Nghề MÚA

Nghề múa quá ngắn ngủi. Với người nghệ sĩ, học thì dài mà được “hành” ngắn ngủi quá. Chưa kịp “hành” nhiều đã bị áp lực của cuộc sống đè nặng lên vai. Ngoài 20 tuổi là phải lấy vợ lấy chồng. Với nghệ sĩ múa, ngoài 30 tuổi là phải “về hưu” mất rồi. Đó là một trong những lý do tác động rất lớn đến sự phát triển của múa.

Điều trăn trở nhất vẫn là chế độ chính sách của Nhà nước đối với nghệ thuật nói chung và đối với nghệ thuật múa nói riêng. Học 7 năm trường múa ra, nếu thi tuyển được công chức thì cũng được hưởng mức lương thấp không tưởng.

Ở thời mà đa số khán giả không còn đi “nghe” nhạc mà chuyển sang “xem” nhạc, những vũ công xuất hiện hàng đêm trên các sân khấu lớn nhỏ có đất sống hơn. Nhưng cũng đứng dưới ánh đèn màu, nhận những tràng pháo tay của khán giả mà nhưng họ chẳng được mấy ai biết đến.

“Múa minh họa” hiện nay đang là một căn bệnh. Bởi nó đã trở thành thứ không thể thiếu cho lỗ hổng của cái khác, ví dụ như ca sĩ ra hát mà đứng suốt thì trông cũng không ổn sẽ lại đưa vũ đoàn múa vào hỗ trợ cho tiết mục. Nếu hát tốt rồi thì có cần phải dùng đến cái múa ấy nữa không?

“Minh họa” trở thành nhu cầu với mọi chương trình, mọi tầng lớp. Ngay đến các chương trình hề cũng đưa múa vào, họ sáng tác kịch bản và cũng mời chúng tôi đến biên đạo. Rồi thấy liveshow nào cũng phải mời vũ đoàn nọ vũ đoàn kia hỗ trợ. Chính vì công chúng thường xuyên tiếp cận với những chương trình như thế nên người ta chỉ thấy được múa là như vậy thôi. Đó cũng là thiệt thòi cho ngành múa.

Nhọc nhằn là thế nhưng cát-xê cho vũ công rất thấp. Nếu diễn ở các phòng trà, bar, tụ điểm ca nhạc thù lao chỉ khoảng 40.000 đồng/bài/người. Hôm nào nhận show diễn cho các chương trình lớn, cát-xê có nhích lên tí xíu, khoảng 100.000 đồng/bài. Tuy nhận thù lao thấp nhưng các thành viên còn phải góp lại 10% thu nhập để cùng trang trải chi phí may trang phục biểu diễn. Một bộ trang phục thường chỉ biểu diễn khoảng 5-10 lần là phải bỏ. Khán giả càng đòi hỏi phần “xem” nặng hơn “nghe” nên các ca sĩ và vũ công cũng phải tự thay đổi mình.

Cát-xê ít nhưng tai nạn lại… nhiều! So với các ca sĩ ngôi sao, diễn viên múa chuyên nghiệp có số phận hẩm hiu hơn nhiều. Rất nhiều diễn viên được đào tạo bài bản chính quy ở nước ngoài vẫn không thể trụ được với nghề. Năm thì mười họa mới có một chương trình biểu diễn múa cổ điển hay vở nhạc kịch được dàn dựng trên sân khấu lớn mà khán giả thì lèo tèo hoặc có chăng cũng chỉ là người “trong nhà” đến xem để động viên nhau.

Để tồn tại, những người mê vũ điệu thiên nga bên bờ hồ của Tchaikovski buộc phải “biến tấu” sang dạng khác. Đó là thành lập nhóm múa minh họa cho ca sĩ.

Chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc pop rock của phương Tây mà khởi xướng là “ông vua” Michael Jackson rồi đến “bà hoàng” Madonna và “công chúa” nhạc pop Britney Spears, nghề múa minh họa ngày càng ăn nên làm ra không chỉ tại Mỹ mà gần như lan rộng khắp thế giới. Ở Việt Nam thì đến những năm 1997-1998, múa minh họa mới thật sự lên ngôi với những bài hát “khuynh đảo” giới trẻ.

Nói chung, bất cứ ca sĩ dù theo trường phái nhạc nào cũng đều có thể mời các vũ công tham gia múa minh họa cho mình. Có những bài hát ca sĩ phải tập với vũ công hàng giờ để thành thạo các vũ điệu nhằm thỏa mãn thị hiếu của khán giả.

Và thực tế là khi xem một chương trình dành cho giới trẻ hiện nay không thể thiếu phần múa minh họa của các vũ công với các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng trên sân khấu để thỏa mãn phần “nhìn” của khán giả.

Tất cả vũ công đều nhìn nhận là không được đào tạo bài bản. Một số ít qua tuyển chọn từ các trường múa, học qua loa vài vũ điệu rồi… nhảy lên sân khấu. Thường thì người biên đạo sẽ sưu tầm tài liệu băng đĩa của nước ngoài để bắt chước các vũ điệu hiện đại nhất rồi truyền lại cho “đệ tử”.

Nhiều lúc diễn viên múa cũng chạnh lòng khi phải bỏ công sức tập luyện rất nhiều nhưng cát-xê thì quá thấp. Nhiều bậc phụ huynh không cho con em theo học trường múa vì sợ tương lai bấp bênh. Đa số sinh viên trường múa hiện nay đều là dân tỉnh.

Chương trình chấm dứt. Ở nơi một góc cánh gà, những vũ công lặng lẽ dọn dẹp trang phục và lặng lẽ ra về. Diễn viên Múa luôn mong muốn một ngày nào đó những người yêu thích nghệ thuật múa sẽ có đất sống, sẽ được khán giả đón nhận như các ca sĩ bây giờ. Nhiều vũ công rất thích múa ballet hay diễn những vở nhạc kịch tầm cỡ nhưng đành phải chấp nhận nghề múa minh họa để mưu sinh.

auviet_art12 Viết 08-2010

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*