Tri thức bản địa

1733-tri-thuc-ban-dia

Khái niệm tri thức bản địa hiện đã không còn xa lạ đối với rất nhiều nhà nghiên cứu nhân học, văn hoá, dân tộc học và đặc biệt đối với các chuyên gia phát triển.

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), một trong những thể chế kinh tế quyền lực nhất trên thế giới hiện nay thì Tri thức bản địa là tri thức địa phương, là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội và cộng đồng. Tri thức bản địa còn có cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương (World Bank, 1998)

Định nghĩa này chính thức được đưa ra trong một chương trình “Tri thức bản địa cho sự phát triển” tại châu Phi của World Bank vào năm 1998, coi tri thức bản địa như là một nguồn quan trọng trong việc làm tăng tính hiệu quả, năng lực và tính bền vững cho các chương trình phát triển (Gorjestani, 2000)

Ta sẽ tạm chưa xem xét đến tính hiệu quả của việc World Bank sử dụng tri thức bản địa của các tộc người trên thế giới trong các chương trình phát triển của nó mà chỉ mới quan tâm đến việc rõ ràng là vai trò và giá trị của tri thức bản địa là không thể phủ nhận và ngày càng được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Cùng với vị trí ngày càng cao của tri thức bản địa là sự tôn trọng được mang đến nhiều hơn cho cộng đồng các tộc người, chủ sở hữu của các tri thức này.
Tuy nhiên, trước khi tri thức bản địa đạt được vị trí trung tâm của các mối quan tâm như hiện nay nó cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn, được ủng hộ hoặc bị bác bỏ, được bao hàm hoặc được lề hoá ra khỏi các chương trình phát triển tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng thăng trầm đã và đang xảy ra đối với tri thức bản địa luôn được đặt trong mối tương quan với hệ thống tri thức khoa học của phương Tây và những tiêu chí được dùng để làm công việc phân biệt giữa hai loại hệ thống kiến thức này chính là vai trò và sự trao đổi của hai hệ thống tri thức này trong các chương trình phát triển trên toàn thế giới.

1. Tri thức bản địa và những đặc điểm chung Dù sử dụng tên gọi như: tri thức bản địa, tri thức kỹ thuật bản địa, sinh thái dân tộc học, tri thức địa phương, tri thức dân gian, tri thức truyền thống, tri thức truyền thống về môi trường, khoa học của dân hay tri thức của người nông thôn,… thì đối tượng mà người ta muốn nhắc đến là một hệ thống các tri thức đặc trưng của các cộng đồng người địa phương liên quan đến cái cách cộng đồng này quan hệ với môi trường tự nhiên xung quanh. Các cách gọi này cũng thể hiện rõ ràng cách những người sử dụng tiếp cận vấn đề và đặt các vấn đề liên quan đến nó.

Dưới đây là một số các đặc điểm được thừa nhận chung tạm thời về tri thức bản địa theo Roy Ellen và Holly Harris trong phần Giới thiệu của cuốn sách “Tri thức bản địa về môi trường và những biến đổi” thay cho việc định nghĩa thế nào là tri thức bản địa vốn vẫn đang là một vấn đề bàn luận của các nhà nghiên cứu:

1. Tri thức bản địa mang tính địa phương, bắt nguồn từ một địa điểm cụ thể, là một tập hợp của các kinh nghiệm có được từ những con người sống tại địa điểm đó. Việc di chuyển những kiến thức này sang một địa điểm khác sẽ đưa đến nguy cơ làm biến đối các tri thức này.

2. Tri thức bản địa là những tri thức được truyền miệng, hoặc được chuyển giao thông qua các hình thức mô phỏng hoặc mô tả. Ghi chép lại những tri thức này bằng văn bản có thể làm thay đổi những thuộc tính đặc trưng của chúng. Ghi chép lại có thể làm cho các tri thức này dễ tiếp cận và lâu bền nhưng lại cũng làm biến đổi các tri thức này như trong trường hợp trên.

3. Tri thức bản địa là hệ quả của các gắn kết thực tế trong đời sống hàng ngày và liên tục được củng cố bằng các kinh nghiệm, các lần thử, các lỗi và các thử nghiệm cẩn trọng. Những trải nghiệm này là sản phẩm tiêu biểu của rất nhiều thế hệ. Những thất bại của các thử nghiệm này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người đang thực hành nó trong khi những thành công của các thử nghiệm này có thể được coi là công cụ đo lường tốt cho lý thuyết thích nghi của Darwin.

4. Tri thức bản địa có xu hướng là loại kiến thức mang tính thực tiễn và giả thuyết – kinh nghiệm hơn là mang tính lý thuyết theo nghĩa chính xác nhất. Ở một mức độ nào đó thì tính truyền miệng, phi văn bản, cũng như sự gắn kết của nó trong các hoạt động thực tiễn hàng ngày và những hồi ức chứa đựng nó gây trở ngại cho những kiểu tổ chức cần thiết cho sự phát triển của loại tri thức mang tính lý thuyết suông.

5. Truyền thống là “một nhân tố hay thay đổi và làm biến đổi không hồi kết” khi được gắn với tri thức. Tri thức bản địa vì thế liên tục thay đổi, được tạo ra và tái tạo, được khám phá và bị mất đi mặc dù dường như nó thường được thể hiện như trong một trạng thái tĩnh.

6. Tri thức bản địa được chia sẻ ở một mức độ lớn hơn rất nhiều so với các loại tri thức khác, bao gồm cả tri thức khoa học. Đấy chính là lý do vì sao đôi khi nó còn được gọi là “tri thức của dân”, một cách gọi bắt nguồn từ chính thế hệ của nó trong đời sống sản xuất hàng ngày. Tuy nhiên, sự phân bố của tri thức bản địa vẫn mang tính phân đoạn, phân biệt về mặt xã hội. Nó thường được phân biệt đối xứng trong khuôn khổ một khu vực dân cư, ví dụ như theo giới hoặc tuổi hoặc được phân bố trong ký ức của từng cá nhân riêng biệt. Cũng có thể là có các chuyên gia thông qua các kinh nghiệm của họ, hoặc các nghi lễ hoặc quyền lực về mặt chính trị.

7. Mặc dù tri thức bản địa có thể tập trung vào các cá nhân và có thể được đạt đến bằng mức độ gắn kết với các nghi lễ hoặc các cấu trúc biểu tượng khác nhưng sự phân bố của nó luôn gián đoạn. Nó không tồn tại trong một thể tổng thể mà ở từng nơi và với từng cá nhân. Thực ra mà nói, tri thức bản địa không hẳn là được chuyển giao từ cá nhân đến cá nhân mà trong từng thực hành và trong từng giao tiếp xã hội trong đó, con người trao đổi với nhau.

8. Việc coi tri thức bản địa mang tính chỉnh thể hợp nhất trong khuôn khổ của các truyền thống văn hoá rộng lớn hơn, tách rời những vấn đề kỹ thuật với cái không mang tính kỹ thuật, lý tính với cái không lý tính là cần được xem xét lại. (Ellen, R, 2003: 4-5)

2. Tri thức bản địa và những bước thăng trầm2.1. Tri thức bản địa bị lãng quên Như trên đã đề cập, hầu hết mọi người đều thừa nhận vai trò của tri thức bản địa như là một nhân tố then chốt trong mọi chương trình phát triển đã và đang được tiến hành, đặc biệt đối với những chương trình phát triển có mục tiêu là đạt tới sự bền vững. (Arun Agrawal. 2004)
Tuy nhiên, ngược trở lại bối cảnh thế giới giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ II, khái niệm “phát triển” theo từng giai đoạn biến đổi của nền kinh tế thế giới được bồi đắp dần lên với các nghĩa mới bổ sung. Bắt đầu từ giai đoạn phát triển tập trung chủ yếu vào việc khôi phục nền kinh tế thế giới sau cuộc chiến, tiếp theo sau giai đoạn này là sự tăng trưởng đồng đều trên mọi lĩnh vực của cuộc sống nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người và dần nâng cao chất lượng cuộc sống cho loài người. Chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn này như là một đại chủ nghĩa, siêu lý thuyết phủ bóng lên toàn thế giới. Các nhà phát triển đến từ các nước phương Tây, được trang bị bằng hệ thống khoa học và kiến thức của phương Tây đến các nước thứ ba nhằm “phát triển” các nước này và mở rộng công cuộc truyền bá và ứng dụng tri thức khoa học. Trong công cuộc này, họ coi các nguồn kiến thức địa phương như là những trở ngại cần phải được vượt qua để có thể đạt tới mục tiêu của các công cuộc phát triển. Các nhà làm công tác phát triển coi truyền thống và các giá trị truyền thống của các tộc người trên thế giới như những gì yếu kém, lạc hậu, cần được huỷ bỏ hơn là được động viên để sử dụng. Tính hợp pháp của tri thức truyền thống bị nghi ngờ. Đặc biệt đối với những những chương trình phát triển theo mô hình “trên – dưới”[1]. Vấn đề của mô hình này là quá quan tâm đến các mục tiêu cụ thể, đến sự thành hay bại của chương trình hoặc chính sách dựa trên được đánh giá so với mục tiêu được đặt ra từ trên xuống lúc ban đầu và không bao giờ nhận ra hoặc cố tình lảng tránh vai trò của các nền tảng kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội của địa phương, nơi mà họ đang tiến hành áp dụng các mô hình phát triển của họ vào đó. Trong suốt một thời gian dài mấy chục năm đầu của thế kỷ 20, các mô hình phát triển được mang đi áp dụng thực hiện ở các nước thứ ba hoàn toàn dựa trên những kiến thức, những nghiên cứu được kiểm chứng qua các phòng thí nghiệm, các đơn vị nghiên cứu hoặc các trường đại học. Trong mô hình phát triển này, hạn chế lớn của nó đã được thừa nhận sau này là giả định về một mô hình hoàn hảo thích hợp cho mọi địa phương mà nó được tiến hành và bỏ qua vấn đề liên quan đến bối cảnh xã hội cụ thể của từng cộng đồng mô hình đang hướng tới. Những kinh nghiệm, hiểu biết của các tộc ngưòi bản địa ở các địa phương bị bỏ qua và đánh giá là không có giá trị sử dụng, hoặc không mang tính khoa học (phi khoa học), lạc hậu, không đáng được cân nhắc và xem xét trong rất nhiều các chương trình phát triển được mang từ các nước phương Tây sang các nước thứ ba. Hơn nữa, việc sử dụng một mô hình áp dụng cho mọi trường hợp đã dẫn đến sự thất bại của rất nhiều chương trình phát triển do không nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía địa phương. Các chuyên gia phát triển từ các nước phương Tây, được sự hẫu thuẫn về mặt kinh tế, chính trị và khoa học của chính quốc, họ cho rằng họ có một sứ mệnh cao cả trong việc làm thay đối bộ mặt của thế giới. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm thực hiện, thế giới vẫn đang nằm trong tình trạng đối trọng Nam – Bắc (Cực giàu – cực nghèo), tình trạng nghèo đói và kém phát triển vẫn đang tiếp diễn tại Tây Phi là một ví dụ điển hình cho sự thất bại của các tiếp cận này.

2.2. Tri thức bản địa lên ngôi Bắt đầu từ những năm 60-70 của thế kỷ 20, việc lề hoá tri thức bản địa và vai trò của các tộc người bản địa được xem xét lại. Mối quan tâm, thiện cảm dành cho những tri thức địa phương, tri thức truyền thống ngày càng nhiều lên theo một số nhân tố sau:

(1). Sự thất bại của các chính sách phát triển Một trong những lý do chủ yếu là do sự thất bại của các chính sách phát triển như đã nói ở trên. Các chuyên gia phát triển dần nhận ra rằng, các tộc người bản địa cùng với các sinh hoạt văn hoá, xã hội, kinh tế của mình đã và đang sống cuộc sống hài hoà và thân thiện với môi trường xung quanh. Trong khi đó, sự đổ vỡ của các tri thức khoa học phương Tây, các dự án hiện đại hoá mang tính khoa học công nghệ cao lại không mang đến những kết cục đáng mong đợi, xa rời thực tiễn của các địa phương và không có khả năng giải quyết nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật đặt ra trong cuộc sống hàng ngày như những người dân bản địa có thể làm. Allen, R và Holly Harris gọi đó là “lý do lãng mạn” cho sự nổi lên của tri thức bản địa, cho rằng các dự án phát triển này là “những bài thơ hay” nhưng “khoa học dở” (Ellen, R, 2003: 13)

(2). Sự nổi lên của khái niệm “Phát triển bền vững” Quan niệm mới về phát triển, “Phát triển bền vững“, được thay thế hoàn toàn cho quan niệm phát triển truyền thống (phát triển kinh tế bằng mọi giá không quan tâm đến môi trường) khi nó nhấn mạnh đến khả năng đáp ứng được nhu cầu của của hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo. Năm 1987, Uỷ ban Thế giới về môi trường và phát triển (WCED) cùng với tuyên ngôn về một “Tương lai chung của chúng ta” ra cảnh báo về sự suy thoái của môi trường do nghèo đói kể cả khi không có sự hiện diện của các ngành phát triển công nghiệp trên toàn thế giới. Tương lai ảm đạm của một thế giới trong tương lai được cảnh báo liên tục từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà tương lai học và từ chính các quốc gia đang phải đối mặt với các nguy cơ này. Dần dần, các chuyên gia phát triển, những người hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các tổ chức phi chính phủ nhận ra rằng những tri thức truyền thống, thế giới quan và văn hoá của các tộc người bản địa ẩn chứa mối quan hệ hài hoà thân thiện với môi trường. Các tộc người bản địa lúc này được xem như những nhà sinh thái học thực sự với những hiểu biết sâu sắc về môi trường, những quan niệm, niềm tin và cả các cách họ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trường hợp người Aru sống trên quần đảo Aru ở khu vực Đông Indonesia là một ví dụ tiêu biểu. Nguồn sống chủ yếu của tộc người này chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên xung quanh. Các hoạt động kinh tế của tộc người này chủ yếu phụ thuộc vào 2 loại gió mùa Đông và gió mùa Tây. Trong giai đoạn gió mùa Đông từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, người Aru chỉ tiến hành thu thập hải sâm ở các bãi thuỷ triều, bãi cát, đánh bắt cá hoặc làm việc và săn bắn trên đất liền. Đến đợt gió mùa Tây kéo dài từ tháng 11 đến tháng Tư hàng năm, người Aru tập trung vào việc thu hoạch hải sâm tại các dải đá ngầm, vụng nước sâu, lặn mò ngọc trai và thậm chí là săn bắt cá mập. Người Aru hiểu biết rất rõ về giá trị kinh tế và y học của hải sâm, nắm được các loại và đặc điểm của nhiều loại hải sâm khác nhau, thời điểm thích hợp và địa điểm thích hợp để đánh bắt các loại hải sâm này trong một năm. Họ biết rằng, yếu tố mùa và thuỷ triều là hai nhân tố then chốt quyết định số lượng hải sâm người Aru có thể thu hoạch được trong mỗi lần đi. Người Aru lưu giữ cho mình những hiểu biết sâu sắc về hải sâm và các cách thức để thu hoạch hải sâm được hiệu quả nhất.
Cả nam và nữ người Aru đều tham gia vào công việc thu lượm hải sâm. Đàn ông thì lặn lúc mùa gió mùa Tây, thu lượm hải sâm bằng cách đi bộ và lội trong suốt mùa gió mùa Đông. Phụ nữ thì đi tìm trên các bãi thuỷ triều và các dãy san hô vào ban ngày mùa gió mùa Tây, vào buổi tối mùa gió mùa Đông. Đôi khi phụ nữ cũng đi cùng với đàn ông, sử dụng đèn điện và đèn chạy bằng ga. Kiến thức về các loại hải sâm và địa điểm khác nhau theo giới tính và kinh nghiệm có liên quan. Phụ nữ thường chỉ tìm kiếm ở các bãi thuỷ triều và chỉ tìm 4 loại: sem putihmatahui vào mùa gió Đông lúc buổi tối còn vào mùa gió Tây thì họ thu lượm hải sâm đen và đỏ các loại, sem hitamsem merah. Thợ lặn nam thì tìm 3 loại còn lại trong năm cùng với một số loại khác thường chỉ có ở vùng nước sâu. Mỗi loại hải sâm khác nhau thường chỉ xuất hiện ở từng vùng khác nhau phụ thuộc vào từng vùng biển. (Osseweijer, 2003: 64-65)

Người Aru còn có một hình thức nhằm hạn chế việc thu hoạch thái quá tài nguyên biển truyền thống, gọi là sir hoặc sasi. Đây là một nghi lễ mang tính cấm đoán và được thực hành bởi một làng hoặc các nhóm làng chung nhau trong cùng tộc người. Khi sir/sasi được tiến hành có nghĩa là trong vòng ba đến năm năm, không ai được quyền khai thác tài nguyên biển trên một vùng biển quy định nhất định. Sau khi kết thúc quãng thời gian này, các bãi và vụng biển được mở cửa trở lại và mọi người lại có thể tiếp tục khai thác. Từ xa xưa trong lịch sử tộc người Aru, nghi lễ này chính là một hình thức quản lý tài nguyên biển hiệu quả.
Nhưng đồng thời, trong rất nhiều trường hợp, những thực hành và quan niệm truyền thống của họ về môi trường lại chính là nguyên nhân phần nào dẫn đến sự suy thoái của các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cũng trong trường hợp của người Aru, thu hoạch hải sâm và đánh bắt các tài nguyên biển là một nguồn thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm việc thu hoạch hải sâm của người Aru ngoài nhu cầu thức ăn còn bị chi phối bởi nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hoá với những thương nhân, những người buôn bán nhỏ người Indonesia và Trung Quốc. Những người này trải qua quá trình trao đổi buôn bán với người Aru đã dần định cư tại vùng này và làm công việc buôn bán các sản vật biển thu được bởi người Aru và đổi lại bằng hàng hoá tiêu dùng. Việc trao đổi hải sâm và các sản vật biển lấy hàng hoá dần khiến người Aru bị lệ thuộc và bị “chèn ép” bởi các thương nhân này. Vào giai đoạn năm 1995-1996, giá thành của trai và tảo biển hạ khiến các thương nhân này khuyến khích người Aru đánh bắt nhiều hơn một loại hải sâm như người Aru vẫn thường làm và đánh bắt hải sâm quanh năm không tuân theo mùa gió mùa như trước nữa. Giá của hải sâm tăng lên kéo theo đó là sự tập trung khai thác quanh năm đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của người Aru. Bên cạnh đó, một lý do khác liên quan đến việc cạn kiệt nguồn hải sâm là do tập quán khai thác hải sâm trên một địa điểm đến khi nó hoàn toàn cạn kiệt. Điều này trên thực tế sẽ mang lại nguy cơ suy giảm đáng kể số lượng hải sâm trong một loài.
Người Aru vì thế vẫn thu lượm hải sâm bằng cách di đến các dãy đá ngầm nơi mà ngày trước hoặc đêm trước đó một số người đã thu hoạch được kha khá. Và vì thế, mọi người thường quay trở lại cùng một địa điểm liên tục trong một tuần liền cho đến khi họ trở về tay không (Osseweijer, 2003: 63)

Người Aru không hẳn là không nhận ra rằng chính họ đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, việc ít thực hành hoặc cố tình không tuân theo nghi lễ sasi/sir khiến cho sự suy giảm tài nguyên biển ở khu vực đảo này vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Có thể thấy, những lợi ích và hạn chế rõ ràng của tri thức bản địa về môi trường của các tộc người bản địa trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược phát triển của các quốc gia đã khiến cho vai trò của nó và tiếng nói của những tộc người bản địa ngày càng thu hút nhiều chú ý từ cộng đồng thế giới.

(3). “Tri thức bản địa cho phát triển” của Ngân hàng Thế giới Sự quan tâm của Ngân hàng thế giới (World Bank) như là một thể chế kinh tế quyền lực toàn cầu đối với tri thức bản địa (tri thức bản địa về môi trường) vừa là hệ quả của hai bối cảnh trên nhưng đồng thời, nó củng cố và mở rộng phạm vi quan tâm của toàn thế giới đối với tri thức bản địa. Năm 1998, Ngân hàng Thế giới thiết lập chương trình Tri thức bản địa cho sự phát triển. Chương trình này có mục đích học tập từ các hệ thống tri thức địa phương phục vụ cho các thực hành phát triển tại các cộng đồng đó và từ đó, mở rộng tính ứng dụng của các tri thức này. Ngân hàng Thế giới tuyên bố rằng họ cần trao cho những người nghèo trên thế giới cái quyền không chỉ là người tiếp nhận các tri thức khoa học phát triển mà họ phải là những người đóng góp, những người đóng vai trò chủ đạo trong phát triển của chính họ. James D. Wolfensohn, Chủ tịch của Ngân hàng thế giới cho rằng: “Tri thức bản địa là một phần không thể thiếu trong văn hoá và lịch sử của một cộng đồng địa phương. Chúng ta cần thiết phải học hỏi từ các cộng đồng địa phương để có thể thúc đẩy quá trình phát triển” (Gorjestani, 2000:1). Chương trình này được tiến hành tập trung tại các nước châu Phi nhằm mục đích giảm tỉ lệ đói nghèo và hướng tới các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Ngân hàng Thế giới đề ra.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải thừa nhận vai trò của Ngân hàng Thế giới trong việc truyền bá sự tồn tại và giá trị của các tri thức bản địa đi toàn thế giới. Còn phê phán, bình luận về cách sử dụng và đánh giá tri thức bản địa của tổ chức này lại nằm trong phạm vi của vấn đề thảo luận khác.

(4). Những thay đổi về nhận thức luận và phương pháp luận trong một số ngành nghiên cứu cũng được tính là một trong những nhân tố làm thay đổi vị thế của tri thức bản địa trên toàn thế giới. Trong nghiên cứu phát triển, mô hình mới cho sự phát triển như “từ dưới lên” hay “nông dân là đầu tiên”, “phát triển tham dự” thay thế cho mô hình “trên-dưới” đã đang chứng tỏ được tính hiệu quả của nó trong các chương trình phát triển áp dụng ở các nước nghèo và đang phát triển. Những mô hình nghiên cứu mới này đòi hỏi phải có những hiểu biết thấu đáo về bối cảnh của nơi tiến hành các chương trình/dự án phát triển, đặc biệt là hệ tri thức truyền thống, văn hoá tộc người, thực hành phong tục truyền thống của các cộng đồng địa phương. Đòi hỏi này thúc đẩy một loạt các nghiên cứu về tri thức bản địa được tiến hành kỹ lưỡng nhằm phục vụ cho mục đích phát triển của các chương trình phát triển. Hay như trong nghiên cứu nhân học, sự phổ biến của thuyết vạn vật hữu linh với hạt nhân là tính liên chủ thể, trong đó, mọi vật trên thế giới này đều có linh hồn và được đối xử ngang nhau: con người, ngọn cỏ, hòn đá, cái cây,… (Bùi Quang Thắng, 2007). Lý thuyết này đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu nhân học, đặc biệt là các nhà nhân học sinh thái. Tri thức bản địa của các tộc người bản địa trở thành những vấn đề nghiên cứu hấp dẫn trong lĩnh vực này.

2.3. Tri thức bản địa – những vấn đề nghiên cứu hiện nay Trong giai đoạn thống trị của chủ nghĩa phát triển, hệ thống khoa học kỹ thuật phương Tây được coi là kim chỉ nam, là phương tiện duy nhất có thể giúp các nước thứ ba đạt tới sự phát triển. Tri thức khoa học phương Tây được coi là siêu việt và cần được truyền bá trên toàn cầu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự thất bại của chủ nghĩa này ở nhiều trường hợp đã khiến nhiều người nghi ngờ về quyền năng của hệ tri thức này như nó đã từng được thừa nhận trong giai đoạn hoàng kim.

Khoa học phương Tây cũng chỉ nên được xem như một loại tri thức bản địa hoặc địa phương, loại tri thức được này sinh trong môi trường thiết chế phương Tây và đã được lan truyền rộng rãi khắp thế giới nhờ vào sự thiết lập của các mối quan hệ quyền lực mang tính thực dân và thực dân mới. Vì vậy sự thống trị của tri thức phương Tây không phải là do nó đạt gần tới một sự thật tối cao nào, mà vì một loạt các điều kiện địa-lịch sử gắn với yếu tố địa-chính trị của quyền lực (Escobar, 1995) (John Briggs, 2004: 3)

Tuy nhiên, ngay cả khi được đánh giá lại, được thừa nhận giá trị và vai trò của mình, tri thức bản địa vẫn đang được coi là một vấn đề nghiên cứu gây nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học trong các trường phái nghiên cứu khác nhau.

Có nhiều phê phán từ các nhà lý nghiên cứu nhân học sinh thái, các nhà lý thuyết đối với cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới đối với tri thức bản địa. John Briggs và Joanne Sharp trong “Tri thức bản địa và sự phát triển – Một sự cẩn trọng hậu thuộc địa” về việc Ngân hàng thế giới quan tâm đến tri thức bản địa chỉ như là những tri thức liên quan đến các vấn đề kỹ thuật thuần tuý mà bỏ qua những vấn đề liên quan đến nó như là quan niệm sống, nhận thức luận, thế giới quan của các tộc người bản địa.

Những người làm các dự án phát triển thường quan tâm đến tri thức bản địa dưới góc độ kỹ thuật hay là góc độ của đồ vật tạo tác phải bảo tồn, hơn là nền tảng cơ bản hay lý luận của nó. Họ thường chú ý đến các vấn đề kỹ thuật liên quan đến canh tác, ví dụ như các phương pháp quản lý đất bản địa, bảo vệ nguồn nước và sử dụng cây thuốc. Tuy nhiên, ít thấy có những quan tâm về các tri thức nằm ẩn dưới các kiến thức bản địa về môi trường và kỹ thuật đó. (John Briggs, 2004: 7)
Cũng vẫn trong ví dụ về người Aru ở Đông Indonesia, những gì được coi là tri thức của tộc người này không chỉ đơn thuần là các kinh nghiệm, các thực hành mang tính kỹ thuật trong việc thu hoạch hải sâm của họ. Hiểu biết của người Aru về các loại hải sâm, tính năng và giá trị của từng loài, về cách tính con nước, thuỷ triều sao cho thu hoạch được nhiều hải sâm, cách chế biến và bảo quản hải sâm sao cho nó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất không phải là tất cả những gì ta cho là tri thức bản địa của tộc người Aru. Mối quan hệ xã hội của người Aru và những thương nhân người Trung Quốc- Indonesia, phương thức trao đổi hàng hoá- sản vật biển giữa họ cũng cần được xem xét khi nghiên cứu về tri thức bản địa của tộc người này để có thể hiểu rõ hơn về lý do tại sao có sự thay đổi trong việc thu hoạch đến cạn kiệt hải sâm. Đặc biệt hơn nữa, quan niệm của người Aru ẩn chứa sau những hiểu biết kỹ thuật đơn thuần của họ về hải sâm chính là yếu tố quy định các hành vi của người Aru. Người Aru có truyền thuyết về nguồn gốc của tộc người Aru và nguồn gốc của các sinh vật biển[2]. Họ tin rằng dưới Chúa, Đấng sáng tạo là các vị thần Biển (Tai Dugai), là những vị thần hộ mệnh canh giữ tài nguyên biển. Và mỗi loại tài nguyên biển thì có vị thần bảo hộ riêng của loài đó, quyết định việc có cho con người tiếp cận nguồn tài nguyên này không. Người Aru tin rằng, nếu họ biết tôn trọng tài nguyên biển, tiến hành các hành vi thu hoạch theo các cách thức phù hợp với lễ nghi nhằm làm hài lòng các vị thần, chỉ khi ấy họ mới có thể có được các vụ thu hoạch bội thu.

Trong buổi lễ họ dùng các tên gọi – ngay cả tên của các nhà Tiên tri trong Kinh thánh – để đưa ra yêu cầu của họ; hoặc họ có thể sử dụng những tên bí mật của những vị tổ tiên đã từng đến một bãi thuỷ triều nào đó. Biết tên huý của một vị tổ tiên mang đến cho họ quyền để hỏi xin hải sâm hoặc các nguồn tài nguyên biển khác, điều mà tổ tiên có lẽ tái hiện từ một thế giới linh thiêng bí ẩn khác. Sau lễ hiến tế người ta phải tìm kiếm hải sâm một cách yên lặng, không nói quá nhiều hoặc quá to, không cười hoặc kêu. Những vấn đề như tình yêu đôi lứa không được phép mang ra thảo luận và sự vi phạm đến sự linh thiêng tệ hại nhất là có quan hệ tình dục trên các bãi thuỷ triều hoặc trên thuyền. Hơn nữa, họ cũng không được quá tham lam hay quá đố kị trong quá trình thu thập hải sâm (Osseweijer, 2003: 68)
Người Aru có những giải thích của riêng họ cho việc không gặp may mắn trong việc đánh bắt hải sâm. Đấy là do họ bị tổ tiên phạt vì đã không biết cách cư xử hoặc vi phạm vào các phép tắc được cho là do tổ tiên/các vị thần biển đặt ra.

Đồng thời cùng lúc với thế giới quan này, người Aru cũng hiểu khá rõ một thực tế là họ đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là hải sâm do thu hoạch thái quá. Tuy nhiên, một lần nữa, các thực hành đánh bắt hải sâm của người Aru lại bị chi phối bởi một niềm tin tuyệt đối rằng nguồn tài nguyên (hải sâm) này không bao giờ biến mất mà chỉ đơn giản là được di chuyển đi nơi khác bởi các vị thần biển/thần bảo hộ/tổ tiên của họ. Lý do của việc di dời này là do con người không biết cách cư xử cho đúng lễ nghi. Một khi họ làm được điều này, tài nguyên biển sẽ trở lại.

Tổ tiên của biển là những người canh giữ các nguồn lợi biển, vì thế họ có quyền quyết định tạm thời chuyển nguồn hải sâm đi nơi khác như trong trường hợp kiện tụng với vùng láng giềng Karey. Nếu tổ tiên không muốn cho anh hải sâm, điều này có nghĩa là anh không gặp may. Hải sâm đang dần ít đi vì tổ tiên chúng ta đã quá thất vọng về cách hành xử của chúng ta (Osseweijer, 2003: 73)

Hơn thế nữa, cái cách Ngân hàng thế giới tìm hiểu, thu thập và sử dụng các tri thức bản địa vẫn nằm trong phạm vi so sánh và đối chiếu điểm mạnh yếu của nó với khoa học chính thống phương Tây.

Cần thiết phải ghi nhớ rằng không phải tất cả các tri thức bản địa là có lợi cho sự phát triển bền vững của một cộng đồng địa phương; và cũng không phải là tất cả các loại tri thức bản địa được cho rằng có ưu thế trong việc cung cấp giải pháp thích hợp cho một vấn đề. Một ví dụ khá tiêu biểu là việc đốt nương làm rẫy trong nông nghiệp hoặc thực hành cắt âm vật của phụ nữ. Vì thế, trước khi áp dụng và gắn liền tri thức bản địa vào các chương trình phát triển hoặc thậm chí cả việc truyền bá chúng cần xem xét đến tính thích hơp của chúng giống như các loại khoa học kỹ thuật khác. Ngoài các xác nhận về mặt khoa học, những nền tảng về văn hoá-xã hội, các bằng chứng địa phương trong đó các thực hành được gắn kết cũng cần phải được xem xét trong một quá trình kiểm chứng. (World Bank, 1998:6)

Ngân hàng Thế giới cũng khuyên rằng, các cộng đồng địa phương có thể thay đổi các thực hành mang tính bản địa tạo ra các ngáng trở đối với chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

John Briggs và Joanne Sharp cho rằng, thực ra mà nói thì Ngân hàng Thế giới vẫn đang nhìn nhận tri thức bản địa dưới con mắt suy xét của người tin rằng, khoa học chính thống phương Tây có quyền thế trong việc quyết định các tri thức khác tri thức phương Tây có thể được sử dụng hay không sử dụng. Đây là một sự trao đổi đơn tuyến. Tri thức bản địa và tộc người bản địa được trao quyền để nói và tham gia, nhưng với điều kiện được sự kiểm chứng và xác nhận của các nhà khoa học phương Tây. Tri thức bản địa sẽ được sử dụng chỉ khi nào nó được chứng minh một cách rõ ràng là phù hợp với mục tiêu phát triển của các chương trình của Ngân hàng thế giới. Như vậy thì có hay không có sự thừa nhận khách quan và chân thực về vai trò thực sự của tri thức bản địa trong cách đánh giá của Ngân hàng thế giới hướng tới mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Một tranh luận khác liên quan đến việc sử dụng thay thế nhau giữa hai thuật ngữ “tri thức bản địa” và “tri thức địa phương”. Như trong phần đầu của bài viết này, Ellen, R và Harris, H đã liệt kê ra một loạt các đặc điểm chung đã và đang được thừa nhận rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó, đặc điểm đầu tiên cho rằng tri thức bản địa là tri thức địa phương. Tuy nhiên, theo Manon Osseweijer thì tri thức địa phương không nên được đồng nghĩa hoặc sử dụng thay thế cho tri thức bản địa. Thay vì thế, nên xem xét đến vấn đề trao đổi giữa tri thức bản địa và tri thức ngoại sinh (Osseweijer, 2003: 55). Như trong trường hợp thực hành đánh bắt hải sâm ở của người Aru trên quần đảo Aru, phía Đông Indonesia. Những tri thức liên quan đến việc đánh bắt hải sâm ở quần đảo này không chỉ là của riêng và vốn có của người Aru, người bản địa mà nó còn được bồi đắp bởi những hiểu biết của những thương nhân người Trung Quốc-Indonesia, là những người đã sinh sống và buôn bán ở vùng đảo này từ lâu đời. Tri thức này nên được gọi là tri thức địa phương, có sự kết hợp của cả hai loại tri thức: kiến thức truyền thống của người bản địa Aru về hải sâm, về vụ mùa, con nước, kỹ thuật đánh bắt, tổ tiển, về các thực hành tín ngưỡng và tri thức ngoại sinh đến từ các thương nhân Trung Quốc – Indonesia về loài, giá trị dinh dưỡng, cách chế biến, cách tiêu thụ hải sâm. Hai loại kiến thức này trao đổi, bổ sung và làm lợi cho nhau và trở thành một thứ tri thức địa phương có vai trò quan trọng là tiền đề cần thiết cho hoạt động kinh tế (đánh bắt và buôn bán hải sâm) và cho cả việc quản lý, bảo tồn tài nguyên biển một cách có hiệu quả tại vùng đảo này.

Tri thức bản địa của người Aru vì thế cần thiết được liên kết với tri thức ngoại sinh của những thương nhân người Indonesia-Trung Quốc, là bởi vì đời sống của họ đã từ lâu nằm trong một mối liên kết vùng miền của hệ thống giao thương quốc tế. Người Aru học từ các thương nhân cách chế biến hải sâm để bán ra thị trường, loại nào thị trường cần, và giá cả của nó. Khi thương nhân yêu cầu một loại hải sâm mới mà họ biết đến theo nguồn thông tin và hiểu biết của riêng họ, dân làng Aru sẽ đặc biệt tìm loại này và thông báo cho thương nhân địa điểm có thể tìm thấy chúng. Một vài người Aru cho biết rằng, đôi khi họ đơn giản là tìm kiếm theo nhu cầu của những người chủ cửa hiệu Indonesia-Trung Quốc. Vì thế nên khi một nguồn nào đó bị cạn kiệt hoặc giá của nó giảm mạnh (như giá của tảo biển vào đầu những năm 1990), họ đơn giản là sẽ tìm kiếm một nguồn khai thác khác được chỉ định bởi các thương nhân. (Osseweijer, 2003 :70)

3. Thay kết Nghiên cứu về tri thức bản địa, hay cụ thể hơn, tri thức bản địa về môi trường là một ngành nghiên cứu còn rất mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần thiết phải có sự quan tâm đặc biệt đến ngành này tại nước ta, thứ nhất là do Việt Nam vẫn đang được coi là một nước đang phát triển với phần lớn đại bộ phận dân cư sống tại các vùng nông thôn, miền núi cần được nâng cao chất lượng cuộc sống; thứ hai, Việt Nam là nước có đến gần sáu chục dân tộc thiểu số đồng nghĩa với việc có gần sáu chục hệ tri thức bản địa cần được nghiên cứu; thứ ba, một loạt các chính sách phát triển của chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ, đầu tư của các quốc gia trên thế giới vẫn đang bất lực trong việc đạt tới mục tiêu phát triển ổn định và cân bằng tiến tới bền vững cần được tìm hiểu.

Nguyễn Thị Thu Hà biên soạn

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*