Biên đạo múa Lê Ngọc Văn: “10 năm là số 1 trong nhà hát hàng đầu thế giới”

Được Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp tuyển chọn đào tạo tại Viện Hàn lâm Âm nhạc và múa Lyon (Pháp), Lê Ngọc Văn đã có cơ hội nối dài ước mơ trở thành nghệ sĩ ballet tầm cỡ quốc tế. Nhưng ít người biết rằng, để có được vị trí solist số 1 trong Nhà hát Ballet Quốc gia Anh danh tiếng, nghệ sĩ Lê Ngọc Văn đã phải đánh đổi những năm tháng thanh xuân trên sàn diễn và sàn tập.

Bừng sáng trong nhà hát của những ngôi sao

Chúng tôi trò chuyện với biên đạo múa, nghệ sĩ ballet tài năng Lê Ngọc Văn vào đúng thời điểm anh bận rộn nhất trong năm. Anh nói, hàng năm, vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, Nhà hát Ballet Quốc gia Anh (English Natioal Ballet) thường phải biểu diễn 2 suất/ngày, liên tục trong suốt 6 tuần. Từ sáng đến tối khuya, anh và các nghệ sĩ dường như chỉ quanh quẩn ở các nhà hát và sàn diễn. Diễn xong lại luyện tập để chuẩn bị cho các suất tiếp theo. Dù thời điểm chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với anh mới đang là giữa tháng 12/2015, nhưng anh cho biết, Nhà hát Ballet Quốc gia Anh đã kín lịch cho đến hết năm 2017.

Khi tìm hiểu về nghệ sĩ Lê Ngọc Văn, người viết bài đã không khỏi ngạc nhiên xen lẫn khâm phục với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của anh cũng như những thành tích mà anh tạo dựng được ở nhà hát danh tiếng ở London. Những ai đã từng xem bộ phim đoạt giải Oscar “Thiên nga đen” cũng có thể hình dung về cuộc đời lao động nghệ thuật của một nghệ sĩ ballet như Lê Ngọc Văn không khác với trong phim là mấy. Không chỉ có cực nhọc mà còn là một cuộc cạnh tranh khốc liệt đề giữ vị trí solist. Bởi nhà hát của anh, các nghệ sỹ đều được tuyển chọn từ các “ngôi sao” đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hàng năm, nơi đây đều có sự sàng lọc rất khắt khe. Nếu nghệ sĩ nào không giữ được phong độ thì chuyện bị đào thải là tất yếu.

Đến từ một quốc gia không có truyền thống và lợi thế về ballet nhưng Lê Ngọc Văn đã tạo được một vị thế vững chắc ở nhà hát này trong suốt hơn 10 năm qua. Để làm được điều đó, Lê Ngọc Văn đã phải đánh đổi bằng cả những năm tháng tuổi trẻ miệt mài trên sàn tập, đến mức không có thời gian để nghĩ cho bản thân và cuộc sống riêng tư, dù năm nay anh đã bước sang tuổi 39.

10 năm là số 1 trong nhà hát hàng đầu thế giới

Lê Ngọc Văn biểu diễn một động tác khó (ảnh do nhân vật cung cấp).
Lê Ngọc Văn biểu diễn một động tác khó (ảnh do nhân vật cung cấp).

Lê Ngọc Văn xuất thân trong một gia đình mà cả 4 người trong gia đình đều liên quan đến nghệ thuật múa. Bố anh là biên đạo múa, NSND Lê Ngọc Cường, từng là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL). Mẹ anh là Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim An, giảng viên múa Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Em gái anh cũng là một nghệ sĩ tài năng, hiện đang là giáo viên trường múa TP Hồ Chí Minh.

Sống trong gia đình có truyền thống như vậy nên từ khi 11 tuổi, Lê Ngọc Văn đã được chọn vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Ngay từ khi đang theo học tại Trường, Lê Ngọc Văn đã được coi là hiện tượng của trường và “oanh tạc” ở nhiều sân khấu lớn trong và ngoài nước. Ước mơ trở thành một nghệ sĩ quốc tế của Ngọc Văn được nối dài khi anh bất ngờ được Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp tuyển chọn đào tạo tại Viện Hàn lâm Âm nhạc và múa Lyon Pháp (toàn bộ kinh phí học tập và vé máy bay đi lại đều do Pháp chi trả). Đó là năm 1996, đúng lúc anh vừa tốt nghiệp hệ 7 năm tại Trường múa Việt Nam.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp tại Pháp, Lê Ngọc Văn được nhiều đoàn ballet danh tiếng của các nước như: Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển… mời về biểu diễn, nhưng anh đã quyết định ở lại Pháp để làm việc cho Nhà hát Ballet National de Marseille.

Năm 2003 anh được Nhà hát Ballet Quốc gia Anh mời sang làm việc cho đến nay. Đây được coi là một trong những nơi có đoàn ballet nổi tiếng nhất thế giới với dàn diễn viên đến từ 28 quốc gia khác nhau. Vì vậy, với một nghệ sĩ solist thì việc được mời về đây làm việc là niềm tự hào và không có gì hạnh phúc bằng.

Dù sự cạnh tranh của các nghệ sĩ solist là rất khốc liệt nhưng Lê Ngọc Văn luôn giữ vững vị trí là diễn viên hàng đầu của nhà hát. Không dừng lại ở vai trò diễn viên, anh còn chứng tỏ khả năng ở vai trò biên đạo. Không chỉ thuyết phục được giám đốc nhà hát cho dàn dựng vở diễn, Lê Ngọc Văn còn được Đoàn Ballet Thượng Hải mời sang 3 lần để dàn dựng tác phẩm mới.

Không có thời gian cho chuyện hẹn hò

Một tiết mục của Lê Ngọc Văn (ảnh do nhân vật cung cấp).
Một tiết mục của Lê Ngọc Văn (ảnh do nhân vật cung cấp).

Lê Ngọc Văn nói, để duy trì được thành tích, anh phải dành phần lớn thời gian cho việc luyện tập. Sự cạnh tranh cũng chính là động lực buộc người diễn viên phải tập trung cao độ. “Tài năng nghệ thuật là kết quả của năng khiếu bẩm sinh, tố chất riêng có của người nghệ sĩ cộng với lòng đam mê khổ luyện trong hoạt động sáng tạo. Đối với ballet, sự khổ luyện là yếu tố quyết định, chiếm tới 99%, chỉ 1% còn lại là tài năng. Thế nhưng nếu không có cái 1% ấy thì anh chỉ có thể là một “thợ múa” chứ không phải là nghệ sĩ. Người ta thường nói, “Ballet, not for anybody” (tạm dịch: “Ballet không dành cho mọi người”). Học ballet mà không khổ luyện thì không thể thành tài, nhất là để được chọn và mời vào làm việc trong nhà hát ballet danh tiếng hàng đầu thế giới. “Tôi đã phải khổ luyện học tập trong 12 năm ở nước ngoài và cho đến bây giờ vẫn không ngừng lỗ lực cải thiện mình. Đối với tôi, việc rèn luyện thể lực, sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu. Vì nếu có sức khỏe tốt sẽ có tất cả, có thêm ước mơ hoài bão. Ốm nằm xuống thì coi như hết. Vì thế, hàng ngày, ngoài việc luyện tập biểu diễn ballet, tôi vẫn dành thời gian để đi bơi và đẩy tạ để có thể lực tốt nhất”, Lê Ngọc Văn cho biết.

Nói về con trai, NSND Lê Ngọc Cường vừa tự hào, vừa không giấu nổi sự lo lắng khi cuộc đời của con cứ trôi dài trong những suất diễn liên miên. “Văn yêu nghề và giữ dáng lắm. Không phải quá tự tin nhưng tôi có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam hiếm nghệ sĩ ballet nào có hình thể được như Văn và cao đến 1,76m. Nhưng điều mà người làm cha như tôi không khỏi lo lắng là giờ này Văn vẫn không mảy may nghĩ đến hạnh phúc riêng. Có lần tôi sang Anh 10 ngày mà chỉ gặp được con đúng một lần thì đủ hiểu Văn bận rộn đến mức nào. Tôi từng là giáo viên xiếc, hiểu quá rõ những vất vả của nghề múa, nhưng sang đó chứng kiến mới thấy quả thực là xót con. Tập đến sát giờ diễn chừng 20 phút. Diễn xong về nghỉ, sáng ra một vòng quay mới lại bắt đầu như thế. Cũng giục lấy vợ suốt nhưng không ai nói được Văn đâu. Mỗi năm về Việt Nam cũng một đôi lần nhưng cũng không đi đâu chơi cả, chỉ ở nhà với bố mẹ thôi”.

Hỏi quan điểm của nghệ sĩ Lê Ngọc Văn về câu chuyện nhân tài ở nước ngoài không ai muốn về nước vì sợ không có điều kiện phát triển, anh bày tỏ: “Phát triển ở đâu cũng là phục vụ công chúng, không nên phân biệt “ta” hay “Tây”. Ở châu Âu có nhiều điều kiện hoạt động thuận lợi sẽ tốt hơn cho Ballet. Về nước sẽ rất khó cho nghệ sĩ vì Ballet ở Việt Nam không có đất diễn chứ chưa nói đến hàng loạt các vấn đề khác về mức sống và điều kiện làm việc”.

Dù vậy, nghệ sĩ Lê Ngọc Văn cũng tâm sự rằng, khi hết tuổi diễn viên, tôi sẽ theo truyền thống gia đình để truyền lại những kinh nghiệm hữu ích mà bản thân anh đã học được trong những năm ở nước ngoài, để ballet Việt có cơ hội được phát triển hơn. “Tôi cũng hy vọng sẽ được về Việt Nam cộng tác thường xuyên hơn trong vai trò giảng dạy hoặc được điều hành một nhà hát để đưa ballet hoặc múa ra nước ngoài biểu diễn”. Được biết, Lê Ngọc Văn đã có hai lần về nước biểu diễn vào năm 2000 và 2011. Theo NSND Lê Ngọc Cường, cả trong 2 lần ấy, bản thân ông cũng không thể kiếm được chiếc vé thứ 2 vì lượng vé đều bị “cháy”.

Mỗi khi được nghỉ là chỉ mong được về nhà

“Quê hương là bố mẹ, là gia đình, là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Có ai lại không mong nhớ vào mỗi khi Tết đến xuân về được! Tôi có may mắn và điều kiện hơn nhiều người khác là được bố mẹ quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt từ nhỏ nên lại càng mong được về Việt Nam. Hàng năm, theo tiêu chuẩn, tôi được nghỉ đông 2 tuần và những lần đó, tôi đều dành  về nhà để được ăn cơm và nói tiếng Việt như là cách để nạp năng lượng sau những ngày tháng làm việc căng thẳng”.

Đừng vì người khác để hy sinh đời mình

“Đã theo nghề này thì cuộc sống riêng tư phải để sang một bên. Nghệ sĩ ballet rất ít trường hợp lập gia đình khi còn tuổi nghề. Đến người đứng đầu nhà hát của tôi cũng không có thời gian dành cho việc hẹn hò. Những người muốn có gia đình thì phần lớn đều phải chọn cách bỏ nghề. Trong nhà hát của tôi chỉ có khoảng 5% nghệ sĩ lập gia đình. Theo tôi nghĩ, được cái này thì mất cái kia, chúng ta không thể có tất cả mọi thứ một lúc được. Nhiều khi phải hy sinh những sở thích, mong muốn cá nhân để đạt được ước mơ hoài bão. Mỗi người chỉ có một cuộc đời duy nhất, hãy sống cuộc sống của chính mình, tập trung cho ước mơ mà mình mong muốn. Đừng vì người khác để hy sinh cuộc đời mình”.

Lương cũng chỉ vừa đủ sống ở Anh

Theo NSND Lê Ngọc Cường, dù hoạt động vất vả nhưng lương của nghệ sĩ ballet cũng chỉ đủ sống chứ không hề dư dả và Lê Ngọc Văn cũng không là ngoại lệ. Nghệ sỹ ballet ở nhà hát hàng đầu thế giới này chỉ có tiền lương chứ không có các khoản phụ khác như ở Việt Nam. Tính ra tiền Việt thì mỗi tháng, Văn được trả khoảng 60 triệu đồng. Ngôi nhà hiện nay của Lê Ngọc Văn ở London (được NSND Lê Ngọc Cường ví nằm ở vị trí giống như Tràng Tiền vậy) cũng là do gia đình mua cho. “Dù vậy, Văn chưa bao giờ nghĩ đến việc có giàu hay không mà chỉ có một tâm nguyện là mong được làm nghề. Những sở thích cá nhân, hạnh phúc riêng tư còn không nghĩ đến thì nói gì đến những thứ khác. Vì có tiền có khi cũng chả biết tiêu vào lúc nào”, NSND Lê Ngọc Cường hài hước.

Thanh Hà

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*