Năm 2010, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của nữ nghệ sỹ Alicia Alonso, Giám đốc Vũ đoàn ballet quốc gia Cuba, Nhà hát ballet Mỹ đã tổ chức một buổi lễ đặc biệt vinh danh người nữ nghệ sỹ huyền thoại này tại New York. Bà là người sáng lập ra ngành múa balet Cuba.
Cách đây 45 năm (1966), nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Anh Anrrnold Haskel (1903-1980) đã viết về Alicia Alonso “Đất nước Cuba may mắn có được Alonso, người đã thuộc về cả thế giới và đã trở thành bất tử trong lịch sử balet – môn nghệ thuật vĩ đại này của chúng ta“.
Toàn bộ cuộc đời của bà được đánh giá như một tấm gương vượt lên trên những trở ngại của số phận, như chiến thắng của tinh thần bất tử trước sự phù du của thân xác. Đã nhiều năm nay Alonso đã phải bước qua tật nguyền thị giác nặng nề để tiếp tục nghệ thuật ballet. Sinh ngày 21/12/1920 tại Havana, bà Alicia Alonso đã dành trọn hơn 90 năm cuộc đời của mình cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Cách mạng Cuba.
Tên khai sinh đầy đủ của Alicia Alonso là Alicia Ernestina de la Caridad del Cobre Martines Hoy Martinez. Bà là con thứ năm trong một gia đình quân nhân. Ngay từ khi còn bé, Alicia đã rất mê múa. “Tôi đã luôn luôn là một vũ công ballet, – về sau bà kể lại. – Thuở nhỏ, để tôi khỏi khóc lóc quấy rầy, chỉ có một cách duy nhất là cho tôi vào một căn phòng có tiếng nhạc và khóa cửa lại. Và mọi người đều biết rằng, tôi sẽ không giở trò gì trong đó vì tôi sẽ nhảy múa. Khi đó tôi còn chưa hiểu ballet là gì. Đơn giản là làm những động tác khác nhau, tôi đã thể hiện trong điệu múa những gì tôi cảm nhận thấy“.
Người cha sĩ quan có mức lương đủ để cho các con của mình được học hành đến nơi đến chốn theo sở thích. Vì thế, khi Alicia lên 9 tuổi, cô bé đã được gửi tới học ở trường ballet tư, do vũ sư người Nga Nikolai Yavorski mở. Ngay từ những giờ học đầu tiên, Alicia đã hiểu được rằng, ballet sẽ trở thành ý nghĩa duy nhất của đời mình.
Năm 12 tuổi, Alicia đã lên sân khấu biểu diễn lần đầu tiên. Trong những năm theo gia đình sang cư trú ở Mỹ, Alicia tiếp tục được trau dồi tài năng ballet thiên bẩm của mình tại trường của nữ nghệ sĩ gốc Nga Shollar – Vilzak và sau đó là Trường Ballet Mỹ.
Năm 1938, ở tuổi 17, Alicia đã được biểu diễn trên sân khấu ở Broadway. Hai năm sau, người vũ nữ đầy tài năng và triển vọng này đã được nhận vào Nhà hát Ballet New York, một vinh dự mà bất cứ một nghệ sĩ nào trong nghề ballet đều mơ ước. Thế nhưng, Alicia khi đó vẫn nuôi hy vọng sẽ có cơ hội được trở về tổ quốc Cuba để xây dựng một nhà hát ballet xứng tầm quốc tế.
Khi đó, Cuba không bề có chút truyền thống ballet riêng nào, thậm chí còn không có cả một sàn diễn thích hợp cho ballet. Và cũng khi ấy trên thế giới còn chưa có ai biết tới một tên tuổi ngôi sao ballet nào là người Cuba. Người dân Cuba cũng không mấy quen thuộc với loại hình nghệ thuật sang trọng và tinh tế này. Thế nhưng, Alicia đã không quản ngại khó khăn, dành hết tâm sức để thực hiện mơ ước của mình.
Ở thời điểm này, Alicia đã mang họ Alonso. Ngay khi mới bước vào nghề, Alicia đã lấy chồng là bạn đồng diễn, vũ công kiêm vũ sư người Cuba Fernando Alonso. Năm 1948, hai vợ chồng trở về La Habana và lập ra Trường Ballet của mình trên đảo quốc Cuba. Chính từ ngôi trường đó sau này đã hình thành Nhà hát Ballet Quốc gia Cuba.
Đảo quốc Cuba trong những thập niên 40-50 của thế kỷ trước nằm dưới bàn tay cai trị của nhà độc tài Fulgencia Batista, Trong con mắt của nhà độc tài, nghệ sĩ và trí thức, vốn có xu hướng thiên tả ở châu Mỹ La tinh, là những đối tượng không đáng tin cậy. Cặp vợ chồng nghệ sĩ yêu nước giàu mơ ước này gặp vô vàn khó khăn. Chính phủ độc tài Batista cắt hẳn những khoản tiền trợ cấp vốn trước đó cũng chẳng hào phóng gì đối với Nhà hát Ballet Quốc gia khiến Alonso buộc lòng lại phải rời đảo quốc tha phương để hành nghề.
Tại Nhà hát Ballet Mỹ, Alonso đã gặt hái những thành công ngày một vang dội. Những vai diễn xuất sắc Giselle, Odetta Odillia, Svaldnida, Terpsicore qua sự thể hiện của Alonso đã thu hút được cảm tình sâu sắc của người hâm mộ. Alonso đã liên tục có những chuyến lưu diễn khắp nước Mỹ và sang nhiều nước châu Âu. Nhưng Alonso vẫn luôn hướng về tổ quốc.
Cuộc cách mạng do Phiden Castro lãnh đạo thành công ở Cuba năm 1959, cũng là thời điểm để Alonso có thể tiếp tục thực hiện mơ ước của mình. Fidel là người rất mê ballet và rất muốn “hòn đảo Tự do” có được một nhà hát ballet riêng. Chính lãnh tụ Fidel đã yêu cầu Alonso trở về Tổ quốc. Không những thế, ông còn quyết định cấp 200 nghìn USD – một khoản tiền khá lớn thời ấy – để phát triển nghệ thuật ballet của Cuba.
Alicia Alonso đã rất năng nổ và nhiệt thành thực hiện giấc mơ ballet mang bản sắc Cuba. Bà đã đi khắp nước tìm kiếm những tài năng ballet, dù họ chưa từng được đào tạo về nghệ thuật. Bà hiểu rằng, người Cuba nào cũng ẩn chứa trong mình những khả năng khiêu vũ bẩm sinh. Và bà còn muốn nghệ thuật ballet mang bản sắc Cuba bà sẽ là sự liên kết giữa ballet hàn lâm với những vũ điệu dân gian.
Trong vai trò một vũ công, Alonso chuẩn bị rất cầu kỳ cho từng vai diễn. Khi chuẩn bị diễn vai Giselle, để thể hiện tốt cảnh hóa dại, Alonso đã tới tham quan thực tế các nhà thương điên, trò chuyện với các bác sĩ và quan sát kỹ lưỡng hành vi của những người mất trí. Từ thực tế này, bà đã nảy sinh ý tưởng sử dụng ballet như một phương pháp hỗ trợ điều trị cho người bị mắc các chứng bệnh tâm thần và những bệnh nhân bị khiếm khuyết thể xác khác.
Ngay đối với bản thân Alonso, ballet hình như cũng có tác dụng chữa bệnh khá hữu hiệu. Từ năm 19 tuổi, Alonso đã gặp phải vấn đề về thị lực và phải phẫu thuật mắt. Do mắt càng ngày càng kém nên Alonso khi biểu diễn đã có nhiều lần buộc phải giảm tốc độ để khỏi va đụng vào đạo cụ trên sân khấu. Để bà có thể nhìn thấy điểm giữa của sân khấu, người ta đã phải dùng tới những đèn chiếu công suất cực lớn.
