĩ từng một thời gắn bó nơi chiến khu năm xưa mà như mới diễn ra hôm qua. Trong những lần gặp gỡ ấy, nếu có sự hiện diện của cây đàn pi-a-nô, người thân và bạn bè của Thái Thị Liên lại được thưởng ngoạn trong thanh âm tươi đẹp của nhạc Chopin-bản nhạc được cất lên từ một thời đạn bom, một thời hòa bình qua những ngón đàn huyền diệu của bà dù đã bước qua tuổi 90.Hai năm trở lại đây, NSND Đặng Thái Sơn và mẹ trở về Việt Nam nhiều hơn. Mới năm ngoái 2010, Đặng Thái Sơn đảm trách Chủ tịch danh dự và Giám đốc nghệ thuật cuộc thi pi-a-nô quốc tế Việt Nam lần thứ nhất; biểu diễn mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trong hai năm nay, dù bận rộn với những chương trình biểu diễn lớn ở quốc tế, những buổi giảng dạy pi-a-nô ở các trường âm nhạc danh giá của nước Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh… nhưng NSND Đặng Thái Sơn vẫn thường xuyên về Việt Nam thực hiện các buổi giảng dạy cho sinh viên, học sinh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ở những buổi biểu diễn, buổi giảng dạy đông kín khán giả, học trò ấy, người ta vẫn thấy sự hiện diện của NSND, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên ngồi lặng lẽ theo dõi con trai Đặng Thái Sơn.

————

Bài 1: Nhớ một thời “tiếng hát át tiếng bom”

Bài 3: Hai nghệ sĩ từ một mái nhà

Bài 4: Chuyện của Tấm và Cám

VƯƠNG HÀ

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*