Đâu là lối thoát cho múa

Làm thế nào để múa trở lại với công chúng chứ không đứng ngoài sinh hoạt nghệ thuật hiện nay là trở trăn bấy lâu của người làm nghề. Nhưng quan điểm, cách nghĩ của thế hệ nghệ sỹ múa đi trước và thế hệ hôm nay không phải lúc nào cũng gặp nhau.

Hội nhập hay bản sắc

Cuộc hội thảo Những vấn đề hiện đại trong nghệ thuật xây dựng tác phẩm múa diễn ra tại Hà Nội ngày 4/11/2012 ghi nhận nhiều ý kiến lệch dòng. Trong khi nhiều nghệ sỹ lớn tuổi nhấn mạnh vào yếu tố bản sắc, yếu tố dân tộc, thì một số ít biên đạo trẻ dè dặt đề xuất sự bức thiết của hội nhập. Một bên coi trọng sự chuẩn mực truyền thống, một bên gợi ý về sự phá cách như một khuynh hướng sáng tác.

Hiếm hoi có những nghệ sỹ như Trịnh Quốc Minh mạnh dạn dẫn lời GS Ngọc Oanh để khẳng định: “Ngày nay không thể chấp nhận một văn hóa dân tộc tồn tại biệt lập, tự trị, cao ngạo về những giá trị mình làm ra. Văn hóa dân tộc này phải đặt trong xu thế giao lưu với văn hóa dân tộc khác. Chỉ như vậy văn hóa mới hội tụ đủ điều kiện để vận hành theo những quy luật tất yếu khách quan của nó“.

Từ thực tế giảng dạy nghệ thuật múa, Trịnh Quốc Minh cho rằng việc giao lưu, hòa nhập vào dòng chảy của thế giới là hướng đi tất yếu để múa phá bỏ bức tường ngăn cách với công chúng, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của công chúng hiện đại.

Biên đạo múa Quỳnh Lan thẳng thắn nêu một vấn đề tế nhị: “Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam chưa quyết liệt trong vấn đề giao lưu, hội nhập quốc tế”.

Sự khép kín, ít tiếp xúc với nghệ thuật múa của các quốc gia phát triển và lệ thuộc vào những nguyên tắc cũ, công thức cũ là một trong những nguyên nhân cản trở sự sáng tạo của nhiều biên đạo múa.

Quỳnh Lan chia sẻ bản thân chị cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của những lý luận truyền thống về múa. Nhưng trong quá trình làm việc, những quan điểm mà chính chị được đào tạo đã bộc lộ những bất đồng với tư duy sáng tạo hiện đại.

Môi trường quốc tế với nghệ thuật múa phát triển đã cho một số biên đạo múa trẻ một tư duy hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc mà không ai bảo “đó không phải Việt Nam” (Trong ảnh: Tác phẩm Thiền của Trần Ly Ly)

Trước đây tôi luôn nghĩ trong tác phẩm múa thì múa phải là trung tâm, những loại khác chỉ tô điểm cho múa mà thôi. Nhưng giờ tôi tự thấy mình có nhu cầu xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp. Có thể trong tác phẩm múa, tôi đưa thanh nhạc vào, bởi tôi thấy đến đoạn đó, chỉ có thanh nhạc mới lột tả hết ý tưởng và cảm xúc của tôi.

Trước đây, ta cứ quan niệm rằng: đưa một đạo cụ lên sân khấu thì phải khai thác triệt để đạo cụ đó, khiến cho nhiều tác giả, trong đó có chính tôi, loay hoay đủ cách để sử dụng triệt để đạo cụ mà quên mất mạch chính của tác phẩm. Giờ thì tôi nghĩ không cần thiết phải như thế, đạo cụ chỉ là một cái cớ và không nhất thiết phải xoáy vào“.

Quỳnh Lan dẫn chứng, trên thực tế, những tác phẩm múa giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi chuyên nghiệp và được công chúng biết đến trong thời gian qua hầu hết đều của các biên đạo múa đã có thời gian được đào tạo và làm việc ở nước ngoài. Môi trường quốc tế với nghệ thuật múa phát triển đã cho họ một tư duy hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc mà không ai bảo “đó không phải Việt Nam” như Mùa đom đóm (Cao Đức Toàn), Nữ thần đen, Thiền (Trần Ly Ly), Sương sớm (Tấn Lộc), Dấu trừ (Ngọc Anh)…

Hội nhập, theo biên đạo Quỳnh Lan, còn được hiểu theo khía cạnh hòa nhập vào chính thị trường nghệ thuật trong nước. Hiện nay, nhiều biên đạo và nghệ sỹ múa chuyên nghiệp gần như chọn cách đứng ngoài thị trường trong khi các vũ công không được đào tạo chuyên nghiệp trong các vũ đoàn lại có một môi trường hoạt động sôi nổi để phát triển tài năng.

Quỳnh Lan chia sẻ: “Khi nhận được lời mời của chương trình Thử thách cùng bước nhảy, tôi cũng đắn đo mãi không biết có nên nhận lời hay không. Bản thân dù chưa phải một biên đạo nổi tiếng nhưng cũng ngại xuất hiện để mọi người bình luận soi xét. Tôi biết nhiều biên đạo cũng giống như tôi và họ từ chối lời mời. Chính sự rụt rè, ngần ngại này hạn chế chúng ta trong một môi trường không cởi mở, không sẵn sàng thể nghiệm“.

Biên đạo Quỳnh Lan cũng lý giải nguyên nhân vì sao chỉ có 4/20 thí sinh vòng chung kết Thử thách cùng bước nhảy là nghệ sỹ chuyên nghiệp: “Các nghệ sỹ chuyên nghiệp trong quá trình học lao đầu vào bốn bộ môn trong nhà trường mà ít tìm tòi, cập nhật những xu hướng múa mới. Điều này khiến các bạn ấy bị hẫng khi đứng chung một sân chơi với các vũ công không học bài bản. Trong khi các vũ công ấy rất đa-zi-năng, có khả năng thể hiện tốt nhiều thể loại khác nhau, thì các bạn chuyên nghiệp đa số chỉ có thể làm tốt cái chuyên ngành được đào tạo”.

Cần một sân chơi chuyên nghiệp cho múa

NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam – chia sẻ: “Để múa có thể đến được với công chúng thì rất cần một sân chơi chuyên nghiệp. Ở đó vừa là nơi tìm ra các tài năng múa, vừa là nơi tôn vinh giá trị nghệ thuật“.

Tuy nhiên, làm thế nào để có một sân chơi như thế không phải là câu hỏi dễ trả lời.

Như mọi hội nghề nghiệp, ngân sách cấp cho múa hạn hẹp. Đến cả khát vọng có một chương trình biểu diễn các tác phẩm múa do Hội Nghệ sỹ múa tổ chức được truyền hình trực tiếp mà mới được thực hiện hồi cuối tháng 11 vừa qua. Nhưng cũng chỉ là trên Đài Hà Nội và Truyền hình Công an nhân dân. Còn phát sóng trên VTV, đến với khán giả cả nước như một chương trình đáng giá vẫn là ước mơ xa vời, dẫu sóng dành cho các lễ hội nhạt nhẽo và tốn kém ở các địa phương thì vẫn dồi dào.

Để vận động được một chương trình như Hoa muôn sắc, BTC phải tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách ít ỏi với mức chi tối thiểu cho mọi khâu chuẩn bị, tập luyện và biểu diễn. hơn 300 nghệ sỹ tham gia chấp nhận thù lao chỉ vài chục ngàn. “Nhưng về lâu dài thì không thể yêu cầu nghệ sỹ phải hy sinh như thế” – NSND Chu Thúy Quỳnh khẳng định.

Các hội diễn, liên hoan, cuộc thi tác phẩm múa lâu này được xem là sân chơi chuyên nghiệp cho người làm nghề. Nhưng trên thực tế, nó chỉ dành cho một số lượng nghệ sỹ nhất định do những hạn chế về kinh phí tham gia cũng như tính chất của sân chơi.

Bên cạnh đó, khâu quảng bá yếu kém, hay nói như Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa là không có kinh phí cho quảng bá, khiến các hội diễn, liên hoan chỉ là cuộc vui với nhau mà vắng bóng khán giả.

Bước thay đổi đầu tiên trong những nỗ lực lập một sân chơi cho múa của Hội Nghệ sỹ Múa là đưa chương trình Hoa muôn sắc lưu diễn tại các tỉnh thành và miễn phí để lôi khán giả đến xem.

Cùng với hiệu ứng mà chương trình truyền hình thực tế Thử thách cùng bước nhảy mang đến, các chương trình về múa cũng bắt đầu được chú ý hơn với mật độ phủ sóng trên các kênh truyền thống ngày một dày dặn hơn. Nhưng như NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ, vẫn cần một chính sách từ nhà nước để múa bước vào thị trường nghệ thuật một cách mạnh dạn và quy mô. Bởi một sân chơi được tạo ra để giải trí và lấy mục tiêu thương mại, bất kỳ lúc nào, yếu tố thương mại cũng có thể lấn sân của nghệ thuật./.

Hoàng Hồng

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*