​Nón: Học gói học mở trở đi…

Đêm 13-6 tại sân khấu Idecaf TP HCM, đêm diễn duy nhất của vở múa đương đại Nón đã khiến nhiều khán giả ngả mũ thán phục hai nghệ sĩ trẻ Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang.

Non 1 - Ảnh Gia Tiến

Cơn mưa nặng hạt vào chiều tối đêm 13-6 đã làm nhiều người thấy “bồn chồn” bởi khán phòng Idecaf không rộng (chỉ khoảng hơn 300 ghế), vở múa thì đã có “mùi” không dễ xem ngay từ khi những thông tin đầu tiên được “hé lộ” đến công chúng, nhưng chuyện vé diễn của Nón đã hết sạch trước đêm diễn khoảng hai ngày đã phần nào cho thấy sức hút kì lạ của một vở múa đương đại.

Không chỉ chỉn chu trong tập luyện, Nón được Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang chăm chút từ tờ nội dung phát cho mỗi khán giả trước khi vào rạp xem chương trình. Đó là hình ảnh cách điệu của một chiếc bánh chưng xanh được gói ghém cẩn thận, tươm tất mà người “bóc bánh” cũng phải hết sức từ tốn, nhẹ nhàng.

Non 4 - Ảnh Gia Tiến

Ngọc Khải đã chia sẻ ngay sau đêm diễn rằng anh dụng ý làm thế là để nhắc nhở người Việt về sự tinh tế của văn hoá xưa: học ăn, học nói, học gói, học mở! Tất cả đều phải được dạy dỗ mà thành.

Mọi thứ được sắp đặt tương tác và chuyển biến cùng nhau. Khi ấy âm – dương là một, trời – đất là một. Và từ ý niệm trời tròn (như chiếc bánh dày) – đất vuông (hệt như bánh chưng), Ngọc Khải và Hồng Quang đã đánh thức lại những phần Việt Nam nhất trong tư chất của mỗi con người.

Đó là những năm tháng xa nhà đằng đẵng nơi đất khách, tự soi vào những gương mặt xa lạ và đặt cho mình câu hỏi: ta là ai giữa quê người?

Và sau những trói buộc, cô đơn, tự vấn bản thân nhiều năm trời, những người xa quê như Khải, như Quang mới tìm được cho mình câu trả lời duy nhất: chỉ khi giữ được cốt cách, văn hoá của người Việt Nam, ta mới là chính mình, mới tìm lại được một “ta” đúng nghĩa và trọn vẹn nhất.

Và cái cốt cách đó không vĩ mô, vô hình. Nó là tiếng đàn nhị, đàn tính, đàn bầu có trong lời ru câu hát của mẹ. Là chiếc bánh mang hình trời – hình đất có trong câu chuyện cổ tích ngày xưa…

Non 2 - Ảnh Gia Tiến

Bằng ngôn ngữ hình thể xuất sắc của Khải và tiếng đàn – giọng hát tuyệt vời của Hồng Quang, 45 phút của vở diễn trôi quá nhanh đến mức khán giả hầu như không một ai rời khỏi khán phòng Idecaf khi đèn đã sáng và hai nghệ sĩ đã cúi đầu chào tạm biệt nhiều lần. Cuối cùng, họ đã ở lại trên sân khấu, cùng trò chuyện, cùng chia sẻ thật chân tình những cảm xúc còn nguyên vẹn, nóng hổi của Nón trước những câu hỏi thú vị của khán giả.

Non 3 - Ảnh Gia TiếnNếu có một điều tiếc nhất ở chương trình này thì đó có lẽ là vì trước mắt chương trình chỉ có một đêm diễn duy nhất. Vậy nên, câu nói được nghe nhiều nhất trước khi rảo bước ra về là: “Ước gì Nón có đêm diễn thứ hai…!”

Ngọc Khải (trái) và Hồng Quang - Ảnh Sơn Trần

Ngọc Khải (trái) và Hồng Quang – Ảnh: Sơn Trần

  • Vũ Ngọc Khải sinh năm 1985, là diễn viên múa, biên đạo chuyên nghiệp, được học tập – tu nghiệp, làm việc tại Việt Nam và Châu Âu. Ngọc Khải tốt nghiệp trường Cao Đẳng Múa Việt Nam năm 1997-2004, sau đó anh nhận đựơc học bổng toàn phần từ Tổng Lãnh Sự Hà Lan năm 2006, tại Học Viện Múa Rotterdam Dance Academy – Hà Lan.Anh đã từng làm việc với nhiều công ty và nhà hát tại Việt Nam, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ và Ý. Ngọc Khải mang theo mình sự luyện tập của Ballet và chuyển dần sang Neo-classic rồi múa Đương Đại. Năm 2012 anh quay trở về VN làm việc tại vũ đoàn Arabesque cùng biên đạo Tấn Lộc. Nón là dự án anh ấp ủ hơn một năm và vừa được thực hiện trước khi anh tiếp tục sang Đức làm việc vào tháng 8 năm nay.
  • Ngô Hồng Quang (sinh năm 1983) sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Năm 11 tuổi Quang bắt đầu học cách chơi Đàn Nhị và sau đó không lâu anh thực sự cảm thấy yêu mến cây đàn này. Trong chặng đường âm nhạc của anh, Ngô Hồng Quang đã học rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại trường học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và ở một số vùng núi trên khắp cả nước. Anh cũng là người Việt duy nhất hai lần nhận học bổng toàn phần của chính phủ Hà Lan về đào tạo âm nhạc. Hiện Ngô Hồng Quang đang theo học về sáng tác âm nhạc đương đại tại trường nhạc viện hoàng gia Den Haag, Hà Lan. Ngoài đàn Nhị, Ngô Hồng Quang còn có thể chơi các loại nhạc cụ cổ truyền khác nhau như; Đàn Bầu, Đàn Tính, Đàn Môi, Đàn K’ny, Chiêng Dây và hát.

Bài: Minh Trang
Ảnh: Gia Tiến
(TTO)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*