NSND Chu Thúy Quỳnh: “Không có nghề múa thì không có tôi ngày hôm nay”

Hình ảnh của NSND Chu Thúy Quỳnh:

Là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An, Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh được báo giới trong và ngoài nước ưu ái dành cho các mỹ từ “cánh chim không mỏi trong tốp đầu đàn”, “ngôi sao múa từ bầu trời phương Đông”… Những năm 60-70 của thế kỷ trước, nói đi xem chương trình của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương, tức là đi xem Thúy Quỳnh múa. Hơn 50 năm đóng góp tích cực với nghề, cho đến nay đã vào tuổi cổ lai hy thì nỗi trăn trở và niềm đam mê với nghề càng lớn hơn bao giờ hết… NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam – đã dành cho Hồn Việt cuộc trò chuyện.

* Được biết, chị là hậu duệ của Đại Nho Chu Văn An. Có cái gì lạ lùng khi con cháu của một vị Đại Nho – mà Nho thì không thích múa – đi vào nghiệp Múa không?

– Đúng vậy, đến tôi là hậu duệ đời thứ 27 của dòng họ Chu Văn An và chúng tôi cảm thấy rất may mắn, tự hào và vinh dự khi mình thuộc dòng dõi nhà Nho. Theo tôi, nhà Nho là những người có văn hóa cao, đã xếp nghệ thuật vào bộ “Cầm – Kỳ – Thi – Họa” mà Múa cũng là hình thức nghệ thuật cao từ xưa đã được phổ cập trong triều đình như múa cung đình, múa tâm linh trong những dịp tế, lễ như múa Lục cúng hoa đăng, múa Bài Bông…

Và chúng ta cũng thấy ở nước bạn Campuchia, người múa tiêu biểu nhất Hoàng gia là công chúa Bophadevi. Quốc vương Norodom Shihamoni đã từng là giảng viên múa…

Tôi có người bác đi vào Sài Gòn từ khi chưa tiếp quản Hà Nội. Sau khi giải phóng miền Nam, tôi được vào Sài Gòn biểu diễn ở Nhà hát Sài Gòn. Lần đó, tôi múa một điệu múa “quê hương” kể về hai người yêu nhau, chia tay nhau ra mặt trận, trước khi lên đường họ đã ôm nhau từ biệt. Bác tôi xem xong gặp tôi tỏ vẻ không vui.

Tôi thưa với bác: “Đây là biểu diễn trên sân khấu!”, và cũng giải thích cho bác tôi hiểu rằng, nghệ thuật Múa mang tính trừu tượng rất cao, nhưng cũng phải bộc lộ được cuộc sống một cách chân thực nhất, vì bất cứ ai khi chia tay đều bịn rịn như thế…

pic
Bác Hồ tiếp các bạn Liên Xô cùng xem điệu múa Những anh chàng không may, năm 1956

Bây giờ các cụ lại rất tự hào khi có một đứa cháu gái là nghệ sĩ, được Nhà nước công nhận. Giờ đây, vào tuổi cổ lai hy rồi nhìn lại mình, mới thấy nghề múa đến với tôi như duyên trời định. Bởi nếu không có nghề múa thì không có tôi ngày hôm nay.

* Và nếu không có Múa thì cũng không có mối tình đẹp giữa chị và NSƯT Mạnh Hùng?

– Vâng, đúng như vậy. Chính anh Hùng cùng với NSND Phùng Thị Nhạn và NSƯT Hoàng Châu là người tuyển tôi vào Đoàn Văn công Trung ương. Lúc đó, anh 18 tuổi còn tôi mới 13. Vừa thấy tôi và Xuân Quỳnh vào (trông Xuân Quỳnh thì dù sao cũng ra dáng thiếu nữ còn tôi vẫn như một em bé thôi), thì chính anh Hùng lúc đầu không muốn nhận tôi vì cho là tôi còn bé quá. Sau đó, chúng tôi cùng đi công tác với nhau, rồi trở thành bạn thân, và yêu nhau. Yêu, 8 năm mới cưới. Cưới, 5 năm mới sinh con. Đứa con trai duy nhất của chúng tôi hiện là cán bộ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam – nơi tôi và anh công tác suốt cuộc đời.

Suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chúng tôi đã biểu diễn trên sân cỏ, cánh đồng, sân ga, sân đình, bên mâm pháo, dưới hầm sâu, trên khoang tàu, bên dòng sông Bến Hải, trên biên giới Việt Nam – Lào và cả bên giường thương binh. Không có điện thì có đèn dầu hoặc ánh trăng. Khán giả vẫn say sưa xem và yêu cầu múa hát lại. Rồi các chiến sĩ đã làm câu thơ:

“Ngày mai bắn máy bay rơi

Chiến công một nửa tặng người múa hay”

Điều thú vị nữa là những chuyến biểu diễn ở nước ngoài (hơn 40 nước), từ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc và các nước Đông Nam Á. Ở Nhật Bản, khán giả đến trước để cùng tập hát các bài Việt Nam: Vì nhân dân quên mình, Kết đoàn, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ở Pháp, ở Ý, Algeria, Áo và nhiều nước khác, khi các điệu múa của Việt Nam xuất hiện, họ liền vỗ tay và hô to: “Việt Nam – Hồ Chí Minh!“, “Việt Nam – Điện Biên Phủ – Giáp Giáp – Hồ Chí Minh!“.

Và sau buổi biểu diễn khán giả xếp hàng bên ngoài chờ chúng tôi ra, hàng đoàn xe cắm cờ Việt Nam đưa đoàn về nhà nghỉ, có những đoạn đường đi hàng trăm cây số, vừa đi vừa hô “Việt Nam – Việt Nam muôn năm! Việt Nam – Hồ Chí Minh!“. Nghệ thuật Việt Nam, trong đó có nghệ thuật Múa đã mang đến sự cảm hứng và lòng yêu mến hữu nghị của bạn bè khắp thế giới.

pic
NSND Chu Thúy Quỳnh trong điệu múa Gặp gỡ bên mâm cỗ pháo, năm 1965

Trong thời kỳ đánh Mỹ, những năm 1966-1967 chúng tôi đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình (Khu 4) biểu diễn cho bộ đội xem. Lúc nào Mỹ ném bom thì chúng tôi xuống hầm biểu diễn. Chúng tôi được nghe những câu chuyện của các chiến sĩ, chuyện giữa chàng pháo thủ, cô dân quân và anh hải quân – ba lực lượng cùng nhau bắn rơi máy bay, và từ đó sáng tác điệu múa Gặp gỡ bên mâm pháo diễn ngay ở chiến trường cho bộ đội xem ở bên mâm pháo. Những điệu múa như thế được các chiến sĩ hoan nghênh lắm vì họ thấy được đúng là của họ. Đấy là những kỷ niệm rất sâu sắc đối với tôi.

Đến năm 1982, tôi đi Ấn Độ học múa thì anh Mạnh Hùng phải vào bệnh viện – anh bị ung thư giai đoạn cuối. Có thể nói, trong tình yêu – cuộc sống – sự nghiệp của tôi, anh đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Tình yêu chúng tôi đẹp như một giấc mơ, và tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút quý báu mà chúng tôi đã từng có bên nhau.

* Chị có thể kể cho độc giả Hồn Việt một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời múa của chị, trong đó có những kỷ niệm về Bác Hồ?

– Đợt đi biểu diễn đầu tiên của tôi là một kỷ niệm sâu sắc gắn cùng với sự kiện lịch sử 300 ngày quân ngụy – Pháp rút xuống tàu để đi vào Sài Gòn. Suốt thời gian ở khu vực 300 ngày đó, tôi cùng các anh chị trong Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương là chị Xuân Quỳnh, anh Như Bình, anh Mạnh Hùng và nhiều nghệ sĩ của đoàn trực suốt cả ngày ở ga Phạm Xá – ga giữa Hải Phòng với Hà Nội – để biểu diễn. Khi tàu nghỉ 15-20 phút thì lính Pháp và lính ngụy ngồi trong tàu, ngồi trên nóc tàu chăm chú nhìn xuống xem chúng tôi biểu diễn, rồi tàu chạy. Có lẽ vì tránh biểu hiện sự nồng nhiệt quá mức nên họ chỉ vẫy vẫy tay nhè nhẹ và chúng tôi thấy được họ cười rất là vui vẻ.

pic
NSND Chu Thúy Quỳnh trong điệu múa Cánh chim và ánh sáng mặt trời, năm 1966

Một kỷ niệm về nghệ thuật nữa mà tôi không thể nào quên được là khoảng năm 1960, 1961, tôi vào vai Cám trong kịch Tấm Cám – vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam dàn dựng và được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lúc đầu, tôi đóng vai Cám còn NSND Phùng Thị Nhạn đóng vai Tấm. Cám chanh chua, điêu ngoa, đáo để…

Tôi ra chợ quan sát các bà bán hàng giằng co nhau, xỉa xói nhau như thế nào để bắt chước. Sau đó tất cả các động tác ấy ăn sâu vào tôi như là của chính mình vậy. Tôi vào vai Cám rất đạt và được nhiều khen ngợi. Nhưng không may chị Phùng Thị Nhạn bị ngã, phải mổ đầu gối, không tiếp tục đi biểu diễn được. Các chuyên gia và đạo diễn đã chọn tôi đóng vai Tấm, còn vai Cám chuyển cho NSƯT Lê Vân Quyên. Đây có thể nói là một sự đổi đời của tôi (cười).

Lại một lần nữa tôi lo lắng làm sao để vào vai Tấm. Thế rồi, một buổi chiều, khi đang ngồi ăn cơm, tôi liền nghĩ ra động tác khâu vá. Rồi học từng cách bắt cua bỏ giỏ, cách hái rau. Cũng may là thời mới vào đoàn, tôi có đi thực tế về với nông dân. Chúng tôi đã cùng dân cày bừa, đi cấy, đi gặt… nên biết được các động tác để đưa vào vai diễn.

Một bài học về rèn luyện thân thể Bác dạy mà tôi không bao giờ quên là Bác nói tôi phải đào một cái hố đất, cứ đào đất bỏ lên rồi xuống hố nhảy lên, càng sâu bao nhiêu thì nhảy càng cao bấy nhiêu. Tôi hiểu đây là Bác dạy với ý rèn luyện đức kiên trì, chứ không phải Bác nói tôi phải làm đúng y như vậy. Và bài học đó đã có ích không chỉ đối với nghề múa mà còn nhắc nhớ tôi phải kiên trì, nhẫn nại khi làm bất cứ việc gì.

Và một kỷ niệm khiến tôi tạc dạ ghi tâm đó là vào cuối năm 1955, Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương vào phục vụ khách quốc tế. Bác đi vào phòng biểu diễn từ cửa sau, nhìn thấy Bác tất cả chúng tôi đều reo hò: “Bác Hồ, Bác Hồ!”.

Bác ân cần hỏi: “Các cháu là đoàn nào?”. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương khi đó là trưởng đoàn, liền thưa: “Thưa bác, chúng cháu là Đoàn Ca Vũ Nhân dân Trung ương”. Bác liền hỏi ngay: “Ca là gì?”. “Thưa Bác, ca là hát ạ!”. “Thế Vũ là gì?”. “Thưa Bác, vũ là múa ạ!”. “Vậy tại sao không gọi là hát múa”. Và từ đó, đoàn có tên là “Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương”.

Và rồi, Bác lại hỏi tiếp: “Thế cháu nào bé nhất đoàn?”. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương vừa nói vừa vẫy tôi từ phía sau: “Thưa Bác, bé Thúy Quỳnh là bé nhất ạ!”. Tôi vô cùng sung sướng tưởng như mình vừa mơ được gặp ông Tiên vậy. Và sau đó, tôi thường xuyên được vào thăm Bác.

Khi được ngồi cạnh Bác trò chuyện, Bác không chỉ hỏi han riêng về cá nhân tôi mà Bác còn hỏi thăm về cuộc sống của tất cả mọi người trong gia đình tôi. Khi Bác đến thăm đoàn bao giờ Bác cũng xuống nhà bếp trước, xem chúng tôi ăn uống thế nào, vệ sinh có sạch sẽ không rồi Bác đi xem nơi ăn ở, xem chăn màn có gọn gàng không… Lần nào cũng vậy, Bác đi xem qua một lượt rồi mới tập trung chúng tôi lại để nói chuyện.

Những năm 1965-1966 là những năm chiến tranh, nhưng Bác vẫn cho người đón tôi vào Phủ Chủ tịch. Vào nhà Bác, tôi đọc báo cho Bác nghe, nói chuyện với Bác, sau đó thì cùng Bác xuống xem phim.

Còn nhớ có lần tôi vào thăm Bác từ sáng sớm, đọc báo cho Bác nghe xong, Bác nói tôi xuống ăn cơm với Bác. Thấy Bác ăn rau muống chấm tương, tôi mới hỏi: “Thưa Bác, sao Bác không chấm nước mắm?”. Bác nói Bác không thích mùi nước mắm. Tôi hỏi tiếp: “Sao Bác không cho làm một loại nước mắm đặc biệt cho Bác?”. Bác trả lời: “Không, Bác có phải là vua đâu mà làm riêng”.

Có một kỷ niệm nữa, dịp Đoàn Ca Múa Nhạc Triều Tiên sang biểu diễn ở Việt Nam. Đoàn Triều Tiên có một cô bé có tên Sho Shong Oc (Đoàn Nhật Ngọc), lớn hơn tôi 2 tuổi. Tôi và bạn Đoàn Nhật Ngọc cùng ngồi xem với Bác. Bác hút thuốc lá để trong hộp sắt nho nhỏ. Khi Bác hút hết hộp thuốc lá, Bác mới khe khẽ nói với tôi rằng: “Thôi nhé, để cho bạn nhé vì bạn mới sang”.

Tôi nói: “Vâng ạ!”. Thế là Bác đưa cho bạn Triều Tiên hộp thuốc đó. Và độ khoảng 2 tuần sau, tôi vào thăm Bác thì đồng chí Vũ Kỳ – một trong những người gần gũi với Bác – đưa cho tôi hộp thuốc lá giống như cái hộp hôm trước Bác cho bạn Đoàn Nhật Ngọc. Đồng chí Vũ Kỳ nói, “Bác cho bé Quỳnh để đựng kim chỉ này”.

Khi Bác mất, đi trong dòng người tiễn Bác, dường như không có mấy khi chân tôi đặt xuống đất vì tôi bé nên cứ như được nhấc bổng lên trôi theo dòng người…

pic
Bác Hồ chụp ảnh cùng NSND Chu Thúy Quỳnh (trái) và nghệ sĩ múa Triều Tiên (Đoàn Nhật Ngọc) tại Phủ Chủ tịch, năm 1958

* Nghề múa khó như thế mà sự đãi ngộ xem ra không tương xứng thì làm sao thu hút các em vào học? Theo chị, mình phải có bước đột phá thế nào trong đào tạo, sáng tác, biểu diễn để cho Múa chiếm giữ địa vị xứng đáng trong các nghệ thuật, và chính nó sẽ tạo ra công chúng thưởng ngoạn có trình độ?

– Là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, tôi đã từng phát biểu về các chính sách đối với văn nghệ sĩ nói chung và đối với nghệ sĩ múa nói riêng. Múa là nghề phải vào thật sớm mà lại phải nghỉ thật sớm. Tức là vào học khoảng 9-11 tuổi, hoặc muộn nhất là 14-15 tuổi, rồi học miệt mài 7 năm mới ra (bây giờ có thể là 4-5 năm nhưng trước đây nhất định là 7 năm). Học xong thì đã 17-18 tuổi, có người 20 tuổi, thế nhưng ra phục vụ độ khoảng 5-10 năm thì cũng là hơi lâu rồi. Vào tuổi đó, còn phải cưới vợ lấy chồng sinh con rồi cũng phải có cuộc sống sinh hoạt như một cán bộ bình thường.

Người ta làm việc 4 tiếng thì nghệ sĩ múa phải làm từ 6-8 tiếng. Trước đây, phụ cấp ngành Múa được cao hơn các ngành khác, ngang với công nhân hầm mỏ, những người lao động nặng nhất. Ban đầu được 18kg gạo, sau đó được 21kg, sau đó được 24kg. Lương bình thường 18 đồng thì nghệ sĩ múa được 21 đồng. Tất cả những đãi ngộ đó cho thấy Nhà nước đánh giá cao lao động của nghề múa.

Nay nước ta đã hội nhập quốc tế, phải lo kinh tế, nhân lực, tất cả các ngành đều phải phát triển… Vì vậy, đầu tư cho một vở diễn không thể đầu tư một cách chung chung mà đòi hỏi rất nhiều thứ. Diễn viên múa luyện tập không chỉ về nhà tự tập một mình được vì đòi hỏi tính tập thể rất lớn. Nghề múa là nghề khổ, khó và nặng như thế nhưng nếu được Nhà nước quan tâm, đầu tư và tạo điều kiện cho chúng tôi hơn nữa thì chúng tôi chắc chắn không thua kém gì các ngành khác.

* Chị có nghĩ đến một sàn diễn riêng biệt cho Múa, chứ không phải ở mức múa minh họa? Nhưng ở ta hình như người ta còn chưa coi trọng Múa lắm, chưa đầu tư đào tạo, biểu diễn… cho Múa? Lâu lâu, có liên hoan thì mới có vài vở múa mới, nhưng cũng không rõ nét lắm để nó được xem là một nghệ thuật đỉnh cao? Ý chị thế nào?

– Tôi luôn luôn xác định, mình phải làm tốt công việc nghề nghiệp, phải làm sao cho xứng với sứ mệnh của mình. Mấy ngày nay, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc ở Buôn Ma Thuột, các nghệ sĩ múa được nhiệt liệt khen ngợi, khán giả đến xem rất đông. Thậm chí hôm vừa rồi Đoàn Hòa Bình – một đơn vị đã mời đồng bào dân tộc thiểu số về xem biểu diễn thì đồng bào dân tộc Mường ở Buôn Ma Thuột mặc quần áo dân tộc trang trọng đến xem đoàn biểu diễn.

Tôi nghĩ không có gì là trở ngại nếu chúng ta có điều kiện, Nhà nước cho phép và các mạnh thường quân đầu tư cho chúng tôi như đầu tư cho các bộ môn nghệ thuật khác, nhất định chúng tôi sẽ làm được, nhất định chúng tôi sẽ có khán giả. Hiện nay không phải không có nước ngoài muốn đầu tư. Tại sao mình không làm?

* Múa là một nghệ thuật vận dụng toàn bộ thân thể và tâm hồn. Ở Việt Nam, trừ các dân tộc thiểu số, thì truyền thống Múa rất yếu. Ta cần xây dựng một nghệ thuật Múa Việt Nam như thế nào để vừa hiện đại, vừa mang bản sắc dân tộc?

– Trước hết, ta không thể dùng chữ yếu, phải nói rằng ngành Múa hiện nay đang rất phát triển, người ta biết kết hợp giữa dân tộc với hiện đại. Tuy nhiên, trong ngành Múa cũng có những nhược điểm. Thứ nhất là nhiều tác giả còn chạy theo thị hiếu bên ngoài, hai là còn có những điểm học lẫn nhau nhưng lại không nhuần nhuyễn…

Tiếp tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Múa riêng và đồng thời tổ chức quảng bá các chương trình nghệ thuật Múa rộng rãi trong công chúng trên truyền hình. Hiện nay, kênh truyền hình HTV1 (Hà Nội) thường xuyên có chương trình múa đến năm 2013.

Tôi cũng đặt vấn đề với các kênh truyền hình khác, như kênh ANTV chẳng hạn. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc hội thảo về nghệ thuật Múa dân tộc và hiện đại, tổ chức những cuộc thi sáng tác tác phẩm múa dân tộc… Đặt vấn đề bảo tồn và phát huy làm sao? Hội nhập thì phải thế nào?… Đó là cuộc phấn đấu không mệt mỏi để có một nghệ thuật Múa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và được công chúng công nhận… Đặc biệt, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam sẽ tổ chức những đêm biểu diễn múa phục vụ khán giả ở khắp nơi với các tiết mục và tác phẩm có chất lượng tốt.

Tôi tin vào các nghệ sĩ múa Việt Nam, đặc biệt là sức lực và tuổi trẻ sẽ hết mình cho nghệ thuật Múa Việt Nam.

* Xin cảm ơn và xin chúc chị hạnh phúc! 

Bích Đào thực hiện

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*