Khát vọng hơn nửa thế kỷ của Trường cao đẳng Múa Việt Nam

Trường cao đẳng Múa Việt Nam là cái nôi đào tạo diễn viên múa hàng đầu của cả nước và đã có bề dày truyền thống hơn nửa thế kỷ kết tinh những thành quả đào tạo các nghệ sĩ, diễn viên múa. Ðây cũng là bước tạo đà để thực hiện khát vọng hướng tới xây dựng Học viện nghệ thuật Múa Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, Trường cao đẳng Múa Việt Nam đã đào tạo được hàng nghìn diễn viên múa, cung cấp kịp thời và đáp ứng có hiệu quả việc xây dựng nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước, trong đó có những đơn vị cấp quốc gia. Ngoài ra, trường còn cung cấp cho phong trào múa quần chúng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn làm tốt công tác quản lý, tổ chức phong trào múa quần chúng ở các cung văn hóa, nhà văn hóa, cung thiếu nhi của các tỉnh, thành phố. Những ngày đầu thành lập trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, thiếu thốn, hoạt động trong điều kiện chiến tranh. Chương trình, giáo trình giảng dạy lúc này còn sơ sài. Các thế hệ giáo viên không quản ngại khó khăn gian khổ đi đến các bản làng xa xôi, học từng điệu múa của các nghệ nhân, thuộc nhiều dân tộc, sau đó chắt lọc, nghiên cứu, chỉnh lý để đưa vào giảng dạy trong trường. Bên cạnh đó, các thầy giáo, cô giáo sau khi đi học ở nước ngoài về cũng áp dụng một cách sáng tạo những kiến thức học được để xây dựng hệ thống động tác múa cổ điển Việt Nam, múa cổ điển châu Âu, múa tính cách, múa Duo, múa hiện đại để đưa vào giảng dạy chính khóa trong chương trình đào tạo diễn viên múa chuyên nghiệp. Trường đã từng bước tích lũy kinh nghiệm hình thành một hệ thống các tổ chức, thiết chế quản lý đào tạo mang tính chuyên nghiệp. Năm 2001, Trường múa Việt Nam đã thực hiện nâng cấp thành Trường cao đẳng Múa Việt Nam. NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nhận xét: “Trường đã có đội ngũ giáo viên có trình độ học vị tiến sĩ, thạc sĩ, có nhiều phòng, khoa của nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu để hôm nay đủ sức đi tới một bước tiến mới, một bước tiến quan trọng cho nền nghệ thuật múa nước nhà là xây dựng Học viện múa nghệ thuật Việt Nam“.

Trước tình hình mới, Trường cao đẳng Múa Việt Nam đang phải nỗ lực nâng cao và hoàn thiện cả hai khâu: đào tạo và nghiên cứu, lý luận. Các chương trình, giáo trình múa dân gian các dân tộc, giáo trình múa cổ điển Việt Nam được biên soạn giảng dạy từ khi thành lập trường đến nay vẫn cần được bổ sung, chỉnh lý. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Bá Thái đặt vấn đề: Các bộ môn múa như múa lịch sử, múa đương đại, khiêu vũ quốc tế có trở thành môn học chính thống như các học viện múa nước ngoài hay không? Môn học múa dân gian dân tộc Việt Nam, ngoài việc bổ sung thêm nhiều điệu múa dân tộc mới phát hiện, cần có hướng nghiên cứu và định rõ tính cách của mỗi dân tộc để tiến tới có những khẳng định về mặt lý luận mang tính khoa học. Ngoài múa tính cách châu Âu đang dạy trong trường nên tính đến việc giảng dạy thêm những loại hình múa mang tính cách phương Ðông như các nước Ấn Ðộ, Trung Quốc, Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia. Thái-lan…

Một vấn đề quan trọng thuộc về nội dung giảng dạy và đào tạo là giải quyết mối quan hệ giữa múa Việt Nam và múa nước ngoài, nhất là trong bối cảnh tăng cường hội nhập hiện nay. Nhiều loại hình múa đương đại đang du nhập vào Việt Nam. Gần đây nhất là chương trình múa đương đại quốc tế châu Âu gặp châu Á, trong đó có các tác phẩm múa của các nghệ sĩ: Ðức, Bỉ, Nhật Bản, Pháp… tại Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội vào cuối tháng 9-2013 được rất đông khán giả ở mọi lứa tuổi đón nhận. Tiến sĩ, biên đạo múa Nguyễn Thành Ðức suy nghĩ: “Có thể khẳng định, vấn đề cốt lõi, mấu chốt của việc tiếp thu và sử dụng tinh hoa các loại hình múa hiện đại là phải tiếp thu, biến đổi, chuyển hóa nó thành cái của dân tộc mình, tức là Việt Nam phải chuyển hóa nó; làm như thế không bị mất gốc, bị hòa tan. Ðó là cách vận dụng vào công việc đào tạo và biên đạo múa một cách tích cực và sự phát triển đúng xu hướng dân tộc, hiện đại“. Rõ ràng trong xu thế phát triển và hội nhập, Trường cao đẳng Múa Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng được nội dung chương trình phù hợp, nâng lên tầm quốc tế.

Xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phải được tiến hành một cách toàn diện: học tập nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục nhận thức chính trị, nhân cách của người thầy. Hiện nay, hầu hết các giáo viên Trường cao đẳng Múa Việt Nam đều có trình độ thạc sĩ hoặc đang theo học các khóa sau đại học, có bốn giáo viên đang theo học nghiên cứu sinh. Trường đã mời các chuyên gia, biên đạo múa, nghệ sĩ của các nước: Nga, Triều Tiên, Trung Quốc, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Cu-ba, Mỹ… đến giảng dạy, dàn dựng và biểu diễn một số tác phẩm tiêu biểu, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh Việt Nam có dịp học tập, tiếp xúc với những trường phái, phong cách múa đa dạng. Bên cạnh việc tiếp tục cử các cán bộ, giáo viên, học sinh ra nước ngoài học tập, trường còn ký kết các văn bản hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi đoàn và biểu diễn… Bên cạnh đó, phải cải tiến phương pháp giảng dạy và đào tạo bám sát nhu cầu phát triển của xã hội. Theo NSND Trần Quốc Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Múa Việt Nam: Bên cạnh việc đào tạo đại trà, cần đào tạo đỉnh cao có chọn lọc với số lượng ít, chất lượng cao, phù hợp cho các nhà hát, cho quốc tế và để lựa chọn tài năng. Ông nói: “Qua bốn lần chấm thi múa châu Á – Thái Bình Dương tại Tô-ki-ô (Nhật Bản), tôi cảm nhận, bạn bè quốc tế rất thèm muốn có những diễn viên có trình độ cao như Cao Trí Thành, Ngọc Văn, hay Ngọc Anh trong nhà hát của họ. Các em nêu trên chỉ là đại diện của những sản phẩm đỉnh cao của Trường cao đẳng Múa Việt Nam. Trong quá trình đào tạo thực tế, đó là sự thật, song chúng ta chưa phát huy được bởi chúng ta chưa có nhiều chiến lược đầu tư có tầm cỡ“. Học sinh các trường múa cũng đang đòi hỏi được thực tập sớm hơn, nhiều hơn để được làm quen với sân khấu, tiếp xúc với tác phẩm. Học đi đôi với hành, muốn vậy, trường phải đầu tư nhiều khâu: kinh phí, cơ sở vật chất, nhà hát; tác phẩm nội dung chương trình; giáo viên và người chỉ đạo…

Vấn đề nổi cộm mà trường cần phải khắc phục là lĩnh vực lý luận nghệ thuật múa. PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh đánh giá: “Nghiên cứu khoa học chuyên ngành múa còn là một khoảng trống rất đáng báo động, đã bỏ ngỏ trong nhiều năm và chỉ mang tính cá nhân, bộc phát, chưa có hệ thống. Bởi hiện nay ở Việt Nam, không có một tổ chức, một cơ quan nào đảm nhiệm nghiên cứu nghệ thuật múa. Tuy vậy những năm gần đây, Trường cao đẳng Múa Việt Nam vẫn tự tiến hành những công trình nghiên cứu khoa học đạt những kết quả nhất định. Nhưng nghiên cứu của họ chỉ là các công trình góp phần thúc đẩy, phát triển chuyên ngành nghệ thuật múa nước ta“.

NGUYỄN THU HIỀN

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*