Việc biểu diễn trên các sân khấu lạ cũng tạo ra những vấn đề đặc biệt đối với một vũ công mắt kém như Alonso. Trong những chuyến du diễn đầu tiên tới Liên Xô năm 1957, Alonso đã ba lần bị xước mặt. Một trong những lần như thế xảy ra ở Kiev (nay thuộc Ucraina). Trong buổi biểu diễn vở “Hồ Thiên nga”, khi chạy từ cánh gà này sang cánh gà kia, Alonso đã chạm phải bối cảnh trang trí và đã bị xước trán. Ban tổ chức định tạm ngừng buổi diễn nhưng Alonso đã cương quyết đòi diễn tiếp. Và bà đã diễn tiếp một cách đầy xúc cảm.
Những người yêu ballet ở Moskva, Leningrad (nay là St. Peterburg), ở các nước châu Âu khác, ở châu Mỹ La tinh, ở chính nước Mỹ và cả khán giả Việt Nam chúng ta cũng đã từng được tận mắt thưởng thức tài nghệ của ngôi sao ballet huyền thoại từ “hòn đảo Tự do” tới biểu diễn.
Alonso đã không chỉ một lần nói rằng, bí quyết thành công của bà, đó là “lao động quên mình”! Bà cũng cho rằng, tuổi thọ trong nghề của một vũ công phụ thuộc trước hết vào tính kỷ luật và ý chí của mình. “Tôi nghĩ, trong bất cứ một công việc nào cũng cần phải vươn tới sự hoàn thiện. Cần cảm thấy có trách nhiệm về việc này không chỉ trước bản thân mình mà trước cả dân tộc mình” .
Năm 1972, Alicia Alonso đã phải đối mặt với nguy cơ lòa toàn phần. Bà lại phải trải qua ca phẫu thuật mới. Khi đó, bà đã ở tuổi ngoài năm mươi, và đây là lần phẫu thuật thứ tư nên ít ai tin rằng Alonso sẽ quay lại được với sàn diễn. Thế nhưng, sau ca phẫu thuật thành công này, Alonso đã trở lại sàn diễn và tiếp tục những chương trình hoành tráng của mình.
Trọn suốt 13 ngày ở liên hoan balett quốc tế, diễn ra tại Cuba năm 1986, vũ công huyền thoại đã ở tuổi 66 vẫn thể hiện xuất sắc nhiều vai diễn khác nhau, từ những hình tượng bi thảm của Medee, Jeanne D’Arc, Juliet, Jocasta và hình ảnh hài hước của bà góa vui tính.Không những thế, bà còn thể hiện một loạt những bước xoay chân fouettes theo đường chéo cực kỳ thú vị, khiến khán giả vỗ tay hoan hô kéo dài.
Buổi biểu diễn cuối cùng của Alicia Alonso trong vở diễn “Con bướm” do chính bà dàn dựng vào năm 1995, khi bà đã sang tuổi 75. Trước đó hai năm, bà vẫn còn thể hiện rất điệu nghệ những màn ballet của nhân vật Giselle.
Nay đã bước sang tuổi 91, Alonso vẫn tràn trề tình yêu đối với cuộc đời và nghệ thuật. Mặc dù, hầu như đã không còn nhìn thấy gì nữa, bà vẫn tiếp tục là người chỉ đạo Nhà hát Ballet Quốc gia Cuba, một trong những lò đào tạo các nghệ sĩ ballet hàn lâm hàng đầu thế giới. Bà vẫn tiếp tục dàn dựng những vở diễn mới và vẫn cùng các nghệ sĩ của mình đi lưu diễn khắp nơi. Trong hơn 50 năm lưu diễn khắp thế giới, bà đã nhận 127 giải thưởng danh giá của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trao tặng.
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind