À Ố và Jazz

Tuần rồi hân hạnh được đi xem hai show diễn À Ố và Jazz . Mạn phép đàm đạo về hai show, dưới con mắt của một khán giả

Điều làm được từ hai show – khiến cho một dancer trong nghề như tôi hết sức khâm phục: Đưa dancing gần hơn tới với công chúng, nói cho công chúng hiểu hơn về thể loại/nghề múa mà họ đang theo đuổi. Ở họ toát lên cái tâm huyết, nỗ lực tìm tòi sáng tạo với nghề, hơn ai hết: “Actions better than words”

À Ố là vở diễn có sự tham gia của vũ đoàn Arabesque. Tôi đã từng đi xem hai show The MistChuyện kể những chiếc giày của Arabesque. Ở hai vở diễn trước, Arabesque thường lấy ý kiến khán giả cuối buổi diễn để cải tiến show diễn mình tốt hơn. Một trong những cải tiến đó là giá vé được nâng lên từ 150k, 300k lên một phát tới hơn 1 triệu đồng. Mặc dù mắc thiệt so với túi tiền lép kẹp của tui, nhưng tui hiểu hơn ai hết mồ hồi công sức và giá trị của những dancer đứng trên sàn diễn nên cũng bấm bụng rút hầu bao mua 3 tấm vé đi xem cùng đồng nghiệp. Cả 3 đứa đều háo hức : Giá vé mắc gấp 3-4 lần chắc chắn chất lượng show hay cực đỉnh.

Trước hết tôi thích Arabesque vì ấn tượng đầu tiên luôn là những cái tên gọi. À ố là cái gì mà nghe rất Việt, rất quen mà chẳng hiểu cái gì vậy nhỉ? Cũng như là Sương sớm hay câu chuyện của những chiếc giày. Không lên gân lên cốt phô trương mà tên show nào của Arabesque tự thân nó cứ gợi cái tò mò giản dị đến dễ thương

Chất lượng dancer Arabesque thì không có gì phải bàn. Toàn là những dancer hàng đinh thuộc Contemporory và Ballet của Việt Nam. Tiếp đó là sự sáng tạo trong từng ý tưởng, biên đạo, kĩ thuật, ánh sáng và phối cảnh luôn làm tôi hứng thú. Lần này À ố nói về cuộc sống của người dân Nam bộ với hoạt động mùa màng và sự thay đổi ở môi trường thành thị.

Nói về cấu trúc, thú thật là tôi không hiểu lắm về cốt truyện. Chỉ có thể thấy một kết cấu hơi gãy, khi phần đầu là bối cảnh cuộc sống canh tác ở nông thôn, phần sau là cuộc sống mưu sinh của người dân lao động ở phố thị và kết thúc lưng chừng ở đó, khi khán giả chưa kịp hiểu thông điệp cuối cùng mà À Ố muốn nhắc tới. Người xem đang lơ mơ trong lối kể chuyện dàn trải thường thấy của Arabesque thì đột ngột kết thúc, một cảm giác chưng hửng đến là khó chịu. Như cái cảm giác con người ta đi tìm khoái lạc, mà đến giữa đường chưa đi tới đỉnh thì phải rơi tòm về thực tại một cách trống rỗng. Khó chịu và nặng nề vì cái thèm khát chưa được giải tỏa. Giá như phần 1 và phần 2 được thu ngắn hơn một chút xíu, và thêm một phần 3 với một kết cấu chặt chẽ hơn, cao trào hơn và gọn gàng hơn chắc sẽ thỏa mãn được kì vọng của người xem hơn. Thời lượng 90 phút hoặc 100 phút sẽ ổn hơn so với thời lượng 60 phút

Luôn luôn là sáng tạo, khi Arabesque cho thấy sự chỉn chu từ cách xuất hiện, từ cách đầu tư công phu về ý tưởng cho đạo cụ, về cách chuyển cảnh, cách mở cảnh và đẩy cao trào trong từng phân đoạn. Cái mà tôi thích nhất ở Arabesque là sự đồng đều về năng lực của diễn viên, tâm trạng nhân vật sống động tự nhiên trong từng diễn xuất của diễn viên. Sự đồng đều đó hết sức quan trọng trong việc tái hiện một vở kịch không gượng ép mà hết sức chân thực. Lần này Arabesque sử dụng chiếc thúng vốn gắn bó với không chỉ người dân Nam bộ mà hết thảy mọi người nông dân Việt Nam. Dưới bàn tay của các nghệ sĩ Arabesque, chiếc sống động duyên dáng, vừa để sàng sảy, vừa để vận chuyển lúa, vừa để tránh đạn bom, che nắng che mưa, để chèo thuyền, để bắt tôm cá (như cái vó)… Đạo cụ thứ hai là những thân tre. Tôi thích nhất sự uyển chuyển khi sử dụng những chiếc ống trê này, đặc biệt cảnh tái hiện cầu tre trên sông nước Việt Nam.

Đưa nhạc sống một cách khéo léo vào vở diễn, đặt chính những nhạc công quanh năm chỉ biết đàn nay thành diễn viên kịch là một sáng tạo mới trong vở diễn lần này so với các vở diễn trước, cùng với nghệ thuật sử dụng ánh sáng đầy sáng tạo và dày công nghiên cứu trong phân đoạn xoay cùng chiếc thúng, hay múa cùng chiếc gióng nhỏ và các mảng phòng trọ/cuộc sống khiến tôi vỡ òa vì sung sướng

Có lẽ Arabesque đã lắng nghe ý kiến của khán giả những lần trước, về sự lan man nặng đầu của các vở diễn trước, nên lần này Arabesque kết hợp thêm một chút hoạt cảnh đường phố với Hiphop và các kĩ thuật xiếc với xe đạp. Đây là sáng tạo giúp người xem xả stress hơn một chút trong suốt buổi trình diễn. Hi vọng Arabesque sẽ có thêm nhiều sự kết hợp thú vị trong cách vở diễn lần sau một cách trôi chảy mà không gượng ép như vậy nữa.

Có lẽ gu xem múa của tôi hơi lệch pha so với công chúng của Arabesque chăng ? Tôi đã bị pha chút hiện đại, nên tôi cần một diễn biến nhanh nhẹn, súc tích hơn lối kể chuyện hiện thời của Arabesque. Các vở diễn của Arabesque luôn làm tôi nặng đầu và mệt mỏi. Cái nặng đầu và mệt mỏi này đến từ việc vở diễn của Arabesque luôn tràn ngập các ý tưởng sáng tạo, kĩ thuật công phu, hiệu ứng ánh sáng đẹp quá khiến tôi phải căng hết mọi giác quan lên để hít, để ngửi, để thưởng thức và tưởng tượng…. Cả cơ thể căng lên để cảm thụ nên cuối cùng…. Tôi mệt. Ước gì Arabesque thu ngắn lại hơn một chút ở một số chi tiết, và xen thêm các hoạt động khác nhẹ nhàng hơn để giúp đỡ những khán giả hiếu động như tôi không bị nặng đầu

Cuối cùng, tôi hết sức tự hào vì ở Việt Nam đã có một nhóm múa tách ra khỏi từ Cơ quan nhà nước, hoạt động bài bản và hết sức chuyên nghiệp, từ khâu Quảng cáo truyền thông, dịch vụ khách hàng (Nói ngắn gọn là Kinh doanh) tới khâu tổ chức biểu diễn, kĩ thuật diễn viên, ý tưởng sáng tạo, âm thanh ánh sáng sân khấu đạo diễn (gọn lại là Nghệ thuật).

Với những cố gắng và tâm huyết đáng nể này, tôi rất tin Tấn Lộc, Arabesque sẽ cùng đưa Múa Việt Nam ra gần hơn với thế giới. Actions better than Words. Các bạn đã buộc thế giới phải nói về mình bởi chính chất lượng và sự trưởng thành qua các vở diễn, tới một kẻ ít phát ngôn rộng rãi trên cơ quan ngôn luận như tôi cũng phải ráng vặn lưng bẻ cổ để nói ra cái điều chất chứa….

P/s : Mới nói xong về À ố. Các fan trong Page này ai thấy bài viết của tui đáng đọc thì Like cho tui một phát lấy hơi tối về tui viết cảm nhận của tui về Show Jazz nhá.

Ngân nancy

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Comments

  1. Bạn à, anh Tấn Lộc là 1 trong 4 tác giả của À ố nhưng vở diễn này ko phải của vũ đoàn Arabesque. À Ố show cũng không phải là một tác phẩm múa, nó được tổng hợp từ nhiều yếu tố trong đó có cái đẹp của múa, cái kỹ năng tạo hình & kỹ thuật của xiếc, cái mạo hiểm của cascadeur, cái vui nhộn thâm thuý của hài kịch, và cả cái tung hứng của nhạc kịch. Bạn ở trong nghề có thể trao đổi thêm với anh Tấn Lộc. Thanks!

Speak Your Mind

*