Gõ nhịp với Sương sớm

75 phút của vở múa Sương sớm qua nhanh trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả ở Nhà hát TP.HCM vào hai đêm 25 – 26/7. Sau lần ra mắt ở Hàn Quốc trong một liên hoan, cuộc trình làng của Sương sớm trước công chúng trong nước đã làm thỏa mãn những mong đợi.

2890-599486-10150977127018506-1237596138-n1

Sự mong đợi không chỉ được đo bằng quãng thời gian từ năm ngoái đến nay, mà còn bằng kỳ vọng mới sau thành công của những chương trình múa trước đó như Chuyện kể những chiếc giày, Mộc. Với những ai còn xa lạ với nghệ thuật múa đương đại thì không nói, còn với khán giả “ruột” của bộ môn này, cụ thể là đã “theo” các vở múa nói trên từ trước đến nay, thì sẽ hiểu áp lực họ mang đến nhà hát đòi hỏi các nghệ sĩ phải có cái mới để họ thưởng thức cao như thế nào.

Bộ ba biên đạo Tấn Lộc, Ngọc Anh, Ngọc Khải, NSƯT Tố Như, hai diễn viên trẻ vừa đoạt giải bạc tại cuộc thi múa đương đại quốc tế ở Hàn Quốc năm nay là Hữu Thuận và Hải Anh, cùng vũ đoàn Arabesque, đã “trò chuyện” nhiệt thành với khán giả bằng ngôn ngữ riêng của mình. Đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn của những động tác múa khi dẻo như xiếc, lúc mạnh mẽ như thể dục dụng cụ, với những khúc nhạc nền như viết riêng cho đoạn múa ấy. Bên cạnh đó còn là màu sắc trang phục chỏi tông nhau chan chát, nhưng trong thứ ánh sáng nhiều lớp lại pha thành một bảng màu hài hòa, hết sức ấn tượng về mặt thị giác. Cả khứu giác của người xem cũng được đánh thức bằng đạo cụ là những cọng sả thật tỏa hương thơm nồng…

Trong Sương sớm, những ý niệm đan xen giữa đời thực của cái cầu tre, điệu hò Nam bộ da diết, với hư ảo của khói hương, không khí tâm linh, được biên đạo và diễn viên kết nối lại không phải bằng thủ thuật, mà bằng chính xúc cảm. Bảy màn, từ mở đầu Ra đồng, đến Hương chùa, Mùa, Đêm, Được mùa, ngỡ rằng vở múa sẽ kết lại ở Lụa với hình tượng viên mãn của đôi nam nữ. Nhưng, vẫn còn màn Gạo, để hoàn tất vai trò là cái chốt sập cánh cửa tạo hưng phấn và gây tiếc nuối cho khán giả. Lợi dụng chất liệu và đặc tính của hạt gạo (chứ không phải nước vốn đã quá quen trên các sân khấu), màn cho dòng gạo chảy từ trên trần nhà hát xuống các diễn viên, biên đạo vở đã thành công trong việc xây dựng một khung cảnh vừa rất thực vừa đầy tính biểu tượng.

Một chi tiết thú vị là vở múa đã kết lại nhưng khán giả vẫn ngồi yên tại chỗ vì ngỡ các nghệ sĩ đang còn chuẩn bị “trò” gì thêm. Điều này đúng như lời biên đạo múa Tấn Lộc: “Chúng tôi giữ khán giả đến giây phút cuối cùng, chứ không phải trong khi tiết mục kết hoành tráng trên sân khấu thì bên dưới khán giả đã lục tục ra về”. Người xem được tiễn ra tận cửa nhà hát bằng một màn gõ nhịp sôi động làm họ quên mất trên tay mình vẫn còn cầm hai thanh tre được phát lúc đến sân khấu để cùng gõ tham gia vào vở múa. Trên cặp thanh tre đó, khắc hai chữ Sương sớm.

Võ Tiến

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*