Phải đến khi xuất hiện trong chương trình Thử thách cùng bước nhảy, công chúng mới nhận ra nghệ thuật nhảy múa đang có nhiều biên đạo tài năng
Khi 2 chương trình truyền hình thực tế về nghệ thuật nhảy múa diễn ra trên HTV7 và VTV3, khán giả mới nhận ra đội ngũ biên đạo múa ở thị trường giải trí Việt không hề ít.
Xuất đầu lộ diện
Hiệu ứng từ những tác phẩm tranh tài của các thí sinh vũ công trong những cuộc thi tài nhảy múa khiến công chúng quan tâm hơn đến những người làm công việc biên đạo. Đến lúc này nhiều người mới nhận ra trong lĩnh vực nghệ thuật nhảy múa có khá nhiều biên đạo giỏi dù họ đã làm nghề này trên dưới 10 năm.
Trong đó, công chúng cũng dần quen với những tên tuổi như Việt Max, Hà Lê, Kiều Lê, Mai Anh, Ngọc Quang, Hữu Trị, Hoàng Khải, Sao Mai, Thiên Chương… khi những người này xuất hiện thường xuyên trong vai trò biên đạo của nhiều tiết mục thi diễn của thí sinh trong chương trình Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance. Tất nhiên, sự quan tâm này của công chúng là kết quả cho những bài diễn rất ấn tượng của các thí sinh. Đó là chưa kể những cái tên từ lâu định vị được tên tuổi mình trong lòng công chúng như John Huy Trần, Chí Anh, Trần Ly Ly, Khánh Thi, Tuyết Minh…
Tấn Lộc – một trong những biên đạo đắt sô
Thực tế, mọi vị trí của biên đạo luôn được xác định bởi tác phẩm của mỗi người. Tấn Lộc đã trở thành một thương hiệu tín nhiệm của các đạo diễn khi thực hiện những chương trình nghệ thuật có đầu tư lớn. Anh còn là “người cầm quân” cho những chương trình múa nghệ thuật mà khó có người thay thế. Thùy Chi – Ngọc Anh, cặp đôi biên đạo vừa khẳng định vị trí ngôi sao của mình trong địa hạt múa với đêm diễn mang tên Ta đã ở đó. Đây là sự hợp tác lần đầu của 2 biên đạo – diễn viên múa Việt Nam: Ngọc Anh và Thùy Chi. Họ đã học tập, làm việc và phát triển sự nghiệp tại 2 châu lục khác nhau: Âu và Á trong suốt 15 năm qua.
Biên đạo Ngọc Anh sau 15 năm đi học và làm việc tại nhiều nước, sự chín muồi trong tư duy và tâm hồn nghệ thuật đã giúp anh có đủ bản lĩnh cũng như năng lực để thực hiện chương trình múa Ta đã ở đó và nhiều chương trình khác trong thời gian tới. Còn Thùy Chi, cô được biết đến như một diễn viên múa xuất sắc trong suốt 15 năm qua. Sau khi tốt nghiệp trình độ đại học biên đạo tại Trung Quốc vào tháng 7-2013, Thùy Chi xuất hiện với cả 3 vai trò: biên đạo, diễn viên và nhà sản xuất. Với Ta đã ở đó, Ngọc Anh – Thùy Chi muốn thể hiện phong cách nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân rõ nét sau nhiều năm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống ở những nền văn hóa khác nhau.
Hiếm đất dụng võ
Không khó để nhận ra sự chênh lệch ở các bài nhảy của thí sinh trong Thử thách cùng bước nhảy với các bài nhảy ở Vũ điệu đam mê. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi những bài nhảy ở Thử thách cùng bước nhảy được các biên đạo tên tuổi (cả trong nước lẫn biên đạo ngoại do chính nhà sản xuất chương trình nắm giữ bản quyền giới thiệu) dựng bài trong khi ở Vũ điệu đam mê, các thí sinh sẽ phải tự lo biên đạo bài nhảy của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, số biên đạo làm được chương trình riêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu không có các chương trình truyền hình thực tế về nghệ thuật nhảy múa, các biên đạo cũng chỉ đứng lớp, rèn luyện cho học trò của mình. Những bài nhảy, múa trong các chương trình ca nhạc cũng chỉ mang tính “hương hoa”, phụ họa cho các tiết mục trình diễn của ca sĩ thêm màu sắc nên dù có nhiều chương trình biểu diễn ca nhạc mỗi ngày nhưng vẫn không có đất dụng võ cho biên đạo múa thể hiện tài năng. Ở đó, chủ yếu chỉ sử dụng nhảy múa minh họa, ít tốn kém. Điều này cũng lý giải vì sao Việt Nam có nhiều biên đạo giỏi nhưng các tiết mục múa minh họa của ca sĩ trong các chương trình ca nhạc vẫn nhạt nhẽo, vô vị.
Mặt khác, nghệ thuật nhảy múa dù đã được công chúng chú ý nhiều hơn trước nhưng vẫn chưa thể có vị trí như ca hát. Vì vậy, những bài nhảy dù đẹp mắt, ý nghĩa vẫn chưa đủ sức hút hồn công chúng.
Biên đạo múa đến thời điểm này đã là một nghề được công chúng quan tâm và nhu cầu biên đạo trong các chương trình giải trí có đầu tư lớn là điều có thật. Có yếu tố thiên thời, địa lợi và sự nhìn nhận vai trò của nghệ thuật nhảy múa của công chúng thời gian gần đây chính là yếu tố nhân hòa để nghệ thuật nhảy múa nói chung và biên đạo loại hình nghệ thuật này nói riêng tạo dựng được vị trí quan trọng trong thị trường giải trí. Tuy nhiên, số người có thể làm được điều này còn quá ít so với số lượng biên đạo hiện có.
Thù lao hàng chục triệu đồng cho người giỏi
Biên đạo Tấn Lộc luôn đắt sô, đến mức lịch nhận sô diễn của anh mỗi năm đã kín từ đầu năm. Biên đạo Ngọc Hiền của nhóm múa ABC chuyên đánh sô thị trường cũng đắt sô không kém.
Biên đạo có giá thù lao lên đến vài chục triệu đồng cũng không quá hiếm. Một đơn vị sản xuất chương trình tiết lộ mức thù lao dành cho biên đạo có giá từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng/bài nhảy. Tất nhiên, số biên đạo được nhận mức thù lao này thường là những người có tên tuổi. Ngay cả những thí sinh tốp 10 mùa giải đầu của chương trình Thử thách cùng bước nhảy cũng hái ra tiền sau khi rời cuộc thi. Các vũ công này kiêm thêm nghề biên đạo cho các bài diễn của ca sĩ. Thù lao biên đạo thấp nhất mà họ nhận được cũng ở mức 3 triệu đồng/bài diễn.
Thùy Trang
(Theo NLD)
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind