Những cái nhìn khó chịu từ một lớp khán giả khó tính là “món quà” đầu tiên dành cho các nhóm múa minh họa khi lần đầu họ xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Cũng dễ hiểu, vì thuở đó, khán giả vẫn quen ca nhạc là để nghe, chưa có nhu cầu thưởng thức bằng mắt.
Ngày nay, đất cho nhóm múa minh họa nhiều hơn và sự xuất hiện của họ trên sân khấu cũng đã trở nên quen thuộc. Các tiết mục múa bây giờ đã có sự đầu tư chăm chút hơn, những bài múa không còn đơn thuần là minh họa cho một ca khúc, một chương trình, mà còn là phong cách riêng của từng nhóm.
Sự kết hợp thú vị
Đến cuối những năm 90, khi nhạc trẻ ngày càng trở nên sôi động, thì những bài minh họa của các nhóm múa cũng mất dần tính “múa”, thay vào đó là những động tác dứt khoát, thiên về “nhảy”. Đã có sự xuất hiện của rap và hiphop trong các bài minh họa, tuy nhiên, thời điểm ban đầu cũng chỉ là những động tác theo tiết tấu, chưa nhiều những tổ hợp động tác phức tạp. Đến nay, những bài minh họa đã được dàn dựng kết hợp cả múa và nhảy, rất sôi động, nhiều màu sắc. Cũng từ sự kết hợp này, những bài minh họa cho ca khúc quê hương, trữ tình cũng rất khởi sắc và khá rộn rã. Như một số bài minh họa cho ca sĩ Cẩm Ly, mặc dù là bài hát dân ca, nhưng ngoài những đoạn múa thể hiện sinh hoạt nông thôn, nhóm minh họa vẫn dành những tổ hợp nhảy sôi động, giúp người xem không bị nhàm chán khi theo dõi suốt bài hát.
Dần dần, “mối quan hệ” giữa nhóm múa và ca sĩ bắt đầu hình thành, tạo nên một sự kết hợp thú vị. Ví dụ, nhắc đến Cẩm Ly, Thu Minh hay Ngô Thanh Vân là nhắc đến vũ đoàn ABC; nhắc đến Thanh Thảo, Nguyễn Phi Hùng, Lý Hải, Hồ Ngọc Hà, Phan Đình Tùng… là nhắc đến Hoàng Thông. Riêng Đan Trường còn “nuôi” riêng nhóm Lido, điều này giúp Đan Trường và nhóm múa luôn tự tin đầu tư vào trang phục cũng như bài múa, đảm bảo chuyên biệt, “không đụng hàng”.
Nhảy… sô
Hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều nhóm nhảy minh họa, như Free Style, Blue Sky, Blue Star, Bước Nhảy, The Friends… Điều này cho thấy hoạt động nhảy múa đang được nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, với những bài múa ngày càng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, thì để tìm một học viên có tiềm năng cũng là điều không dễ dàng, có khi trong 50 học viên tại các câu lạc bộ và nhà văn hóa mới nhìn ra được một người có tư chất.Lịch tập của các nhóm thường từ 11 giờ – 15 giờ mỗi ngày. Tùy cách quản lý của mỗi nhóm mà tập bao lâu thì những thành viên mới có thể tham gia đi sô. Như nhóm ABC của Ngọc Hiền, các thành viên mới sẽ tập chung và đi sô chung với nhau, nên cơ hội được đi diễn của những thành viên này sẽ sớm hơn. Trong khi bên Hoàng Thông, nhóm trưởng không có ý định phân nhóm, các thành viên mới phải tập nhiều hơn, và khi kỹ thuật trình diễn so với các thành viên cũ không chênh lệch nhiều, thì thành viên mới sẽ được tập chung và trình diễn chung bài với các thành viên cũ.
Khi đi sô, cát-sê mỗi lần diễn được chia đều cho các thành viên, không phân biệt người mới người cũ. Nhưng những người có kỹ thuật tốt, tập nhanh sẽ có dịp tham gia nhiều tiết mục, thu nhập sẽ cao hơn. Hiện nay, Hoàng Thông có 18 thành viên, một đêm đi sô tùy yêu cầu ca sĩ mà phân nhóm, có thể cùng lúc phân 4 nhóm cho 4 địa điểm khác nhau. Ngày bình thường, trung bình một diễn viên có thể tham gia diễn cho 3-5 tiết mục. Nhưng vào tháng sáu, cuối năm và dịp lễ Tết, là những dịp có nhiều sô event và chương trình lớn thì mỗi diễn viên có khi phải chạy đến 6-8 tiết mục/ngày. Với những sô tụ điểm, cát-sê minh họa cho một bài khoảng 50 ngàn đồng/diễn viên. Riêng chương trình hay event là 100-200 ngàn đồng/tiết mục, tùy vào thời gian tập và có hay không diễn phúc khảo. Khi có lời mời đi sô ở xa, ngoài bao tiền ăn ở và đi lại, ca sĩ phải trả cho mỗi diễn viên minh họa 300-400 ngàn đồng/bài hát, chính vì điều này mà không nhiều ca sĩ mời nhóm nhảy đi sô cùng, hoặc nếu có mời thì cũng chỉ tối đa 4 diễn viên.
Thực tế, cát-sê khi diễn cho ca sĩ “ruột” thường được tính bằng… quan hệ, tùy mối quan hệ mà nói chuyện tiền bạc với nhau. Nhưng riêng tiền dựng bài, thì với bất kỳ ca sĩ, giá dựng bài của các nhóm đều nằm trong khoảng 800 ngàn – 1,2 triệu/bài.
Phong cách và chuyên nghiệp hơn
Hiện nay, tại TP.HCM có 3 nhóm lớn đã định hình được phong cách riêng. Những phong cách này đặc trưng đến mức người trong nghề nhìn vào là biết tổ hợp động tác đó thuộc về nhóm nào. Vậy nên, sẽ khó cho nhóm nào muốn “chôm” động tác của nhóm khác, mà nếu có làm theo thì cũng khó có thể đẹp bằng.Bậc đàn anh trong làng là nhóm Sài Gòn, do anh Hải Hà làm trưởng nhóm. Nhóm Sài Gòn chuyên về những bài minh họa khá gần với kỹ thuật múa truyền thống, như múa dân gian, múa ba lê và ba lê hiện đại. Những bài múa kiểu này khó chạy sô theo dòng nhạc trẻ tụ điểm, nhưng lại phù hợp cho các chương trình có đầu tư dàn dựng. Bởi vậy, dần dần nhóm Sài Gòn đi vào các chương trình lớn và event, ít hoạt động bên ngoài. Nhóm Hoàng Thông với phong cách mạnh mẽ, đòi hỏi nhiều kỹ thuật hiphop. Trong khi đó nhóm ABC lại chọn phong cách hiện đại, dung hòa được nhiều phong cách cũ và mới. Chính vì yếu tố này mà hiện nay nhóm ABC là nhóm có số lượng thành viên đông nhất, lên đến hơn 40 người.
Không chỉ chuyên nghiệp trong phong cách trình diễn, vừa qua biên đạo múa Ngọc Hiền đã thành lập Công ty ABC Entertainment, trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực múa. Khi thành lập công ty, nhóm ABC được tổ chức hoạt động quy củ hơn, có hẳn đợt tuyển thành viên mới định kỳ và tổ chức đào tạo vũ công và cả người mẫu. Ngay cả về trang phục và đạo cụ trình diễn, ABC cũng đầu tư hơn, vừa dành cho diễn viên mình trình diễn vừa kết hợp cho các nhóm lớn/nhỏ thuê lại. Không dừng lại ở đấy, ABC còn mô phỏng những sô ăn khách tại Thái Lan, tổ chức thành những sô diễn riêng của mình, bao gồm nhảy, múa, hóa trang và trình diễn theo phong cách Cabaret.
Thời gian vừa qua, Giải mai vàng của Báo Người Lao Động còn đưa cả hạng mục Nhóm nhảy được yêu thích nhất vào trao giải. Đây là một hạng mục hợp lý, vì đã đến lúc nhảy/múa minh họa cũng cần được xem là một phần quan trọng trong hoạt động giải trí hiện nay.
– Biên đạo múa Hải Hà – Vũ đoàn Sài Gòn: Hiện nay, tại TP.HCM nhóm múa như trăm hoa đua nở, họp nhau được vài tháng đã nhận sô đi diễn. Những nhóm múa thật sự có chất lượng còn ít. Chất lượng ở đây là nói về mặt đầu tư dàn dựng cũng như trang phục, cũng chỉ dừng lại ở mức… sạch sẽ, dễ nhìn. Nhưng đây cũng là một bước tiến trong thời gian qua, khi múa ngày càng được quan tâm và chấp nhận hơn, ngay cả bên quản lý văn hóa cũng ngày càng dễ chịu hơn với hoạt động nhảy múa. Trong thời gian tới, Vũ đoàn Sài Gòn sẽ thành lập công ty, đây là cách làm hợp lý để hoạt động của nhóm ngày càng chuyên nghiệp hơn.– Biên đạo múa Ngọc Hiền – Giám đốc Công ty ABC Entertainment: Khi thành lập công ty, ABC được tổ chức chuyên nghiệp hơn và có uy tín hơn. Từ đó, số lượng diễn viên của công ty tăng nhanh và số hợp đồng biểu diễn cũng tăng gấp 3 lần. Hoạt động theo hình thức công ty đòi hỏi số vốn lưu động nặng hơn, nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư, vì ngoài diễn minh họa chúng tôi còn có thể mở rộng ra nhiều hoạt động khác. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 công ty sẽ tổ chức tuyển sinh. Chúng tôi đang muốn phát triển thêm mảng múa hiện đại, một mảng đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật ở diễn viên trình diễn.
– Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Diễn viên múa của mình còn thiếu những người có hình thể đủ tiêu chuẩn để dàn dựng múa cổ điển, đòi hỏi kỹ thuật tạo hình, nhưng bù lại, họ vẫn tham gia trình diễn những tiết mục múa hiện đại, rap/hip hop tốt. Một bài múa phụ thuộc vào rất nhiều người biên đạo, đã có lúc tôi phải cắt phần múa sau một vài lần trình diễn vì bài múa không đạt chất lượng. Ngoài ra, nhiều khi nhóm múa đã tập với mình nhưng khi đi sô lại kẹt diễn cho ca sĩ khác. Đây là khó khăn chung mà ca sĩ nào cũng gặp. Trong một đêm có tiết mục cần múa minh họa, ca sĩ thường đi chung với một nhóm qua các tụ điểm, như thế vừa đảm bảo ca sĩ có nhóm minh họa nguyên đêm lại vừa đỡ vất vả cho cả nhóm múa. |
P.G
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind