Cuộc hẹn của chúng tôi kẹt giữa hai chuyến ra sân bay của Hồng Ánh, không liên quan gì tới bộ phim 12 tỷ mà Ánh lần đầu làm nhà sản xuất, đang trong giai đoạn hoàn tất. Cô vừa đưa ông nội và con trai riêng của chồng tới sân bay để ra Bắc, mấy tiếng đồng hồ sau lại tất tưởi đón chuyến bay khác ra Huế thăm cậu con nuôi đang bệnh. Tóc tém, thời trang hiện đại, làn da nâu rắn rỏi của con gái đất Trà Vinh, ấy vậy mà tôi vẫn nhìn thấy phảng phất trong cô hình bóng của Hạnh (Trăng nơi đáy giếng), người phụ nữ Huế điển hình, nói như đạo diễn Vinh Sơn – “như con cá bơi trong hồ nước hạnh phúc. Dù chảy bao nhiêu, trôi đi bao nhiêu, con cá vẫn cứ bơi, còn là còn bơi, còn thấy hạnh phúc là còn muốn níu giữ”…
Không liều sao biết?
* Năm hết Tết đến rồi, lại còn phim đầu tay “cỡ bự” trong vai trò nhà sản xuất, nhà đầu tư và đồng tác giả kịch bản, mà sao còn lo “chuyện bao đồng” thế?
– Thằng bé là con của mình trong phim Trăng nơi đáy giếng đó, nhận tôi là mẹ nuôi từ hồi đóng phim (2007) đến nay cháu học lớp 6 rồi, cứ Hè lại đón nó vào Sài Gòn chơi. Mấy hôm rồi nó bệnh, cũng không có gì nghiêm trọng, mà làm nũng, đòi mẹ Ánh ra mới chịu uống thuốc. Hồi quay phim, thằng bé này rất là khó chịu. Ban đầu nó nói gì mình cũng chẳng hiểu (giọng Huế), phải mất cả mười ngày mới làm quen được với nó. Nghĩ lại cũng buồn cười. Khi quen rồi, nó cứ đòi… “sờ ti” rồi mới chịu quay. Mà hồi ấy, đóng phim này, tôi xuống cân dữ, còn có 48 ký, ngực tong teo à.
Trên trường quay Đường đua
* Thế còn “đứa con đầu lòng” trong sự nghiệp làm giám đốc sản xuất của chị, giờ ra sao rồi? Cái tên Đường đua nam tính, đua tranh quyết liệt quá, có vẻ chẳng giống cô Ánh?
– Kịch bản ban đầu có tên là Chuyện một tử tù, sau đổi thành Đường đua cuối và hiện tại đang là Đường đua, chưa biết đã phải là tựa cuối cùng hay chưa nhưng lúc này tôi thấy đó là cái tên phù hợp nhất. Đây là bộ phim hành động tội phạm xã hội.
Lựa chọn đề tài này tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Quan sát thị trường hiện nay thấy chủ yếu là phim hài, phim kinh dị và đồng tính, nhưng dòng phim hành động, đề tài tội phạm xã hội với tiết tấu nhanh và phản ánh trực diện hiện thực xã hội thì thiếu vắng. Ngoài ra còn vì lý do hoàn toàn cá nhân, thời gian gần đây tôi cảm thấy bất an trước tình trạng tội phạm trẻ trong xã hội. Nếu làm phim là muốn kể một câu chuyện, tôi muốn kể câu chuyện ám ảnh mình nhất. Tôi muốn đi tìm nguyên nhân xem vì sao họ lại có những hành động kinh hoàng như vậy.
* Không ít người cho rằng Hồng Ánh quá mạo hiểm khi quyết định trao một số tiền khá lớn cùng áp lực phim truyện nhựa đầu tay vào một đạo diễn trẻ, chưa có kinh nghiệm làm phim dài. Chị có biết điều đó không?
– Có, tôi biết. Nhiều người gặp tôi còn đùa: “Cho em 12 tỷ làm phim đi!”. Đây đâu phải một số tiền nhỏ, và hoàn toàn là kinh phí độc lập, không phải tiền của Nhà nước. Trước, Sơn (nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, phu quân của Hồng Ánh – TT&VH) viết phê bình phim này phim khác, có người bảo: Sơn, Ánh cứ bỏ tiền ra làm phim đi rồi biết. Thực sự bây giờ tôi đang làm điều đó đây. Nói là liều lĩnh cũng được. Nhưng thỉnh thoảng cũng phải cho mình một tí liều lĩnh để đo sự nhạy cảm của mình chứ. Ở Việt Nam nếu không làm một sản phẩm cụ thể thì chưa thể biết được… Hay hay không thì còn tùy vào từng khán giả, nhưng trường hợp xấu nhất thì tôi vẫn hài lòng đã làm một tác phẩm cho mình tốt nhất trong khả năng trước đã. Nhưng Đường đua là cuộc kinh doanh đàng hoàng và có tính toán. Tôi đang có một lòng tin mãnh liệt vào thế hệ làm phim mới, từ đạo diễn đến quay phim, người làm nhạc phim…
Với đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy (sinh năm 1986), tôi đã có dịp cộng tác từ dự án làm phim ngắn 89.600 km+, khi chiếu các phim trong dự án này ở nhiều trường đại học, phim của Huy (Chuyện tào lao) là phim được yêu thích nhất. Từ cộng tác ở phim ngắn tôi nhìn thấy ở Huy khả năng đi đường dài. Được đào tạo bài bản tại nước ngoài (tốt nghiệp Trường Điện ảnh Sydney, Australia – TT&VH) làm chủ các phương tiện kỹ thuật điện ảnh hiện đại, còn trẻ nhưng rất điềm đạm, biết lắng nghe. Cậu ấy có thể thiếu kinh nghiệm thực tế nhưng lại có lợi thế là không bị ảnh hưởng gì từ thị trường làm phim trong nước. Và đặc biệt, Huy làm phim không để mua danh cũng không vì áp lực kiếm tiền, mà vì say mê.
Giấc mơ lớn vẫn là làm diễn viên
* Bỏ tiền đầu tư, sao chị không “dấn thêm”, làm đạo diễn. Chị đã từng làm phó đạo diễn mấy phim truyền hình rồi mà?
– Tôi thực sự chưa tự tin làm đạo diễn ở phim đầu tay, nhất là thể loại phim hành động nhưng biết đâu trong dự án phim thứ hai tôi sẽ đảm nhiệm vai trò này. Giấc mơ lớn nhất của tôi vẫn là làm diễn viên. Nếu có làm đạo diễn thì chỉ ở những phim độc lập, có quy mô nhỏ. Trong thế giới diễn viên tôi thấy mình kiểm soát tốt nhất. Bây giờ cơ hội vào những vai diễn tốt gần như không có, mình đành phải tạo cơ hội cho mình thôi.
* Được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đánh giá là một trong những diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, vậy mà nghe nói chị rất chăm đi “cast” (tuyển vai), chị từng đi dự tuyển vai Phượng của Người Mỹ trầm lặng?
– Đúng là tôi rất chăm chỉ đi “cast”, dù được mời hay không. Những cô gái chân dài, Ba mùa, Mùa len trâu, Long ruồi… đều đi cả. Người Mỹ trầm lặng “cast” lúc tôi đang kẹt, nên chỉ gửi hình. Thử vai nhiều nhưng được vai hay không còn do cái duyên đấy. Phim Mùa len trâu chẳng hạn, tôi đã “cast” xong vai, đã đi học lặn, học bơi…, thế nhưng thời điểm quay thì lại không thu xếp được thời gian vì vướng dự án khác, vai đó sau thuộc về Kiều Trinh. Trăng nơi đáy giếng tôi cũng đi “cast” và là người thử vai cuối cùng. Tôi cũng từng lọt đến vòng hai, vòng thử vai phim Làng hồng (Pink Village, đạo diễn Oliver Stone) nhưng sau dự án này lại bị hoãn… Thật sự là tôi vẫn mong chờ cơ hội được làm việc trong một dự án phim lớn. Mỗi một dự án phim lớn của nước ngoài ghé qua Việt Nam là mình được một khóa huấn luyện miễn phí.
* Đỗ Hải Yến tình cờ mà được chấm một vai diễn “đổi đời”. Còn chị, có vẻ như thiếu duyên với những cơ hội có thể làm thay đổi hình ảnh đã quá quen thuộc với người xem?
– Đôi khi tôi cũng tự vấn về điều chị nói. Nghề này duyên số nhiều lắm. Tuổi càng lớn, cơ hội, cơ duyên càng xa…
* Cái duyên nào dẫn một cô diễn viên múa “thường thường bậc trung” trở thành một diễn viên điện ảnh hàng đầu trong thế hệ chị?
– Thuở nhỏ tôi đã thích kể chuyện và bắt chước tốt. Còn đi học múa vì trường múa kế bên nhà và mẹ nghĩ cho tôi đi học múa để khỏe. Ở trường múa tôi cùng lớp với Thu Minh (ca sĩ – TT&VH), Minh thì dẻo mềm, tôi thì cứng. Tôi thường chỉ được điểm cao khi múa tính cách, chứ điểm kỹ thuật thì khi lên khi xuống. Từ lúc đó đã thích phim rồi. Nên ra trường, thấy có cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng, tôi đăng ký luôn để tìm cơ hội làm gì đó với điện ảnh, sau khi đoạt giải (Người đẹp duyên dáng – TT&VH) thì nhận được một vai trong phim truyền hình Người đẹp Tây Đô (vai em gái của người đẹp Tây Đô – Việt Trinh). Còn tác phẩm điện ảnh đầu tiên tôi tham gia là Hải Nguyệt, nhờ đi đóng video ca nhạc mà được đạo diễn Đinh Anh Dũng giới thiệu cho đạo diễn Mỹ Hà. Lúc đó tôi vẫn còn đi múa. Trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 5, tôi múa phụ họa tiết mục Trên đỉnh phù vân của Mỹ Linh, toàn múa sau các chị Thảo Dung, Mỹ Duyên. Tới vai diễn điện ảnh thứ hai tôi mới chính thức bỏ múa. Tôi quá cứng để theo nghiệp ballet chuyên nghiệp. Nếu không có điện ảnh, chắc tôi sẽ chỉ vào vũ đoàn múa minh họa, đi múa đám cưới…
* Trong điện ảnh, chị tự đánh giá về mình như thế nào?
– Ở tôi không gì có sẵn cả, tất cả đều phải trải qua nhiều vật lộn. Có những người nói một câu thoại nhẹ như lông hồng mà mình thấy ngay ấn tượng, trong khi để làm được như thế tôi phải tập liên tục, nhiều lần mới đạt được. Tôi nghĩ mình có thế mạnh là sự nhạy cảm, nhưng tôi lại không phải người dễ dàng bộc lộ cái cảm giác đó ra bên ngoài, và để bộc lộ nó ra (tức là phải diễn) thì phải tập luyện kinh khủng. Ngoại hình tôi cũng thế. Để biến hóa nó thì phải nỗ lực rất nhiều. Chụp hình tôi thường rất cực, mất nhiều công sức nhưng hầu như không ra được bức hình mà tôi thấy mình thực sự trong đó.
* Trên VTV6 từng có một tranh luận vui vui về vấn đề: cái gì quan trọng hơn với nghệ sĩ: năng khiếu trời cho hay sự rèn luyện? Quan điểm của chị thế nào?
– Làm nghệ thuật thì cá tính rất quan trọng, đó là thứ trời cho. Rèn luyện có thể thành danh nhưng vai diễn sẽ rất an toàn. Đó là trường hợp của tôi đấy. Trong nghệ thuật tôi không phải người có cá tính nổi bật, tôi thiếu sự cực đoan.
* Có lúc tôi nghĩ vẫn chưa có vai nào đẩy được Hồng Ánh tới “góc khuất” chưa được khai thác. Thú thực, những cảnh phim mà chị được ca ngợi là chịu hy sinh cho nghệ thuật, là nổi loạn, sẵn sàng “cởi”, tôi lại thấy nó gượng gạo, nó không phải là sự “nổi loạn” thật sự của cô Hồng Ánh.
– Bây giờ tôi thấy điều ấy. Lúc đó tôi không nghĩ như vậy. Thì bây giờ, làm phim Đường đua, coi là lúc tôi thể hiện cá tính của mình đi không biết có thành công không, chứ trong cuộc sống, lần nào tôi thử quyết liệt là lần đó được. Quyết định đi thi Diễn viên điện ảnh với 2 bộ áo dài và 1 bộ bikini. Mới nhất, quyết định cắt tóc ngắn, được mọi người khen nhiều hơn chê.
Hồng Ánh cầm tinh con rắn (1977), được mệnh danh là “diễn viên của những phim đoạt giải”, vai chính trong nhiều bộ phim truyện nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam: Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bỏng, Trăng nơi đáy giếng.
Bài: P.T.T.T. Ảnh: Quốc Huy & Blue Production
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind