Trong hơn 80 tiết mục tham dự cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc và Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM lần 4 vừa kết thúc tối 10-8 tại Nhà hát TP.HCM, có khoảng 30% các tiết mục đã mạnh dạn sử dụng chất liệu múa đương đại mới mẻ.
Trong khuôn khổ liên hoan, một hội thảo có tên gọi “Những bất cập trong công tác đào tạo múa đương đại tại các trường văn hóa nghệ thuật VN” cũng đã được tổ chức và thu hút sự tham gia của đông đảo những nhân vật trong ngành múa VN.
Ðây được xem như phát pháo hiệu đầu tiên nhằm từng bước chính thức công nhận thành viên mới “sành điệu” múa đương đại vào gia đình các thể loại múa ở VN.
Người em “nổi loạn”
Cách đây 15 năm, một dự án trao đổi văn hóa giữa Pháp và VN đã cử bà Regine Chopinot – biên đạo múa nổi tiếng của Pháp – sang dàn dựng những tác phẩm múa đương đại tại Nhà hát vũ kịch VN và Trường cao đẳng Múa VN, với các vở như Dưới làn da, Ánh mắt, Giáp Thân…
Tuy nhiên, nhiều khán giả thời điểm đó đi xem về và bày tỏ sự thất vọng lớn. Múa đương đại với những động tác lạnh lùng, pha tạp, có phần bạo lực đã thật xa lạ và khó hiểu.
Có thể nói nếu như các môn múa cổ điển châu Âu, múa tính cách, múa dân gian dân tộc được xem là những đàn anh, đàn chị mẫu mực, khuôn thước thì múa đương đại được ví như một người em sinh sau đẻ muộn và không nghe lời.
Múa đương đại là khi các nghệ sĩ sáng tạo từ bỏ con đường kinh viện hàn lâm của các bậc đi trước để tự mình tìm ra một phong cách diễn đạt riêng, phóng khoáng và tự do đến tận cùng.
Nghịch lý là ai cũng có thể múa đương đại nhưng không phải ai cũng xem được múa đương đại, nhất là đối với khán giả VN vốn chỉ thích xem những gì dể hiễu, chưa có thói quen tự nhìn nhận, khám phá nghệ thuật bằng tư duy riêng của mỗi người – điều cốt lõi làm nên giá trị của loại hình này.
Nhưng các cuộc giao lưu văn hóa vẫn cứ tiếp diễn trong suốt 15 năm qua, với những nền nghệ thuật múa đương đại đến từ Anh, Pháp, Ba Lan, Nhật Bản, Hong Kong…
Giới trẻ yêu múa VN bắt đầu thấy lạ, thấy hay rồi thấy mê loại hình múa kết hợp những đường nét tự nhiên của cơ thể và sức mạnh của trọng lực này, bởi nó bản năng và mãnh liệt, nó ngang nhiên phá bỏ hoàn toàn những quy ước nghiêm ngặt của ballet hay múa dân gian, nó nói về những câu chuyện đang xảy ra trong cuộc sống hiện đại, nó bắt đầu gần gũi và đại chúng.
Thể hiện rõ ràng nhất là ở sân chơi của cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance, khi múa đương đại trở thành một lựa chọn áp đảo và thời thượng của các thí sinh trẻ tuổi. Mới đây nhất, tại cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc và Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng, múa đương đại cũng đã góp gần 1/3 tiết mục bên cạnh những chất liệu an toàn với một cuộc thi hội nghề như múa cổ điển, múa sân khấu truyền thống, múa Chăm…
“Dạy đại” với đương đại
Trong liên hoan múa lần này có một tiết mục gây sự chú ý là Bản ngã của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Ðó là một tiết mục múa đương đại được trình diễn kết hợp giữa các động tác cơ thể của diễn viên, âm nhạc, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh từ màn hình chiếu lớn.
Tuy nhiên tiết mục gặp trục trặc với màn chiếu video vì bộ phận kỹ thuật của liên hoan chưa thích ứng kịp với cách trình diễn mới.
Dù vậy, đó không phải là cách làm quá mới, bởi theo nghệ sĩ Bùi Tuấn Anh, sau năm năm du học và biểu diễn tại Pháp thì anh còn tiếp xúc với nhiều cách trình diễn múa đương đại kỳ lạ hơn, từ múa với ánh sáng, múa với công nghệ số, múa kết hợp với xiếc, opera cho đến những buổi trình diễn múa khỏa thân quái dị…
Tất cả các chất liệu và đề tài đều được dung nạp, tất cả những ý tưởng kỳ lạ nhất đều được chấp nhận, vô tình tạo ra một cảm giác rằng múa đương đại là… múa đại, sao cũng được, càng khác thường khó hiểu thì càng… đương đại!
Cũng vì vậy mà mong muốn đưa múa đương đại vào giáo trình chính thức để giảng dạy tại các trường nghệ thuật vẫn là một con đường rất dài.
Nhiều nghệ sĩ biên đạo múa VN đã xuất ngoại học nghề như NSND Hà Thế Dũng, Trần Ly Ly, Ðỗ Hoàng Thy Ngọc, Phúc Hải, Quách Phượng Hoàng, Lê Vũ Long (Pháp), Phúc Hùng, Ngọc Khải (Hà Lan), Tấn Lộc (Nhật Bản)…, nhưng mỗi người lại học theo mỗi trường phái khác nhau nên khi trở về cũng dạy lại theo kiểu tự phát, truyền nghề, thành ra lắm thầy thì nhiều… trường phái.
Thậm chí có những biên đạo ít tên tuổi hơn cứ mua đĩa chương trình ca nhạc ở nước ngoài về “học hỏi” vài chiêu mới rồi vội vã đi dựng cho các vũ đoàn để chạy sô…
Tuy nhiên, theo NSND Lê Ngọc Cường – phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN – thì ngành múa nên… bình tĩnh bởi ngay cả trên thế giới vẫn chưa có một giáo trình chuẩn và thống nhất về loại hình này, và chúng ta nên có cách ứng xử ngược với múa đương đại, nghĩa là phải xuất phát từ thực tiễn sáng tác, kinh nghiệm sáng tạo của nhiều người rồi thể nghiệm, sửa đổi, bổ sung nhiều lần mới hi vọng có được một bộ giáo trình chuẩn.
Biên đạo Phúc Hải của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (thành viên ban giám khảo liên hoan múa lần này) cho rằng: “Múa đương đại nhìn có vẻ vung vãi như vậy nhưng thật ra không hề… múa đại chút nào. Việc tập luyện đòi hỏi phải thật sự nghiêm túc và tập trung cao độ. Dòng chảy múa đương đại đã đến thì chúng ta hãy cứ nương theo dòng mà đi, đã mất 15 năm hoài nghi rồi còn gì!“.
HOÀNG OANH
(Nguồn http://tuoitre.vn)
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind