Nghệ sĩ múa Nguyễn Phúc Hải chia sẻ hình ảnh của một vũ công ballet với các tư thế độc đáo, thể hiện một quá trình khổ luyện, đến mức các nghệ sĩ ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM phải thán phục: “Tuyệt đẹp. Quá nghệ thuật. Số một Việt Nam. Tương lai”. Hay biên đạo múa Tuyết Minh phải nói: “Không thể nói nên lời”. Những lời ngưỡng mộ ấy dành cho Trần Hà Nhi, vũ công, sinh viên ballet, 17 tuổi.
Hà Nhi dành thời gian nghỉ học mùa Covid, khoảng giữa việc chuyển từ Học viện Ballet Kirov, Washington D.C – Mỹ sang Hà Lan nhận học bổng toàn phần tại Học viện Ballet quốc gia Hà Lan, để tập luyện cùng các nghệ sĩ tại TP.HCM. Dù chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi “lánh nạn Covid” nhưng Hà Nhi đã có những ngày tập luyện, chia sẻ đam mê cùng các nghệ sĩ ballet Việt Nam. Đó cũng là dịp để những người yêu mến môn nghệ thuật này biết thêm một gương mặt vũ công, sinh viên Việt Nam nổi bật trên thế giới ở bộ môn nghệ thuật đẹp đẽ và đầy khổ luyện này.
Ảnh: Yuseki Ota Photography
Mẹ của Hà Nhi, chị Nguyễn Thị Thu Hường là người “khăn gói” cùng con trong suốt quá trình học. Có một người con đam mê ballet, đó là hạnh phúc và cũng là nỗi lo của gia đình Hà Nhi. “Gia đình đã yêu thương và tôn trọng mọi quyết định của Hà Nhi, con đã thuyết phục được ba mẹ vì tình yêu quá lớn với ballet. Con chấn thương, con sốt, con đau vẫn muốn luyện tập. Con yêu múa vì vẻ đẹp của môn nghệ thuật này chứ không phải vì nổi tiếng hay những hào quang của nghệ thuật. Nhiều người ngỏ ý nói con hãy chia sẻ nhiều trên facebook, youtube, nhưng con nói giai đoạn này con muốn tập luyện nhiều hơn là thể hiện.
Gia đình tạo điều kiện bằng cách cho con theo học các lớp ballet, cùng tìm trường, cô giáo giỏi cho con; mua cho con giày mới khi giày vừa cũ (điều này rất quan trọng trong tập luyện), khăn gói theo con nếu con muốn tham gia giải ở các nước… Chúng tôi là chỗ dựa khi không phán xét con, không đổ lỗi cho người huấn luyện hay đổ lỗi cho con nếu kết quả không như mong muốn. Chúng tôi yêu thương con bằng cách đưa con đến bác sĩ khi con bị chấn thương, ủng hộ tinh thần con, dù xót xa vô cùng”, chị Thu Hường tâm sự.
Giữa những giờ tập luyện tại studio, Trần Hà Nhi đã trò chuyện về đam mê ballet bền bỉ từ tuổi lên 3 đến nay, 17 tuổi.
Ballet có phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời Hà Nhi?
Tôi đã theo học các lớp múa ballet từ nhỏ. Bắt đầu từ khi 3 tuổi, loại hình nghệ thuật đẹp đẽ nhưng đòi hỏi nhiều sự cố gắng này đã đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời tôi. Từ cuộc thi ballet đầu tiên đến khi tôi xa nhà vào năm 14 tuổi, ballet đã dạy tôi nhiều điều về cuộc sống và cả những chấn thương hơn bất kỳ môn nghệ thuật truyền thống nào. Thông qua ballet, tôi học được nhiều bài học quý giá, có được vô số kinh nghiệm, được trình diễn trên các sân khấu quốc tế và có được những người bạn tốt. Ballet là phần quan trọng nhất của cuộc đời tôi.
Mẹ Hà Nhi kể rằng gia đình từng rất đau lòng bởi có lúc phải dắt, thậm chí bế Hà Nhi đến bác sĩ hằng tháng, và bác sĩ luôn lặp lại câu nói quen thuộc: “À, lại là cô bé này à, lại là cái chân này à…”. Có lần dù chấn thương em vẫn cương quyết nói với cô giáo rằng em có thể trình diễn được và cho rằng với một nghệ sĩ ballet, đêm hôm trước họ trình diễn và sáng hôm sau đi phẫu thuật là điều bình thường. Những chấn thương có khiến em sợ hãi?
Môn nghệ thuật này đòi hỏi sự nghiêm khắc, cần đến sức mạnh, sự linh hoạt, sự chăm chỉ và quyết tâm. Ngay từ nhỏ, những ai học ballet đều được huấn luyện để chuyển động cơ thể theo những cách rất bất thường. Đương nhiên là những chuyển động này đòi hỏi mình phải làm căng cơ thể và đôi khi, đi cùng nó là chấn thương. Tôi từng bị rạn xương, gãy xương, căng cơ và nhiều thứ nữa. Nhưng chấn thương là một phần phải chấp nhận trong cuộc sống của một vũ công, một nghệ sĩ ballet.
Mẹ Hà Nhi nói rằng con gái của mình có cá tính rất mạnh. Từ nhỏ Hà Nhi đã từ chối các lớp học thêm khác để tập trung rèn luyện ballet. Còn có lần, khi Nhi sốt, vẫn bằng mọi cách để trình diễn trên sân khấu?
Ballet không chỉ dạy tôi về đạo đức trong làm việc mà còn xây dựng tính cách của tôi. Có những ngày căng thẳng, vất vả, mệt nhọc nhưng trình diễn chính là lối thoát cho tôi. Nó cho tôi những khoảnh khắc yên bình và vui vẻ. Biểu diễn, trình diễn, với tôi, đó là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất.
Ước mơ lớn nhất của Hà Nhi là gì?
Ước mơ của tôi là được múa trong một vũ đoàn chuyên nghiệp, cạnh những vũ công tài năng có chung niềm đam mê. Học và nhảy múa trong những tiết mục, những bài được biên đạo đẹp là điều tôi ước mong. Khát vọng lớn nhất trong đời tôi là có thể chạm vào, lay động mọi người bằng những vũ điệu của mình. Sự nghiệp của một vũ công khá ngắn ngủi và khó đoán định. Hành trình cuộc sống của mỗi người cũng rất khác nhau, tuy vậy, tôi tin tưởng vào những bài học trong cuộc đời mà ngành nghệ thuật này đã dạy cho mình.
“Hà Nhi là một bé rất có năng khiếu về nghệ thuật múa ballet, trong thời gian tập cùng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch HBSO, em đã thể hiện phong cách tập luyện rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Sự đam mê sẽ giúp em tỏa sáng trên các sân khấu múa của Việt Nam và thế giới trong tương lai”
Biên đạo, nghệ sĩ múa Nguyễn Phúc Hải
Được biết Hà Nhi ăn chay khoảng vài năm nay. Ăn chay có tốt cho tập luyện không?
Tôi cho rằng việc lắng nghe cơ thể mình là điều vô cùng quan trọng. Xét cho cùng, cơ thể/thể xác chỉ là công cụ của chính mình và chúng ta phải cung cấp năng lượng để nó có thể chịu đựng nhiều tiếng đồng hồ trong phòng tập. Tôi ăn chay vì môi trường, vì động vật, vì hành tinh này và vì thực vật nuôi dưỡng cơ thể tôi. Tất nhiên những gì hiệu quả với người này không chắc phù hợp với người khác.
Đầy là lần đầu tiên Hà Nhi tập luyện với những nghệ sĩ ở TP.HCM, cảm giác của bạn thế nào?
Tập luyện với các vũ công ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch HBSO là trải nghiệm vàng với tôi. Tôi học hỏi được nhiều từ họ và cảm thấy vô cùng may mắn. Các anh chị đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Có một điều khá tiếc là vì Covid nên tôi trở về Việt Nam vài tháng, nhưng cũng chính vì vậy tôi không có cơ hội được trình diễn tại quê nhà cùng các đồng nghiệp. Trình diễn ở Việt Nam là một trong những mục tiêu trong tương lai của tôi.
Từ Việt Nam sang Malaysia, đến Mỹ, rồi bây giờ là Hà Lan; bạn tìm kiếm điều gì ở những trường học ballet khắp thế giới?
Mỗi trường đều có những điều tuyệt vời khác nhau. May mắn là tôi có cơ hội đi khắp nơi và được rèn luyện trong môi trường quốc tế. Lần này khi đến Amsterdam, tôi vô cùng hào hứng để mở rộng tầm nhìn và sẵn sàng phát triển bản thân với tư cách là một vũ công. Tôi mong chờ khám phá những phong cách mới, những tiết mục, những tác phẩm biên đạo mới ở trường.
Sinh ra tại Việt Nam, 3 tuổi Hà Nhi bắt đầu học múa ballet khi theo bố mẹ là những kỹ sư sang Malaysia làm việc. Miệt mài học ballet song song các lớp học tại trường quốc tế, nhận nhiều giải thưởng trong khu vực tại Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, cho đến năm 2017, ở tuổi 14, Hà Nhi nhận được học bổng toàn phần 3 năm tại Học viện Ballet Kirov, Washington D.C, Mỹ.
Từ đó, Hà Nhi đoạt nhiều giải thưởng: giải Đặc biệt Tưởng nhớ Fernando Bujones ở Florida năm 2018 với 8 học bổng từ các học viện và trường ballet tại Mỹ (trong đó đáng kể có trường Ballet Houston và Ballet Ellison); Huy chương Vàng và Đồng tại Youth American Grand Prix (YAGP) ở San Francisco năm 2019…
Hà Nhi từng được trao học bổng toàn phần tại Học viện Bolshoi, Moscow – Nga năm 2019 nhưng cô chọn lựa ở lại Mỹ.
Và năm 2020, Hà Nhi quyết định trở thành sinh viên Học viện Ballet quốc gia Hà Lan sau khi nhận học bổng toàn phần từ giải thưởng YAGP.
Trâm Anh thực hiện
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind