Có một đôi giày tập múa từng được nghệ sĩ Thái Ly mang theo bên mình từ khi rời Trường Múa Bắc Kinh sau 6 năm học tập ở đây, rồi về Hà Nội công tác, lại cùng vượt Trường Sơn về Nam (1965)… Năm 1974, trong một dịp đi công tác, Hiệu trưởng Trường Múa Bắc Kinh đã xin nhà biên đạo Thái Ly đôi giày ấy để trưng bày trong phòng truyền thống của nhà trường.
Vinh dự này không dễ có, bởi dõi theo bước chân của người sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, Ban Giám hiệu Trường Múa Bắc Kinh đã biết những thành tích rực rỡ mà Thái Ly đóng góp cho ngành múa Việt Nam trong nhiều giai đoạn: hòa bình, chiến tranh …
Còn với chúng ta, chứng kiến thêm thành công của Thái Ly thời kỳ sau chiến tranh, càng nhận rõ ông là người xứng đáng nhất với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngay lần đầu Nhà nước VN phong tặng danh hiệu cao quý này.
Không chỉ bởi số lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú thể loại, chất lượng nghệ thuật cao… mà những tác phẩm của ông đã trở thành mẫu mực, có sức truyền cảm mạnh mẽ và sức sống lâu bền.
Tác phẩm múa “Ka tu”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Người mẹ miền Nam”, “Mâm vàng Cửu Long, “Đôi bờ”… qua gần nửa thế kỷ vẫn hiện diện trên sân khấu; trong những chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Những vở kịch múa “Chúc thọ Bác Hồ”, “Bả Khó”… đến giờ phút này vẫn là những kiểu mẫu cho các nhà biên đạo. Lớn hơn nữa, những chương trình có quy mô hoành tráng diễn trên sân vận động Hà Nội nhân ngày lễ trọng đại trong những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước vẫn tạo nên những ấn tượng đẹp đẽ khó phai trong trí nhớ những người thanh niên, học sinh, sinh viên ngày ấy.
Trong nhật ký hành quân của nhạc sĩ Hoàng Việt đã ghi lại: “…Thái Ly da tái xanh vì sốt rét vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển, đầy tinh tế trong tiết mục “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” biểu diễn phục vụ những chiến sĩ đang cùng hành quân về phương Nam. Hình ảnh đầy cảm xúc ấy in lên nền xanh sẫm của rừng đại ngàn Trường Sơn như một bản tráng ca tràn đầy niềm tin vào thắng lợi…”.
Mới đây có người đã mạo nhận trước công luận: là người đầu tiên đưa múa minh họa lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, nhưng nay, nhân tưởng nhớ ngày NSND Thái Ly mất (6-4-1992) xin được nói những gì người viết đã chứng kiến: Tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (lần đầu tiên tổ chức sau ngày 30-4-1975), tiết mục “Mùa xuân trên những giếng dầu” (nhạc Tôn Thất Lập) đã được biên đạo – NSƯT Tô Nguyệt Nga dựng cho tốp múa Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen minh họa rất thành công, như một tiếng pháo mở đầu cho hình thức múa minh họa trên sân khấu chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Còn xa hơn nữa, năm 1967, tại chiến khu miền Đông Nam bộ, Đoàn Múa hát Giải phóng được chính thức hoạt động riêng biệt sau khi tách ra từ Đoàn Văn công Giải phóng. Với trưởng đoàn là nghệ sĩ – biên đạo Thái Ly, chương trình của đoàn có tới 2/3 là những tiết mục hát có múa minh họa rất thành công như: “Hội nghị Diên Hồng” , “La Habana”, “Bài ca hy vọng”, “Liên khúc: Hát cho dân tôi nghe – Dậy mà đi – Xuống đường”… Những tiết mục ấy không chỉ tạo nên thẩm mỹ nghệ thuật trong sáng, đầy cảm xúc cho khán giả Việt Nam mà còn nhận được những lời ngợi khen của các nghệ sĩ, chuyên gia nghệ thuật nước ngoài… khi có dịp thưởng ngoạn.
Tìm hiểu thêm sự cống hiến của NSND Thái Ly cũng là thắp một nén nhang tưởng nhớ tài năng bậc nhất của ngành múa cách mạng Việt Nam, nhân ngày giỗ của ông.
THẾ HẢI
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind