Nhớ một thời “tiếng hát át tiếng bom”

Cách đây 60 năm, ngày 14-11-1951, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cách mạng đầu tiên của Việt Nam mang tên: Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam được Bác Hồ và Trung ương Đảng chỉ đạo thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Từ nôi nghệ thuật này, các thế hệ nghệ sĩ đã nối tiếp nhau lên đường, bằng trái tim, tài năng và khối óc của mình, họ đã làm nên những chiến công xuất sắc trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật với những cái tên như: Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Học Phi, Đặng Đình Hưng, Thái Ly, Nguyễn Văn Thương, Đào Mộng Long; rồi Quốc Hương, Ngọc Dậu, Trần Hiếu, Thanh Đính, Tân Nhân, Chu Thúy Quỳnh, Tiến Định, Mạnh Hùng; rồi tiếp đến Nguyệt Nga, Quang Thọ, Thu Hiền, Trung Đức… Trùng trùng điệp điệp những tài năng phát lộ trong cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc.

Bài 1: Trưởng thành trong gian khó

Trong đoàn các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trở về nơi thành lập ở bến Canh Nông, Nông Tiến, tỉnh Tuyên Quang để khánh thành công trình di tích nơi ra đời Nhà hát và đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố, NSƯT Phan Hồ và NSƯT Như Bình vui hơn ai hết. Bởi trong đoàn, có lẽ hai ông là người lớn tuổi nhất vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và cũng là những nhân chứng – thế hệ nghệ sĩ đầu tiên được đào tạo, rèn luyện và biểu diễn nơi chiến khu Việt Bắc.

Đất nước đổi mới, khoảng cách giữa Thủ đô tới các chiến khu năm xưa dường như đã gần hơn bởi phương tiện và đường sá thuận lợi. Đâu có như thuở cách đây gần 60 năm, những thiếu niên 13 tuổi, 15 tuổi như nghệ sĩ Như Bình, Chu Thúy Quỳnh nhận được giấy trúng tuyển chọn vào Đoàn văn công Nhân dân Trung ương (VCNDTW) đã là niềm vinh dự, tự hào. Ngày ấy, nghe đoàn đóng ở chiến khu Việt Bắc thấy xa xôi quá, nhưng lòng nhiệt huyết đã không làm ai chùn chân bước.

Gặp lại người dân như cụ bà Đào Thị Vụ nay đã 82 tuổi và cụ ông Đào Quang Long 79 tuổi – những người từng một thời chở che cho các buổi tập luyện, lần biểu diễn nơi chiến khu Việt Bắc, các thế hệ nghệ sĩ hòa niềm vui trong những giọt nước mắt. Khởi nguồn từ làng quê Canh Nông ấy, những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên đã được rèn luyện, trưởng thành để trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần thánh của dân tộc, những tiết mục biểu diễn của Đoàn VCNDTW là món ăn tinh thần không thể thiếu, là ngọn gió tạo đà tung bay của những lá cờ chiến thắng huy hoàng. Những địa danh, những trận đánh như: Đông Khê, Thất Khê, Điện Biên Phủ mặt đất, rồi Điện Biên Phủ trên không, chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, Plây-me, chiến dịch Mậu Thân, Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng… lừng lẫy không ở đâu, không trận nào thiếu những lời ca tiếng hát, điệu múa khích lệ tinh thần bộ đội.

Nghệ sĩ, diễn viên Đoàn VCNDTW được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch sau chuyến đi biểu diễn 12 nước xã hội chủ nghĩa và tham dự Festival lần thứ VII tại Viên năm 1959. Ảnh tư liệu

Cùng hành quân theo bước chân các chiến sĩ, các nghệ sĩ của Đoàn đã có mặt tại Điện Biên Phủ ngay trong những ngày đầu chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta. Sau đó, Đoàn trở về tham gia tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954 bằng những chương trình nghệ thuật, với những bài ca cách mạng, những điệu múa đặc sắc, các nghệ sĩ đã tỏa đi khắp các địa điểm để phục vụ chiến sĩ, đồng bào Thủ đô và để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Với những tiết mục hợp xướng như “Đông Nam Á châu”, ” Người Hà Nội”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Quê tôi giải phóng”,…

Cũng trong dịp tháng 10-1954, Đoàn đã vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chiêu đãi. Người đã tuyên dương những thành tích xuất sắc mà các nghệ sĩ của đoàn đã đóng góp từ khi thành lập, đặc biệt là đã góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và chính thức đổi tên đoàn từ Đoàn văn công Nhân dân Trung ương thành Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương với những lời dặn dò thật ân cần, trìu mến mà đầy trọng trách.

Năm 1955, Đoàn được cử đi Vác-xa-va (Ba Lan) tham gia Festival Thanh niên sinh viên thế giới. Trong chương trình này, Đoàn đã mang về những tấm huy chương Vàng thế giới đầu tiên về nghệ thuật cho Việt Nam với các tiết mục múa “Cướp bông”, ” Múa sạp”.

Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các nghệ sĩ diễn viên của Đoàn vinh dự nhận nhiệm vụ quan trọng: Lên đường để phục vụ đồng bào và chiến sĩ tuyến lửa như: K. C. B, Quảng Bình, Vĩnh Linh, bên dòng sông Bến Hải. Đoàn đã tổ chức bí mật hành quân cả ngày và đêm, với các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe thồ để chở các phương tiện kỹ thuật, bảo đảm tính cơ động dã chiến. Đến đâu cần là tất cả các nghệ sĩ cùng hòa mình, khẩn trương triển khai sân khấu phục vụ chiến sĩ các đơn vị trên đường hành quân ra mặt trận. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, những tiếng hát vẫn át tiếng bom, những điệu múa, tiếng đàn vẫn tung cánh bay lên trải dài theo những bước chân của quân đội ta trên khắp chiến trường. Văn hóa nghệ thuật là vậy, những tiếng hát, điệu múa của các nghệ sĩ đã tiếp sức mạnh tinh thần cho chiến sĩ và rồi chính chiến trường, mặt trận và lòng quyết tâm của chiến sĩ lại trang bị thêm tinh thần, và dường như đã làm cho tâm hồn của các nghệ sĩ được phong phú hơn, mãnh liệt hơn qua những câu thơ dung dị, mộc mạc do các chiến sĩ đã tặng Đoàn “Ngày mai bắn máy bay rơi… Chiến công một nửa của người hát hay…”.

1545-nghe-si-chu-thuy-quynh-bieu-dien-tac-pham-mua-ba-me-mien-nam-phuc-vu-tai-chien-truong-b-anh-tu-lieu

Đặc biệt, phải kể đến những chương trình biểu diễn của Đoàn được thực hiện nhiều lần tại bờ Bắc dòng sông Bến Hải. Các nghệ sĩ đã không quản gian khó, bằng hệ thống loa phóng thanh đơn sơ chĩa sang bờ Nam cất lên những tiếng hát quê hương cách mạng làm lay động tình cảm ngay cả những tên lính ngụy đang canh gác bên kia đầu cầu Hiền Lương đã đồng loạt hạ vũ khí để vỗ tay sau mỗi bài hát.Đó là những hình ảnh không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của các nghệ sĩ và những chiến sĩ đã chứng kiến sức mạnh của nghệ thuật cách mạng với các bài hát: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Quay về đi hỡi anh lính cộng hòa”, “Sóng Cửa Tùng”… Những bài hát góp phần thổi bùng lên sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam như “Tiểu đoàn 307”, “Tầm vu”… Những ca khúc đã dấy lên lòng yêu nước, động viên thanh niên nhập ngũ như “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”… qua các giọng ca, mà đến bây giờ vẫn còn lay động người nghe như: NSND Quốc Hương, NSND Trần Hiếu, NSND Thanh Huyền, NSƯT Thanh Đính, NSƯT Kiều Hưng, NSƯT Thanh Hòa, NSƯT Vũ Dậu, NSƯT Đinh Thìn…

Trên những mặt trận chiến tranh ác liệt đi sâu vào vùng địch hậu, mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ, luôn sẵn sàng chấp nhận những hy sinh gian khổ, song lại coi đó là những vinh dự to lớn khi được đóng góp từng giọt mồ hôi của mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Là một nghệ sĩ múa trẻ, tài năng của nhà hát, nghệ sĩ Phương Thảo tuy chưa được cử đi phục vụ chiến trường nhưng chị đã viết đơn xung phong xin được đi phục vụ các chiến sĩ nơi chiến trường tuyến lửa. Cùng với các nghệ sĩ của đoàn, chị đã biểu diễn hết mình và đã giành được nhiều tình cảm của các chiến sĩ qua các tiết mục “Bế Văn Đàn”, “Dệt niềm tin”… Ở độ tuổi tài năng, sung sức, song nghệ sĩ Phương Thảo đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường trong một buổi biểu diễn của Đoàn tại mặt trận Quảng Nam.Từ các chiến trường miền Trung, các nghệ sĩ đã sang biểu diễn trên chiến trường Lào trong trận Pa Thí, Nam Lào, Cánh đồng Chum. Khán giả là những chiến sĩ quân đội hai nước Việt Nam và quân đội Pa thét Lào, họ hưởng ứng nhiệt tình và hô to “Thương cho người đã chết. Tiếc cho người còn sống mà không được xem buổi biểu diễn hôm nay“.

Biểu diễn bên mâm pháo là hình ảnh đẹp nhất khi diễn viên vừa biểu diễn xong lại tiếp đạn cho các pháo thủ khi máy bay đến, rồi lại chăm sóc thương binh.Được gọi là “Con chim đầu đàn” hay “Tên lửa tầm xa” cũng là điều xứng đáng với lớp lớp nghệ sĩ Đoàn VCNDTW, trong những năm đầy gian khó ấy, góp mặt trên hầu hết các chiến trường, nhưng Đoàn đã có những tiết mục múa thăng hoa đi cùng năm tháng như “Chị Tấm anh Điền”, “Qua cầu sông Cái”, “Cô gái Tây Nguyên”, “Bèo hoa dâu”, “Chiến lũy thép”, “Hò kéo pháo”, “Cây tre Việt Nam”, “Quê hương”, “Giữa vòng vây quân thù”, “Bà má miền Nam”, “Ka Tu”, “Đôi bờ”… Những vở opera, những màn giao hưởng dân tộc và thế giới được dàn dựng công phu, hiện đại mà cho đến nay mỗi khi nhắc đến, nó vẫn biểu trưng cho hồn khí của một đơn vị nghệ thuật cấp quốc gia như: “Epghenhi-Oneghin”, “Ông Gióng”, “Mùa xuân Tây Nguyên”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”,… Rồi “Xa khơi”, “Bài ca hy vọng”…

Nhiều người trong Nhà hát đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước như: Nguyễn Xuân Khoát, Chu Minh, NSND Nguyễn Văn Thương, Lưu Hữu Phước, NSND Trọng Bằng, NSND Trần Quý, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Phùng Thị Nhạn, NSND Thái Ly, NSND Xuân Định…

—————

Bài 2: Những ngôi sao sáng của âm nhạc Việt Nam

Vương Hà-Như Bình

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Trackbacks

  1. […] Bài 1: Nhớ một thời “tiếng hát át tiếng bom” […]

Speak Your Mind

*