Ngành múa nước ta từng ghi nhận những tên tuổi như các nghệ sĩ Hoàng Châu, Thái Ly, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Hoàng Điệp, Lệ Cung, Nguyễn Đình Tích, Ngân Quý… Mỗi người đóng góp trong từng lĩnh vực khác nhau như quản lý, biên đạo, biểu diễn, giảng dạy… nhưng với riêng Ngân Quý, đóng góp của bà lại mở rộng ở rất nhiều lĩnh vực, từ biểu diễn, biên đạo, nghiên cứu – sưu tầm cho đến giảng dạy và quản lý.
Bền bỉ 70 năm với ngành múa
Nghệ sĩ Ngân Quý là một tên tuổi lớn trong ngành múa nước nhà, bà nghỉ hưu cũng đã nhiều năm nay. Vậy mà giờ đây muốn có thời gian để chuyện trò lâu lâu cùng bà vẫn không dễ dàng gì. Bà dường như chưa có thời gian rỗi. Mấy lần hẹn rồi lại lỡ. Và đều có lý do chính đáng. Khi thì bà tham dự trại sáng tác múa, lo báo cáo khoa học nhân ngày Kỷ niệm Thành lập Trường múa Việt Nam – nơi bà là một trong những thành viên đầu tiên. Rồi ngoài những công việc bên trường múa nhờ giúp và thường xuyên viết bài cho tạp chí Nhịp Điệu, bà còn bận rộn vì đang cùng các cộng sự hoàn thành mấy đề tài cấp Bộ về múa dân gian dân tộc thiểu số mà bà làm chủ nhiệm…
Được tuyển chọn vào Đội Thiếu sinh của Đoàn Ca – múa – kịch Quân khu IV từ năm 1947, khi mới 11 tuổi. Nhận thấy ở cô diễn viên trẻ này có nhiều triển vọng nên không lâu sau đó, Ngân Quý được lãnh đạo điều lên Đoàn Văn công Sư đoàn 304, rồi Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị suốt những năm 50 của thế kỷ trước. Thời gian kháng chiến chống Pháp, khi mới chưa tới tuổi hai mươi nhưng Ngân Quý đã được tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội và dân công ở nhiều mặt trận như Quang Trung, Hà Nam Ninh, Hoàng Hoa Thám và Điện Biên Phủ… Bà cũng có mặt trong đoàn nghệ thuật nước ta biểu diễn tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới Vac-xa-va (Ba Lan) năm 1955, Mát-xcơ-va (Liên Xô) năm 1957. Dù không có ngoại hình thật lý tưởng với một diễn viên múa nhưng Ngân Quý vẫn được phân diễn các vai chính bởi ở bà không chỉ có kỹ thuật điêu luyện mà còn biểu diễn rất có cảm xúc. Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngay trong đợt đầu là những ghi nhận của Đảng và Nhà nước dành cho những đóng góp nghệ thuật của bà.
Năm 1959, khi trường múa chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được thành lập, theo điều động của tổ chức, Ngân Quý được về tham gia đội ngũ giáo viên, rồi trở thành Phó Hiệu trưởng khi mới 31 tuổi.
Hai mươi năm sau, với 3 năm thực tập sinh ở Bungari về, bà được lãnh đạo Bộ Văn hóa bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Múa, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh. Và bà ở đó cho đến khi nghỉ hưu. Cầm sổ hưu nhưng Ngân Quý đâu đã được nghỉ mà vẫn tiếp tục được mời làm giảng viên của trường và bà còn được mời về giúp Trường đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội hướng dẫn và giảng dạy cho hệ chính quy chuyên ngành múa lớp hoàn thiện khóa 1.
Kể từ những ngày đầu chập chững bước vào con đường nghệ thuật múa đến nay, nghệ sĩ Ngân Quý đã có gần 70 năm liên tục gắn bó với ngành múa Việt Nam. Có lẽ đây là một trường hợp hy hữu nếu không nói là duy nhất trong ngành múa nước ta. Niềm khao khát cháy bỏng với nghiệp múa như vẫn còn chưa ngưng nghỉ trong con người nghệ sĩ Ngân Quý, dù bây giờ bà đã chạm ngưỡng tuổi 80.
Nặng lòng với bản sắc Việt
Nghệ sĩ Ngân Quý là một trong những người có công đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo múa ở Việt Nam. Trong lĩnh vực biên đạo, Ngân Quý như chuyên sâu vào những tiết mục về múa dân gian, mà trong đó trước tiên phải nói đến điệu múa Cơ Tu. Điệu múa không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn gây dư luận trên thế giới, đã đoạt giải thưởng cao tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới tại Xô-phi-a (Bungari) năm 1973 và Liên hoan nghệ thuật khối các nước sử dụng tiếng Pháp tại Canada năm 2001. Trước đây do không có điều kiện đến tận nơi buôn làng người Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam nhưng tình cờ một lần Ngân Quý phát hiện ra những vẻ đẹp tiềm ẩn của điệu múa qua bà con người Cơ Tu tập kết ra Bắc. Đây là điệu múa YaYá của người Cơ Tu, là điệu múa có xuất xứ từ nghi thức dâng lễ các vị thần linh có từ xa xưa. Với con mắt tinh tế của một nghệ sĩ múa, Ngân Quý đã ghi lại các động tác rồi sau đó cùng nghệ sĩ Thái Ly dành hết tình yêu để thăng hoa điệu múa trên sân khấu, tạo thành điệu múa Cơ Tu thanh thoát, sinh động – vừa cổ kính vừa hiện đại, đảm bảo nguyên gốc mà vẫn có thêm những động tác phù hợp. Điệu múa đã trở thành một trong những tiết mục kinh điển, niềm tự hào của nghệ thuật múa Việt Nam. Ngoài kiệt tác Cơ Tu, bà còn có các điệu múa dân gian được chú ý như: Trẩy hội mùa xuân, Múa chim D’rao, Khèn Mèo (cùng Lệ Cung)…
Là một người từng tham gia học múa cổ điển châu Âu từ các giảng viên Liên Xô và Bungari… nhưng tất cả những gì mà nghệ sĩ Ngân Quý đóng góp vào sự nghiệp múa của mình lại là múa dân gian. Bà đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tham luận có giá trị về múa dân gian được công bố trên các báo và tạp chí chuyên ngành và tại các hội thảo khoa học. Bà đã cho ra mắt cuốn sách nghiên cứu: Vấn đề kế thừa và phát triển múa dân gian Việt Nam xuất bản năm 2007 và không lâu sau đó được nhận giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Đó là lao động và tâm huyết của nghệ sĩ Ngân Quý sau rất nhiều năm miệt mài không biết mệt mỏi lặn lội tới mọi vùng miền của Tổ quốc. Từ châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long rồi lên Tây Bắc, Việt Bắc, xuôi dọc Trường Sơn, Tây Nguyên tới vùng Chăm, vùng Khơ-me. Hiếm có một phụ nữ dám đi đến tận cùng những nơi xa xôi, hẻo lánh như thế để sưu tầm, tìm hiểu sâu vốn múa dân gian dân tộc. Để từ đó bà có cơ sở soạn ra các giáo trình múa dân gian khá hoàn chỉnh để giảng dạy và hướng dẫn tại các trường múa ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Khi nói về nghệ sĩ Ngân Quý, đồng nghiệp và học trò thường có chung nhận xét: Là một giảng viên say mê nghề, hết lòng với trường, với lớp, với các học sinh. Cùng đồng nghiệp, bà đã dành trọn cuộc đời để gieo trồng nên cả một rừng cây xanh tốt cho ngành múa Việt Nam. Rất nhiều thế hệ múa ra đời từ Trường cao đẳng Múa Việt Nam, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Trường đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội… đã từng được bà giúp đỡ nay không ít người đã trở thành những diễn viên, biên đạo, những người quản lý xuất sắc. Đó là các Nghệ sĩ Nhân dân: Nguyễn Công Nhạc, Vũ Việt Cường, Trần Kim Qui, Lê Ngọc Cường, Kiều Ngân, Ngô Đặng Cường…, các Nhà giáo Nhân dân: Nguyễn Kim Dung, Trần Quốc Cường… cùng nhiều Nghệ sĩ Ưu tú và Nhà giáo Ưu tú khác. Hạnh phúc với bà là những học trò của bà đều đã trưởng thành và dù đang ở vị trí nào, họ vẫn nhớ đến bà, vẫn luôn thăm hỏi, qua lại và chia sẻ với bà những niềm vui, những trăn trở không chỉ trong công tác và cả trong cuộc sống.
Tôi biết Nghệ sĩ Ưu tú Ngân Quý có một thiệt thòi nhưng bà không nói ra. Khi Nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho bà thì bà đã thôi công tác biểu diễn và biên đạo để chuyển sang giảng dạy. Khi xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân thì lại vướng vì bà đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Trong quy định, đã phong nghệ sĩ thì không xét duyệt nhà giáo. Và bà thành thật: Đó là quy định của Nhà nước. Mà dù có là Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân thì cũng là phục vụ nhân dân cả thôi.
Để có được những thành công như nghệ sĩ Ngân Quý, ai cũng nghĩ hẳn bà phải có một hậu phương thuận lợi. Nhưng không. Ở bà là cả một sự nỗ lực không ngưng nghỉ. Ngân Quý lập gia đình với một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Ông là người có trọng trách nên những năm khi còn chiến tranh luôn phải xa gia đình. Có thời gian ông ở chiến trường miền Nam cả chục năm trời. Đất nước thống nhất, ai cũng nghĩ ông bà sẽ được gần nhau chung vui hạnh phúc, nhưng suốt 16 năm ông bị tai biến phải nằm một chỗ cho tới khi ông qua đời. Cảm phục bà, những người quen biết thường nửa đùa nửa thật: Bà đúng là một anh hùng! Ngân Quý nghe vậy, cười: Có lẽ vậy, vì tôi đã từng phục vụ ở 4 đơn vị mà tất cả sau này đều đã được Đảng và Nhà nước phong tặng là những Đơn vị Anh hùng.
Huy Thắng
(BáoSức khỏe và Đời sống)
Speak Your Mind