Đoàn múa đương đại nổi tiếng của Đài Loan Vân Môn – The Cloud Gate Dance Theatre, thành lập năm 1973 bởi người sáng lập biên đạo múa Lin Hwai-min (Lâm Hoài Dân). Sau đó ông đã chia sẻ công việc quản lý với học trò quá cố của mình, Lo Man-fei một biên đạo múa nổi tiếng của Đài Loan, đã qua đời ở tuổi 51 vì căn bệnh ung thư.
Điểm đặc sắc nhất của Đoàn múa Vân Môn là dùng múa đương đại thể hiện văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ngay từ tên của đoàn múa cũng mang đậm đặc sắc truyền thống Trung Hoa. Truyền thuyết kể rằng, trong thời đại Hoàng Đế cách đây 5000 năm trước, Đại Dung biên đạo hai tác phẩm múa tên là Vân Môn, tương truyền đây là điệu múa cổ xưa nhất của Trung Quốc.
Ông Lâm Hoài Dân sinh năm 1947 ở Đài Loan, năm 1973 ông cùng một số bạn bè thành lập Đoàn múa Vân Môn khi mới 26 tuổi.
Năm 1974, biên đạo múa đương đại Mỹ nổi tiếng thế giới Martha Graham được tôn vinh là “một trong 3 nghệ sĩ cự phách thế kỷ 20” đến biểu diễn ở Đài Loan. Ông được mời làm phiên dịch cho bà Martha Graham. Với sự hiểu biết xuất sắc đối với nghệ thuật múa, ông Lâm Hoai Dân, khi ấy mới 27 tuổi đã nhận được sự khẳng định của bà Martha Graham. Bà còn bất chấp sự phản đối của người đại diện, đích thân xem xét tình hình tập luyện của Đoàn múa Vân Môn vừa thành lập một năm. Bà còn nói với phương tiện truyền thông Đài Loan rằng, bà tin rằng, Đoàn múa Vân Môn sẽ đưa ra tác phẩm múa hiện đại tốt nhất.
Trước khi trở về Mỹ, tại sân bay Đài Loan, bà Martha Graham đã đưa cho ông Lâm Hoài Dân toàn bộ số tiền Đài Loan còn lại mà bà chưa tiêu hết. Ông Lâm Hoài Dân nói, số tiền đó vừa đủ tiền thuê nhà một tháng của Đoàn múa Vân Môn. Câu chuyện nhỏ này có thể phản ánh những khó khăn mà ông Lâm Hoài Dân gặp phải khi vừa thành lập Đoàn múa.
Kể từ khi thành lập vào năm 1973, trong hơn 40 năm qua, Đoàn múa Vân Môn đã ra mắt hơn 160 tác phẩm, có tác phẩm nói về câu chuyện văn học cổ điển hoặc truyện dân gian, có tác phẩm nói về lịch sử và hiện tượng xã hội của Đài Loan, có tác phẩm mang tính thể nghiệm. Đa số tác phẩm múa của Đoàn múa Vân Môn trong thời kỳ đầu là cải biên từ Kinh Kịch hoặc văn học cổ điển, chẳng hạn, tác phẩm múa “Bạch Xà Truyện” – White Serpent Tale công diễn từ năm 1975, tác phẩm múa “Hồng Lâu Mộng” – The Dream of the Red Chamber công diễn từ năm 1983 và tác phẩm múa “Cửu Ca” – Nine Songs công diễn từ năm 1993. Nhưng kể từ khi tác phẩm múa “Ca khúc của người lang thang” – Songs of the Wanderers công diễn từ năm 1994, các tác phẩm múa của Đoàn múa Vân Môn càng chú trọng hơn phong cách biểu hiện, tiết tấu và phương pháp “hít thở” của diễn viên.
Cũng chính vì mục đích tìm lại con đường phù hợp với múa Trung Quốc, kể từ thập niên 90 của thế kỷ 20, ông Lâm Hoài Dân yêu cầu các diễn viên trong đoàn phải học tập kiểu thổ nạp hô hấp, tĩnh tọa, và mời cụ già dạy Thái Cực Quyền, đến năm 2000 còn tăng thêm nội dung luyện tập thư pháp. Các nội dung luyện tập này đúng là không giống so với các đoàn múa khác. Ban đầu, các diễn viên múa trong đoàn đều không hài lòng, nhưng dần dần, các diễn viên không những quen, mà còn thích những nội dung luyện tập này.
Đoàn múa Vân Môn cũng khác với những đoàn múa khác: chẳng hạn, diễn viên múa trong đoàn không giống như diễn viên múa bình thường, mà là giống như người tu hành, dù ở nhà ga sân bay khi trên đường đi biểu diễn, hay ở khách sạn, phòng hóa trang, hậu trường, họ thường tĩnh tọa hoặc tập luyện viết thư pháp, tạo ra bầu không khí hết sức thanh tịnh. Đối với họ biểu diễn đã không phải là biểu diễn trước khán giả, mà là một con đường tu luyện, khi đứng trên sân khấu, cảm hứng thể hiện nội tâm và thân thể của mình nhiều hơn luôn nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả.
Hầu hết các tác phẩm của Đoàn múa do Lâm Hoài Dân biên đạo, vì vậy ông mong các tác phẩm do mình biên đạo không trở thành các điểm hạn chế sự phát triển của đoàn múa Vân Môn. Theo ông, điều quan trọng nhất của Đoàn múa là việc xây dựng sân tập luyện, nâng cao khả năng biểu diễn của đoàn, kiên trì tinh thần của Đoàn múa Vân Môn và thái độ chịu trách nhiệm đối với xã hội, chứ không phải là tác phẩm do ông biên đạo.
Ông Lâm Hoài Dân nói, sớm muộn tác phẩm của ông sẽ tiêu tan, nhưng Đoàn múa Vân Môn sẽ có nhiều biên đạo múa trẻ xuất hiện. Dù ai trở thành giám đốc nghệ thuật, mang lại tác phẩm như thế nào, sức sống của Đoàn múa Vân Môn sẽ tồn tại mãi mãi. Đoàn múa Vân Môn không nên trở thành viện bảo tàng.
( Tổng hợp thông tin từhttp://vietnamese.cri.cn)
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind