Tối 27/6, hơn 1.000 khán giả TP HCM đến Nhà hát Bến Thành để thưởng thức một trong những tác phẩm ballet xuất sắc thế giới – vở “Nghi lễ mùa xuân” của biên đạo Jean Claude Gallotta.
Gần 20h40, biên đạo múa nổi tiếng người Pháp xuất hiện trên sân khấu cảm ơn khán giả vì có mặt rất đông trong lần đầu tiên vở diễn nổi tiếng này ra mắt khán giả Việt Nam.
Gallotta cho biết, đáng lẽ không cần nói nhiều vì tự bản thân vở múa sẽ nói thay những thông điệp của nó. Tuy vậy, ông vẫn muốn dành ít phút chia sẻ với khán giả về tác phẩm ballet có tuổi đời đúng 100 năm “Chúng ta đang sống trong một xã hội dân chủ, vì thế, người phụ nữ phải được trân trọng, đó là một trong những thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua phần biên đạo của mình“, Galotta chia sẻ.
Tôn vinh hình ảnh người phụ nữ cũng là một trong những sáng tạo của Gallotta trong việc khoác lên tấm áo đương đại cho vở múa kinh điển.
|
Vở diễn có nhiều màn múa đơn phô diễn kỹ thuật rất đẹp mắt. |
Nghi lễ mùa xuân mở đầu bằng tiếng thét đau đớn của người trinh nữ bị dâng lên hiến tế. Sau tiếng thét, 13 nghệ sĩ múa xuất hiện lần lượt trên sân khấu. 6 nghệ sĩ nam và 7 nghệ sĩ nữ là hiện thân cho những thái cực khi va chạm, khi đối lập nhau. Bằng những động tác hình thể, họ “đối thoại” với nhau trong một nghi thức huyền bí, không chỉ đơn thuần thuộc về con người mà là hiện thân cho sự tái sinh và hủy diệt của vạn vật, sự sống.
Ở bản gốc, vở diễn thể hiện một loạt các nghi lễ cổ xưa của người Nga. Nội dung được chia làm hai phần chính: phần đầu mang tên “L’Adoration de la terre – Sự tôn thờ trái đất” và phần tiếp có tên là “Le Sacrifice – Sự hiến tế”. Sang bản dựng mới, Gallota vẫn giữ nguyên nền nhạc gốc của Stravinsky, chia vở thành hai chương ngắn: chương “Tumulte” đầy kịch tính, xáo trộn và chương “Pour Igor”, điệu múa đơn tưởng nhớ nhà soạn nhạc lừng danh.
Trong 40 phút, 13 nghệ sĩ múa lôi cuốn người xem trong từng khoảnh khắc. Họ phô diễn tài năng và thể lực khỏe khoắn đến kinh ngạc. Các động tác múa trong Nghi lễ mùa xuân đều đòi hỏi lột tả được sự mạnh mẽ, dứt khoát và dữ dội chứ không có chỗ cho vẻ mềm mại, yểu điệu mà mọi người thường hình dung về ballet. Các nghệ sĩ múa chuyển động liên tục, khi thì nhập thành đôi để miêu tả sự đối kháng trong mối quan hệ nam – nữ, khi tách rời nhau như những cá thể đang phân vân, tự dò tìm lối đi trong sự huyền bí của vũ trụ. Dù múa đơn, đôi hay tập thể, họ đều hài hòa nhau trong từng động tác, thăng hoa trong cảm xúc và cuốn người xem vào một câu chuyện kể không lời.
“Nghi lễ mùa xuân” mang đến nhiều cung bậc cảm xúc qua vũ điệu và âm nhạc dữ dội. |
Một nét cuốn hút lớn nữa của vở diễn nằm ở âm nhạc đầy kịch tính, dữ dội, phá vỡ những quy cách của Stravinsky. Nếu Stravinsky khước từ sự cân bằng, muốn đặt người nghe nhạc ông vào tâm thế của thách thức, tra vấn thì phần biên đạo của Gallotta lại giữ cho khán giả sự hài hòa về hiệu ứng thị giác. Ngay cả trong những đoạn múa tập trung cả 13 nghệ sĩ cùng lúc, sư cân đối về mặt tổng thể luôn được đề cao tạo nên sự hòa quyện, chuẩn xác về bố cục sân khấu. Gallotta điểm xuyết vào bản giao hưởng hoành tráng của Stravinsky những đoạn âm thanh giọng nói của chính nhà soạn nhạc một thời gây tranh cãi.
Vở múa khép lại từ từ với cảnh 13 nghệ sĩ đứng dàn hàng ngang cuốn tấm vải lót sàn diễn dần dần lùi vào trong. Tiếng thét thất thanh của người trinh nữ xé tan âm thanh là tiếng gió ồ ạt. Gallotta đã cho thấy một ý tưởng biên đạo đầy chiều sâu khi ông đề ra những nét hình ảnh, âm thanh đối lập: tiếng thét đi ngược với tiếng gió của sự u mê, màu vải trắng tương phản với những khoảng đen trên sân khấu. Một trích đọan giọng nói của Stravinsky được sử dụng ở giữa vở diễn có hai từ: “Conscious”, “unconscious”. Dường như sự thức tỉnh hay không thức tỉnh là lời tự vấn xuyên suốt vở diễn.
Biên đạo Gallota cùng các diễn viên múa phải nhiều lần ra sân khấu chào khán giả vì tiếng vỗ tay không dứt khi vở diễn khép lại. |
Hơn 1.000 khán giả đã dành cho biên đạo Gallotta và các nghệ sĩ múa tràng pháo tay lớn, kéo dài hơn 10 phút. Mỗi người xem có một cảm nhận khác nhau về vở diễn. Nhưng tựu trung đều công nhận tài năng và những giọt mồ hôi mà các nghệ sĩ Pháp đã đổ trên sân khấu Việt.
Sau TP HCM, vở ballet tiếp tục đến với khán giả Hà Nội vào 20h ngày 29/6 tại Nhà hát Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm. Đây là hoạt động văn hóa nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Năm Việt Nam – Pháp, kỷ niệm 40 năm hai nước Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thoại HàẢnh: Nhật An
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind