Tín ngưỡng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số ở Việt Nam, nó tồn tại lâu đời trong tiến trình hình thành phát triển văn hóa của từng tộc người. Tín ngưỡng là một nhu cầu trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của con người, nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng, giải thoát của nhiều tộc người thiểu số. Bởi vậy, tín ngưỡng gắn bó với quá trình vòng đời của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội.
Người Xtiêng quan niệm rằng “vạn vật hữu linh” tất cả đều linh thiêng đều có thần trú ngụ, như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần rừng, thần gió, thần mưa… nên đều phải có cúng lễ cầu, mong thần ban phúc.
Trong các thần được tôn thờ và quan trọng là thần Yang Liêng, thần khai sáng các vùng đất của người Xtiêng, sau đó là thần lúa (Tut ba) có nơi còn gọi là mẹ lúa.
Quá trình thực hiện tín ngưỡng là quá trình phản ánh các nội dung về tín ngưỡng, phù hợp với các nghi lễ, luật tục của từng tộc người. Từ đó người Xtiêng đã hình thành các loại tín ngưỡng sau:
Tín ngưỡng thờ thần thác (Liêng Hur)
Tín ngưỡng cầu mong (cầu mưa, lửa) (Loh dak nnao rhe)
Tín ngưỡng cúng thần lúa (Tut ba)
Tín ngưỡng mừng được mùa (Xerhâyba)
Tín ngưỡng mừng cơm mới (pabakhiêu)
Tín ngưỡng cầu mong bình an (thần rừng, núi, nước, tổ tiên) (Tarăm prắk tròok bri)
Tín ngưỡng tạ ơn (thần rừng, nước lúa) (Lóh prăh yang bri dak pa)
Tín ngưỡng ăn trâu (Tam boh tạpưng bal Khel)
Tín ngưỡng đuổi ma (Craih chêer rlang tăng khăng)
Tín ngưỡng tìm hồn, cầu phép (Mê prăh dih séh hăn doi Kmôônh)
Tín ngưỡng vòng đời (Âp prăh kungpu múh)…
Trong các tín ngưỡng nghi lễ của người Xtiêng phải kể đến hai nghi lễ quan trọng có ảnh hưởng tới tình cảm đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Xtiêng.
Lễ cúng cơm mới (paba Khiêu)
Lễ cúng cơm mới là thể hiện tấm lòng tôn kính thần lúa đã đem lại cuộc sống ấm no cho người Xtiêng. Từ đó họ tổ chức lễ cúng cơm mới (pabakhiêu) vào những dịp thu hoạch mùa màng bội thu, theo nghi lễ của người Xtiêng.
“Trong các nghi lễ này, nhất là lễ cúng cơm mới, lễ thu hoạch lúa, người Xtiêng thường có tục hiến sinh (giết gà, heo, trâu) để tế thần. ở lễ hiến sinh có tục đâm trâu (có nơi gọi là lễ đâm trâu) khá hấp dẫn lôi cuốn các thành phần trong buôn (bon) tham gia.
Cùng với tiếng nhạc cồng chiêng là tục đâm trâu, lễ hiến sinh trở thành một nội dung quan trọng của người Xtiêng trong đời sống hàng ngày.
Trong lễ hội này người ta có sự chuẩn bị công phu:
– Rượu ngâm trước hàng tháng.
– Chọn cây nêu và chạm trổ hoa văn cây nêu (cột buộc trâu) thật đẹp.
– Chăm sóc con trâu kĩ lưỡng để tế thần.
– Chuẩn bị quần áo đẹp để đi trẩy hội.
– Ngày lễ chọn một số trai, gái trong bon khỏe và đẹp nhảy múa vòng quanh con trâu theo vùng ngược kim đồng hồ để làm lễ đâm trâu. Trâu được mổ thịt chia đều cho dân bon cùng mở hội hân hoan, mừng lúa rẫy tươi tốt.
– Trai làng cùng nhảy múa, một số người khỏe mạnh trai tráng thì tham gia “đâm trâu” cùng với già làng (hoặc người có uy tín trong làng) được làng cử ra làm trưởng lễ.
Lễ đâm trâu là biểu hiện tinh thần trọng vọng thần linh của người Xtiêng. Người Xtiêng giết trâu để dâng hiến thần linh nhờ che chở phù hộ, biểu hiện lòng biết ơn của mình đối với các vị thần đã cho họ mùa màng bội thu.”(1)
Trong những tín ngưỡng trên, có các điệu múa tham gia như là một thành tố quan trọng không thể thiếu vắng. Những điệu múa do các thầy cúng, ông bóng, bà bóng thực hiện. Thầy cúng, bà bóng là trung gian chuyển tải mối quan hệ giữa thần linh với người trần gian. Từ nhu cầu của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà người Xtiêng đã sáng tạo hình thái múa tín ngưỡng.
Múa tín ngưỡng có đặc điểm cơ bản là yếu tố ngẫu hứng và mang tính độc diễn. Tuy theo bài bản, quy ước chung, nhưng nó vẫn mang dấu ấn sáng tạo cá thể. Đó là phụ thuộc vào nghệ thuật của các thầy cúng, bà bóng. Song nó vẫn bảo tồn đặc trưng, bản sắc, bài bản, quy ước của từng tộc người. Do vậy, đều là tín ngưỡng cầu mùa, tín ngưỡng thờ thần nước, thần núi, thần rừng nhưng nghệ thuật múa tín ngưỡng có khác nhau. Mặt khác còn phụ thuộc vào phong tục, tập quán, nghi lễ, luật tục và truyền thống văn hóa của từng người.
Múa dâng lễ (bà bóng dâng lễ) (Mê Vra Ri)
Múa tín ngưỡng của người Xtiêng phần lớn do bà bóng thực hiện, bà bóng được xem như người có nhiều phép thuật có khả năng sai khiến âm binh, trừ ác quỷ, chữa bệnh cho người. Những phép thuật ấy thông qua sự trình diễn của bà bóng, thông qua những lời khẩn cầu, thông qua những điệu múa, điệu hát và múa dâng lễ cầu khẩn các thần linh (yang) phù hộ.
Múa dâng lễ là điệu múa khởi đầu để cúng khấn các vị thần linh, rồi tiếp đến các nghi lễ của tín ngưỡng thờ thần linh.
Múa dâng lễ có hai cách: Một là đội mâm lễ vật hoa quả, trái cây, hoặc múa tay không, không có đội mâm lễ vật mà chỉ là tượng trưng.
Múa dâng lễ được trình bày ở phần này là múa tay không, chỉ là tượng trưng đội mâm lễ vật.
Động tác múa chủ đạo
Động tác tay, là hai tay tạo thành hai đường dây cung đối nhau giơ lên cao, hai bàn tay ngửa lên trên, và khi biến đổi thì hai bàn tay xòe lòng bàn tay hướng phía trước, phối hợp với động tác tay là người xoay bên phải, xoay bên trái, rồi trở về người ở thế tự nhiên.
Động tác chân, một chân nhún tại chỗ, đồng thời chân kia đá nhẹ lên phía trước, sau đó chân đá kéo về nhún nhẹ tại chỗ, chân trụ làm trụ đá nhẹ lên phía trước. Cứ như vậy hai chân hoán vị cho nhau, nhún đá tiến phía trước, hoặc lùi, hoặc xoay tròn tại chỗ.
Múa quay cây nêu (cây Ser)
Các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung, tộc người Xtiêng nói riêng, cây nêu là một biểu tượng thiêng liêng, một biểu tượng của tín ngưỡng, nghi lễ cộng đồng. Nó gắn bó với con người trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lớn của toàn cộng đồng. Trong đó ẩn chứa các hồn, các thần linh và nhiều phong tục, tập quán, luật tục, văn hóa nghệ thuật của tộc người.
Cây nêu cũng được xem như cây vũ trụ có ảnh hưởng tới đời sống văn hóa tín ngưỡng của mọi thành viên trong cộng đồng. Nơi đây cũng là nơi gửi gắm nỗi niềm tâm linh, ước vọng của con người. Nên nhiều tín ngưỡng nghi lễ lớn quan trọng đều diễn ra ở quanh cây nêu, cây vũ trụ.
Cây nêu được trang trí rất đẹp, rực rỡ nhiều màu sắc, hoa văn. Cây nêu thường được làm bằng cây tre lớn, cây vầu, hoặc gỗ. Trên cây nêu thường có những lông chim và hoa Cam rai hoặc chim thần thường ở trên đỉnh cây nêu. Phía dưới là bông lau, bông lúa, những loài động vật như chim, cá, ếch, mặt trời, mặt trăng… và các loài hoa dây bằng giấy hoặc vải.
Khi vào rừng lấy cây tre, gỗ và khi dựng cây nêu đều phải tiến hành nghi lễ cầu cúng, cho hồn vía thần vào cây nêu. Đó là một nghi lễ luật tục rất quan trọng không thể bỏ qua.
Động tác múa chủ đạo 1 (múa tay không)
Động tác tay, hai tay đưa chéo xuống, chếch rộng sang hai bên, cổ bàn tay gập xuống rồi bật lên. Khi gập bật cổ tay đồng thời hai vai hơi nhấc lên, hạ xuống. Cứ như vậy liên tục gập, bật cổ tay.
Động tác chân, hai chân đưa rộng sang hai bên ở thế tự nhiên, hai bàn chân cách nhau khoảng 30cm, hai gối khuỵu, nhún đều lên xuống theo nhịp gập, bật cổ tay. Chân nhún bật theo hướng xoay bên phải, rồi xoay sang trái.
Kết hợp với động tác tay chân là người luôn khom (gập phía trước khoảng 45 độ).
Động tác múa chủ đạo 2 (múa có đạo cụ cầm hoa Cam rai)
Hoa Cam rai là các khúc tre, thanh tre vót mỏng, uốn cong, tỏa ra như bông hoa. Hoa Cam rai là loại hoa cao quý để dâng lễ, cúng thần linh.
Động tác tay, hai tay song song đưa sang bên phải, bên trái đồng thời hai tay vuốt nhẹ lên và uốn bàn tay úp xuống, đưa sang bên hông. Rồi từ từ đưa tay lượn vòng phía trước, giơ lên cao trước ngực rồi vuốt nhẹ đưa sang bên hông.
Động tác chân vừa nhún bước tiến lên và hơi đưa chân ra phía trước, đồng thời chân hướng xoay bên phải, xoay bên trái.
Kết hợp với động tác tay, chân là người khom (gập nhẹ) phía trước và xoay người sang bên theo hướng hoạt động của động tác tay. Múa với đạo cụ cầm tay là hoa Cam rai thao tác như múa tay không, luật động như múa tay không.
Động tác múa chủ đạo 3 (múa tay không)
Động tác tay, hai nữ đối diện nhau, cầm tay nhau đưa lên, hạ xuống liên tục múa theo khổ nhạc cồng chiêng, và trống Xa gơ. Rồi biến đổi hai tay giơ lên cao xoay người giáp lưng nhau, hai tay giơ lên, hạ xuống bên phải, bên trái vẫn ở thế giáp lưng, tiến hành theo khổ nhạc cồng chiêng. Rồi đồng thời xoay người trở về lúc đầu (hai người đối diện nhau). Tiếp tục múa giơ tay lên, hạ xuống đồng thời xoay người giáp lưng nhau.
Động tác chân, hai chân ở thế tự nhiên, nhún xuống bật lên đồng thời xoay sang phải, sang trái. Cứ như vậy phối hợp đồng bộ động tác tay, chân, người, tạo thành một tổ hợp múa chủ đạo, đặc trưng, bản sắc độc đáo của nghệ thuật múa Xtiêng.
Múa đuổi ma (Craih Chêer riang Tăng khăng)
Người Xtiêng cũng như các tộc người thiểu số khác đều quan niệm rằng ốm, đau, bệnh tật, sinh tử đều có mệnh trời, đều có ma quỷ, hồn vía, ma lành, ma ác… ma lành, làm lễ khấn cúng thì ma nó đi, ma ác thì nó ở lại với con người, làm cho con người không khỏi bệnh và chết. Nhất là “Ma Lai” thì các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên rất căm ghét nó thuộc ma ác, làm chết người.
Có nơi, có tộc người thấy “Ma Lai” nhập vào người trần vào thì còn tìm cách diệt, để nó không ám hại được người, toàn cộng đồng căm ghét. Điều đó rất nguy hiểm, có khi ám hại người có bệnh, mà một thầy cúng nào đó nói là “Ma Lai” nhập vào người, thì rất nguy hiểm đến tính mạng người đó.
Nhưng phổ biến là làm lễ khấn vái để đuổi tà ma cứu người mắc bệnh, nghi lễ cúng ma, đuổi ma của người Xtiêng khá phức tạp và theo nhiều bước.
Trước tiên, gia chủ phải đặt trên bàn thờ hương hoa và các vật lễ khác, rồi mời thầy cúng đến trước bàn thờ khấn vái khẩn cầu xin phép đón mời thần linh, các Yang (các thần) về phù hộ. Rồi sau đó tiếp các thủ tục nghi lễ đuổi trừ tà ma, tăng sức cho người bệnh. Thầy cúng đến bên người bệnh, người bệnh nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Thầy cúng tiến hành nghi lễ và múa làm phép đuổi tà ma. Khi tiến hành múa đuổi tà ma là luôn đọc lời cầu nguyện cho ma đi cùng với âm nhạc là cồng chiêng, kèn bầu.
Động tác múa chủ đạo
Thầy cúng một tay cầm chén rượu, một tay cầm nén nhang, tay cầm nhang vẽ những đường tròn, ngang, dọc, lượn quay trong không gian, như ám hiệu, như trừ tà ma. Một tay cầm chén rượu cùng múa lượn đi lượn lại phối hợp tay cầm nhang múa. Tay cầm nhang múa lượn vẽ quanh chén rượu làm phép. Rồi thầy cúng ngậm rượu phun lên người bệnh. Tiếp theo tay cầm chén rượu vừa múa, vừa đổ rượu xung quanh người bệnh.
Động tác chân ở thế một chân tấn (khuỵu) một chân duỗi trước hoặc ngang, rồi bước đổi chân, tiếp tục đi quanh người bệnh.
Tiếp theo, thầy cúng cầm một bát gạo trong bát gạo đó có cây nến và một tay cầm bát than hồng (loại than bằng gỗ thơm hoặc vỏ cây thơm).
Rồi hai tay cầm bát gạo và bát than vừa đi vừa múa quanh người bệnh theo chiều ngược kim đồng hồ rồi đi ngược lại, vừa đi vừa múa, vừa đọc tụng lời khấn.
Rượu, nhang như là phép màu nhiệm của thần linh (Yang) để đuổi tà ma.
Gạo, than như là phép của thần linh đem lại sức khỏe cho con người, như truyền sức mạnh của thần linh cho con người. Con người sẽ khỏi bệnh, mạnh khỏe và luôn nhớ ơn thần linh.
PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind