Liên hoan múa đương đại châu Âu gặp Việt Nam vừa diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ ngày 28 và 29/9 đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Thành công của liên hoan lần này khiến công chúng hi vọng vào sự phát triển của múa đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, ta phải vượt qua nhiều khó khăn trước mắt.
Để độc giả hiểu rõ hơn con đường phát triển của múa đương đại Việt Nam, những cơ hội và thách thức, TT&VH có cuộc trao đổi với NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam và chị Tuyết Minh, biên đạo múa trẻ gặt hái nhiều thành công với các vở múa đương đại.
* Thưa biên đạo múa Tuyết Minh, là một biên đạo múa trẻ, chị có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về Liên hoan Múa vừa rồi?
– Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi cũng như rất nhiều biên đạo trẻ đều cảm thấy rất phấn khích khi được thỏa những đam mê trong Liên hoan múa châu Âu gặp Việt Nam vừa qua. Sự kiện này nhắc chúng tôi nhớ về con đường múa châu Âu đi vào Việt Nam và con đường hình thành dòng múa đương đại Việt Nam như ngày hôm nay.
Trong liên hoan vừa qua, các tác phẩm múa do người Việt tự dàn dựng và diễn xuất với tâm hồn, văn hóa Việt được khán giả trong và ngoài nước đón nhận rất nhiệt tình. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện.
* Dường như, múa đương đại mang vẻ khá mới và khán giả khá lạ lẫm với loại hình này. Điều này có cản trở việc phát triển múa đương đại không, thưa NSND Chu Thúy Quỳnh?
– NSND Chu Thúy Quỳnh: Ở châu Âu cũng như ở Việt Nam, múa đương đại đã có từ lâu, song không phổ cập. Nhưng chúng tôi thấy liên hoan múa vừa qua, có rất nhiều khán giả đã tới theo dõi. Đây cũng là tín hiệu vui và ta nên tranh thủ để quảng bá loại hình múa này.
Về mặt nhân lực, chúng ta có một lớp nghệ sỹ trẻ tương đối đông và rất tâm huyết với múa đương đại như: Trần Ly Ly, Tuyết Minh, Hồng Phong, Ngọc Anh, Lê Hữu Long… Đây là tiền đề tốt để phát triển và phổ cập dần múa đương đại tới công chúng.
Múa truyền thống Việt Nam đã hình thành được bản sắc riêng. Đến đương đại, chúng ta phải làm sao để loại hình này cũng mang đậm bản sắc Việt Nam?
– Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi nghĩ, khi ta đã làm múa đương đại, ta đừng băn khoăn bản sắc Việt Nam là gì. Vì khi biên đạo múa cũng như nghệ sỹ múa vốn mang trong mình những nét văn hóa, tình cảm quê hương và hơi ấm gia đình. Nên khi họ dựng những tác phẩm nghệ thuật, bản sắc văn hóa này sẽ không thể nhầm với bất cứ quốc gia nào.
– NSND Chu Thúy Quỳnh: Mỗi một nước có những nét độc đáo riêng. Và múa đương đại biểu hiện điều đó rõ nhất. Múa đương đại biểu hiện tư duy, tình cảm của con người rất tự nhiên, chân thành và sâu lắng. Điều này được kiểm chứng qua nhiều tác phẩm. Ví dụ như vở Thiền, của Nhà hát Thăng Long, nói về tâm linh. Mặc dù là múa đương đại song khi xem xong ai cũng hiểu hồn cốt của tác phẩm nói về vấn đề tâm linh của Việt Nam.
* Vậy theo NSND Chu Thúy Quỳnh, chúng ta có nên thành lập một đoàn múa đương đại chuyên biệt?
– NSND Chu Thúy Quỳnh: Tôi nghĩ nên cho phép thành lập đoàn múa đương đại bằng phương thức xã hội hóa. Và cho phép cả nghệ sỹ mở những đoàn chuyên biệt nếu họ có điều kiện. Còn để đầu tư, chăm lo, nuôi nấng một đoàn múa như thế, tôi cho rằng chưa nên.
* Thưa biên đạo múa Tuyết Minh, chị có nghĩ việc thành lập một đoàn múa đương đại sẽ tốt hơn cho việc học nghề, biểu diễn và trao truyền giữa các thế hệ?
– Biên đạo múa Tuyết Minh: Điều đó là hoàn toàn chính xác. Thực ra việc thành lập các đoàn múa đã có rất nhiều biên đạo làm rồi. Ví như biên đạo múa Lê Vũ Long đã thành lập một đoàn múa khiếm thính, tôi đã thành lập đoàn múa Khám phá…
Tuy nhiên, tôi thấy lớn nhất là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam mà hiện nay NSND Anh Phương đang là giám đốc. NSND Anh Phương đã tiếp nối NSND Công Nhạc (cựu Giám đốc của nhà hát) tạo lên một mắt xích để hun đúc cho chúng tôi một tình yêu nghề cháy bỏng. Và chúng tôi thấy có một điểm tựa cũng như những sự liên kết để chúng tôi tiếp tục tìm tòi và tiếp cận với nghệ thuật múa thế giới hơn nữa.
* Những nghệ sỹ mong muốn hỗ trợ gì để múa đương đại phát triển hơn, thưa biên đạo múa Tuyết Minh?
– Biên đạo múa Tuyết Minh: Thực ra bao giờ nghệ sỹ cũng muốn những gì mình đam mê được quan tâm phát triển. Song kỳ thực, chúng tôi cũng cảm nhận được tình hình khó khăn chung của nghệ thuật Việt Nam giai đoạn này.
Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn hai điều cơ bản để phát triển múa đương đại. Thứ nhất, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các em nghệ sỹ mới ra trường, đang sung sức, nhiều nhiệt huyết và năng lượng có nơi để tập luyện phát triển. Vì trong nghệ thuật, không lao động, sẽ không có sự sáng tạo; không sáng tạo sẽ chẳng có giá trị mới nào được hình thành.
Thứ hai, chúng tôi cần một địa điểm để biểu diễn, một địa chỉ đỏ để khán giả yêu múa hướng về. Vì muốn khán giả quan tâm, phải tạo điều kiện cho họ có cơ hội thưởng thức.
* Vâng, xin cám ơn!
Yên Khương – Mỹ Anh (thực hiện)
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind