Tròn 50 năm sau thành công vang dội của vở kịch múa đầu tiên-“Tấm Cám”, năm nay Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mới dàn dựng vở kịch múa thứ hai mang tầm vóc để chào mừng 60 năm thành lập Nhà hát với tựa đề “Mệnh trời tình đất”. Là thành viên chỉ đạo nghệ thuật, trong ngày khởi công vở múa, NSND Chu Thúy Quỳnh bồi hồi nhớ lại…
Cánh Nhạn vẫn tung bay
Từ một cô gái thổi sáo, Phùng Nhạn được biên đạo Hoàng Châu phát hiện có tài năng múa, và tên tuổi của Phùng Nhạn nổi lên như một hiện tượng trong làng nghệ thuật múa Việt Nam thời bấy giờ. Đó là chuyến phục vụ Đại hội mừng công Sư đoàn 308 ở Thái Nguyên, tháng 7-1954 qua vai diễn trong vở ca kịch “Chị Tấm anh Điền”, “Chiến thắng Nghĩa Lộ”, múa solo trong điệu múa “Nậm” (múa bình rượu), “Quạt Thái Tây Bắc” của biên đạo Hoàng Châu với những động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng. Ngày ấy Phùng Nhạn ở tuổi đẹp nhất của thời con gái, 17 tuổi.
Gần hai tháng phục vụ nhân dân Thủ đô bằng những chương trình, tiết mục múa ấn tượng, Phùng Nhạn được chọn tham gia Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất. Ở đó, ngôi sao Phùng Nhạn tỏa sáng và được Bộ Văn hóa chọn đi tham dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 5. Những chuyến biểu diễn giao lưu nghệ thuật trên các sân khấu tráng lệ ở các nước Liên Xô (trước đây), Trung Quốc… Phùng Nhạn đã tô điểm cho bản sắc, niềm tự hào về truyền thống múa dân tộc Việt Nam qua các tiết mục múa, vở múa “Chim gâu”, múa nón, múa ô, múa “Mùa hoa ban nở”… Chính những đợt biểu diễn ở nước ngoài là dịp Phùng Nhạn thể hiện tài năng, sức sáng tạo, lòng yêu nghề, tích lũy kinh nghiệm sống, và vì thế Phùng Nhạn đã lọt vào mắt của Giáo sư chuyên gia Triều Tiên – Kim Tế Hoàng khi ông chọn Phùng Nhạn đóng vai Tấm trong vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam.
Với nhiều sáng tạo, Phùng Nhạn đã thành công trong vai cô Tấm-một cô gái nông thôn Việt Nam lam lũ nhưng xinh đẹp, chăm chỉ, duyên dáng. Cô Tấm Phùng Nhạn trong những năm ấy đã trở thành biểu tượng của cô gái Việt Nam sống trong lòng khán giả trong nước và quốc tế. Nhưng thật không may, đang tỏa sáng với cô Tấm trên sân khấu, Phùng Nhạn bất ngờ bị tại nạn trong một kỹ thuật bê đỡ do sự phối hợp thiếu chính xác của đồng đội làm cô bị ngã dập xương gối. Phùng Nhạn không còn cơ hội vào vai diễn trên sân khấu nữa! Đồng nghiệp, bạn bè không đếm nổi bao lần thấy Phùng Nhạn khóc, những ánh mắt tiếc nuối của một tài năng múa khi nhìn lên sàn diễn thấy đồng nghiệp của mình thỏa sức biểu diễn, sáng tạo… Nhưng không phải vì thế mà Phùng Nhạn dứt hẳn với nghiệp múa, Phùng Nhạn không diễn trên sân khấu, nhưng tài năng và ý chí, tình cảm với nghệ thuật múa được Phùng Nhạn gửi vào những tác phẩm do đồng nghiệp và thế hệ đàn em thể hiện. Những năm 60 của thế kỷ trước, liên tục các tác phẩm do Phùng Nhạn sáng tác và dàn dựng xuất hiện trên sân khấu như: “Cây tre Việt Nam”, “Chim non tung cánh”, “Dệt một niềm tin”… Ngày 5-8-1965, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Phùng Nhạn cùng đoàn nghệ sĩ Nhà hát kịp có mặt ở Quảng Bình, Vĩnh Linh dàn dựng và biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Ở đó, Phùng Nhạn chứng kiến pháo cao xạ của ta bắn rơi máy bay Mỹ, đó chính là những “chất liệu” từ sức chiến đấu của quân và dân ta để Phùng Nhạn sáng tác nên tác phẩm múa “Vợ chồng dân quân với cây súng trường”, được nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh và Mạnh Hùng biểu diễn.
Nhớ đến Phùng Nhạn, người ta nhớ tên tuổi của chị gắn với những tác phẩm múa gây tiếng vang và giành nhiều giải thưởng lớn như: “Câu chuyện bên dòng sông”, “Màu xanh trên cao”, “Ngày hội Katê”, “Đêm tháp cổ”… Những tác phẩm mang đậm màu sắc dân tộc nhưng luôn gắn với hơi thở của thời đại, toát lên vẻ đẹp phong cách tâm hồn con người Việt Nam và nổi trội hơn cả là khát khao tự do, hạnh phúc. Với những đóng góp cho nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam, trong lần phong tặng danh hiệu nghệ sĩ đầu tiên năm 1984, Phùng Nhạn đã được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ nhân dân.
“Ngôi sao múa đến từ phương Đông”
Nhớ về người chị Tấm thảo hiền Phùng Nhạn, NSND Chu Thúy Quỳnh dí dỏm kể về những kỷ niệm hai người cùng được chọn vào diễn hai vai đối nghịch nhau. Người vào vai Tấm thì chịu thương chịu khó tập thêu thùa, dệt vải, nấu cơm quét nhà để phản ánh nhân cách tiêu biểu của một người con gái Việt Nam chăm chỉ, hiền lành. Còn người vào vai Cám thì cũng chịu khó tập luyện, nhưng là tập những trò phá phách, lừa lọc, ăn cắp… Nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh bảo rằng, sở dĩ ngày đó bà thể hiện thành công vai Cám ngoài phần tự bản thân sáng tạo còn là sự học hỏi từ diễn xuất vai Tấm của Phùng Nhạn.
Hai nữ nghệ sĩ đang ở độ nổi tiếng của hai nhân vật trong cổ tích Việt Nam trên sân khấu múa, thì không may nghệ sĩ Phùng Nhạn gặp tai nạn. Và thế là khán giả lại thấy cô Cám đanh đá, nanh nọc bỗng trở thành cô Tấm thảo hiền do Chu Thúy Quỳnh vào vai. Không lặp lại hình ảnh cô Tấm Phùng Nhạn, Chu Thúy Quỳnh đã sáng tạo riêng cho mình một cô Tấm mới, khán giả vẫn thấy nhân cách, biểu tượng của một cô Tấm Việt Nam đấy, nhưng không lặp lại cô Tấm Phùng Nhạn, mà là một cô Tấm Chu Thúy Quỳnh. Vậy nên, những năm 60 của thế kỷ trước, có người nói đi xem Đoàn văn công Nhân dân Trung ương diễn là đi xem Thúy Quỳnh diễn. Điều đó đủ biết sự ái mộ mà công chúng dành cho nghệ sĩ.
Tài năng và những sáng tạo của Chu Thúy Quỳnh sau vai Cám và Tấm đã tạo uy tín đối với các biên đạo múa thời bấy giờ, khi liên tiếp giao cho Thúy Quỳnh vào những vai chính trong các tác phẩm: “Bà mẹ miền Nam”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Tiếng gọi quê hương”, “Gặp nhau mâm pháo”, “Theo cờ giải phóng”… Đây cũng là những vở diễn mang đến cho Chu Thúy Quỳnh những danh hiệu, những huân chương lao động, huân chương kháng chiến cao quý mà ở tuổi đôi mươi không mấy ai có được.
Cùng với hàng chục vai diễn chính, Chu Thúy Quỳnh đã có mặt ở hầu khắp các mặt trận Hà Tĩnh, Vĩnh Linh, Quảng Bình… để biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Mỗi chuyến đi ấy, đồng hành cùng Thúy Quỳnh luôn là người chồng thương yêu Mạnh Hùng – đồng thời là bạn diễn. Nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh nhớ về chuyến đi đầu tiên, lúc ấy hai người vừa cưới nhau, cùng đi trong đoàn nghệ sĩ, chứng kiến những hình ảnh của quân và dân Việt Nam đã sáng tác ngay tiết mục múa “Gặp nhau bên mâm pháo”. Mạnh Hùng vào vai pháo thủ, Phó Anh Nghiêm vào vai chiến sĩ hải quân, và Chu Thúy Quỳnh vào vai cô dân quân, cả ba gặp nhau trên mâm pháo, thể hiện sức mạnh hòa đồng để bắn rơi máy bay địch qua ngôn ngữ múa. Ở khắp các mặt trận trong suốt những năm tháng ấy, đi đến đâu cặp nghệ sĩ cũng nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng, những ánh mắt ngưỡng mộ của chiến sĩ, đồng bào.
Đến giờ, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh vẫn nói rằng, bà đến với múa như bị nhập, một định mệnh. Không lúc nào có thể dời nghệ thuật múa. Vậy nên, nữ nghệ sĩ múa bước qua tuổi 30 là đã bước qua đỉnh cao của nghề, nhưng với nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh lại là trường hợp đặc biệt. Ở tuổi 40, sau lần biểu diễn phục vụ đoàn ngoại giao Ấn Độ sang thăm Việt Nam với điệu múa Chăm, ngay lập tức, Thúy Quỳnh đã được nhận học bổng chuyên tu múa dân gian Ấn Độ. Mới buổi đầu đến lớp tập, thầy giáo dạy múa đã từ chối cho rằng chẳng có ai ở tuổi 40 mà còn học múa, diễn múa. Nhưng ông đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi tài năng của Thúy Quỳnh, sau mấy ngày tập, người thầy đó đã tặng cho Thúy Quỳnh cuốn giáo trình công phu do thầy tự soạn với dòng chữ đề tặng: “Chu Thúy Quỳnh – người sinh ra để múa Ấn Độ”. Thầy cũng đã dựng riêng cho Thúy Quỳnh một chương trình biểu diễn đồng thời là báo cáo tốt nghiệp kéo dài hai tiếng đồng hồ với ba phong cách múa Ấn hoàn toàn khác biệt của ba vùng Bắc, Nam và Đông Bắc. Sau đêm diễn này, Thúy Quỳnh được bạn bè quốc tế gọi là “Ngôi sao múa đến từ phương Đông”.
Nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh tâm sự, có được sự công nhận đó của bạn bè quốc tế, bà luôn cảm ơn người chồng, đồng nghiệp-Mạnh Hùng của mình. Bởi ngày đó, những ngày bà đang miệt mài tập luyện ở Ấn Độ thì nghe tin chồng mắc bệnh hiểm nghèo, trở về Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc bỏ đi cơ hội học múa giữa chừng, nhưng trên giường bệnh, NSƯT Mạnh Hùng động viên vợ: “Quỳnh không được bỏ học. Em phải sang Ấn Độ học tiếp. Anh sẽ khỏi bệnh, sẽ về chăm con cho em”. Ông đã không khỏi bệnh, nhưng lời trăng trối là động lực lớn lao khiến Chu Thúy Quỳnh vượt lên tất cả để cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật múa đến ngày hôm nay.
Sau nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, từ năm 1995 đến nay NSND Chu Thúy Quỳnh giữ cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Ở mỗi cương vị, NSND Chu Thúy Quỳnh đã bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật vẫn truyền cho các học trò, nghệ sĩ trẻ ngọn lửa đam mê sáng tạo và cống hiến. Ngọn lửa đó đã và đang được các thế hệ lãnh đạo nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phát huy để đưa những tác phẩm mang đậm tính dân tộc và hơi thở thời đại đi khắp năm châu, quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới.
————
Bài 1: Nhớ một thời “tiếng hát át tiếng bom”
Bài 2: Những ngôi sao sáng của âm nhạc Việt Nam
Bài 3: Hai nghệ sĩ từ một mái nhà
VƯƠNG HÀ
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
[…] Bài 4: Chuyện của Tấm và Cám […]