Tôi là kẻ hậu bối sinh ra sau khi NSND Thái Ly đã qua đời. Chính vì vậy, những gì tôi biết đến chỉ còn là những giai thoại về ông và tác phẩm “Cánh chim và ánh sáng mặt trời“.
Năm 1996 tôi có thử tập luyện tác phẩm này, nhưng vì lúc đó mới hai mươi tuổi, chỉ vừa ra trường nên cả tinh và lực đều chưa đủ để thực hiện tác phẩm. Giờ nghĩ lại, mới thấy mình thật may mắn vì đã không biểu diễn một lần nào. Bởi làm sao một thanh niên trẻ tuổi, với kiến thức về con người, cuộc đời, xã hội còn non nớt như tôi có thể hiểu được tâm tư, tình cảm, khát vọng của bậc tiền bối. Chưa kể qua thời gian, nó đã không còn nguyên vẹn như xưa khi trải qua biết bao lần chuyền đi chuyền lại. Ngay cả bây giờ, khi tôi đã ngoài ba mươi, cũng đã kinh qua nhiều thứ trong đời, cũng hiểu hơn về nhân tình thế thái, nhưng tôi nghĩ mình cũng chưa đủ để hiểu và cảm thụ hết được về sự đau đớn, về khát vọng tự do, khát vọng sống trong con người cũng như tác phẩm của ông. Nếu linh thiêng, có lẽ ông cũng sẽ mỉm cười nơi chín suối khi kẻ ngu muội tôi đã không mạo phạm làm vấy bẩn lên những gì tinh túy nhất của cuộc đời ông.
Được sinh ra trong thời bình, đầy đủ hơn về cả tinh thần lẫn vật chất, cho dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy thì cũng làm sao tôi có thể hình dung được nỗi khổ và cái khát vọng sống của một con người bị đầy ải trong đói nghèo, chiến tranh và chịu ách áp bức nô lệ dưới sự thống trị của một giống loài khác. Cho dù chưa bao giờ được thực hiện, và cũng có lẽ sẽ không bao giờ dám thực hiện, nhưng ông và ” Cánh chim và ánh sáng mặt trời” của ông sẽ luôn là nguồn động lực cho cuộc đời của tôi. Động lực cho những khát vọng, động lực cho những ước muốn, động lực để vượt qua mọi khó khăn.
Tôi không chắc, nhưng có lẽ vào thời điểm khi ông sáng tác “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, có lẽ ông là người đầu tiên kết hợp múa dân gian và Ballet cổ điển phương Tây. Với những chuyển động mềm mại, uẩn khúc, ẩn dấu sự đau khổ đã trở thành bản năng của một dân tộc phương Nam, sống hàng ngàn năm trong đói nghèo nô dịch của ngoại bang; kết hợp với những đường nét cứng rắn, tự tin, khỏe mạnh, phóng khoáng của một nền văn hóa giàu có, bác học, văn minh; tất cả đã tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo của sự đau khổ dày vò, với những ước mơ cháy bỏng cho một tương lai sáng lạng. Đó là sự chuyển hóa năng lượng thiên âm uyển chuyển của nền văn minh lúa nước trọng tĩnh phương Nam, sang cái cân bằng trọng động của văn hóa du mục phương Tây, với mong ước có được đôi cánh khỏe mạnh để bay về phía mặt trời. Nhưng tiếc thay, hậu thế của ông đã không thể hấp thụ và chuyển hóa được cái năng lượng đó.
Họ không có đủ tinh lực để thực hiện ước mơ cháy bỏng đó của ông.
Họ đã làm đi làm lại hàng ngàn vạn lần, nhưng chưa bao giờ chạm đến được cái đáy sâu tận cùng để đứng cạnh ông, chứ nói chi đến chuyện có thể cất cánh bay lượn.
Họ chấp nhận cúi đầu gạt bỏ ước mơ, đặt ông đứng trên đỉnh cao nhất rồi núp dưới bóng ông, để ở đó run rẩy ước mơ về một mơ ước.
Tôi biết, dưới suối vàng, ông sẽ rất đau lòng khi thấy hậu thế của ông lại trở thành nô lệ dưới chiếc bóng của chính mình.
Tôi viết những dòng này, với tất cả tấm lòng thành kính của một kẻ hậu thế chưa từng gặp mặt, như để thắp một nén nhang trước vong linh mong ông được siêu thoát dưới suối vàng.
Tôi, sẽ tiếp tục tìm kiếm “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” cho riêng mình.
Nguyễn Anh Đức
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind