Được đào tạo và làm việc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp Tây phương gần 20 năm nhưng vẫn mang bên trong “một hồn cốt Việt Nam”, “cầu toàn đến mức như thể bị chứng ODC*, ám ảnh về sự hoàn chỉnh”- Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh – một trong hai nghệ sĩ khách mời của chương trình Connoisseur Art Club đã phác họa về bản thân như vậy.
Triết lý cốt lõi của Ngọc Anh, trong đời sống và nghệ thuật?
Triết lý sống của tôi là cho và nhân, nhưng không phải cho đi một cách vô bổ và nhận về một cách vô tri. Điều đẹp nhất trong cho và nhận là khi cho đi, tôi cảm thấy bản thân như được tái sinh.
Lợi thế của một nghệ sĩ châu Á ưa xê dịch và đang ở vùng giao thoa giữa nhiều nền văn hoá?
Tôi được đào tạo một cách bài bản chuyên ngành ballet cổ điển từ trong nước. Rồi trong thời gian du học, tôi may mắn được gặp gỡ, được truyền cảm hứng từ những bậc thầy và nhiều nghệ sĩ lớn. Quá trình xê dịch, tham gia các dự án quốc tế ở nhiều môi trường nghệ thuật tinh hoa đã cho tôi cơ hội hấp thụ nhiều nền văn hóa.
Thật ra, tôi không quá vất vả để lựa chọn con đường cho riêng mình: trên nền tảng mỹ cảm Tây phương, tôi tìm nguồn cảm hứng từ Á đông và thổi vào đó một tinh thần đương đại.
Xem những vở múa mà anh dàn dựng, nhiều người bất ngờ với cách anh sử dụng những chất liệu Việt và châu Á, chẳng hạn như bó dây sợi cách điệu gợi nhớ bó tóc đuôi gà ngúng nguẩy, nhí nhảnh trong tranh dân gian Đông Hồ. Anh tiếp cận các yếu tố dân gian Á châu theo hướng nào?
Vâng, Phân đoạn Đánh Ghen trong vở Cho Và Nhận, tôi lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ rồi nghệ thuật hoá theo hướng ballet và cho nó một hơi thở mới, một tinh thần đương đại. Tôi không tuân thủ một cốt truyện kiểu sân khấu truyền thống mà sử dụng yếu tố dân gian như một chất liệu.
Chất liệu dân gian Việt Nam có phải là cái exotic (khác lạ) mà anh muốn đãi mắt công chúng ngoài Việt Nam? Nhiều nghệ sĩ châu Á đã làm thế, vậy điểm khác biệt của anh là gì?
Tôi theo trường phái trừu tượng nên không quá câu nệ vào chi tiết. Khi biên đạo, tôi không đi theo một cấu trúc đã được học ở trường mà để bản năng dẫn dắt, có gì như một thứ ánh sáng bên trong chiếu rọi và dẫn tôi đi. Gọi là trực giác hay tri giác cũng được.
Cách đặt vấn đề của tôi cũng không giống như cách mà một số nghệ sĩ đang làm.
Một tác phẩm tôi khá tâm huyết là Mother, I am sorry. Ở đấy, tôi muốn cảnh tỉnh con người, rằng chúng ta đang phá huỷ, tận diệt bà mẹ thiên nhiên. Ở phương diện một cá thể tồn tại trên vũ trụ này, tôi thấy mình có lỗi và muốn đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc, mạnh mẽ với sự vô cảm, vô tri. Khi biên đạo vở Lure, tôi tạo hình một chiếc lưới đánh cá, để thử đặt mình vào đó, nếm trải cảm nhận của loài cá và các sinh loài khác khi bị con người săn bắt, tận diệt.
Một tác phẩm nữa mà tôi và Tạ Thuỳ Chi từng làm ở Hà Nội 2 năm về trước, tôi sử dụng túi nilon. Trong bối cảnh những người có lương tri trên thế giới đang kêu gọi mọi người dừng sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường, tác phẩm của tôi cũng không nằm ngoài mục đích này.
Anh xử lý các yếu tố đối lập Đông – Tây, truyền thống – hiện đại, pop culture – sub culture ra sao trong tác phẩm của mình?
Dù ngôn ngữ hình thể của tôi cũng không mang dáng dấp châu Á, tuy nhiên tôi vẫn mang một thần thái khác biệt và một hồn cốt châu Á bên trong cơ thể mình. Tôi thuần tuý sử dụng các yếu tố châu Á như một dạng chất liệu, để chuyển tải thông điệp.
Chất liệu có thể dân dã, nhưng sự sắp đặt phải thật hoàn chỉnh, trang nhã. Tôi tuân thủ chặt chẽ các nguyên lý của thị giác phương tây, chỉ một yếu tố bị đặt lệch đi không đáng kể, một chút ánh sáng chưa đúng sắc độ, một chi tiết nhỏ thiếu hoàn chỉnh, là tôi cảm thấy bất an ngay.
Những trải nghiệm của anh về công chúng của nghệ thuật đương đại phương Tây và Hong Kong?Anh nhìn nhận và mong đợi thế nào về công chúng nghệ thuật đương đại Việt Nam?
Công chúng nghệ thuật ở Anh và Hong Kong có nhiều khác biệt với công chúng Việt Nam. Hàng ngày, hàng tháng có không biết bao nhiêu show nghệ thuật đương đại ở đó, cho nên họ (một cách tự nhiên) đã hít thở trong bầu không khí đó, cho nên tâm thế tiếp cận tác phẩm của họ cũng khác với công chúng Việt.
Nghệ sĩ nào cũng mong đợi gặp được khán giả, được khán giả yêu mến nhưng ngược lại, ở vị thế của một người sáng tạo, tôi nghĩ bản thân người nghệ sĩ cũng phải rất khắt khe với bản thân, để làm tốt nhiệm vụ định hướng cho công chúng.
Không thể đòi hỏi công chúng phải lớn mạnh lên, phải yêu mến chúng ta, trong khi chúng ta chưa đủ điều kiện để nghệ sĩ được phát huy tài năng, được cống hiến hết mình. Để nghệ thuật đương đại có thể có một vị thế cần phải có trong lòng công chúng, các nghệ sĩ đều phải nỗ lực nhiều hơn, chấp nhận gian nan hơn.
Từ 2010 tôi cũng đã dành nhiều thời gian về Việt Nam, để làm một số lượng show nhất định. Tám năm đó, lượng công chúng nghệ thuật đương đại của Việt Nam cũng lớn dần lên, họ cũng sẵn sàng tới Thái lan, Singpapore và Hong Kong để xem, và tôi thấy vui vì điều này.
Vì sao anh nhận lời tham gia Connoisseur Art Club?
Tôi thấy nó đẹp và ý nghĩa. Khi còn trẻ, tôi được truyền cảm hứng bởi những người thầy là các nghệ sĩ lớn và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Khi đã chín muồi và có nguy cơ khô cạn đi, tôi lại tìm nguồn năng lượng mới từ chính các nghệ sĩ trẻ và môi trường còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng như nơi đây.
Với Tình yêu và Sự kết nối, con người cùng những cảm xúc đa dạng trong cuộc sống đã dẫn dắt tôi đến với sáng tạo cho phần trình diễn lần này tại Connoisseur Art Club. Những sợi dây thun kết nối khán giả nhau và với nghệ sĩ. Mỗi sợi dây thun là một màu, tượng trưng cho các cảm xúc của con người: vui, sảng khoái, buồn, hạnh phúc, đau khổ, sung sướng, hân hoan… chúng ta khi đã có duyên gặp nhau thì những tình cảm chúng ta nhận lại từ đối tượng sẽ phản ánh lại những hành động sau này của đời người. Phát đi như thế nào sẽ nhận lại như thế – Đó chính là sự kết-nối.
Những cảm xúc khi tương tác với khán giả, khiến tôi cảm nhận được sự chân thành của sự kết nối. Đó cũng chính là biểu hiện tuyệt đẹp của tình yêu.
Nguyễn Ngọc Anh sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp xuất sắc múa ballet cổ điển tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam 1998. Từ năm 1998-2002, nhận học bổng toàn phần Nghệ thuật trình diễn tại Học viện Múa Hong Kong.
Từng làm diễn viên cho Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Công ty Hong Kong – New York Dance, Les ballet Persans, Wayne McGregor/Random Dance , Nhà hát Phoenix Dance Theatre, trợ lý giám đốc cho công ty múa Henri Oguike.
Từ 2003, bên cạnh biểu diễn, anh bắt đầu lấn sân sang sáng tác. Ngoài ra anh đã từng tham gia giảng dạy ở các trường nổi tiếng ở London như: London Contemporary Dance school, Laban, Central school of ballet, Bird College. Sau khi được mời làm Artist In Resident 2017, Ngọc Anh hiện tại là giảng viên chính quy ở Học Viện Nghệ Thuật Hong Kong.
Triết lý của Perrier-Jouet là thưởng thức nghệ thuật tinh tế, lãng mạn và say mê. Ngay từ đầu chủ nhân của thương hiệu này đã thường tổ chức những bữa tiệc, mời những vị khách quí lạc vào vương quốc Perrier-Jouet, thám hiểm nghệ thuật và thưởng thức loại champagne độc đáo. Những trải nghiệm quí báu tại khu vườn bí mật của gia đình dòng họ Perrier-Jouet, khiến thực khách không bao giờ quên, rồi học cách khám phá nét đẹp của những tác phẩm trang trí thủ công tinh xảo và nghệ thuật thiết kế trong ngôi biệt thự xinh đẹp. Tình yêu thiên nhiên, âm nhạc và nghệ thuật của đôi vợ chồng dành cho cây, hoa, lá cũng thật kỳ lạ. Tất cả, từ nghệ thuật, thiết kế, vẻ đẹp tự nhiên và hương vị nho độc đáo, hòa trộn tạo thành loại champagne tuyệt hảo.
*(OCD): Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Phạm Tường Vân
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind