Một cuộc trò chuyện nhanh với NSND Đỗ Minh Tiến về một khía cạnh của múa hiện đại Việt Nam từ lời nhận xét nghiêm khắc của ông: “Múa hiện đại Việt Nam là đứa con mang nhiều dòng máu mà không biết con ai“.
Thưa NSND Đỗ Minh Tiến, là người gắn bó với nghệ thuật múa của nước nhà ngay từ những buổi đầu tiên, theo sát từng bước đi của múa cho đến tận hôm nay, ông có thể cho biết khái quát về bức tranh toàn cảnh của múa Việt Nam?
Theo tôi, ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại ba dạng thức của nghệ thuật múa đó là múa dân tộc, múa ballet và múa hiện đại (gọi cho đúng phải là ngôn ngữ múa dân tộc, ngôn ngữ múa cổ điển, ngôn ngữ múa hiện đại). Tuy nhiên, trong vài năm lại đây các biên đạo múa ở nước ta có khuynh hướng chạy theo thứ lạ của trường phái Ấn tượng. Theo một số ý kiến khuynh hướng chạy theo thứ lạ đang phá hết thẩm mĩ cũ về ngôn ngữ, tính cách khi đưa chất hiện đại vào trong dân gian để xây dựng múa hiện đại là hỏng hết, người xem không chấp nhận. Và thêm một điều đáng nói nữa đó là làm lệch đi nhãn quan của người xem về múa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Bởi cứ mỗi lần “đem chuông đi đấm nước người” các đoàn nhà ta cứ liều lĩnh nói với thế giới rằng đó là múa dân tộc Việt Nam!
Về trường phái Ấn tượng như NSND nói ở trên có phải là cách biểu đạt nằm trong múa hiện đại hay còn gọi là múa đương đại không? Sự “du nhập” của trường phái này vào Việt Nam như thế nào?
Cái tên “múa hiện đại” được một biên đạo múa người Ba Lan tên là Niginxki khởi xướng từ những năm cuối thế kỉ XIX và chỉ thực sự bắt đầu từ đầu thế kỉ XX. Khi đó có không chỉ Niginxki, mà một đội ngũ biên đạo múa thấy không thoả mãn với cách biểu diễn kinh điển, bài bản, một chiều của ballet cổ điển. Họ muốn biểu hiện những ý tưởng một cách tự do, khoáng đạt và đời thường hơn và đã tìm ra cách biểu hiện đa chiều gọi là ngôn ngữ múa hiện đại. Nó ảnh hưởng rộng đến khắp châu Âu. Ở Việt Nam múa hiện đại được các nhà biên đạo tiếp thu ảnh hưởng từ thập kỉ 90 nhưng chỉ thực sự rõ nét từ sau năm 1995. Từ đó đến nay, ở nước ta cũng có những ý kiến đa chiều về múa hiện đại hay còn gọi là múa đương đại.
Theo ý kiến của ông, nên gọi là múa hiện đại hay múa đương đại thì chuẩn xác hơn?
Cái tên gọi này hiện nay vẫn chưa đi đến thống nhất, mỗi người vẫn gọi một kiểu theo cách hiểu của mình. Ngay trong cách gọi là hiện đại hay đương đại cũng có những vấn đề cần bàn bạc bởi vì: Nếu gọi là múa hiện đại thì quan niệm thế nào là hiện đại, múa của chúng ta bây giờ đã gọi là hiện đại được chưa?. Còn gọi là múa đương đại thì nó mang một nghĩa là “múa của ngày hôm nay”, tức là ngày mai thì chưa biết thế nào và chắc hẳn sẽ xuất hiện một hình thức múa mà cho đến thời điểm đó chúng ta lại coi là “múa đương đại của ngày mai”? Còn như hiện trạng của múa hiện đại Việt Nam hiện nay thì gọi là múa đương đại chuẩn xác hơn bởi nghệ thuật là thứ tồn tại bất biến với thời gian.
Thưa NSND Đỗ Minh Tiến, nói như thế có nghĩa là múa hiện đại của chúng ta chỉ là một nghệ thuật “ăn xổi”? Sẽ không có những tác phẩm để đời ?
Theo tôi múa hiện đại hiện nay vẫn đang trong giai đoạn khám phá, tìm tòi, nội dung và hình thức biểu hiện còn lổn nhổn, khấp khiểng, chưa thể đòi hỏi ở nó những tác phẩm có tính kinh điển để đời được. Không thể phủ nhận sự thành công của một số biên đạo trẻ được học hành nghiêm chỉnh, bài bản từ phía trời Tây như Anh Phương (Nhà hát vũ kịch Việt Nam) với các tác phẩm: Tiếng gọi của rừng, Mênh mang mùa xuân… Tuy nhiên có thể nhận ra, trên sàn diễn múa hiện nay, người xem dễ dành nhận ra sự pha trộn, lai căng những phong cách đông tây kim cổ. Người nghiêm khắc thì gọi đây là sự hổ lốn. Người hài hước một chút gọi là “tả pí lù”. Nó giống như một căn phòng có nhiều phòng khác nhau, giống như “một con người mang trong mình nhiều dòng máu” để biểu hiện một nội dung nhưng lại làm ra một nghệ thuật không đồng nhất. Có lối đâu một cô gái quan họ nón thúng quai thao cùng áo mớ bảy mớ ba nền nã lại bước những bước thăng hoa nhảy nhót của ballet? Xem xong một điệu múa với những cô thôn nữ mà lại nhảy nhót quay cuồng như trong một vũ hội ở Nam Mỹ, nón quai thao biến thành quạt, thành nong nia, thành bánh xe lăn lộn trên lưng, trên vai…. Nhiều người chột dạ tự hỏi: “Thế ra người con gái Việt Nam truyền thống là như thế này ư?“. Rồi còn có cả những tác phẩm không biết nói gì, gây phản cảm, bệnh hoạn như “Cân bằng” của biên đạo trẻ Mai Anh, “Sự đời” của Ngọc Anh.
Thế nhưng lại có một đoàn múa mang tên “Đoàn nghệ thuật múa đương đại Việt Nam” của Ea Sola đã mang một số tiết mục lưu diễn ở nước ngoài. Với cái tên này, họ muốn nói rằng họ đang mang hồn múa hiện đại của Việt Nam ra với thế giới. Đã có những ý kiến đa chiều về hiện tượng này, ý kiến của NSND như thế nào?
Tôi đồng ý với cách gọi là “hiện tượng Ea Sola” của một số người. “Hiện tượng” có thể tốt, có thể không tốt. Ea Sola cũng nhận được sự đồng tình, cổ vũ của một bộ phận khán giả. Trong chúng ta vẫn chưa quên câu tuyên bố xanh rờn của bà Ea Sola rằng: “Việt Nam không có múa trước khi bà ta đến“. Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đã có những động thái và phản ứng gay gắt, nghiêm túc về vấn đề này. Ea Sola đã không hiểu Việt Nam lại đi ngược quan điểm của Đảng cho rằng không thể vừa bảo tồn vừa phát huy, phát triển.
Cá nhân tôi đánh giá, Ea Sola thông minh nhưng không biết khiêm tốn, lại ngạo mạn. Mà ngạo mạn với chỉ một người thôi cũng không nên và đủ phiền toái rồi. Đằng này cô ta lại đi ngạo mạn với cả một dân tộc. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng hơn là cô ta mang đến Việt Nam và thế giới cái gì mà dám ngạo mạn như vậy? Thì ra là “Hạn hán và cơn mưa” với những bà già răng đen váy đụp nhe nanh giơ vuốt thật man rợ. Thì ra là “Ngày xửa ngày xưa” với các công chúa đột nhiên xõa tóc, lăn đùng ra giãy giụa mà chẳng hiểu làm sao lại thế? Có khi bà ta đặt lên sân khấu cả một cỗ quan tài… Tôi thừa nhận kĩ thuật biểu trưng của Ea Sola được nhưng chỉ thế thôi chưa đủ.
Cái tên đoàn nghệ thuật múa đương đại Việt Nam theo tôi cũng phải đổi lại vì đó không tập trung những gì tiêu biểu và là cái hồn múa hiện đại của Việt Nam. Họ còn tung hô là chương trình đã mang biểu diễn ở Anh. Nếu mang đi giới thiệu như thế thì tôi xấu hổ. Và tôi cũng không hiểu vì sao lại có những bài báo đề cao, bênh vực bà ta quá mức như vậy? Thậm chí có cả một chương trình truyền hình lăng xê cái gọi là nghệ thuật của Ea Sola.
Thưa NSND Đỗ Minh Tiến, tiêu chí nào để đánh giá sự thành công của một vở múa?
Một vở múa thành công phải đạt được 3 tiêu chí về ngôn ngữ múa, âm nhạc và trang phục trong đó ngôn ngữ múa là yếu tố tiên quyết. Nhưng cho dù múa bằng ngôn ngữ nào đi nữa thì điều quan trọng bao trùm lên vẫn là nói được cái gì với khán giả. Đây là nguyên tắc bất biến ở mọi thời đại vì nghệ thuật không có biên giới, không đẳng cấp và nghệ thuật chân chính bao giờ cũng trường tồn với thời gian. Còn như múa đương đại của ta nhiều khi có những vở diễn rất dài nhưng khi diễn xong khán giả không biết ý tưởng của tác giả gửi gắm là gì thì không cần đến một tiêu chí nào để đánh giá vì sao mà thất bại nữa.
- Việt Hà(thực hiện)
Speak Your Mind