Hành trình 20 năm và ước mơ có một Nhà hát thực sự

Một hành trình 20 năm bởi đam mê, trách nhiệm, đầy nghị lực kiên trì để không ngừng phát triển, hội nhập… Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã quy tụ gần 100 nghệ sĩ, diễn viên, chỉ huy, biên đạo… dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc ở cả 3 lĩnh vực nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch dần được khán giả trong và ngoài nước yêu thích.

nha hat tphcm 1

Ngày 21/6/1993 với tên gọi ban đầu là Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng, sau đổi thành Nhà hát Giao hưởng và Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập gồm 12 cán bộ và nghệ sĩ ở 3 lĩnh vực: Nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch do PGS-PTS-NS Trần Tấn Lộc làm giám đốc.

Với chức năng nhiệm vụ: Xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm. Giới thiệu những tác phẩm âm nhạc lớn quốc tế, những tác phẩm hay của các nhạc sĩ Việt Nam, thông qua các hình thức như: Hòa tấu dàn nhạc, Tốp nhạc, Độc tấu, Hát Opera, Múa Ballet… Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của nhân dân Thành phố, của khu vực và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến thành phố. Nhà hát phát triển và hoạt động như ngày nay là kết quả của tình yêu lớn lao đối với nghệ thuật giao hưởng – nhạc, vũ kịch, lòng yêu nghề nóng bỏng và cũng là sự suy tư, trăn trở của lãnh đạo và nghệ sĩ Thành phố, về sự cần thiết phải xây dựng và phát triển loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm – bác học, xứng đáng với vị trí và tầm vóc của Thành phố Hồ Chí Minh một thành phố lớn và tiềm năng, một trong những thành phố quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước Việt Nam thống nhất, đổi mới và phát triển.

Nhà hát đã đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật hàn lâm đầu tiên tại Nhà hát Thành phố, bằng một chương trình biểu diễn vào ngày 9/9/1994. Chương trình do GS-NSND Tạ Bôn và PGS- NS ƯT Nguyễn Minh Cầm biên tập, dàn dựng và chỉ huy về âm nhạc một số trích đoạn ballet do NSND Việt Cường và NSND Trần Kim Quy biên đạo, tổng đạo diễn NSƯT Trần Phú đã ra mắt thành công. Bắt đầu từ đó, ngày 9/9 hàng năm trở thành ngày sinh nhật và là ngày truyền thống của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, đóng góp một phần công sức của mình vào sự đa dạng phong phú trong mặt bằng hoạt động văn hóa nghệ thuật chung của Thành phố.

Ngày 09/9/2006 được sự chấp thuận của lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân, Sở Văn Hóa Thông Tin Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát được đổi tên thành Nhà Hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố và Sở Văn hóa, trong mục tiêu phấn đấu và phát triển của mình, Nhà hát tập trung vào các vấn đề sau:

Đứng vững và phát huy vai trò là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đỉnh cao về nghệ thuật giao hưởng – nhạc kịch và vũ kịch tại TP.HCM. Trong đó, tập trung xây dựng, đầu tư về tác phẩm giao hưởng nhạc kịch Việt Nam và quốc tế, mang tính chuyên nghiệp học thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ chính trị, đối ngoại và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò và trách nhiệm là một nhà hát của loại hình này ở khu vực phía Nam, nhằm góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng tăng của nhân dân các tỉnh, thành phía Nam.

Mở rộng đối ngoại, hợp tác, giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá nền nghệ thuật và các tài năng Việt Nam đến nhân dân các nước.

Chặng đường 20 năm hoạt động, từ những bước đi đầu tiên với những suy tư, trăn trở, những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua… Nhưng, bằng tình yêu và tấm lòng yêu nghề quên mình vì nghệ thuật, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành phố và sự động viên, cổ vũ của giới nghệ thuật  và bạn bè đồng nghiệp, tập thể cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ đã đoàn kết quyết tâm cùng phấn đấu cho sự phát triển của Nhà hát Giao hưởng Nhạc, Vũ kịch, tạo một thế đứng vững chãi và khẳng định đây là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm văn hóa lớn của đất nước.

Trong buổi họp báo kỷ niệm 20 năm ngày công diễn lần đầu của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) vừa qua, nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO đã giới thiệu một số chương trình đặc biệt dịp này.

Autosave-File vom d-lab2/3 der AgfaPhoto GmbH

Mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm này là buổi trình diễn vở múa Out of context – for Pina của đoàn ballet đương đại Bỉ Les ballet C de la B vào tối 19 và 20/8 tại Nhà hát TP và Nhà hát Bến Thành, TP.HCM.

Riêng chương trình kỷ niệm 20 năm ngày công diễn lần đầu của HBSO sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 9/9 tại Nhà hát Thành phố.

Sau phần lễ sẽ là chương trình hòa nhạc gồm các tác phẩm âm nhạc đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật TP.HCM lần thứ nhất như: Trở về đất mẹ, Mùa xuân DK, Tổ quốc gọi tên mình, múa đôi Ngọc trai đỏ, Gọi mùa, Miền đất thiêng, Cảm xúc trên bến Nhà Rồng, Người soi thấy bóng mình, nhạc kịch Người giữ cồn. Chương trình hòa nhạc đặc biệt đó sẽ được tiếp tục biểu diễn quảng bá tại hội trường UBND Bến Tre ngày 11/9 và tại Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ ngày 13/9.

Bên cạnh đó, HBSO cũng giới thiệu hai chương trình hợp tác với dự án Transposition – Na Uy: vở múa ballet Cô bé búp bê tại Nhà hát Thành phố vào tối 28 và 29/8, vở nhạc kịch Cây sáo thần vào tối 8 và 9/11 cũng tại Nhà hát.

Ngoài ra, Dàn nhạc giao hưởng HBSO cũng vinh dự là dàn nhạc đầu tiên được phía Nhật mời lần thứ hai tham gia Liên hoan các dàn nhạc châu Á, diễn ra từ ngày 3 đến 9/10 tại Tokyo, Nhật Bản (lần đầu tiên dàn nhạc HBSO được mời là năm 2008).

Chương trình biểu diễn tại liên hoan cũng sẽ được các nghệ sĩ HBSO trình diễn trước cho công chúng Thành phố trong chương trình Giai điệu trẻ tháng 9, diễn ra lúc 20h00 ngày 29/9 tại Nhà hát Thành phố.

Ông Trần Vương Thạch chia sẻ thêm: “Nhà hát đang quan tâm dự án chương trình phổ cập âm nhạc trong giảng đường giáo dục, để đưa các em học sinh tiếp cận các buổi tổng duyệt. Các buổi tổng duyệt như vậy sẽ không còn phí phạm và các em học sinh vẫn được thưởng thức nền nghệ thuật hàn lâm, qua những tác phẩm đỉnh cao. Chỉ cần các trường phổ thông cho một, hai trăm học sinh đến là đủ cho mỗi lần chương trình tổng duyệt“.

Song nguyện vọng tha thiết chung của toàn thể Nhà hát là mong muốn có một Nhà hát riêng gồm văn phòng, sân khấu, phòng tập, được trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, từ đó luôn chủ động dàn dựng, sáng tạo các chương trình nghệ thuật ý nghĩa.

Hồng Liên
(TGĐA Online)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*