Ba lê là một hình thức múa biểu diễn dành cho khán giả nhà hát kịch. Trên cả múa, ba lê được coi là một loại hình nghệ thuật tao nhã, có ảnh hưởng tới rất nhiều loại hình múa của thế giới sau này.
Mặc dù được cho là có khởi nguồn từ Italy thời kỳ Phục hưng thế kỷ 15-16, ba lê trở nên phổ biến tại Pháp và Nga, và gần đây nhất là tại Mỹ. Nghiên cứu từ nguyên học của cái tên “ballet” phản ánh lịch sử phát triển của bộ môn nghệ thuật này. Từ ballet sử dụng trong tiếng Anh được vay mượn từ tiếng Pháp vào khoảng thết kỷ 17. Từ tiếng Pháp này thực chất lại có nguồn gốc từ tiếng Ý balletto, từ giảm nhẹ của ballo (múa). Nhưng nguồn gốc xâu xa nhất của ballet bắt nguồn từ tiếng Latin ballare, nghĩ là “nhảy múa”.
Cũng giống như các hình thức múa khác, ba lê có thể kể lại một câu chuyện, thể hiện một trạng thái cảm xúc, hoặc đơn giản là phán ánh giai điệu của âm nhạc. Nhưng kỹ thuật (tức là cách thức biểu diễn) và các kỹ năng đặc biệt của một diễn viên ba lê rất khác so với kỹ năng của các vũ công khác. Các diễn viên ba lê biểu diễn rất nhiều động tác chuyển động không tự nhiên đối với cơ thể con người. Nhưng khi những động tác này được thực hiện quá thành thục, trông chúng trở nên tự nhiên. Một diễn viên ba lê thường phải trải qua quá trình tập luyện nhiều năm nhằm thể hiện một cách hoàn hảo những bước di chuyển chân cơ bản, chỉ khi đó họ mới có thể biểu diễn được những động tác và tư thế khác nhau của múa ba lê. Trong biểu diễn ba lê, nữ diễn viên ba lê thường được gọi là ballerina trong khi nam diễn viên được gọi là vũ công ba lê (ballet dancer). Các Ballerina thường mặc ‘tutu’ (váy ba lê ngắn hoặc dài) tóc búi gọn sau gáy. Tất cả các diễn viên ba lê đều mặc quần tất kín chân.
Thời kỳ Phục hưng tại Ý thế kỷ 15: nền tảng cho Sự ra đời của Ba lê
Theo các nghiên cứu lịch sử, ba lê khởi nguồn từ thời kỳ Phục Hưng tại Ý vào thế kỷ 15, nhằm phục vụ cho các lễ cưới hoàng gia và của tầng lớp quý tộc. Trong giai đoạn này, người châu Âu đặc biệt quan tâm đến học vấn và các loại hình nghệ thuật. Cùng lúc đó, thương mại và buôn bán cũng rất phát triển, và các công tước nắm quyền lực ở Florence và các thành phố Italy khác trở lên giàu có. Những công tước này rất chú trọng vào quảng bá nghệ thuật. Các thành phố của Ý trở thành những trung tâm nghệ thuật cũng như thương mại của châu Âu. Các nhà quý tộc Ý cạnh tranh với nhau trong việc cung cấp những hình thức giải trí xa xỉ trong đó có biểu diễn múa. Vũ công thời gian này không phải là nghệ sỹ chuyên nghiệp. Họ thường xuất thân từ các gia đình quý tộc của triều đình và nhảy múa để làm thoả mãn vua chúa và làm những nhà quý tộc khác phải ghen tị.
Các vở ballet thường lấy chủ đề từ một sự kiện xã hội trong một ngày cụ thể và biểu diễn tại hội trường lớn trong cung đình. Một vở ba lê thời đó khác xa so với những gì bạn có thể thấy ngày nay khi nó được biểu diễn nhằm diễn giải cho nghệ thuật đấu kiếm liễu. Váy tutu và giày ba lê vẫn chưa được sử dụng và các vũ điệu được biên đạo từ vũ điệu cung đình và phục trang theo phong cách thời trang của thời đại đó. Domenico da Piacenza là một trong những bậc thầy đầu tiên về nghệ thuật múa. Cùng với các sinh viên Antonio Cornazzano và Guglielmo Ebreo, ông được đào tạo về múa và chịu trách nhiệm dạy múa cho con cái các quý tộc.
Pháp thế kỷ 17: Ballet d’cour
Catherine de Médicis, xuất thân trong một gia đình quý tộc ở Florence, kết hôn với Henry II, trở thành hoàng hậu của nước Pháp vào năm 1547. Bà đã giới thiệu tới triều đình Pháp loại hình giải trí được biết đến tại Ý. Chúng được dàn dựng bởi Balthazar de Beaujoyeulx, một nhạc sỹ tài năng. Beaujoyeulx đã rời nước Ý đến Pháp để trở thành nhạc trưởng cho Catherine. Các nhà nghiên cứu lịch sử ba lê cho rằng một trong các tác phẩm giải trí của Beaujoyeulx, Le Ballet Comique de la Reine, (Ba lê hài của Hoàn hậu) là vở ba lê đầu tiên của nhân loại. Cốt truyện dựa trên thần thoại Hy Lạp kể về cuộc đào thoát của Ulysses khỏi Circe, vị thần có phép thuật có thể biến con người thành quái vật. Vở ba lê là sự kết hợp của phần nhạc, ca từ, lời thơ và cả các vũ điệu được viết ra trên giấy, dàn cảnh sân khấu và trang phục. Kỹ thuật múa rất giới hạn, và vì thế Beaujoueulx dựa trên trang phục và cảnh trí để gây ấn tượng đối với khán giả. Để đảm bảo người xem hiểu được nội dung vở ba lê, ông phát cho họ bản in của những câu thơ sử dụng trong vở diễn. Ra mắt năm 1581 tại hoàng cung nước Pháp ở Paris bắt đầu từ 10 giờ tối và kéo dài suốt 5 tiếng đồng hồ, biểu diễn bởi 24 diễn viên trong đó có cả hoàng hậu Catherine và các quý tộc trong triều đình nhằm kỷ niệm lễ hứa hôn của em gái hoàng hậu. Buổi biểu diễn đem lại thành công lớn và được triều đình nhiều nước Châu Âu khác diễn lại.
Vở Ba lê hài của Hoàng Hậu đưa Paris trở thành kinh đô của thế giới ba lê. Vua Louis XIV, trị vì nước Pháp trong thời gian cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 củng cố thêm vị trí dẫn đần của nước Pháp trong môn nghệ thuật này. Louis vô cùng yêu thích múa. Lúc trẻ, ông thường tham gia vào các vở ba lê do các nhà quý tộc biểu diễn trong cung đình, và chỉ ngừng khi đến tuổi trung niên. Louis được gọi là Vua Mặt trời nhằm tưởng nhớ một vai diễn trong một vở ba lê mà ông tham gia. Năm 1661, Louis thành lập Học viện Múa Hoàn gia (Academie Royale de Danse) nhằm đào tạo các vũ công chuyên nghiệp để biểu diễn cho ông và triều đình.
Ba lê chuyên nghiệp bắt đầu với Học viện Múa của Đức vua. Nhờ vào việc đào tạo bài bản, các vũ công chuyên nghiệp của Pháp có thể phát triển được những kỹ năng múa mà những nghệ sỹ múa nghiệp dư không thể đạt tới. Thời kỳ này chỉ có nam vũ công. Để thể hiện vai nữ, các diễn viên nam sẽ mặc trang phục nữ, đeo mặt nạ và đội tóc giả. Chỉ đến vở ba lê Le Triomphe de l’Amour (The Triumph of Love) năm 1681 nữ vũ công mới bắt đầu tham gia vào ba lê. Các vũ công ba lê thời kỳ này vẫn mặc những bộ trang phục trùm kín gót chân, tất nhiên rất khác so với những gì chúng ta thấy ngày nay. Từ mô hình của Pháp, các đoàn ba lê được xây dựng tại các quốc gia châu Âu khác như Trường Ba lê Hoàng gia Nga (Russian Imperial Ballet – hiện nay là Kirov Ballet) được thành lập năm 1738 tại St. Petersburg, sau này trở thành một trong số học viện ba lê vĩ đại nhất thế giới, và đoàn Ba lê Hoàng gia Đan mạch năm 1748.
Khi ba lê mới được ra mắt, đặc điểm nổi bật của nó là biểu diễn nhóm, trong đó không chỉ có múa mà còn có lời hát và thơ. Năm tư thế của ba lê được tạo ra vào thế kỷ 17 với nhà biên đạo và giáo viên ba lê nổi tiếng người Pháp Piere Beauchamp. Những tư thế cơ bản này đến nay vẫn được sử dụng, dù đã bị thay đổi chút ít. Thực tế, rất nhiều bước nhảy của các vũ công ngày này đều được gọi tên bằng tiếng Pháp. Năm 1700, Raoul Feuillet, bậc thầy ba lê người Pháp xuất bản cuốn sách Choregraphie về các tư thế và bước nhảy của ba lê.
—————————
Tham khảo
History of Ballet on WikipediaThe History of BalletHistory of Ballet DancingBallet on BritannicaBallets Russes on BritannicaHistory of Dance: An Interactive Arts Approach – Human KineticsHistory of Ballet on ccs.neu.edu
Speak Your Mind