NSND Phạm Anh Phương hiện là Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ông vừa bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ về nghệ thuật múa với đề tài “Múa dân gian của người Việt – Truyền thống và hiện đại“. NSND Phạm Anh Phương cũng vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2006 với chùm tác phẩm: Kịch múa “Lời ru của rừng”, “Bến lụy” và vở thơ múa “Khai sơn phá thạch”.
Con số ấy không nhiều đâu, nhưng cũng là mừng lắm rồi!
NSND Phạm Anh Phương là người đến với bộ môn múa balê từ năm 11 tuổi, trở thành giảng viên trường Múa rồi được cử đi học chuyên ngành Biên đạo múa tại Nga. Đã 41 năm gắn bó với nghệ thuật múa cùng nhiều trăn trở và trải nghiệm, tâm sự với phóng viên VNCA, NSND Phạm Anh Phương cho rằng: “Muốn có khán giả thưởng thức nghệ thuật, phải đào tạo khán giả”.
– Thưa NSND Phạm Anh Phương, vở balê “Mối tình thành cổ” mà Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mới công diễn gần đây được đánh giá là khá thành công trong bối cảnh đìu hiu của balê Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm về vở diễn này?
– Thực ra, từ năm ngoái chúng tôi đã ấp ủ dựng một vở balê dựa trên một câu chuyện thuần Việt để trình diễn nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, họ đã cử chuyên gia Bertrand D’at sang giúp đỡ chúng tôi về biên đạo. Thật mừng là chuyên gia Bertrand D’at là người rất yêu mến văn hóa Việt Nam. Khi đưa cho ông ấy đọc một loạt truyện của Việt Nam, cuối cùng ông ấy đã chọn “Mỵ Châu – Trọng Thủy” bởi ở đó đọng lại một câu chuyện tình yêu cảm động vượt thời gian, mang tâm hồn Á Đông. Điều đặc biệt ở balê “Mối tình thành cổ”, đó là biên đạo Bertrand D’at cùng các cộng sự đã làm cho nó vượt lên trên câu chuyện sẵn có. Nó đi từ hiện tại trở về quá khứ như một giấc mơ. Vở diễn có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ tài năng như Chí Thành, Diễm Quỳnh, Thu Lan, Thành Công… đã luyện tập công phu suốt 2 tháng liền và đã thu được kết quả mong đợi.
– Nhưng có một thực tế là, nhiều vở múa có giá trị nghệ thuật cao, được đầu tư nhiều, dàn dựng hoành tráng công phu nhưng vẫn vắng khán giả. Ông lý giải sao về điều này?
– Đó hiện đang là một thực tế rất… đau xót ở ta. Tôi khẳng định, không phải vở diễn không tốt, không phải diễn viên, đạo diễn không có tài mà có lẽ là vì chúng ta chưa đào tạo được những khán giả để có thể hưởng thụ bộ môn nghệ thuật này. Xin nói rõ, khái niệm “đào tạo khán giả” ở đây nằm trong khái niệm đào tạo con người, mà đã đào tạo con người là phải có chiến lược dài lâu, phải đưa vào dạy trong nhà trường, in sách, phát trên tivi… để nhiều người hiểu biết về nó thì mới có thể yêu nó. Còn nhà hát chúng tôi cũng chỉ là một “công cụ” truyền bá văn hóa mà thôi. Tôi nói thật, trước đây, có vở diễn chúng tôi gửi vé mời chủ yếu nhằm mục đích giới thiệu và quảng bá, nhưng mà không phải ai cũng đi đâu. Nhưng khoảng dăm năm trở lại đây thì tình hình có khá hơn, nhà hát đã bán được một lượng vé nhất định, doanh thu ước đạt khoảng 1 tỉ đồng/năm.
– Là người say đắm với nghề, giờ lại đảm nhiệm cương vị cao nhất tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – cái nôi đầu tiên của balê Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thực trạng của bộ môn nghệ thuật kinh điển này tại Việt Nam?
– Vũ kịch là đỉnh cao của nghệ thuật múa và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam hiện có tuổi đời 51 năm, trải qua nhiều thăng trầm. Đã có những năm tháng, balê Việt Nam đạt được những thành quả rực rỡ với những vở diễn như “Tấm Cám”, “Chị Sứ”, “Xô Viết Nghệ Tĩnh”, “Cánh chim và mặt trời”, “Hồ Thiên Nga”, “Spactacut”…, nhưng cũng có một giai đoạn từ những năm 1990 đến trước năm 2003 nó bị chững lại. Đó là giai đoạn chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhất. Quang cảnh đìu hiu, người đi kẻ ở. Nhưng từ năm 2003 đến nay, balê Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Chính luồng gió mới của dòng múa đương đại xuất xứ từ phương Tây kết hợp với việc phát huy và nâng tầm những giá trị của múa dân gian, dân tộc đã tạo nên một diện mạo mới ấy.
– Giai đoạn khó khăn này đã khiến nhiều nghệ sĩ múa của nhà hát phải dứt áo ra đi. Chuyện đó có xảy ra nữa không khi hiện nay nhà hát nhận diễn các sô diễn “dịch vụ” đang trăm hoa đua nở khiến đời sống anh chị em được cải thiện nhiều?
– Tôi phải nói ngay rằng, đã là nghệ sĩ thì luôn nghèo, nhất là nghệ sĩ của những môn nghệ thuật bác học. Ở nước ta hay nước ngoài cũng vậy, thu nhập của họ chẳng bao giờ so sánh được với các đối tượng khác như bác sĩ, kỹ sư, luật sư… Trong khi đó, việc chọn lựa, việc đào tạo, tỉ lệ đào thải rất khắt khe, tuổi nghề lại ngắn. Vì thế, ai đó gắn bó với nó thường là do “cái nghiệp” mà thôi. Trước đây vì đời sống khó khăn, nhiều anh chị em phải bươn chải kiếm sống bằng nghề mở quán cà phê, mở cửa hàng quần áo… Nay chúng tôi nhận thêm nhiều “sô” diễn ở ngoài, anh em có đời sống tốt hơn nhưng vẫn có những người muốn ra đi, ấy là vì nhiều lẽ. Tôi luôn tôn trọng quyết định của họ bởi nếu một người đã viết đơn xin nghỉ việc tức là họ đã suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều.
– Ông được xem là một trong những nhân tố đầu tiên của dòng múa đương đại ở Việt Nam. Khi trong những tác phẩm do ông biên đạo mang những nét mới có tính đột phá, ông có gặp nhiều trở ngại hay những lời phê phán?
– Có nhiều chứ! Vì giữa cái mới và cái cũ bao giờ cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Có một số người nói: “Ơ, cái gì mà lại thế”, hoặc nặng nề hơn là: “Cái quái gì thế này?”… Song, có một điều không thể phủ nhận, đó là, đã đến lúc phải có những thay đổi, dù balê vẫn là bộ môn nghệ thuật tuyệt vời và nó vẫn có một bộ phận khán giả của riêng nó. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên được tiếp cận với múa đương đại. Đó là năm 1998, khi đó đoàn Nghệ thuật Múa đương đại Phương Bắc của Australia sang biểu diễn. Có lẽ nhận thấy tôi có “tố chất” nào đó phù hợp, lại được đào tạo balê chuẩn mực nên họ đã mời tôi sang Australia hợp tác trong vòng 1 năm. Từ đó, tôi bắt đầu với những thay đổi và tôi mừng là cho đến tận bây giờ, tôi vẫn tiếp tục với hướng đi của mình, tiếp tục có những cống hiến, những thành công nhất định.
– Nghệ sĩ múa balê là những người phải trả giá nhiều trên sàn tập bằng chính cơ thể của mình. Ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm của mình?
– Tôi là người đến với múa balê một cách rất tình cờ và ở lại với nó đến nay đã hơn 40 năm. Vinh quang cũng nhiều mà tủi hờn cũng lắm. Những năm đầu vào học còn khó khăn lắm, mà tôi khi đó mới 11 tuổi đã phải xa nhà, sức khỏe lại yếu, tưởng chừng không theo được. Những đãi ngộ của nhà nước dành cho diễn viên múa đã là tuyệt vời so với nhiều ngành nghề khác trong những năm tháng chiến tranh, nhưng thực lòng nó vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì họ đã bỏ ra và những rủi ro hay bệnh nghề nghiệp mà họ có thể gặp phải trong quá trình luyện tập, biểu diễn. Nhưng đúng là “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì đành phải chịu hy sinh thôi.
– Đã nhiều năm qua, tên tuổi NSND Phạm Anh Phương được nhiều người nhắc đến trong và ngoài giáo trình của nghệ thuật múa Việt Nam như một tấm gương về sự nỗ lực cũng như thành công. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các nghệ sĩ trẻ thế hệ học trò của mình?
– Tôi cho rằng, mỗi con người đều có những suy tư riêng, lựa chọn và định đoạt con đường đi của mình. Khi đã chọn con đường dấn thân rồi thì phải yên tâm, phải vượt khó, tận tụy hết lòng với công việc thì chắc chắn họ sẽ được đền đáp ở một mức độ nào đó. Ngày xưa, tôi có người bạn bằng tuổi, anh ta đi buôn và trở thành người rất giàu có. Có nhiều lúc, tôi cũng nghĩ nếu mình đi buôn thì sao nhỉ? Liệu có thành công như họ? Tất nhiên cũng phải nói rằng tôi có thể không bao giờ giàu được như bạn tôi nhưng vinh quang mà tôi đã giành được thì bạn tôi không bao giờ có được. Đó chính là “cái giá” của mỗi sự chọn lựa. Tôi rất thích câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
– Xin cảm ơn NSND Phạm Anh Phương!
Hà Anh (thực hiện)
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind