Linh Nga khi này tâm sự với chúng tôi, tựa như nàng chim công đang thu vén đôi cánh vũ trong tổ kín ấm áp và an toàn. Chị không hề trốn ai, mà chị đang bảo vệ đôi cánh của chính mình. Tại vì sao?
“Tôi trốn đâu được nhỉ?” Linh Nga cười rồi đáp khi tôi bắt đầu hỏi về sự mất tích của chị trên truyền thông trong nhiều tháng. Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi khi này hoà nhã tựa như loài chim công. “Tôi nghĩ mỗi giai đoạn, cuộc đời lại đưa mình đến những cảm nhận khác. Như thuở đầu về nước tôi nhiệt huyết vô tận, rừng rực như cục pin sạc đầy chỉ chực lao về phía trước. Nhưng giờ thì lại khác.” Chị ngắt quãng. Nhấp một ngụm nước như chuẩn bị cho tâm sự dài sắp được nói ra.
LINH NGA ÐI TRỐN
“Hình ảnh của một diễn viên múa Linh Nga, với tôi quan trọng lắm. Vậy nhưng tôi không có đội ngũ sau mình. Bố là quản lí, em trai phụ truyền thông. Tôi thậm chí còn không có stylist. Tôi muốn tự xây dựng hình ảnh cho mình, mặc sao để được là một Linh Nga trọn vẹn. Thế nên với những sự kiện không hợp, tôi sẽ không nhận tham gia. Điều này khác với Linh Nga tuổi hai mươi, có thể đến sự kiện chỉ để chụp vài tấm hình cũng không thấy mệt. Bây giờ lại thấy phí phạm thời gian lắm. Hay là mình đã quá tuổi thích điệu nhỉ? Giờ đây, tôi chỉ thấy một sự kiện có giá trị khi cho mình điều để học hỏi. Còn đến để giải trí thì…” Linh Nga khi này, dường như đã chìm vào chuỗi tâm sự riêng…
“Trong showbiz vốn nhiều sự kiện như vậy lắm. Tôi tự cảm thấy mình không còn hợp nữa. Tôi cảm thấy có chút lạc lõng, vì khi mình đến cũng không có bạn, không biết nói gì cho hay, đều là những câu chuyện vô thưởng vô phạt. Tôi bắt đầu hạn chế hơn, mà những thương hiệu mình đại diện cũng muốn Linh Nga giữ ổn định hình ảnh. Đâu thể hôm nay Linh Nga thanh lịch, hôm sau cổ quái? Mình nên hướng đến một hình ảnh nhất quán, dù nhiều người nghĩ là an toàn. Không phải vì mình sợ, mà vì chính khán giả cũng quen với diện mạo ấy rồi. Bản thân tôi cũng không thích các trang mạng xã hội, tâm sự những thứ… vu vơ. Tôi thích điều mình làm, nơi mình đến phải có giá trị. Vậy nên việc tôi tiết chế sự xuất hiện trước công chúng, âu cũng bắt đầu từ những tâm sự vậy đấy.”
VÁN CỜ CỦA TUỔI BA MƯƠI
“Câu hỏi này khó nhất đấy”, Linh Nga cảm thán khi tôi nhắc tới ngưỡng ba mươi của đời người. “Khi mình 20 hay 25 tuổi thì ước mơ nhiều lắm. Nó cứ xếp hàng dài. Ngày xưa tôi ước diễn bài này, làm live-show kia, chưa may xong bộ này đã có muốn bộ khác. Nhưng ngày vốn ngắn nên phải nghĩ thực tế hơn. Tôi không viển vông hay “sống ảo” nữa. Những giá trị chớp nhoáng ấy, không còn đáng để hi sinh.
Bạn biết không? Một người phụ nữ đã làm mẹ, dù mẹ sành điệu hay mẹ bỉm sữa, thì luôn nghĩ về phía sau. Họ đi một bước liền quay đầu lại, vì phía sau họ có người. Tôi giờ thích chắc hơn nhanh, chứ ngày xưa ôm đồm vì làm được nhiều việc. Nhiều việc nhưng không tinh! Từng ngày từng giờ tôi cảm nhận rõ ràng điều ấy. Mà tôi kể bạn nghe một chuyện, bạn có biết nghệ sĩ vốn sống về đêm? Đêm lãng mạn, tình cảm, khiến người nghệ sĩ thấy yêu đời. Ban ngày nghệ sĩ thường ngủ và dậy trễ. Nhưng tôi không muốn nhìn mình sống vậy thêm ngày nào nữa. Ngày mới du học về, tuần bảy ngày diễn hoài không mệt. Bây giờ tôi chỉ thích tối nhẹ nhàng, thơ thẩn xem lại những kỉ niệm cũ. Ngày xưa không thích trà nha! Nhưng bây giờ mê mẩn trà mật ong. Đó là một sự già đi đấy.
Bạn hỏi tôi có luyến tiếc tuổi trẻ không ư? Sự thật là tôi rất sợ khi mình làm xong một việc, dù nghệ thuật hay kinh doanh, liền nói một câu mà người Bắc mình thường nói: “À! Biết thế sẽ thế này, thế kia.” Trong nghệ thuật nghĩ vậy là thất bại. Nghệ thuật là một chín một mười. Không phải là món ăn hôm nay thấy mặn, hôm sau nấu nhạt đi. Live-show của nghệ sĩ có thể là lần duy nhất trong cả đời sự nghiệp. Nó là ván cờ đã chơi là phải thắng.
Vậy nên cá cược trong đời làm nghề, cần có một sự tinh. Một mũi chỉ trong thời trang cũng biểu trưng cho sự tinh đó, là điều phụ nữ phải hiểu: Tinh trong làm mẹ, tinh trong nghệ thuật, tinh trong đường mình chọn. Mỗi người nghệ sĩ hơn nhau ở chất riêng, tìm thấy trong cái tinh. Những điều bình thường, nhẹ nhàng nhưng tinh nhất sẽ hợp với Linh Nga. Chứ tôi không hợp với hầm hố và cách điệu. Tôi chọn như vậy, như lời bạn nói, “đi trốn tìm” ư? Tôi không đi tìm, mà phải cảm nhận mỗi ngày mới mong thấy được. Vậy nên tôi sợ người hời hợt lắm. Đừng hỏi Linh Nga dăm ba câu phỏng vấn ngắn, hay thắc mắc tôi ăn gì, dùng gì. Tôi là diễn viên múa cơ mà!
CƠN ÁC MỘNG CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ
“Giá trị của nghệ thuật nằm ở bên trong. Còn nghệ thuật chúng ta đang gọi bây giờ là biểu diễn. Mà biểu diễn thì cứ lên sân khấu là đẹp. Còn tôi tin vào tổ nghề. Như ở miền Nam có những ngày giỗ tổ nghề lớn, lễ bái nhiều. Vì sao? Vì những người nghệ sĩ như anh Thành Lộc dành cả đời tâm huyết, phải đặt cái tâm và đạo đức về nghề lên hết thảy. Tôi cũng áp dụng những yếu tố duy tâm này vào dạy học. Tôi bảo học trò, nghệ thuật phải làm cho người ta sướng, chứ không phải đem đi khoe. Phần thưởng lớn nhất của nghệ sĩ chính là tiếng vỗ tay. Bạn thấy không? Bây giờ ai gặp nhau cũng cầm điện thoại. Nếu sự xuất hiện của mình không khiến họ ngẩng đầu, nghĩa là mình không có giá trị trong họ. Mình có mặc trăm đồ hiệu cũng vậy vì nền tảng văn hoá mới là quan trọng nhất. Người nghệ sĩ, có người như nghệ nhân, dành cả đời làm một nghề cho tinh. Chứ mình thì nhiều kiểu ăn xổi lắm. Nhưng nói đi cũng nói lại, một bài múa hoài cũng chán chứ. Vậy nên tôi thường tìm cảm hứng mới để nuôi lại chính cảm hứng cũ của mình.”
Nghe vậy tôi liền hỏi chị về thời gian. Nhiều người bảo nghệ sĩ sợ nhất là thời gian, khi nếp nhăn xuất hiện mà cơ thể cũng không còn dẻo dai nữa…
“Đúng đấy! Cái gọi là ác mộng của người nghệ sĩ chính là thời gian. Bị thương thì có gì ghê gớm? Nhưng tuổi già làm mình không còn tinh và nhạy khi xử lí kĩ thuật. Cuộc đời tôi sợ nhất là già. Sau đó là giảm cân, vì tôi thích ẩm thực. Nhưng tôi cũng đâu ăn được nhiều vì ăn nhiều sẽ mập. Mập rồi thì đâu có múa được?
Nhưng bạn biết không, có một thời gian tôi buông múa đấy. Tôi buông múa để đi làm việc khác. Dù nhiều người không hiểu vì tôi không chia sẻ. Tôi lắng lại để tìm cảm hứng bên ngoài kia, nơi niềm vui đến từ những chuyến đi và con người. Tôi nhớ lắm, nhớ cái ngày ngồi cùng bàn với các chị nữ doanh nhân, nghe dăm ba câu chuyện trà bánh mà làm nên bài múa “Bé tí teo” cho con mình. Rồi bài múa “Khi đàn chim bay đến” lấy cảm hứng từ khoảnh khắc những chú vẹt tung đôi cánh vũ trong bộ phim RIO của trẻ con. Tôi xem nhiều chương trình để biết thế giới, bạn bè mình vận động thế nào. Chứ một tuần bảy ngày múa bông sen rồi bông súng, thành ra tự mình giết mình, trong chính cái nghề mình theo đuổi.”
ÐỪNG “XIN LỖI” KHÁN GIẢ
“Bạn thấy sân khấu mênh mông vậy, chứ trên đó đôi mắt tôi chỉ nhìn được một hướng. Hướng ấy toàn những mái đầu đen không rõ nhân dạng. Nếu buổi diễn không thành công, đừng than trách khán giả không hiểu. Tôi nghĩ bổn phận của người nghệ sĩ là không được chê trách khán giả. Tôi luôn nói với học trò rằng đừng bao giờ “xin lỗi” họ. Đừng nói với họ hôm nay tôi bệnh nên hát không hay! Đó là sự nguỵ biện. Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu là phải được toả sáng, phải đem phần hay nhất cho khán giả. Khán giả không đón nhận thì mình phải vấn mình trước tiên. Có phải sản phẩm mình không hay, hay mình chưa hoàn hảo? Là người nghệ sĩ thì phải luôn hoàn thiện bản thân mình.
Có những người lập dị, cả đời chỉ làm một tác phẩm nhưng cả thế giới biết đến. Nghệ thuật, phải có một cái chất, nuôi chất đó mãi rồi đến ngày thành công. Vậy nên tôi thấy câu hỏi của bạn rất hay, vì sao tôi “trốn”? Tôi chưa bao giờ núp ai, tránh ai. Tôi thích tôi làm hết, không thích thì từ chối. Vì tôi thấy nhạt nhẽo. Nhạt nhẽo khi công việc không mang lại kinh tế mà cũng chẳng đẹp hình ảnh cho mình. Vì thế đến giờ tôi chưa nhận lời tham gia bộ phim nào. Không phải tôi chê kịch bản không hay, mà đơn giản nội dung ấy không hợp với con người mình. Còn buổi chụp hôm nay tôi thật sự thích đấy. Có một khoảnh khắc khi chuẩn bị ánh sáng, tôi nhìn vào tấm gương lớn và thấy mình bồng bềnh. Một tầng cảm xúc về nghệ thuật hiện ra từ chính trong tấm gương, khẽ khàng thủ thỉ với tôi rằng ấy chính là mình.”
