Đời nghệ sĩ múa – Chớp sáng ngắn ngủi

2986-25-ns52

NSƯT Nguyễn Văn Thịnh.

Chứng kiến những gì mà các nghệ sĩ múa trải qua trên sàn tập, chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng sự đánh đổi ấy không xứng đáng. Họ, những nghệ sĩ múa đã bất chấp tất cả để được sống hết mình với niềm đam mê…Vậy nhưng đời múa quá ngắn ngủi, họ sẽ đi đâu, làm gì, sau ngày vui ngắn chẳng tày gang ấy…

Tôi đã gặp họ, và với nhiều người, tôi không còn hình dung được, một thời họ đã từng đứng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn. Dầu họ vẫn còn trẻ. Để trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp là cả một quá trình khổ luyện đầy gian truân và khắc nghiệt. Thế nhưng, múa lại là một nghề có tuổi thọ thấp. Diễn viên múa bước vào tuổi 30 có thể xem là đến tuổi “hưu”.

Chứng kiến những gì mà các nghệ sĩ múa trải qua trên sàn tập, chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng sự đánh đổi ấy không xứng đáng. Họ, những nghệ sĩ múa đã bất chấp tất cả để được sống hết mình với niềm đam mê…Vậy nhưng đời múa quá ngắn ngủi, họ sẽ đi đâu, làm gì, sau ngày vui ngắn chẳng tày gang ấy…

1. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ ngoằn nghèo của hồ Bảy Mẫu, nhà Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Thịnh ở đó. Con ngõ sâu đến mức tôi loay hoay mãi không tìm được đường về. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thịnh ngồi lặng lẽ trong căn nhà của mình, và nói về đời múa như một kỷ niệm xa lắc nào đó. Dù anh là người may mắn hơn nhiều trong đám bạn diễn khi 10 năm đứng trên sân khấu múa và sau đó được đi học biên đạo ở Nga. Nghĩa là Văn Thịnh vẫn có cơ hội được làm nghề, chứ không hẫng hụt như nhiều diễn viên múa khác.

Cả gia đình Văn Thịnh đều đi theo nghề múa, nhưng anh bảo, gần như họ chỉ đủ để sống qua ngày, chứ không dư dả chút nào. Từ anh cả Nguyễn Văn Hòe, cho đến hai cô em gái, nếu không xoay qua làm thêm để kiếm sống thì chắc không trụ lại được với nghề. Văn Thịnh học 7 năm ở trường múa, về đầu quân cho nhà hát vũ kịch, đảm nhiệm vai diễn chính trong các vở: Chị Sứ, Khúc hát di gan, Cánh chim mặt trời…

10 năm đứng trên sân khấu, Văn Thịnh không biết làm gì thêm ngoài việc miệt mài luyện tập và hoàn thiện mình trong từng vai diễn. Nên nếu sau 10 năm đó, buộc phải “giải nghệ”, nếu không có cái nghề biên đạo múa được phòng bị trước, ra đời anh sẽ lơ ngơ chả biết làm gì. Đời nghệ sĩ nghèo thế, đời múa còn bạc hơn, nên kéo theo nó là những bi kịch của đời thường, mà anh phải đối diện… Buồn đến mức, các con của Văn Thịnh sau này, không có ai đi theo nghề múa.

Nhưng nghệ sĩ Văn Thịnh trầm tư, “Dường như Nhà nước mình đang lãng phí rất lớn, đó là lãng phí cuộc đời và thời gian của những người diễn viên, sự lãng phí đó không tiền bạc nào có thể mua được. Khi đào tạo ra một diễn viên, cả tuổi trẻ họ dấn thân vào đó, không thể như một cái nhà xây xong rồi, nếu không thích có thể đập đi… Đời nghệ sĩ múa là vậy“.

2986-24-ns52-400

NSND Kiều Ngân trong một vở múa năm 1981

Thế nên có lẽ ít ai giữ được vẻ yêu đời và trẻ trung như nghệ sĩ Hoàng Thanh khi tôi may mắn được găp vợ chồng bà trong một cuộc tập hát cho đội văn nghệ của quận Hai Bà Trưng. Nghệ sĩ Hoàng Thanh là một trong những solist đầu tiên của Nhà hát Vũ kịch, và có lẽ là một trong những diễn viên hiếm hoi khi tuổi nghề trên sân khấu của bà được kéo dài đến tận khi về hưu, từ năm 1966 đến năm 1992.

Nên ở Hoàng Thanh không có nỗi buồn hay sự phiền muộn. Chị gác lại tất cả những phiền lụy đời thường ấy cho niềm đam mê sân khấu. Hai vợ chồng họ điều là nghệ sĩ, cũng từng trải qua những ngày khốn khó khi nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải, một giọng solist chính của Dàn nhạc giao hưởng thính phòng đã phải làm đủ thứ nghề như sửa điện, sửa loa đài để trang trải cuộc sống.

Và bao năm nay, ông bà vẫn sống trong căn nhà tập thể do nhà hát phân, hằng ngày ông vẫn đèo bà đến các câu lạc bộ, người tập ca, người tập vũ đạo cho các đoàn. Như đó là một nhu cầu, được làm nghề, được sống với niềm đam mê của mình, họ làm mà không nhận tiền thù lao. Nhìn cái dáng nhỏ bé của bà Thanh ngồi sau chiếc xe máy của chồng, hòa lẫn trong dòng người chiều về vội vã, tôi thấy những bon chen của danh lợi, dường như hoàn toàn xa lạ với họ. Mà ở đó chỉ có một niềm yêu nghề, và chỉ tình yêu nghề mà thôi.

2. Nhưng không phải ai cũng có may mắn như nghệ sĩ Thanh Thanh, hay Văn Thịnh bởi hầu hết tuổi đời của nghệ sĩ múa quá ngắn ngủi, 30 tuổi đã bị coi là già. Mà sân khấu múa luôn cần sự trẻ trung, tươi mới. Ngoài 30 tuổi các nghệ sĩ múa phải xoay ra kiếm một công việc khác. Người may mắn được ở lại làm nghề, chuyển qua học biên đạo múa, làm việc cho các công ty tư nhân, hay đầu quân về các trường nghệ thuật làm công tác giảng dạy.

Nhưng đó chỉ là một trong số ít. Còn hầu hết nghệ sĩ múa, khi giải nghệ họ đã phải làm những công việc dường như chẳng ăn nhập gì với nghề và sự khổ luyện của họ khi còn trên sân khấu, thủ quỹ, văn thư hay làm phục trang cho đến tuổi về hưu. Thậm chí nhiều người xin về hưu sớm để bươn ra ngoài mở cửa hàng, cắt tóc, làm may, và… lái xe.

2986-25-vc52

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Thanh và Nguyễn Văn Hải trong một tiết mục múa

Thôi thì đủ nghề, miễn là đủ để mưu sinh. Nhưng liệu có sự lựa chọn nào tốt cho họ, khi tuổi trẻ và tài năng, họ đã dành cả cho sân khấu. Nhiều người sẽ lạc lõng với cơ chế thị trường, và kiếm được một công việc tốt để duy trì cuộc sống là điều khó khăn.

Tôi gặp chị Nguyễn Ngọc Thúy đang lúi húi với một đống quần áo, cho buổi biểu diễn chiều nay của đoàn. Chị Thúy năm nay mới ngoài 40 tuổi, gương mặt chị vẫn xinh đẹp và mang vóc dáng của một thời xuân sắc. Chị Thúy bảo, “chị còn là người may mắn vì sau 18 năm trên sân khấu múa, chị được nhà hát sắp xếp cho một công việc, dù không được làm nghề nhưng vẫn được sống trong không khí của nghề“. Nhưng tôi cũng hiểu, đó là cách chị tự an ủi chính mình.

Chị bảo “Nhiều lúc nhớ nghề lắm, nhìn bạn diễn trên sân khấu, mà nhớ lại thời hào quang chưa xa của mình, mới thấy tủi phận cho đời người múa. Sớm nở tối tàn. Nhiều người học mải miết cả 7 năm, tập luyện đến chai sần đầu ngón chân, chảy cả máu, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa kịp có một vai diễn nào thì đã hết thời rồi em ạ. Bạc thế đấy“.

Chị Thúy buông một tiếng thở dài. Chị cũng như nhiều diễn viên múa khác, mức lương kịch sàn cho đến tuổi về hưu cũng chỉ đến bậc 7/12. Ngót nghét vài triệu đồng. Công việc hiện tại không quá bận rộn, hằng ngày chị thu xếp quần áo, phân loại quần áo cho từng vai diễn. Công việc chả liên quan gì đến cuộc đời hơn 7 năm học múa và 18 đứng trên sàn múa của chị, nhưng chị chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên.

Đời múa buồn vậy đó em, nó cũng như một cô gái hết hương sắc, khi không còn xuân nữa. Chấp nhận làm nghề, thì cũng phải biết chấp nhận sự nghiệt ngã của nghề, để mà vui sống thôi em. Nhà chị cũng chật vật lắm, nhưng chị vẫn còn may mắn hơn nhiều người”. Nhìn nụ cười tự an ủi của chị, tôi chợt thấy ngậm ngùi…

Nữ diễn viên múa, hình như họ còn có thể xoay xở với cuộc sống dễ hơn là nam, vì phía sau họ còn sự hỗ trợ của gia đình, nên có thể gánh nặng cơm áo đối với họ không quá nặng nề. Còn với nam diễn viên múa, NSND Kiều Ngân, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch tâm sự: “Ngày xưa đầu vào của diễn viên múa rất đông, tỷ lệ có khi 10/100 nhưng mấy năm gần đây việc tuyển diễn viên múa rất khó khăn, có năm không có con trai, nhiều khóa liền không có diễn viên nam. Cứ đà này, đến lúc không có diễn viên nam nữa”…

Nghệ sĩ Văn Tiến, là diễn viên múa khóa 7, đầu quân về Nhà hát Nhạc vũ kịch từ năm 1976. Anh từng tham gia những vở múa kinh điển như Hồ thiên nga, Người tạc tượng, Ruồi trâu. Một người có thâm niên 18 năm trong nghề, cũng phải chua xót mà nói rằng, “nghề múa bạc bẽo quá”… Rồi anh ngồi lặng đi một lúc lâu. Hào quang của sân khấu và những tràng vỗ tay của khán giả hình như chỉ còn là ký ức nhạt nhòa nào đó trong nỗi nhớ của anh. Văn Tiến đứng trên sân khấu múa được 7 năm, có một đợt đi xuất khẩu lao động sang Đức, anh cùng một vài đồng nghiệp rẽ ngang, cũng vì mưu sinh.

Nhưng sau đó, Văn Tiến về nước trước thời hạn, trở lại nhà hát, mình đã là người già. Làm việc thêm một thời gian, không đủ sống, vì anh còn một vợ và ba con, Văn Tiến xin về mất sức, vì lúc đó anh mới chỉ có thâm niên 18 năm, chưa đủ tuổi nghỉ hưu.

Gọi là về mất sức, nhưng lúc đó Văn Tiến đang ở độ tuổi sung sức để có thể làm việc và cống hiến. Vốn có năng khiếu thẩm mỹ, anh về mở một tiệm cắt tóc tại nhà, toàn khách quen, thu nhập cũng đỡ. Được mấy năm, vốn là dân nghệ sĩ, không chịu được cảnh gò bó và tù túng, lại được tài trợ một khóa học lái xe miễn phí, thế là Văn Tiến đổi nghề luôn.

Giờ Văn Tiến lái xe, nay đây mai đó, thu nhập hằng tháng không ổn định, nhưng anh không có lương hưu, nên phải cố gắng bươn chải. Nghề múa đối với anh như một ký ức đã quá xa nào đó, thậm chí Tiến bảo, “đôi lúc anh cảm tưởng rằng, mình chưa từng đi qua đời múa, dù anh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho nghề“.

Thế nhưng, anh vẫn còn may mắn, bởi nhiều bạn anh, sau khi nghỉ ở nhà hát, về nhà mở hiệu may, làm đủ nghề vẫn không đủ sống, cuối cùng lang thang, thất nghiệp, không biết làm gì, có người vì nghèo quá mà bị vợ con bỏ rơi… Nhiều bi kịch đã xảy ra trong những gia đình nghệ sĩ múa cũng từ cái sự nghèo mà ra. Nên câu hỏi đời nghệ sỹ múa đi về đâu sẽ vẫn còn để ngỏ…

Do yêu cầu của nghề múa, nên tuổi đời của nghệ sĩ múa rất ngắn ngủi, ngoài 30 tuổi, họ đã phải xa rời sân khấu. Mặc dù trong quá trình làm việc, họ đã phải chịu nhiều áp lực về kinh tế, bởi mức lương khởi điểm hiện tại mà chúng tôi chỉ có thể trả cho họ là 1.5 đến 2 triệu đồng. Nhà hát chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ múa, khi họ rời công việc chính của mình, vẫn trả lương theo ngạch múa, và cố gắng sắp xếp cho họ một công việc trong nhà hát để họ không quá hẫng hụt khi phải bước ra đời, bươn chải với cuộc sống, như làm phục trang, làm thủ quỹ, hay làm công tác tổ chức các sự kiện của nhà hát. Nhưng thực tế cũng không thể đảm bảo được hầu hết các anh chị em đều có một công việc nối tiếp để làm…

Khánh Linh

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*