Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012: Ba nốt thăng đọng lại

Tối 10.5.2012, tấm màn nhung Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã chính thức khép lại sau 5 ngày trình diễn tại phố núi Sơn La. 10 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp “ra quân” đợt này đã tạo nên khúc dạo đầu mang nhiều sắc màu khác nhau, trong đó chí ít có ba “nốt thăng” sẽ vang vọng, đọng lại.

Nốt thăng cho sức trẻ

Thông thường cứ mỗi dịp Liên hoan, Hội diễn… giới nghệ sĩ lại kháo nhau: “Giám khảo nào, giải thưởng ấy”. Nếu vậy, hội đồng giám khảo Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đợt I thuộc diện “của hiếm” với gần một nửa là nghệ sĩ trẻ. Trong 5 thành viên Hội đồng giám khảo, bên cạnh NSND Lê Ngọc Cường, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn, dễ dàng nhận thấy hai giám khảo trẻ tuổi là NSƯT Minh Thông và ca sĩ Trọng Tấn. Dù đều là những nghệ sĩ thành danh ở lĩnh vực múa và hát nhưng đây chỉ mới là lần đầu tiên NSƯT Minh Thông và ca sĩ Trọng Tấn ngồi ghế giám khảo, cầm cân nảy mực chấm giải cho một kỳ Liên hoan.

Trên sàn diễn, điều đáng mừng nhất tại LH là sự khẳng định mạnh mẽ và táo bạo của giới nghệ sĩ trẻ. Biên đạo trẻ Trần Ly Ly mạnh dạn đưa hình tượng sư thầy vào nghệ thuật múa. Đầu trọc, áo cà sa, ba sư thầy giằng xé, đấu tranh với những động tác vừa mang tính hình thể lại phảng phất nghệ thuật múa đương đại khiến người xem không khỏi bất ngờ về ý tưởng của nhà biên đạo trẻ trong tiết mục mang Thiền – Nhà hát Ca Múa Thăng Long. Ngay trong màn mở đầu chương trình Tình người trong lòng nôi của Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng, tỉnh Điện Biên, NSND Chu Thúy Quỳnh, thành viên Ban chỉ đạo LH đã quay sang hỏi NSND Vũ Hoài: “Biên đạo Hoài Thu là ai?“. Khi được biết đó là biên đạo trẻ của Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng, vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa VN tỏ ra bất ngờ rồi chuyển sang tấm tắc với những khám phá trong dàn dựng cho những “đôi chân thiên nga” Điện Biên.

Sự xuất hiện của những nghệ sĩ Hải Dương với chương trình Hạ khúc sông quê cũng đem đến những bất ngờ thú vị. Chưa “tuyên bố độc lập” mà chỉ dừng lại là Đoàn Ca Múa Nhạc thuộc Trung tâm nghệ thuật và tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương nhưng với Hạ khúc sông quê, hoàn toàn có thể tin tưởng trong nay mai Hải Dương có thể thành lập một Đoàn Nghệ thuật hay Nhà hát biểu diễn chuyên nghiệp. Lấp lóe tại LH còn có những nghệ sĩ trẻ tạo được ấn tượng như ca sĩ Minh Thu – Nhà hát Ca Múa Thăng Long với nhạc phẩm Con cò hay ca sĩ Kim Ngân – Đoàn Văn công Quân khu I với bài hát Từ nơi gió ngàn

2192-thanglong

Tiết mục “Ký ức sông Hồng” của NH Ca múa nhạc Thăng Long

“Lên dây” bản ngã cho đơn vị chuyên nghiệp

Hai chữ “chuyên nghiệp” ở lĩnh vực nào, thời nào cũng khó định nghĩa cho vẹn toàn, cô đọng. Nhưng giữa lúc nhạc Việt đang trộn lẫn nhiều giá trị, hơn lúc nào hết các đơn vị chuyên nghiệp cần khẳng định bản sắc, đẳng cấp. Ít nhiều tại LH lần này, bản ngã của những “người kể chuyện” bằng ca múa nhạc đã được khẳng định. So với Luân hồi, chương trình tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc 2009, có thể ở góc này góc kia chương trình Ký ức sông Hồng của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long còn có những nhìn nhận khác nhau. Nhưng điều quan trọng là bản lĩnh hay nói đúng hơn là đẳng cấp của đơn vị này vẫn “chung thủy” một hướng đi. Ngay khi tấm màn nhung LH mở ra, với dàn chiêng trống, kèn sáo… giăng chật cả sân khấu, nhiều người đã gật gù: “À lại giống với những lần ở Hội diễn lần trước hay LH đường 9 Khe Sanh mới đây rồi”.

Quả thực, con đường kết hợp nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ hiện đại, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đã “mở lối” từ lâu. Thế mạnh của nhà hát này bấy lâu không hẳn là ca hay múa mà luôn nổi trội với phong cách âm nhạc. Với các “thầy phù thủy” trong lĩnh vực phối khí, dàn dựng như nhạc sĩ Trọng Đài, Mạnh Tiến, Hoàng Anh Tú… đơn vị nghệ thuật của Thủ đô vững tin với con đường đã chọn. Có thể nhàm với ai đó, cái lạ ít nhiều đã vơi đi…, nhưng Ký ức sông Hồng đằm sâu hơn với nhiều tầng lớp âm nhạc, triết lý văn hóa như phù sa kia mỗi lúc lại được con sông mẹ bồi đắp. Bản hòa tấu Dấu tích thành lũy mở đầu như tấm toan trắng để Nhà hát vẽ bức tranh âm nhạc thủ đô. Cái xưa cũ trầm tích vọng về với Ôi quê tôi, Con cò được phối khí, dàn dựng theo lối mới. Màn múa Thiền mộng mị, Hóa vàng “ma quái” tạo điểm nhấn trước khi Xưa và nay khép lại chương trình khiến người nghe, người xem sững sờ với bức tranh được vẽ bằng âm nhạc của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Như tên gọi là Đoàn nghệ thuật Hoa Ban Trắng, đơn vị ca múa nhạc chuyên nghiệp của tỉnh Điện Biên đem đến cho LH hương sắc riêng đậm chất Tây Bắc. Từ tiết mục mở màn Lời ru bên vành nôi, Em từ hoa ban đỏ hay Ngày hội tu lu, Những con đường tình yêu… dù được sáng tác hay phối khí bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng tất thảy đều được khai thác trên những chất liệu âm nhạc của những tộc người sinh sống ở Điện Biên như dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú… Thậm chí, ngay cả tiết mục hòa tấu Tiếng vọng của bản, nghệ sĩ Huy Thông cũng dày công đưa những chiếc chum, vại của người địa phương mình để tạo nên bản nhạc mang đậm nhạc vũ của dân tộc Xinh Mun nhưng cũng đầy tính hiện đại.

2192-quankhu1

Tiết mục “Ngẫu hứng anh nuôi” của Đoàn Văn công Quân khu I

Kiếm tìm cái mới

Dậy đi anh ơi là một trong những điệu nhạc quen thuộc của người Cống Khao, tỉnh Điện Biên nhưng thật bất ngờ khi dưới bàn tay phối âm của nghệ sĩ Quốc Dũng, bài hát lại được thể hiện bằng lối hát Acappella hiện đại của tốp nữ Đoàn nghệ thuật Hoa Ban Trắng. Thậm chí trong những nốt trầm của những cô gái Thái, H’Mông… tiếng lòng của người dân bản được cất lên tự nhiên chẳng khác âm bass của giọng ca thính phòng, nhạc kịch chuyên nghiệp. Đoàn Văn công Quân khu IX vượt hơn 2000km ra Bắc tham gia LH cũng tạo được ấn tượng khi làm mới bài hát Chiến sĩ trẻ miền Tây bằng lối hát Acappella. Điều thú vị là tay làm nhịp và trong trang phục nghiêm trang của những người lính nhưng các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Văn công Quân khu IX vẫn tạo nên một tiết mục vui nhộn, đầy sức trẻ với người lính trẻ miền Tây những ngày đầu nhập ngũ…

Nỗ lực đi tìm cái mới cũng phải ghi nhận tiết mục Việt Bắc nhớ Làng Sen của Đoàn Văn công Quân khu I. Giữa tổng thể chương trình mang hơi hướng âm nhạc miền Bắc, sáng tác của nhạc sĩ Xuân Thủy phả vào chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh tưởng lạc lõng nhưng hóa ra lại tạo được hiệu ứng lắng đọng đáng quý. Chất lính nghiêm trang của chương trình Từ nơi gió ngàn vì thế cũng mềm mại, đằm thắm hơn. Hơn thế, Việt Bắc nhớ Làng Sen thực sự hứa hẹn sẽ nổi lên như một trong những bài hát hay viết về Bác Hồ trong nay mai.

Nói đến cái mới, lại phải nhắc đến những màn múa. Nếu Đoàn Văn công Quân khu I đưa cả xoong chảo, nồi niêu vào màn múa Ngẫu hứng anh nuôi thì Ước vọng khát khao của Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn mạnh dạn đưa vũ điệu dân tộc Sán Chay hòa với nghệ thuật múa đương đại. Đặc biệt, màn múa Chiến công từ lòng nôi của Đoàn nghệ thuật Hoa Ban Trắng, Điện Biên có thể xem như bản sử thi về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đầy hào hùng. Biên đạo NSƯT Minh Thông đã táo bạo đưa cả cũi sắt, tạo dựng một chiếc lô cốt nhỏ trên sân khấu và các nghệ sĩ múa thể hiện những màn xoay hai vòng trên không mạnh mẽ, ấn tượng. Ngay sau màn múa, bài hát Tìm cha chuyển tiếp vẫn với những vũ công của màn múa Chiến công từ lòng nôi tạo sự liền mạch, nhịp nhàng…

Phúc Nghệ

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*