Lê Vũ Long tìm kiếm “Nghệ thuật cổ truyền cho ngày Mai”

Múa Đương đại quan trọng vì nó chính là thế mạnh của múa Việt Nam. Giấc mơ của tôi cho nghệ thuật múa không quá xa. Tôi mong múa tại Việt Nam được đầu tư như bóng đá. Tôi ước nó sớm trở thành hiện thực.” – Biên đạo múa Lê Vũ Long trải lòng về những ước mơ, hoài bão phát triển nghệ thuật múa đương đại tại Việt Nam.

Là một trong những nghệ sĩ Việt đến với múa đương đại sớm nhất, trong nhiều năm qua biên đạo múa Lê Vũ Long vẫn hăng say, theo đuổi con đường xây dựng và phát triển loại hình nghệ thuật này tại Việt Nam. Nhằm mục đích giải đáp một số vấn đề, cũng như giúp khán giả có cái nhìn đa chiều hơn về loại hình nghệ thuật múa đương đại, Muavietnam.com đã có cuộc trao đổi với biên đạo múa Lê Vũ Long sau dự án “Việt Nam những năm 70” của anh, vừa ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua tại Nhà Hát Lớn, Hà nội.

Tác phẩm

Tác phẩm “MỘT TẬP THỂ CÁC CÁ NHÂN”, Ảnh: Joseph Gobin

Thưa anh, ý tưởng của dự án “Việt Nam những năm 70” được xuất phát như thế nào?

Trong thời gian thực hiện dự án, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ phía những người quan tâm cũng như báo giới, tại sao lại là Việt Nam những năm 70? Liệu các tác giả sẽ tái hiện những năm 70 qua múa Đương đại thế nào?

Đối với đất nước và con người Việt Nam, những năm 70 của thế kỷ trước là một giai đoạn quan trọng, đánh dấu những thay đổi to lớn về nhiều mặt, trong đó có lịch sử, văn hoá, xã hội và con người.

Chúng ta hẳn đã rất quen thuộc với các hình thái nghệ thuật được sinh ra trong thời kỳ này, dấu ấn của nó thậm chí còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác giả Việt Nam và các tác phẩm cho tới tận ngày nay.

Một mục tiêu nữa mà dự án “Việt Nam những năm 70 ” hướng đến là, giới thiệu tới công chúng một ngôn ngữ nghệ thuật Đương đại thực sự, trong bối cảnh múa Việt Nam đang trên đà phát triển không tránh khỏi các nhận định và đánh giá thiếu tích cực về loại hình nghệ thuật này. Thật buồn khi múa Đương đại Việt Nam trong khi chưa có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam thì đã kịp “biến tướng”. Ở giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, khi đại Bộ phận chúng ta còn e dè với Đương đại, thì nay, dường như từ Đương đại được áp dụng hơi thiếu cẩn trọng và trên diện rộng với tần suất dày.

Anh cũng đã từng nhận xét: Cụm từ “Múa đương đại” hiện nay được sử dụng phổ biến nhưng những gì diễn ra không đúng như vậy. Vậy theo anh, Múa đương đại của Việt Nam đang đứng ở đâu?

Tôi là người sống và làm việc theo từng bước phát triển của nghệ thuật múa Đương đại việt Nam, xin được tóm tắt như sau:

– Nghệ thuật múa Đương đại được giới thiệu lần đầu tại Hà nội, Việt Nam vào khoảng 1989, 1990.
– Các tác giả nước ngoài sáng tác và giảng dạy tại Hà nội, Việt Nam từ 1993 tới nay.
– Các nghệ sỹ Việt được cử đi làm việc và học tập tại các nước từ 1993 tới nay.

“Biến tướng” dùng để chỉ những người lợi dụng và lạm dụng thuật ngữ “Đương đại ” để trục lợi cá nhân gây ra nhiều hệ quả đáng buồn. Trên thế giới không có thuật ngữ: Múa dân tộc hiện đại hay Múa dân gian Đương đại hoặc Ballet Đương đại… Câu hỏi ở đây là: liệu nghệ thuật của chúng ta đã đủ mạnh và phát triển rực rỡ để xây dựng nên một ngôn ngữ nghệ thuật múa mới? Hay chúng ta đang tự làm khó mình trên con đường hội nhập với thế giới? Vì các đối tác và các giám đốc Liên hoan nghệ thuật múa trên thế giới sẽ không thể xếp các loại hình mà chúng ta đang đặt tên tuỳ tiện vào bất cứ thể loại gì mà họ đang có. Đây cũng là lý do các tác phẩm của các tác giả việt ít xuất hiện ở các khu vực phát triển trên thế giới.

Như tôi đã nói về tầm quan trọng của múa Đương đại trong nền Văn hoá Việt Nam. Nó chính là thế mạnh của chúng ta, hãy cùng xây dựng và phát triển. Múa Đương đại phù hợp với tâm, sinh lý và vóc dáng sinh học của người Việt, nên việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật này là phương tiện tốt để tiếp cận với mặt bằng nghệ thuật thế giới.

Mở đầu chương trình “Việt Nam những năm 70” anh có đặt ra câu hỏi: Tại sao các buổi biểu diễn múa đương đại của các tác giả Việt còn ít? Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Câu hỏi của tôi hy vọng sẽ tạo được cú hích giúp chúng ta xích lại gần nhau, cùng xây dựng và phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Tôi không thể vừa hỏi vừa tự trả lời.

Trong 2 đêm diễn vừa rồi tại Hà nội, có khá đông các khán giả nước ngoài, và hình như đoàn múa Nơi đến của anh biểu diễn ở nước ngoài nhiều hơn là ở trong nước? Là vì anh quan tâm đến đối tượng khán giả nước ngoài hơn, hay vì khán giả Việt Nam còn thờ ơ với múa đương đại?

Tôi không cho rằng khán giả Việt không quan tâm. Nghệ sỹ như tôi không thể nói là quan tâm đến dạng khán giả nào hơn, vì thú thật tôi biết rất ít người trong số họ. Sự hiện diện của họ trong hai đêm diễn chính là sự cổ vũ nhiệt tình nhất cho nghệ thuật Đương đại Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy phấn khích và tự hào khi số lượng người quan tâm rất đông và số vé đã phát hành hết từ rất sớm. Có nhiều người quan tâm nhưng do không còn vé nên chúng tôi rất áy náy, chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ tiếp tục nhận được sự tài trợ, hỗ trợ để có cơ hội đưa các buổi diễn mở rộng ra các Cộng đồng khán giả trong và ngoài Việt Nam.

Anh có so sánh hoặc có thấy sự khác biệt giữa khán giả Việt Nam và nước ngoài khi thưởng thức múa đương đại không?

Đa phần khán giả Việt đến ” xem” buổi diễn.Đa phần khán giả nước ngoài đến ” thưởng thức” buổi biểu diễn.
Giữa “xem ” và “thưởng thức ” đôi khi không khác nhau là mấy. Các bạn đang ngồi trong cùng một nhà hát, chỉ có điều ở vị trí khác nhau mà thôi.

  Nghệ sỹ Nguyễn Thị Anh Đào với màn solo ấn tượng trong tác phẩm


Nghệ sỹ Nguyễn Thị Anh Đào với màn solo ấn tượng trong tác phẩm “MỘT TẬP THỂ CÁC CÁ NHÂN”. Tham gia đoàn múa Nơi đến từ năm 2002, khi không múa chị kiếm sống bằng đủ thứ nghề, như thêu thùa, bán mũ bảo hiểm…
Ảnh: Joseph Gobin.

Anh cảm thấy thế nào khi có khán giả chia sẻ cảm xúc sau khi xem vở “MỘT TẬP THỂ CÁC CÁ NHÂN” của anh như thế này: Có một cảm nhận về một cuộc sống rất là bức bối, giống như con người sống có nhiều rào cản và họ không thể vượt qua được và có lúc muốn vượt qua nhưng vẫn không thể cuối cùng là vẫn vùng vẫy và vẫn không thể vượt qua được cái ngưỡng đấy. Cảm giác chung xem xong thấy khá là đau đầu vì có nhiều cái chưa hiểu được”

Thật thú vị khi có người ” đau đầu” và ” chưa hiểu” sau khi ” xem” tác phẩm của tôi. Tôi không hiểu lắm về cách bạn đặt vấn đề ” cảm giác chung”? Cảm giác đó là của bao nhiêu người vậy? Ai là người thống kê số lượng đó? Tôi cũng muốn biết để hỏi lại những khán giả ” đau đầu” của tôi: cảm giác của bạn là gì? Cảm xúc của bạn ra sao?

Tôi không có thời gian, cũng như cơ hội để trò chuyện nhiều hơn với những khán giả đã thưởng thức tác phẩm “MỘT TẬP THỂ CÁC CÁ NHÂN” của anh trong đêm diễn vừa qua. Nhưng trong câu hỏi trước tôi trích dẫn nguyên văn câu trả lời của một bạn khán giả. Khi phỏng vấn 3 bạn trẻ sinh năm 1988 sau buổi diễn, tôi thấy vui vì chứng tỏ khán giả không hề vô cảm, vì “bức bối… rào cản… vượt qua” chẳng phải đây chính là cảm xúc mà những con người trong “Việt Nam những năm 70” sao? Không biết những suy nghĩ này của tôi có đúng không?

Cám ơn bạn đã “đọc” tác phẩm thành lời. Điều đáng mừng là khán giả đã cảm thụ tác phẩm theo cách của họ. Các tác phẩm múa Đương đại luôn mang trong nó tính dự báo và Liên kết cao, bởi vậy biết đâu họ sẽ có những trải nghiệm mới trong tương lai và qua đó họ có thể ngẫm lại tác phẩm với một cảm xúc mới. Tôi sẽ không chỉ ra là bạn “đúng” hay không.

Nói thực là tôi chỉ sợ rằng khi hỏi khán giả “Cảm xúc của bạn sau khi xem vở diễn này như thế nào?” thì họ lại trả lời “chẳng có cảm xúc gì”. Còn về “nhiều cái chưa hiểu được”, thì tôi nghĩ rằng có lẽ đôi khi chúng ta không cần hiểu, quan trọng là cảm nhận. Nói thật là nhiều khán giả không hiểu múa đương đại là gì? Có người cho rằng: Càng rối ren, khó hiểu càng… “đương đại”. Vậy định nghĩa của anh về Múa đương đại là gì?

À đây lại là một câu hỏi hay của bạn. Không có một loại hình nghệ thuật nào đáp ứng được tất cả mọi người. Bởi vậy nhân loại có nhiều hình thái nghệ thuật khác nhau dành cho các Cộng đồng khán giả khác nhau. Và bởi vậy chúng ta vẫn luôn xuất hiện thêm nhiều loại hình mới hướng đến các đối tượng khán giả theo các thời kỳ của họ.

Tôi dám chắc rằng ngày đầu tiên của nghệ thuật cổ truyền, hay nói cách khác là khi nghệ thuật cũ xuất hiện lần đầu tiên nó cũng mới tinh và có thể rất xa lạ. Vậy tại sao ta có những nghệ thuật cũ? Vì nó đủ sức thuyết phục và sức nặng để tồn tại qua một thời gian dài. Nghệ thuật Đương đại với tôi là: Tìm kiếm và xây dựng “Nghệ thuật cổ truyền cho ngày Mai”.

Biên đạo múa Lê Vũ Long và vợ là nghệ sỹ múa Thu Lan chia sẻ trước buổi trình diễn của dự án

Biên đạo múa Lê Vũ Long và vợ là nghệ sỹ múa Thu Lan chia sẻ trước buổi trình diễn của dự án “Việt Nam những năm 70”, Ảnh: Joseph Gobin

Hiện nay, các chương trình biểu diễn múa đương đại dù chưa thường xuyên, nhưng vẫn có những chương trình được đông đảo khán giả đón nhận như Chuyện kể những chiếc giày, Sương sớm, Tích tắc của công ty Arabesque, hay mới đây là Ta đã ở đó của Ngọc Anh, Thùy Chi. Hình như các nghệ sỹ trong Nam năng động hơn ngoài Bắc. Anh có nghĩ như vậy không? Và anh đánh giá như thế nào về các chương trình này?

Đây là câu hỏi trực diện nhưng rất hay của bạn. Tôi không đánh giá về người khác, đặc biệt là không đánh giá về công việc của họ với báo chí và truyền hình. Qua đây cho phép tôi gửi lời tới các biên đạo: Cổ truyền – Truyền thống – Cổ điển – Hiện đại – Đương đại là các tên gọi của các ngôn ngữ và phương tiện nghệ thuật khác nhau. Cái nào cũng hay và đáng quý cả. Tác phẩm là của các bạn, vậy nên chăng các bạn nên đặt chúng vào đúng chỗ của nó !?!?. Xin đừng lạm dụng ” Đương đại ” nữa!

Trở lại với dự án “Việt Nam những năm 70” sau 2 đêm diễn vừa qua tại Hà nội, anh đã có kế hoạch tiếp theo chưa?

Đây là lần thứ 2 đoàn múa Nơi Đến (Togetherhigher dance company) thực hiện dự án dạng này, giới thiệu các tác phẩm lần đầu ra mắt của các tác giả Việt Nam. Hơn 10 năm qua, tôi luôn kêu gọi sự quan tâm từ nhiều phía, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật múa tại Việt Nam. Lần này cũng vậy chúng tôi mong muốn được tiếp tục mở rộng các buổi biểu diễn ra các nơi khác trong Việt Nam và các nước khác. Sau buổi diễn, chúng tôi vẫn chưa nhận được thêm cơ hội mới nào, thế nên việc nói về tương lai của chương trình là chưa có cơ sở.

Để hoàn thành một vở diễn ra mắt khán giả anh phải mất bao lâu và chuẩn bị như thế nào?

Cá nhân tôi mất khoảng chừng 1 năm đến 2 năm để hoàn thành một tác phẩm. Đầu tiên là viết kịch bản. Gửi Hồ sơ xin Tài trợ. Khoảng thời gian chờ phản hồi từ các quỹ là từ 3 tới 6 tháng. Sáng tác ( tập luyện cùng các diễn viên) tối thiểu 3 tháng. Cá biệt có vở tôi đã tập trong 7 tháng, với cường độ 8 tiếng/ngày và không nghỉ thứ 7, chủ nhật (vở Ký ức thở dài). Công diễn lần đầu, thường thì tại Hà nội. Gửi Hồ sơ xin Tài trợ cho các buổi diễn tiếp theo ( chờ từ 3 tới 6 tháng)

Các nghệ sỹ của đoàn múa Nơi đến, trên sàn tập vở diễn

Các nghệ sỹ của đoàn múa Nơi đến, trên sàn tập vở diễn “MỘT TẬP THỂ CÁC CÁ NHÂN”, Ảnh: Trí Minh

Anh cũng như các diễn viên trong đoàn đều mất nhiều thời gian cũng như công sức để cho ra một tác phẩm, nhưng số buổi biểu diễn chưa nhiều. Vậy anh có mong ước như thế nào về một sân khấu đương đại tại Việt Nam không?

Ở ta, nghệ sỹ sáng tác và các tác giả phải làm một lúc rất nhiều việc. Thường thì các tác giả không giỏi việc xin tài trợ và tổ chức. Việc phát hành tác phẩm lẽ ra nên thuộc một Bộ phận làm việc khác. Ở các nước phát triển, họ có nhiều hệ thống làm việc này còn ở ta thì chưa có. Nói thật là tôi rất ngượng và ngại khi đi ” xin” các nơi tiền để tiếp tục biểu diễn, chẳng lẽ lại cứ mãi nói với họ về mình?

Để múa việt Nam phát triển, chúng ta cần xây dựng lộ trình cho nó cũng như nhận được sự bảo hộ từ phía nhà nước. Múa Đương đại quan trọng vì nó chính là thế mạnh của múa Việt Nam. Chúng ta khó có thể đem múa ballet của chúng ta ra nước ngoài vì trình độ thấp hơn họ rất nhiều. Các di sản múa dân gian, dân tộc không phản ánh đúng và đủ thực trạng xã hội và chỉ được giới thiệu trong khuôn khổ giao lưu Văn hoá giữa các nước, chưa đến được các Cộng đồng khán giả trên thế giới. Múa Đương đại đáp ứng các tiêu chí Văn hoá và xã hội thế nên nó cần được coi trọng và quan tâm nhiều hơn.

Giấc mơ của tôi cho nghệ thuật múa không quá xa. Tôi mong múa tại Việt Nam được đầu tư như bóng đá, có chỗ tập luyện, diễn viên có lương và có một hành lang pháp lý cho nó. Tôi ước nó sớm trở thành hiện thực.

Cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi, và chúc cho những ước mơ của anh về Múa đương đại ở Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực./

Chân dung nghệ sỹ Lê Vũ Long, Ảnh: VNE

Chân dung nghệ sỹ Lê Vũ Long, Ảnh: VNExpress

Biên đạo múa Lê Vũ Long sinh ra tại Hà nội trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh là con trai của diễn viên Dũng Nhi.
Được đào tạo về múa, nhưng anh còn tham gia đóng phim với nhiều vai diễn trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng như: Xin hãy tin em, Của rơi, Những người thợ xẻ, Mùa hè chiều thẳng đứng, Người đàn bà mộng du, Hai phía chân trời…
Năm 2002: Anh và vợ là nghệ sỹ múa Thu Lan thành lập đoàn múa Nơi đến (Togetherhigher dance company). Diễn viên của đoàn tất cả đều là những người khiếm thính. Tên của đoàn chính là tên tác phẩm múa đầu tiên anh dựng cho đoàn.
Các tác phẩm múa: Một là một và một là hai (2001), Nơi đến (2002), Mắt bão (2003), Trời tròn đất vuông (2004), Kẻ thù và những vùng đất (2004), Thấu truyền, Chuyện của chúng mình (2007), Ký ức thở dài (2009), Ba mặt một lời (2012), MỘT TẬP THỂ CÁC CÁ NHÂN (2014).

Hạnh Nguyên

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*