Ra mắt trong một hoàn cảnh khá ngặt nghèo khi Nhà hát thành phố đã kín bưng lịch thuê từ đây đến hết năm, vậy nên Tích tắc – vở múa đương đại mới nhất của vũ đoàn Arabesque – chỉ còn vỏn vẹn hai suất diễn vào tối 1 và 2-9.
Gặp Tấn Lộc – anh cả của đại gia đình Arabesque – vào những ngày này thật khó, vì anh túc trực gần như 24/24 giờ ở sân khấu Lệ Thanh. So với Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương sớm thì có lẽ Tích tắc là “đứa em” kém may mắn nhất. Không chỉ “sinh” vào ngày không thuận, mà khi chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến ngày diễn thì toàn bộ vé in đều gặp lỗi kỹ thuật, phải in lại. Có những buổi chiều muộn nhắn tin cho Tấn Lộc hỏi thăm và nhận lại được những tâm sự hoang mang “Anh đang bị stress quá!”…
Tuổi trẻ ai cũng thắm đôi lần…
So với một Sương sớm gần gũi, đời thường; một Mộc đầy tình cảm, tương tác với người xem; Tích tắc mạnh mẽ và mãnh liệt hơn, từ âm nhạc đến dàn dựng. Ngọc Khải – một trong bốn biên đạo của vở múa lần này, chia sẻ: “Tích tắc là sự kết hợp giữa neo classic (nhánh nhạc chịu ảnh hưởng từ âm nhạc cổ điển) và múa đương đại. Âm nhạc của Beethoven, Mozart, Bach sẽ giúp chúng tôi làm mềm vở diễn bằng những đoạn khúc quen thuộc với bất cứ ai”.
Câu chuyện của Tích tắc đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai của một cô gái nhỏ. Khi còn bé, mọi vật xung quanh cô đều thật lộng lẫy, tươi đẹp, nhưng càng lớn cô càng phải đối mặt với nhiều điều không thơ mộng, những sự thật cay đắng, mà đôi khi khởi đầu lại đơn giản từ một chọn lựa sai lầm. Và một tích tắc quyết định đôi khi sẽ thay đổi cả cuộc đời: sống hoài bão đầy ước mơ hay phó mặc cuộc đời đưa đẩy… Cô bé không là ai đó cụ thể nhưng cũng có thể là tất cả trong số chúng ta!
Trên sân tập của Tích tắc, nếu để ý sẽ thấy những lúc căng thẳng, mệt mỏi nhất, Tấn Lộc thường mang theo bên mình một hộp nhạc nhỏ xíu. Anh bảo đó là quà kỷ niệm của một người bạn Nhật Bản tặng anh năm 1996, lúc còn đang học múa ở Nhật. Những âm thanh nhẹ tênh, thanh mỏng phát ra khiến anh cảm thấy dễ chịu, và cũng nhắc nhở anh về một thời tuổi trẻ từng sống, học tập với tất cả đam mê mình có. Trong khi mọi người tập luyện, anh cũng hay có thói quen ngồi quan sát và liên tưởng… lung tung. Anh nhìn thấy ở Tố Như – một nghệ sĩ múa đã gần 40 tuổi – vẫn ngày ngày tập dẻo, ép cân, múa như phải thở. Anh cũng nhìn thấy ở Bảo Trung, Xuân Vượng lòng nhiệt thành khi chỉ về nghỉ ngơi mấy tháng hè tại VN, họ cũng cố gắng đến tập đều đặn với nhóm vì biết mỗi tích tắc trôi qua sẽ không hoài phí khi đang được làm những điều mình thích nhất… Và đó có thể cũng là lý do khiến những con người ấy xích lại gần nhau, chia sẻ ý tưởng để cùng tạo nên một Tích tắc vừa rất đương đại mà cũng vừa đời sống như vậy.
Những cái “nhất” của Tích tắc
Tích tắc được biên đạo và dàn dựng bởi bốn nghệ sĩ: Tấn Lộc, Thanh Phương, Ngọc Khải và Bảo Trung, vì thế vở diễn có bảy chương thì cả bảy đều mang những sắc thái riêng, không trộn lẫn.
Nếu nhiều người đã biết đến Ngọc Tuyền – giọng opera nữ cao quen thuộc của HBSO – thì sẽ bất ngờ với lần xuất hiện này của chị bởi chị không chỉ hát “live” trực tiếp trong vở diễn mà còn tham gia múa, thậm chí không phải múa bình thường mà vừa múa vừa bị… treo ngược chân lên trời!
Tích tắc còn có sự xuất hiện của hai diễn viên múa nhí, một nam – một nữ, và cả hai đều gây… kinh ngạc cho người xem bởi dù chỉ mới 6 tuổi và lần đầu biểu diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp nhưng hai em đều diễn rất tốt, cả về hình thể lẫn gương mặt. Tấn Lộc cho biết đây là hai diễn viên rất đặc biệt, ngoài bé gái Thư Anh là học sinh trường múa thì Thiên Khôi – cậu bé mồ côi sống trong mái ấm Hoa Mẫu Đơn – người anh rất thương bởi anh nhìn thấy rõ sự say mê của Khôi khi tham gia biên đạo cho nhóm thi của cậu trong một sô truyền hình cách đây chưa lâu…
Mong muốn được tạo ra những hiệu ứng thị giác tươi mới cho người xem, đây cũng là lần đầu tiên nhà thiết kế Công Trí, nghệ sĩ tranh cát Trí Đức và nghệ sĩ sắp đặt Nguyễn Thúy Hằng sẽ cùng mang những tác phẩm của mình đến với chương trình thông qua sự lồng ghép khéo léo, có chủ đích trong từng chương, mục.
Nhiều mới mẻ đủ để người xem chờ đợi, giá vé cũng phải chăng với mức từ 200.000-650.000 đồng, nhưng biên đạo Tấn Lộc không khỏi lo lắng liệu Tích tắc có kéo được nhiều khán giả đến với nhà hát không. Anh cười khà khà tự nhận mình ngày càng… “xôi thịt” từ khi làm mấy vở múa này. “Lo ế chứ, vì người ta làm sô chỉ cần có vở diễn, bán vé nhiều hay ít không quan trọng, còn tụi này làm thì phải bán được vé, có bán được thì mới có tiền đầu tư tiếp cho vở khác. Mục tiêu của tụi này là mỗi năm làm được một vở đàng hoàng, còn sống thì bao lâu nay đều sống bằng việc chạy sô, làm thêm đủ kiểu bên ngoài, cũng quen rồi” – anh nói tự nhiên như thể đã chấp nhận từ lâu rồi…
MINH TRANG
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind