“Cuồng”; “Tự sướng”; “Ngẫu hứng”; “Tôi là ai” và trước kia có cả “Thoát xác”… là những khóa học mà chỉ mới nghe tên người ta đã thấy tò mò. Càng ngạc nhiên hơn khi tôi được một bạn trẻ sau khi tham gia một lớp học bật mí rằng thời gian mà cô gái này bỏ ra không hề vô ích, và rằng: “Một buổi trải nghiệm miễn phí tại Life Art có thể mô tả như việc đi hai tiếng đàng học một sàng… tự sướng cho bản thân”. Dĩ nhiên là tôi không cưỡng nổi sự tò mò…
“Ôm đi, ôm chặt vào!”
Phải chờ mất một tuần tôi mới có thể “chen chân” vào một lớp học “trải nghiệm” tại Công ty TNHH Sáng tạo và phát triển cộng đồng Life Art (phố Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội).
Mười sáu học viên (gồm 5 nam, 11 nữ) được đưa vào một căn phòng rộng chừng 50m2. Phòng trống trơn, không có một đồ vật trang trí nào cả. Nó giống như một phòng tập múa hoặc yoga, ngoại trừ được lắp khá nhiều đèn trên trần. Khi mọi người đã vào hết, chiếc rèm đen được kéo lại. Theo thuật ngữ chuyên ngành, căn phòng này có thể được gọi là một “Không gian nghệ thuật Black Box” (chiếc hộp đen). Và thường thì đây là không gian dùng để thử nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn do nghệ sĩ điều hành một cách độc lập và chủ động. Chui vào chiếc hộp đen này, quả thật tôi có cảm giác hơi rờn rợn…
Huấn luyện viên (HLV) là một người đàn ông tầm 35-40 tuổi, tên Hồ Ngọc Bảo Khiêm. HLV yêu cầu chúng tôi xếp thành một vòng tròn, để “thu hẹp khoảng cách, mọi người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt sang hèn, người nhiều tuổi hay ít tuổi…”. Tiếp đó, HLV yêu cầu mọi người vỗ tay theo hiệu lệnh của anh ta. Tất cả đều phải vỗ tay nhanh dần, to dần rồi lại nhỏ dần, chậm dần và cuối cùng là phải vỗ một cái thật to, đều. Chúng tôi được tập đi tập lại cho đến khi tiếng vỗ cuối cùng phải thật đều thì mới thôi.
Sau màn giới thiệu tên, nơi làm việc/học tập, biết đến Life Art từ đâu và mong muốn gì về khóa học, chúng tôi bắt đầu vào cuộc trải nghiệm bằng việc… đi bộ trong phòng. HLV yêu cầu không được đi theo vòng tròn, và đi phải với tốc độ nhanh/chậm khác nhau. Tiếp đó, vị HLV đề nghị mỗi lần ông ta vỗ tay mọi người phải dừng lại ngay lập tức. “Phải frezze (đông cứng)” ngay lập tức, trong mọi tư thế. Mặc dù chẳng hiểu màn đi lại rồi đông cứng giật cục theo nhịp vỗ tay của vị HLV này là để làm gì, song trò kỳ cục này vẫn được lặp lại khá nhiều lần.
Phần hai của buổi học được bắt đầu bằng màn chạm tay và nhìn vào mắt nhau. Các học viên được yêu cầu dùng lòng bàn tay của mình giơ lên trước mặt và tiến đến một học viên khác, áp tay vào người đó. Cùng lúc phải nhìn thật thẳng, thật sâu vào mắt nhau, cấm không được quay đi hoặc nhìn ra chỗ khác. Tiếp là đến màn sờ má. Là một học viên, dĩ nhiên tôi phải làm theo lời của HLV. Tôi có thể cảm nhận được những ánh mắt e dè khi học viên khác phái tiến đến gần nhau, và cả cái vuốt má rụt rè của nhiều học viên khác. Dường như chỉ một số học viên trẻ (có hai em đang là học sinh lớp 11) là có vẻ mạnh dạn hơn cả.
Cao trào của màn chạm là đến phần ôm. Mỗi học viên được yêu cầu phải ôm đủ 15 học viên còn lại, mỗi cái ôm phải kéo dài ít nhất một phút. HLV kéo một học viên nữ (cô này cho biết hiện đang công tác tại Hãng Hàng không Việt Nam) đến để làm mẫu. Khác với những màn trước, có lẽ cảm giác ngại ngần ôm một người lạ còn thường trực nên các học viên nữ thường chọn nhau để ôm. Cái ôm của hai học viên khác giới thường rất hờ hững, đến nỗi HLV đi vòng quanh kiểm tra phải đề nghị “ôm, ôm chặt vào”.
Và đến lúc này, học viên nữ công tác tại Hãng Hàng không VN đành… xin về sớm! Ngay cả hai học viên bạo dạn nhất là hai học sinh lớp 11 cũng bớt dạn dĩ hơn. Chỉ riêng có một cô gái bị dị tật ở chân, đi lại khó khăn thì lại tỏ ra ôm nồng nhiệt hơn cả!
Trên nền nhạc du dương, chúng tôi còn được hướng dẫn “vần vò” nhau. Nghĩa là một người nhắm mắt thả lỏng hoàn toàn để cho người kia dùng hai tay điều khiển. Những động tác như đưa hai tay lên cao, ôm bạn diễn rồi tạo hình giống kiểu hai diễn viên chính trong phim Titanic cho đến xô nhau về phía trước và giật người về phía sau… được HLV làm mẫu. Người đứng phía sau gần như được “thích làm gì thì làm” với bạn diễn của mình.
Suốt hai giờ đồng hồ, tôi đã được đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đây đúng là một lớp học kỳ cục nhất mà tôi đã được tham gia. Tuy nhiên, vẫn chưa hết…
Phần ba của buổi học, chúng tôi được HLV yêu cầu viết tên của mình lên một cái bảng tưởng tượng (cũng trên nền nhạc du dương), nhưng không được sử dụng bàn tay hay các ngón tay. “Các bạn có thể dùng đầu, mũi, lưỡi, cùi chỏ, chân… để viết. Tuyệt đối không dùng tay. Và phải viết thế nào để cho người xem biết rõ là mình đang sử dụng bộ phận ấy”. Và 15 học viên, mỗi người phải dùng một bộ phận khác nhau để viết. Lần lượt các bộ phận như cùi chỏ, vai, đầu, mũi, lưỡi được các học viên sử dụng để viết. Cho đến học viên thứ 9 (nữ) thì đành phải dùng… mông để viết. Đến đây thì tôi phải xin lỗi độc giả. Vì quả thật cô gái khá là xinh đẹp song tôi thấy dùng mông để viết tên mình thì quả cũng hơi phản cảm!
Cuối cùng, vị HLV yêu cầu mọi người phải viết đầy đủ tên họ, cũng bằng các bộ phận khác nhau trên cơ thể lên một không gian tưởng tượng. Nghĩa là viết vào đâu cũng được. Vị HLV biểu diễn trước bằng một màn múa bút trong tưởng tượng. Có lẽ đây chính là màn cao trào nhất của buổi học, khi vị HLV biến thành một… diễn viên múa (hay một võ sư cũng không phải là sai). Ông ta vung những nét vẽ bằng cùi chỏ, đầu gối, mũi chân và các bộ phận khác loạn xạ theo kiểu “rồng bay phượng múa”.
Các học viên cũng được thể “múa bút” với đủ tư thế, hình dáng kỳ dị mà họ có thể nghĩ ra. Dĩ nhiên, ai càng múa lâu và kỳ lạ thì càng được hưởng ứng.
Kết thúc buổi học, vị HLV đề nghị mọi người cho biết cảm giác về những điều vừa trải qua, và ông ta đánh giá từng người thông qua thái độ của họ trong buổi học. Dĩ nhiên, những người nhiệt tình nhất được khen bằng những mỹ từ. Và sau rốt một nhân viên của trung tâm ra phổ biến lịch học của các lớp sắp tới để mọi người đăng ký. Đặc biệt là nhân viên này khuyến khích học viên tham gia viết “Notes” (một dạng bài cảm nhận) về buổi học lên mạng xã hội Facebook. Nếu như bài viết nào được nhiều likes (thích – một dạng khung đánh giá) thì người viết sẽ nhận được suất học bổng là một khóa học miễn phí.
Những hành động kỳ quặc ở lớp học của Trung tâm Life Art. |
Mất tiền để được… “điên”!?
HLV Hồ Ngọc Bảo Khiêm cho biết, những bài học/động tác sử dụng trong buổi học thực chất là phương pháp dùng ngôn ngữ cơ thể giúp các học viên khám phá đến từng ngóc ngách khó ngờ tới trong cơ thể mình, làm những điều mà mình chưa từng làm để biết yêu quý, trân trọng bản thân mình hơn. Đến với khóa học, các học viên sẽ nhận thấy cơ thể của mình rất kỳ diệu, và mỗi chúng ta là một thiên tài, chỉ có điều chúng ta có tự khám phá ra hay không mà thôi.
Theo bà Phan Ý Ly, Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo và phát triển cộng đồng, những khóa học như “Tự sướng”, “Cuồng”… được ra đời sau một loạt dự án sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người mà bà thực hiện cùng Liên Hiệp Quốc, Các tổ chức phi chính phủ và với các cộng đồng người yếu thế. Nhận thấy mọi người đang chủ yếu tiếp nhận thông tin thay vì được tạo cơ hội trải nghiệm và chiêm nghiệm, từ đó đối mặt với những câu hỏi của chính mình và tự trả lời, những khóa học như vậy ra đời để tạo không gian an toàn cho các cá nhân trải nghiệm và khám phá.
Nghe thì chung chung là vậy, song mỗi khóa học “Cuồng”; “Tự sướng”… dành cho người lớn và “Cái tôi bí ẩn”; “Khám phá tuổi thơ qua chuyển động”… mỗi học viên đều phải trả học phí là 1.790.000 đồng.
Cũng theo bà Phan Ý Ly, giáo trình của các khóa học được xây dựng dựa trên phương pháp sử dụng “Nghệ thuật để phát triển con người“. Lý luận chính của phương pháp này dựa trên triết lý giáo dục cấp tiến của Paulo Freire và Augusto Boal. Họ chú trọng việc ứng dụng các bài tập sử dụng trong đào tạo sân khấu, âm nhạc, hội họa, chuyển động… những bài tập giúp cho nghệ sĩ kết nối sâu hơn với nội tâm, cơ thể, trí óc. Còn trong phương pháp sử dụng nghệ thuật để phát triển con người, những bài tập này hỗ trợ người học tự kết nối với chính mình, hiểu về mình hơn và từ đó đưa ra các quyết định thuộc về mình, dẫn đến những thay đổi lâu bền hơn.
Trước câu hỏi: “Mục đích của hành động ôm “partner” thật chặt, để cảm nhận “nhịp tim, hơi thở” của nhau (mặc dù trước đó hai người chưa hề quen biết nhau)”, bà Phan Ý Ly cho biết: “Mục đích của bài tập này là để mọi người trải nghiệm sự tin cậy và chân thành giữa mình và người xa lạ. Trong cuộc sống vốn có quá nhiều rào cản và định kiến, con người dần có nhiều sự đề phòng và che đậy. Cái đích không phải là “học viên phải ôm được”, mà chỉ để thấy điều gì còn khó, điều gì dễ với bản thân mình và những người khác, từ đó người học tự hiểu mình hơn!“.
Tuy nhiên, bạn V.P.N. sinh viên Trường đại học Ngoại thương cho chúng tôi biết, sau một buổi học với hàng loạt “trải nghiệm” mới lạ, chưa từng có, thì điều đọng lại trong bạn chỉ là những điều khó hiểu, rối rắm. Và mặc dù đã cố “phiêu” để ôm ấp, để “vần vò” bạn diễn thì N. cũng không hề nhớ nổi tên của người bạn ấy là gì.
Tiến Dũng (nhà ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: Dũng đã từng được quan sát một buổi học “Cuồng” tại Life Art và được chứng kiến những động tác “điên” của học viên; như người thì đi như say rượu, người thì đầu cắm xuống sàn tập kiểu trồng cây chuối, người thì co quắp thể hiện sự đau đớn, người thì ngồi thẫn thờ một góc, rồi thi thoảng đưa mắt ngước nhìn xa xăm, đầu tóc rũ rượi, cười, khóc điên dại. Quả thật rất khó hiểu!
Để kết thúc bài viết này, tôi xin chép ra đây một trong những cảm nhận của học viên được đăng công khai trên website của Life Art: “…Mình tưởng tượng, dùng các bộ phận cơ thể viết thư pháp. Mỗi người một kiểu, như đang múa trong thế giới riêng, một bài múa ngẫu hứng, quá lộn xộn nhưng hay hay và đẹp lạ, người mềm, như loang ra cùng âm nhạc. Mình chẳng biết mọi người thấy mình thế nào, mình nhắm mắt, trôi theo nhạc và cơ thể, viết những chữ bay bay, chẳng cần hàng lối nào cả, chẳng ra dạng gì cả. Nhưng đấy cũng chẳng phải điều đáng quan tâm, vì bài học muốn mình nghe theo bản năng.Khi được hỏi sẽ diễn đạt cảm nhận về buổi học trong 3 từ, mình đã ghi là Điên-Lạ và Hay! Buổi học kéo dài 3 giờ với toàn những hành động kỳ quặc. Mình di chuyển hỗn loạn như những phân tử trong phòng, mình dùng cổ để chào nhau, mình khua loạn tay trong không khí, và mình học viết chữ trên bức tường không nhìn thấy. Tất cả thật kỳ quặc và điên rồ!“
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind