Vở múa đương đại Mộc ra mắt lần đầu vào tháng 8 năm 2010 và được công chúng nhiệt tình đón nhận như một món ăn tinh thần mới lạ cũng như nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn.
Mộc lại sử dụng chủ yếu chất liệu múa đương đại, kết hợp với ba-lê hiện đại, thể hiện chủ đề con người và thiên nhiên qua ba cái nhìn khác nhau của ba biên đạo Tấn Lộc, Ngọc Anh (biên đạo múa đương đại tại Anh quốc) và Ngọc Khải (diễn viên, biên đạo múa đương đại tại Hà Lan).
Tấn Lộc, Ngọc Anh và Ngọc Khải đều đã dành rất nhiều tâm huyết để giữ lửa cho nghệ thuật múa. Một biên đạo chia sẻ: “Để kinh doanh kiếm lãi thì chắc chắn không thể, nhưng chúng tôi vẫn mong được thực hiện nhiều hơn những chương trình có chất lượng nghệ thuật để các diễn viên múa có cơ hội làm nghề“.
|
Biên đạo Ngọc Khải cho biết ý tưởng của anh trong vở diễn này: “Mộc” thuộc ngũ hành của trời và đất, nơi con người được đặt là trung tâm. Về căn bản, con người và mộc có nhiều điểm tương đồng về cơ thể học và cấu trúc hình thành như sự gắn kết và trao đổi giữa các tế bào, sự trưởng thành, sự phát triển. Các diễn viên múa đã kết hợp những nét tương đồng căn bản đó với động lực múa của bản thân để tạo nên những chuyển động thú vị tưởng chừng như bất tận…
|
Còn với biên đạo Ngọc Anh, thì vở diễn này mang tính triết lý cao: “Mộc là quá trình đâm chồi nảy lộc của vạn vật và con người. Mộc là hơi thở cuộc sống hội tụ sự gắn kết và giao thoa của đất và ánh sáng mặt trời, mà nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì mộc sẽ khó mà tồn tại, như câu chuyện tình vĩnh cửu của cây và đất“.
|
Riêng đạo diễn Tấn Lộc thì hồi tưởng về khu rừng với những cây cổ thụ cao to và đồng cỏ mênh mông, nghĩ rằng, sau cơn bão, những cây to thì gãy đổ, mà cớ sao bụi cỏ yếu đuối thì còn lại. Liệu con người có được sự mạnh mẽ của những bụi cỏ yếu mềm kia không…
Tấn Lộc giới thiệu “Huệ” trong Mộc. Trong tiếng sáo dặt dìu kết hợp độc đáo với tiếng violin và cello, Huệ mang hơi thở dân tộc và dáng dấp người con gái Việt Nam trong cuộc sống thăng trầm thường nhật của người Việt. Cuộc sống đó có lúc bộn bề, có lúc sóng gió, có lúc êm đềm, nhưng luôn tràn ngập tình người và phảng phất nét trầm lặng kín đáo mà tinh tế của người con gái Việt Nam.
|
Ngọc Khải sẽ góp vào Mộc tiết mục “Kết Nối”. Đó là sự kết nối giữa con người với con người đã tiếp sinh khí và sức mạnh vào sợi dây liên kết vững chắc đó, và rồi con người lại kết nối với thiên nhiên để hoàn thiện vòng quay của tạo hóa…
|
Còn Ngọc Anh mang đến Mộc hai tác phẩm “Dấu Chân” và “Cố Hương” đánh dấu chương trình nghệ thuật đầu tiên anh tham gia tại quê nhà trong vai trò biên đạo và diễn viên múa chuyên nghiệp. “Dấu Chân” là câu chuyện tình của cây và đất, là sự giao thoa vĩnh cửu của đất và ánh sáng mặt trời mang đến sự sống cho vạn vật, kể cả con người. Trong khi đó, “Cố Hương” là câu chuyện của một người con xa xứ nay đã quay về, tắm mình trong vòng tay bao dung của đất mẹ, của những người thân yêu nơi cố hương…
|
Về ý tưởng ban đầu để chương trình có tên gọi Mộc, các biên đạo cho rằng, trong quá trình học tập và làm nghề, họ đã nhận ra mối tương quan giữa con người và vạn vật: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng phải mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống và vượt lên chính mình, như cây xanh luôn huy động sức mạnh tiềm ẩn để sinh tồn. Ngọc Khải còn bổ sung: “Con người và Mộc có nhiều điểm tương đồng về sự trưởng thành, sự phát triển. Các diễn viên đã kết hợp những nét tương đồng căn bản đó với động lực múa từ bản thân để tạo nên những chuyển động thú vị, tưởng chừng bất tận“.
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind