Tìm hiểu vũ đạo nước ta qua mảng thư tịch cổ

Trong thư tịch cổ nước ta, bộ sách cổ nhất viết về sinh hoạt văn hóa nước ta mà nay còn giữ được là An Nam chí lược của Lê Trắc. Ở quyển nhất tác giả An Nam chí lược khảo về Phong tục nước ta từ thời xa xưa đến đời Trần. Những tư liệu viết về đời Trần là những tư liệu quý, bởi tác giả là người chứng kiến. Về múa hát, An Nam chí lược cho chúng ta biết: “Trừ nhật, Vương tọa Đoan Củng môn, thần liêu hành lễ tất, quan linh nhân trình bách hý”. Bản dịch của Viện Đại học Huế dịch là: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bầy tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối”(1). Về các loại nhạc cụ, ca khúc nước ta, đến đời Trần đã rất phong phú, An Nam chí lược cho biết: “Nhạc khí có trống cơm… hợp với ống kèn, tháp nứa, cái xập xõa, trống lớn, gọi là đại nhạc…, còn có đàn cầm, đàn tranh, tì bà, đàn thất huyền, song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và quyển thì gọi là tiểu nhạc, không kể sang hèn, ai cũng dùng được. Các bài khúc như Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường, không thể chép hết. Hoặc dùng thổ ngữ làm thi phú, phổ vào âm nhạc để tiện ca ngâm…” (Sđd Tr. 48), v.v. Khi âm nhạc đã phát triển như vậy, chúng ta có thể nghĩ đến việc phát triển của vũ đạo.

Nhưng có điều đáng tiếc là trong thư tịch cổ của chúng ta, viết rất ít về vũ đạo; mà nếu có viết, thì cũng chỉ viết rất chung, không nói vũ đạo thế nào, càng không nói đến các điệu vũ đạo cụ thể. Điều này, không chỉ ở các sách loại chí, ký, sử… mà đến cả loại sách mang tính “chuyên ngành” như phả lục giáo phường… cũng viết không cụ thể. Tuy vậy, đứng ở góc độ sử mà xét, những ghi chép về vũ đạo trong thư tịch cổ nước ta vẫn rất nên tham khảo.

Chúng ta đều biết, bộ Đại Việt sử ký toàn thư là bộ thư tịch cổ rất nổi tiếng của nước ta. Trong bộ sách này, chép khá nhiều về vũ đạo, đây là những tư liệu đáng tin cậy nhất, có mốc thời gian rõ ràng nhất. Như chép: “Mùa thu, tháng 7 (năm Giáp Thân 1044), vua (Lý) đem quân vào thành Phật Thệ, bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ kẻ nào giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên”(2). Lại chép: “Quý Mão, năm thứ 4 (1123), mùa Xuân, tháng Giêng, ngày 25 là tiết Đản thánh, bắt đầu làm nhà múa có bánh xe đẩy đi, sai cung nữ múa ở trên để dâng rượu”(3).

Từ đời nhà Lý, việc múa hát ở nước ta đã phát triển, hình thức phong phú đến như vậy. Đến đời nhà Trần, việc múa hát càng phát triển hơn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép khá nhiều về việc này. Như chép: “Mùa đông, tháng 10 (năm Mậu Thìn – 1268), vua (Trần Thánh Tông) cùng anh là Tĩnh quốc đại vương Quốc Khang cùng đùa ở trước mặt Thượng hoàng (Thái Tông). Thượng hoàng bấy giờ mặc áo vải bông trắng, Tĩnh Quốc múa kiểu người Hồ. Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa kiểu người Hồ để xin áo ấy” (4). Lại chép: “Nhâm Dần, năm thứ 5 (1362), mùa Xuân, tháng Giêng, truyền cho các nhà vương hầu cùng công chúa dâng trò chơi, vua xét định trò nào hay nhất thì ban thưởng cho. Trước đây, khi đánh quân Toa Đô, bắt được người phường hát là Lý Nguyên Cát hát giỏi, những con ở tuổi trẻ các nhà thế gia theo tập hát điệu phương Bắc. Nguyên Cát đóng tuồng truyện cổ, có các tích Vương Mẫu hiến bàn đào, người ra trò có danh hiệu là quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô, cộng 12 người, đều mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, gõ phím đàn, thay đổi nhau ra vào làm trò, có thể cảm động lòng người, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy” (Sđd, Tr. 164).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn chép một chuyện độc đáo trong sử nước ta, đó là việc “Nhật Lễ là con người phường chèo tên là Dương Khương” đã tiếm ngôi nhà Trần được vài năm. Ông vua này, tất nhiên “thích chơi các trò” (Sđd, Tr. 169, 173). Khi chèo, tuồng đã đi sâu vào cung đình như vậy, chèo tuồng trong dân gian chắc cũng phổ biến; mà nói đến chèo tuồng, tất phải nói đến vũ đạo. Có thể nói, vào khoảng cuối đời Trần, vũ đạo được ưa thích, có bước phát triển rất đáng ghi nhận ở nước ta.

Lê Quý Đôn là nhà học giả lớn của nước ta ở thế kỷ XVIII, ông để lại nhiều bộ sách nổi tiếng; trong đó, bộ Vân đài loại ngữ, và bộ Kiến văn tiểu lục đã ghi chép được khá nhiều về các sinh hoạt văn hóa dân gian. Về vũ đạo, bộ Kiến văn tiểu lục để lại những tư liệu quí. Sách này chép: “Sứ Giao tập chép: Trần Cương Trung thường dự yến ở điện Tập Hiền, thấy con trai đóng vai kép, con gái đóng vai đào, mỗi bên 10 người, đều ngồi dưới đất; các thứ đàn, có đàn tì bà, đàn tranh và đàn bầu v.v. Tiếng hát, tiếng đàn hòa lẫn với nhau; khi hát, trước hết dạo giọng, rồi sau mới cất tiếng hát thành lời, ở tầng dưới cung điện có trò leo dây, múa rối, lại có người đóng khố bao, cởi trần, nhẩy nhót kêu gọi; đàn bà đi chân không, mười ngón tay dịu dàng đứng múa, hơn mười người con trai mình đều cởi trần, kề vai dậm chân, quây quần chung quanh mà hát theo, mỗi hàng, cứ một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, khi bỏ tay xuống cũng thế. Hát thì có khúc hát “Trang Chu nằm mộng hóa ra con bướm”, “Bạch Lạc Thiên mẹ ly biệt con”, “ống ngọc tiêu của Vi Sinh” cùng “đạp ca” , “thanh ca” v.v.” (5).

Tác giả bộ Kiến văn tiểu lục còn cho chúng ta biết: “Nước ta có nghệ thuật hát chèo (truyện hý) bắt đầu từ đời Trần” (Sđd, Tr.72). Ông cũng cho biết kỹ:

“Bản triều, niên hiệu Hồng Đức, bộ Lễ định quốc nhạc và tục nhạc là lễ nghi thông hành ở triều đình và thôn xã:

– Làm lễ tế đế vương đời trước và thần kỳ bản xứ gọi là kỳ yên.

– Hát múa trước mặt đế vương gọi là “hát chầu” (thị xướng).

– Hát xướng có chế diễu người làm cha mẹ gọi là “con hát” (xướng nhi).

– Múa hát có ý để bôi nhọ người làm vua quan, gọi là “phường chèo” (xướng ưu).

– Diễn đạt tài năng đủ nghề gọi là “thường ban”.

– Cầm dấu vật gì trong tay gọi là “tàng câu”.

Trước hết đánh luôn ba hồi trống… “ (Sđd. Tr. 72) .

Tác giả sách Kiến văn tiểu lục lại cho biết:

“Lễ bộ chương thứ nhất chép: Đánh thông luôn ba hồi trống, hát khúc Chướng tử, tục gọi sơ cách luyện la lê. Khi ra trình diện ngoài sân rạp, bên nam múa điệu Dương án quỷ, tục gọi múa trai, và múa mười hai cách, tượng trưng mười hai thì thần; múa Tứ phương bát quái, trình bày quê quán họ tên, tục gọi Giáo đầu. Bên nữ múa các điệu âm án ma, tục gọi múa gái, lại vừa đánh đàn vừa hát khúc Nghênh tiên, tục gọi Đánh mã la, và Hát tầng, bên nữ hát khúc Tiểu kiều dương, câu ba, câu bảy. Bên nam hát khúc Dương luật tục gọi hát trai, hoặc dùng sử, hoặc thiết thời, tay cầm năm sênh phách: một là hiến, hai là xoang, ba là bình, bốn là điệp, năm là tòng; ngâm đủ các điệu phú, thơ, hành và kiều dương. Bên nữ hát khúc âm luật, tục gọi là hát gái, dùng đủ các khúc về nữ truyện. Bên nam thổi sáo Thần vũ, tục gọi Dịp sáo, đi rảo bước mà tiến lên. Bên nữ hát khúc Phượng tài bát cổ miên, Hà tây chiết liễu, Nam bắc thi từ, nam và nữ cùng hát khúc Hoa tình hiến tiếu và múa xen nhau điệu múa Thu giang tống biệt. Nam đứng về bên trái, nữ đứng về bên phải, tục gọi là Vãn vỉa cách, Hà nam đoản cách, Quất dương trường cách, dùng tiếng đàn xen lẫn vào. Lại có Tứ thú khôi hài xúc cách, Hoãn ngâm phú hành cách, hoặc Văn tình, hoặc Vũ chúc. Lại có Khối lỗi trường kim mười hai cách. Lại có trẻ bé cùng nhau người xướng lên, người đáp lại, tục gọi Hát đố. Lại có chân đạp, tay múa, miệng hát, tục gọi Sông thao bồ đề tam túc vũ, Thiên tiên, Địa tiên và Thủy tiên; một là Sài lang, hai là Chân đạp; ba là Tiên nữ. Lại hát quốc âm truyện Triều thiên cách, Tán võng ca. Lại Vãn thủy đạm, tục gọi là Vỉa, văn gọi là Lạp đạp hoặc Đạp ca….” (Sđd, Tr.73 – 74).

Sách Kiến văn tiểu lục lại dẫn các thư tịch cổ để cho biết:

“Lễ bộ chương thứ hai chép: các vai ra trình diễn, tục gọi Nói mặt…” (Sđd. Tr.74)

“Lễ bộ chương thứ ba chép: các vai trình nghề, có Bách bạo cách, gọi là Tây (?); có Bình hành cách gọi là Ông Xốm (?); có Bắc vũ gọi là Thằng Ngô; có Đãng du gọi là Con bợm; có Xuyên dương cách gọi là Mụ đĩ; có Liên vũ gọi là Nhiêu oanh; có Hiểm can; có Phú vũ gọi là Nhiêu lập; có Man vũ gọi là Nhiêu hiếu; có Giao điệt gọi là Đánh vật; có Trung thằng đê bình, có Thượng thằng, có Vũ bát, gọi là Múa bát. Đều là theo nhạc nhà Trần”. (Sđd, Tr.74).

Sách Kiến văn tiểu lục lại cho chúng ta biết khá kỹ về điệu múa Bình Ngô ở đời Lê như sau:

“Trong Sử chép: Vua Thái Tổ dùng vũ công định thiên hạ, vua Thái Tông truy nhớ công trước, sáng tác điệu múa Bình Ngô. Mùa Xuân năm Thái Hoà triều vua Nhân Tông, ban yến cho quần thần, múa khúc nhạc Bình Ngô phá trận. Năm Diên Ninh thứ ba (1456), nhà vua tuần du đến Lam Kinh, bái yết lăng miếu, hàng quan văn biểu diễn điệu múa Bình Ngô phá trận, hàng quan võ biểu diễn điệu múa Chư hầu lai triều”… (Sđd. Tr.76).

Có một điều chúng tôi muốn nói thêm là, khi đọc những đoạn dịch trên trong bộ Kiến văn tiểu lục, chúng tôi có đối chiếu lại với nguyên bản chữ Hán trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu: A.32 và VHv.1322/1-2 thấy các dịch giả dịch rất sát; song đọc bản dịch vẫn thấy khó hiểu. Cái khó hiểu ở đây là bởi tác giả Kiến văn tiểu lục đã viết khá sâu vào chuyên môn của nghệ thuật vũ đạo nước ta. Nghiên cứu lịch sử vũ đạo nước ta, Kiến văn tiểu lục là một trong những bộ sách không thể không đọc, càng là nhà chuyên môn càng có thể tìm được nhiều tư liệu quý, giúp ích nhiều cho việc phục nguyên vốn vũ đạo dân tộc.

Vào thời cuối đời Lê và đời Nguyễn, số thư tịch viết về vũ đạo càng nhiều. Theo Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) trong sách Vũ trung tùy bút thì vào thời bấy giờ “các con cháu nhà nghề âm nhạc đều thất nghiệp cả” (6). Nhưng “Tục nhạc ở chốn giáo phường mới thịnh hành”(7)… Trong mục Biện về âm nhạc của Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ bàn khá kỹ về âm nhạc, tất nhiên qua nhạc, chúng ta có thể hình dung được phần nào về vũ đạo, nhưng quả thực việc hiểu vũ đạo qua khâu trung gian như vậy vẫn gặp nhiều hạn chế ! Tuy vậy, nếu gạn lọc, đôi khi chúng ta cũng tìm được vài ý về vũ đạo mà tác giả Vũ trung tuỳ bút bàn đến. Như ông viết: “Nước Nam ta từ thời nhà Lý có người Đạo sĩ nhà Tống bên Trung Hoa sang dạy người dân trong nước múa hát, làm trò, trò tuồng ở nước ta khởi điểm ra từ đấy. Sau này bọn giáo phường mới bày thêm ra lối hát Bát đoạn cẩm tục âm, ta gọi nhầm là Bắt đoạn”.

Theo tác giả Vũ trung tùy bút, hát bội của nước ta có nguồn gốc từ đời nhà Trần; nhưng lúc bấy giờ chỉ do quân lính hát và đi diễu trong phố vào những ngày có quốc tang, về sau nhân dân mới bắt chước, hát vào ngày Rằm tháng Bảy. Ông còn cho biết thêm: “Khoảng năm Cảnh Hưng, những phường hát bội mới pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò vẽ mặt ra múa hát diễu cợt, không khác gì hý trường…” (Sđd. Tr.46). Việc hát tuồng ở nước ta, không ít sách đã nói đến, song phần lớn đều cho rằng, tuồng nước ta khởi nguồn từ việc học Lý Nguyên Cát, một tù binh ta bắt được khi đánh giặc Nguyên thời Trần, song theo tác giả Vũ trung tùy bút, tuồng, hát bội, chèo đều bắt nguồn từ sinh hoạt văn hóa dân gian, tất nhiên, theo ông, vũ đạo cũng như vậy. Chúng tôi nghĩ, nói vậy là hợp lý. Việc học thêm cũng chắc chắn là có, song chỉ là nâng cao. Nhiều nhà nghiên cứu bộ môn tuồng của chúng ta đã từ nhiều phương diện tìm hiểu nét độc đáo của tuồng, về hát bội và nhất là chèo, bản sắc dân tộc càng khỏi bàn dài.

Thư tịch cổ nước ta, tức sách Hán Nôm, còn lại khá nhiều. Số sách này là nguồn tư liệu quý để chúng ta tìm hiểu nhiều phương diện trong lịch sử; trong đó có lịch sử vũ đạo và nhiều mặt khác của bộ môn vũ đạo nước ta. Nhưng đọc hiểu được sách Hán Nôm rất khó. Việc tìm tư liệu về vũ đạo, đọc hiểu được những tư liệu này càng khó. ở trên, chúng tôi chỉ mới có thể giới thiệu vài ba bộ sách Hán Nôm có tính chất tiêu biểu viết về vũ đạo nước ta. Việc giới thiệu như vậy là còn ít so với số thư tịch cổ mà chúng ta còn giữ được. Nhưng chúng tôi nhận thấy trong kho tàng thư tịch cổ nước ta, đúng là có một mảng tư liệu về vũ đạo mà giới nghiên cứu vũ đạo không nên bỏ qua, nhưng mảng tư liệu Hán Nôm về vũ đạo này, cho đến nay, vẫn còn để tản mạn, đọc lại khó hiểu… Bởi vậy, chúng ta nên sớm nghĩ tới, dành thời gian và đầu tư thích đáng để sưu tầm kỹ, biên dịch, chú giải, hệ thống lại… như vậy, mảng thư tịch cổ này mới thực sự trở thành những tư liệu quý đối với việc nghiên cứu vũ đạo nói riêng và sân khấu nói chung của nước nhà.

Trần Lê Sáng

Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1998
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (hannom.org.vn)

Chú thích:

(1) Lê Trắc: An Nam chí lược, Bd. Viện Đại học Huế: 1961, tr. 46.

(2), (3) Đại Việt sử ký toàn thư: Bd, Tập I; Nxb. KHXH, H. 1972, tr. 223, 252.

(4) Đại Việt sử ký toàn thư: Bd. Tập II. Nxb. KHXH, H. 1971, tr. 40.

(5): Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Bản dịch: Lê Quý Đôn toàn tập; Tập II; Nxb. KHXH, H. 1977, tr.71.

(6), (7) Phạm Đình Hổ: Vũ trung tùy bút, Bd. Nxb. Văn hóa; Hà Nội, 1960, tr.44.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*