MÚA KHÔNG CHỈ CẦN ÐẸP, MÀ CÒN CẦN ÐẦU ÓC
“Có một thương hiệu tôi làm đại sứ đã được gần mười năm. Từ tủ lạnh, máy giặt đến tận cái quạt! Lúc đầu tôi phản đối. Tôi không muốn xuất hiện quá nhiều, tràn lan vì ngay cả vào bệnh viện mà cũng gặp. Múa là ngành nghệ thuật mà, có sự cao cao tại thượng nhất định. Vậy nên tôi đưa ra một điều kiện, hãng phải đều đặn tổ chức show cho tôi biểu diễn, từ Hà Nội, Sài Gòn hay Đã Nẵng. Nhiều khi nghĩ lại thấy kể cũng lạ thật! Bây giờ nếu nói Linh Nga 30 thì cũng già rồi. Sao không chọn gương mặt mới hơn? Sau này khi trò chuyện, họ trả lời tôi chỉ một câu: “Bởi trân trọng nghệ thuật của Linh Nga.”
Khoảnh khắc ấy tôi như vỡ oà ra, nhận thấy triết lí dành cho mình. Linh Nga phải giữ chất riêng làm giá trị. Giúp tên mình nó thăng hạng trong nghề. Là logo của mình. Chứ bạn biết không? Vì được đặt chung hình với người trong showbiz mà vô hình chung trở thành showbiz, chứ tôi không đặt nặng vấn đề showbiz trong cuộc sống của mình. Tôi trân trọng nghệ thuật tinh túy. Nhưng tôi không giải thích, vì làm sao nói lại với biển người? Nhưng tôi tuỳ cách để xoay hướng những khán giả yêu mến mình, để họ hiểu và tin mình, ủng hộ âm thầm mình.”
Câu chuyện đến đây khiến người viết bài chớm nghĩ, đó giờ báo giới chỉ khắc hoạ Linh Nga như một loài công đẹp, chứ chưa một lần tò mò xem Linh Nga suy ngẫm ra sao. Tôi liền hỏi, liệu có ai nói chị rất khéo, rất thông minh hay chưa? “Không…” Chị ngỡ ngàng đáp.
Tôi giải thích, trong hình dung cố hữu của người đời, người làm nghệ thuật thì đầu óc bay bổng, chỉ chăm chăm làm nghệ thuật thuần tuý. Chiến lược phải để người khác lo. Còn Linh Nga, rõ là biết mình cần gì muốn gì, không để khán giả xoay chuyển mình. Thậm chí còn ngược lại.
“Đúng.” Chị trả lời. “Tôi không để ai xoay mình theo cách của họ. Vì sao? Tại họ không hiểu mình. Thật ra tôi rất khái tính. Tôi không thích làm theo cách người khác áp đặt lên mình. Tất nhiên có những điều mình phải nghe. Nhưng ngông quá, khác quá thì mình chỉnh lại. Dù tôi nghĩ những người ngông là có chất đấy. Họ bất chấp tất cả để thoát ra, để sướng cái đam mê trong con người họ. Còn nghề múa thì chưa đến mức phải ngông như thế. Tôi sẽ chỉ ngồi những cái ghế, mặc những bộ đồ vừa in với mình. Lúc đó tôi, diễn viên múa Linh Nga, mới thực sự toả sáng.
Text: Lương Viết Thanh Tùng
Art Directon: Alex Fox
Photographer: Nick Nguyễn
Makeup&Hair: Quân Nguyễn, Pu-Lê
Photo Assistant: Thanh Hữu
Theo: L’Officiel Việt Nam, tháng 10/2017
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind