Triều Khúc là một làng cổ của Thủ đô Hà Nội, một ngôi làng có nhiều hoạt động đặc sắc vào dịp đón năm mới. Năm nay, đón xuân Giáp Ngọ, những người hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Triều Khúc nô nức chuẩn bị từ rất sớm, để hội xuân từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng Giêng diễn ra tốt đẹp. Ngoài các điệu múa rồng, múa cờ, còn có điệu múa quan trọng và rất hấp dẫn là múa Bồng.Múa Bồng vui nhất hội xuân
Người Triều Khúc chuẩn bị đón Tết rất sớm. Đêm giao thừa, hàng ngàn mâm cỗ được người dân sửa soạn tươm tất, mang ra chùa cúng bái, cầu phúc, cầu lộc. Ngày hội, nếu tìm về Triều Khúc, khách sẽ bị níu chân bởi sự thân thiện và nhất là không khí vui vẻ của lễ hội. Tôi bị hấp dẫn bởi các điệu múa Bồng do các cặp thanh niên của làng và ông trưởng đội múa Triệu Đình Hồng trong mỗi hội xuân nên năm nào cũng có mặt.
Múa Bồng chính thức là múa trống Bồng (còn được gọi là múa “Con đĩ đánh Bồng”) gồm hai đôi trai làng chưa vợ, tuấn tú, trang phục giả nữ, đeo trống Bồng dài, nhỏ trước bụng, ngộ nghĩnh, tinh nghịch với bước chéo dài kết hợp động tác vung tay rộng vuốt qua mặt trống, những bước giáp lưng để xoay người, đổi chỗ cho nhau, những động tác lắc đầu, cuộn bàn tay, nhún mềm trong tiết tấu vui tai nhịp 2/4 làm cho điệu múa sôi động, phóng khoáng, mạnh mẽ tạo ấn tượng, hấp dẫn người xem.
Ngày mồng 10 Tết là ngày thứ hai của hội, dân làng chỉ rước sắc từ đình thờ sắc lên đình Thượng. Tổ chức lễ nhập tịch trong ngày này có điệu múa Bồng. Ngày 12, lễ xuất tịch cũng tổ chức múa Bồng xung quanh hồ hình con rùa của làng. Theo các cụ kể lại, ngày xưa, trong triều đình, vào dịp lễ hội, múa trống Bồng được múa trong đám rước và trước Phương Đình. Cứ mỗi lần trong Đại Đình, lễ vật được dâng lên Vua là bên ngoài Múa trống Bồng và múa Sênh Tiền. Đây là điệu múa được làng Triều Khúc duy trì và phát huy. Đội Múa Bồng năm nay sẽ gồm 3 đôi đều là nam giới cải trang thành nữ thít khăn mỏ quạ, mặc áo váy, phấn son đeo trống Bồng biểu diễn trong tiếng nhạc, trống lễ. Tôi hỏi cụ Bùi Sĩ Tốt – một lão niên từng nhiều năm múa Bồng trong hội xuân rằng vì sao lại gọi là “Con đĩ đánh Bồng”, cụ Tốt trả lời: “Là vì điệu múa này mô tả những động tác rất lả lơi của người con gái khi diễn để người khác ngắm nhìn. Giờ đây, dù con gái múa tốt hơn con trai, rất dẻo, rất lẳng lơ, nhưng quan niệm xưa phụ nữ không được vào nơi thờ cúng thần linh mà chỉ được phép đứng ngoài. Ngày nay, chúng tôi phải để nam đóng giả nữ biểu diễn”.
Người múa trống Bồng có động tác đánh trống khoa rộng tay, nhấc chân cao bước rộng, người đảo phóng khoáng và khuôn mặt lúc nào cũng tươi như hoa. Và để múa được thì người múa phải nhanh nhạy, khỏe và dẻo dai. Cụ Trần Kim Văn – một bô lão ở làng, tuy không còn múa được nhưng năm nào cũng đến xem múa. Gia tài của cụ là hàng trăm bức ảnh múa Bồng qua các năm, rất đặc sắc. Cụ tâm sự: “Không chỉ lũ trẻ làng tôi thích múa Bồng mà những người già cũng… say như điếu đổ. Khách phương xa đến quay phim, chụp ảnh nhiều lắm. Làng tôi đã có cháu đưa ảnh múa Bồng lên lịch Tết rồi đấy.
Làng văn hóa cổ
Triều Khúc là một làng cổ. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Triều Khúc là một xã thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Đến làng Triều Khúc, khách bị hấp dẫn bởi sự nguyên vẹn của một làng cổ nằm kề ngay cạnh trung tâm chính trị và công nghiệp náo nhiệt. Ở đây, chùa, đình, giếng nước, cây đa… tất cả dường như không có gì thay đổi từ đời này sang đời khác. Ngõ xóm được lát gạch sạch sẽ, gợi nhớ sự đóng góp của những cô gái khi đi lấy chồng phải nộp gạch cho làng. Bên trong những bức tường rào của từng nhà, người ta bày phơi la liệt trên sân, trên dây phơi những cuộn tơ, sợi nhiều màu sắc… Những nghề thủ công khéo léo đã làm nên sự tồn tại và phát triển bao đời nay của làng Triều Khúc, tạo nên bộ mặt sung túc cho vùng quê cổ kính.
Làng Triều Khúc xưa kia đã từng là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng trước khi đánh vào thành Tống Bình (tức thành Hà Nội). Đây chính là nơi tập dượt và kén chọn quân sĩ lần cuối cùng. Điệu múa cờ lễ hội ra đời từ tích truyện này.
Người hơn 30 năm say múa Bồng
Hỏi đến nhà ông Triệu Đình Hồng thì chẳng ai ở làng không biết bởi người ta đã quá quen mặt ông trong những hội xuân và là người tận tâm với đời sống văn hóa tinh thần của làng.
Ông Hồng năm nay đã gần tuổi 70, là một người có tâm huyết với điệu múa Bồng. Suốt hơn 30 năm qua, ông đã đưa đội của mình đi diễn ở nhiều nơi. Vào hội xuân, ông cũng mang tâm trạng hứng khởi tham gia và chỉ đạo đội múa. Ngoài làm trưởng đội múa Bồng, ông còn làm trưởng đội nhạc Lễ của làng. Hội xuân Thăng Long 2008, ông dẫn đội tham gia diễn và được đánh giá cao. Ông Hồng tâm sự: “Từ năm 1979, Nhà nước đã có chính sách khôi phục văn hóa truyền thống, trong đó lấy làng Triều Khúc làm điển hình, từ đó điệu múa Bồng cùng các điệu múa cổ khác như múa sênh tiền, múa lân, múa chạy cờ luôn được lưu giữ và phát huy, gần đây, múa Bồng làng Triều Khúc cũng đã đi biểu diễn ở nhiều hội trên khắp cả nước như lễ hội ngày giải phóng miền Nam năm 2000, Lễ hội Biển gọi Sầm Sơn – Thanh Hóa 2006, tham gia trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long… Tôi cũng đã đào tạo được 4 lớp múa trống Bồng là những con em của làng. Đó là thế hệ kế tiếp để làm cho lễ hội xuân thêm đặc sắc“.
Có một điều băn khoăn, đó là cho đến nay, làng vẫn chưa có một nguồn kinh phí nào để gìn giữ và phát huy điệu múa Bồng. Hơn 30 năm qua, ông Hồng đã bỏ tâm huyết ra, làm không công với nguyện vọng gìn giữ điệu múa lâu đời của cha ông. Gần đây, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội có xuống xã để động viên xã quan tâm đến các điệu múa cổ. Cán bộ Hội có đến nhà ông Hồng để động viên, hỏi han và chúc cho năm mới, hội xuân của làng diễn ra vui vẻ, lành mạnh.
Diên Khánh
(suckhoedoisong.vn)
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind