Người đẹp ngủ trong rừng

3658-sleeping-beauty-512x238

“Người đẹp ngủ trong rừng” là vở ballet dựa theo câu chuyện cổ tích của Charles Pernault, do Pyotr Tchaikovsky soạn nhạc và Marius Petipa viết libretto. Vở ballet ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1890 tại Nhà hát Mariinsky, St. Petersburg, với nhạc trưởng người Ý Riccardo Drigo và lực lượng diễn viên rất „hoành tráng” (điệu valse với các vòng hoa (valse villageoise) trong hồi I đã do 150 vũ công thực hiện!) Vai Công chúa Aurora do ngôi sao ballet người Ý Carlota Brianza đảm nhận.

Mặc dầu vậy, „Người đẹp ngủ trong rừng” đã bị giới phê bình tẩy chay. Họ cho rằng nhạc của Tchaikovsky là „không thể múa được”, bản thân vở ballet thì không có nội dung gì, chỉ là một chuỗi các điệu múa chảng liên quan gì đến nhau, không nên thơ chút nào, giống như một gánh hàng xén… Tờ „Thời báo St. Petersburg” còn cho đăng một bài thơ châm chọc rất “phản động”, đại ý là „nếu ai chưa biết thế nào là chán ngán, thì hãy đi xem vở ballet mới, nếu thích „người đẹp” và „ngủ” thì chắc chắn sẽ được một giấc ngủ ngon”. Một tờ báo khác nhận định: „thiên tài của nghệ thuật opera có thể trở thành một nhà soạn nhạc ballet bất tài”. (Thực ra, những lời phê bình này không hẳn là hoàn toàn vô lý. Vở ballet quả thực là hơi bị lê thê, những mạch truyện bị nhấn chìm giữa vô số các điệu nhảy, hết điệu này đến điệu khác.)

Trái ngược với thái độ của các nhà phê bình, khán giả đón nhận vở ballet rất nồng nhiệt. Chỉ trong mùa biểu diễn đầu tiên, „Người đẹp ngủ trong rừng” đã được trình diễn tới 21 lần! Nguyên nhân có lẽ là do nội dung của vở diễn phù hợp với thị hiếu của cung đình Sa hoàng và khán giả St. Petersburg lúc bấy giờ. Khác với „Hồ Thiên Nga”, nó không có những yếu tố bi kịch, những xung đột của cảm xúc. Toàn bộ vở ballet là một câu chuyện cổ tích tràn đầy niềm vui và ánh sáng. Ngay cả lời nguyền độc địa của bà tiên xấu bụng Carabosse cũng chỉ trở thành một giấc ngủ êm đềm. Chẳng có gì ngăn trở tình yêu của hoàng tử và công chúa, chàng chỉ việc đến hôn nàng 1 cái là xong!

„Người đẹp ngủ trong rừng” bao gồm rất nhiều các điệu múa (gần 30 điệu) với các hình thức vô cùng phong phú. Một nhà nghiên cứu lịch sử ballet người Nga đã gọi vở ballet này là „bách khoa toàn thư của nghệ thuật múa ballet cổ điển”. Nếu như trong „Hồ Thiên Nga”, Petipa chỉ dùng vài pas (1), thì trong vở này ông đã tận dụng chúng hết mức. Ông sử dụng những pas đã bị quên lãng từ lâu của các trường phái ballet Pháp và Ý và phát triển chúng. Ông làm phong phú thêm các động tác tay, để qua đó đạt được một sự thống nhất trong phong cách. Ông không tìm các phương thức biểu đạt mới mẻ, nhưng đã sử dụng toàn bộ kinh nghiệm và kiến thức của mình để đem đến cho những hình thức truyền thống một vẻ đẹp, sự quyến rũ và bước nhảy mới. „Ông là thiên tài trong nghệ thuật khắc họa những hình thức múa đặc biệt, ví dụ như việc phân biệt tính chất của các pas de deux. Trong „Người đẹp ngủ trong rừng” có tất cả các biến thể của nó: pas de deux classique trong điệu múa của Hoàng tử và bà tiên Tử đinh hương, ở đây người nam chỉ là người trợ giúp (porteur) để nâng và giữ cho người nữ; pas de deux demi-classique trong điệu múa của Chim Xanh và Florina, ngoài việc làm porteur để nâng và giữ người nam còn múa cùng người nữ; pas de deux caractere trong điệu múa của Mèo Đi Hia và Mèo Trắng, khi cả 2 diễn viên cùng múa song song; và cuối cùng là màn lôi cuốn nhất của vở ballet – grand pas de deux classique của Công chúa và Hoàng tử, đầu tiên là các tư thế nâng cao lên không, tiếp theo là pas seul (điệu múa đơn) của Công chúa, rồi đến pas seul của Hoàng tử, và cuối cùng là múa chung. Ngoài vô số các pas de deux, Petipa đã biên soạn 6 pas seul ở phần mở đầu và 4 pas seul ở hồi cuối cùng cho các bà tiên, mỗi cái lại mang những đặc tính riêng về kỹ thuật, phù hợp với tính chất của vai mà người diễn viên thể hiện.” (Irena Turska)

Mặc dù có những thành công vượt bậc trong dàn dựng, và mặc dù Petipa hết sức hợp tác với Tchaikovsky, phần âm nhạc của Tchaikovsky không đem đến cho vở ballet được hết những giá trị của nhạc giao hưởng. Đỉnh cao nghệ thuật dàn dựng của Petipa không phải lúc nào cũng được hòa đồng với đỉnh cao âm nhạc của Tchaikovsky. Mặt khác, libretto và phần dàn dựng của Petipa mang phong cách Pháp nhiều hơn là phong cách Tchaikovsky.

Dẫu vậy, „Người đẹp ngủ trong rừng” vẫn là vở ballet đỉnh cao nhất của Marius Petipa. Bản thân Tchaikovsky cũng luôn xem đây là vở đỉnh cao nhất của ông, nhưng hậu thế lại có đánh giá khác và xếp „Kẹp Hạt Dẻ” lên trên.

—-

Valse villageoise – điệu valse nổi tiếng trong hồi I

http://www.youtube.com/watch?v=uthSz6nPg2Y

Chú thích:

(1) pas (có nghĩa là “bước”, step) là thuật ngữ trong ballet để chỉ một cấu trúc múa, ví dụ pas de deux là múa đôi, pas de trois – múa 3 người, pas de chat – bước nhảy nhún gối một cái giống như con mèo v.v

Thái Linh

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*