Với ballet cổ điển, Việt Nam hoàn toàn có thể…

Tối 12&13/11/2011, vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ do các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO) biểu diễn sẽ ra mắt khán giả tại Nhà hát Thành phố. Đây là lần đầu tiên tại TP.HCM, một vở ballet cổ điển trọn vẹn được biểu diễn bởi các nghệ sĩ Việt Nam. Biên đạo và dàn dựng vở ballet này là nghệ sĩ Johanne Jakhelln Constant đến từ Na Uy.

1831-johanne-portrait

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra vào giờ nghỉ ăn trưa của Johanne cùng các nghệ sĩ HSBO sau buổi tập kéo dài 4 tiếng. Johanne mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu chuyện của chính chị:

– Tôi chọn BodØ (một thành phố nhỏ thuộc Na Uy) làm nơi sống và làm việc sau khi trở về từ Mỹ bởi tôi đã làm việc ở Mỹ quá lâu, rất khó để làm việc ở Oslo khi không ai biết tới mình. Hơn nữa, BodØ là quê hương tôi, nơi tôi có gia đình, bạn bè, mọi thứ đều thân thuộc. Điều thú vị nhất là trẻ con ở đây đến với nghệ thuật múa một cách tự nhiên chứ không phải vì bị cha mẹ chúng ép buộc như vẫn thường thấy tại các thành phố lớn.

* Nhiều nghệ sĩ múa Việt Nam sau khi đi học và làm việc ở châu Âu đã chọn múa hiện đại làm con đường sự nghiệp vì thấy rằng múa hiện đại hấp dẫn, mới mẻ hơn. Nghe nói ở châu Âu, cái nôi của ballet, giới trẻ cũng không còn thích thú môn nghệ thuật này?

– Múa cổ điển ở châu Âu vẫn tồn tại và phát triển như trước, bằng chứng là các vở ballet cổ điển vẫn bán hết vé rất nhanh, vé vẫn rất khó mua. Tôi nghĩ múa cổ điển vẫn có vị trí cao không chỉ bởi giá trị nghệ thuật của chính nó mà còn bởi một lý do khác, nó khiến nhiều người đến xem có cảm giác như họ có địa vị cao trong xã hội, việc này mang lại cho họ niềm kiêu hãnh. Tuy nhiên, điều đó theo tôi là không nên và khán giả khi xem múa cổ điển cũng không nên nghĩ như vậy. Nhưng có một thực tế không vui là múa cổ điển cũng như âm nhạc cổ điển hơi khó tiếp cận với lớp trẻ ngày nay vì họ có quá nhiều thứ để vui chơi giải trí. Rất khó mời bọn trẻ đi xem các buổi biểu diễn nói chung. Tại nhà hát nơi tôi ở, người ta mở những đợt bán vé rẻ cho học sinh, sinh viên, nhưng họ vẫn hỏi tại sao lại đắt thế. Trong khi đó họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền ra mua các thứ khác như iPhone, iPad, hoặc game online.

1831-jomot

* Có nghĩa múa cổ điển khó hy vọng vào lớp công chúng trẻ?

– Tình trạng này diễn ra không chỉ với múa đâu, mà với tất cả các bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Tôi rất buồn vì dường như giới trẻ và mình đang đi theo 2 hướng. Bọn trẻ giờ chỉ ngồi trong nhà tiêu tiền vào những thứ ảo chứ không chịu trả tiền để xem những chương trình biểu diễn sống động. Mà năng lượng dành cho việc ngồi một chỗ vừa xem ti vi, vừa vào mạng chat, chơi game online, vừa nói chuyện điện thoại so với việc ngồi trong nhà hát xem một vở ballet khác nhau nhiều lắm. Ngồi một chỗ nhưng tập trung vào 5 hướng khác nhau, trong khi xem ballet phải tập trung năng lượng vào một hướng, thậm chí phải tắt điện thoại, đó là một trải nghiệm rất khác với người trẻ và có thể giúp họ thay đổi cách sống. Bây giờ, để thu hút giới trẻ đến với ballet, người ta đã đưa ballet ra biểu diễn ở những không gian khác chứ không phải chỉ trong nhà hát, chẳng hạn như SVĐ, sân trường.

* Trước khi đến đây dựng vở ballet Kẹp hạt dẻ, chị đã biết về múa Việt Nam chưa?

– Xin thứ lỗi, tôi chưa biết chút gì về múa Việt Nam.

1831-johai

* Vậy cảm giác của chị thế nào khi biết rằng Việt Nam có trường múa từ hơn nửa thế kỷ trước và ballet là môn chủ yếu được giảng dạy ở đó nhưng cho đến giờ mới có một vở ballet cổ điển hoàn chỉnh đầu tiên được dàn dựng?

– Lần đầu tiên đến Việt Nam để làm công việc này, vào Trường Múa TP.HCM (nơi các nghệ sĩ luyện tập cho vở diễn – PV), nhìn thấy giáo viên và học sinh ở đây làm việc, tôi tự hỏi tại sao các bạn lại phải cần có tôi ở đây. Sau một thời gian làm việc cùng, tôi hiểu ra rằng hệ thống đào tạo múa của Việt Nam chưa tập trung vào kết quả cuối cùng. Nếu ở châu Âu, ballet có hệ thống từ đầu đến cuối, mọi người vào trường múa đều có cái đích là khi học xong sẽ vào một nhà hát nào đó, trở thành solist trong các vở múa ballet kinh điển như một điều tất yếu thì ở Việt Nam, việc tổ chức thành một hệ thống hoàn chỉnh như vậy chưa có để tận dụng nhân tài. Tôi nghĩ là hệ thống tổ chức của các bạn đang có thiếu sót gì đó. Trong khi việc chuẩn bị cho một vở ballet cần nhiều khâu thì cơ sở vật chất của các bạn chưa được đẩy mạnh.

* Sau một thời gian làm việc với diễn viên múa ở đây, chị nghĩ thế nào về nhận xét ballet không phù hợp với hình thể người Việt Nam?

– Tôi nghĩ rằng không chỉ Việt Nam mà ở tất cả các nước đều có người hợp và người không hợp với ballet. Việt Nam có nhiều diễn viên cơ thể đẹp, hợp với ballet, tôi không nghĩ sẽ khó tìm được những người phù hợp với ballet ở một thành phố 8 triệu dân như TP.HCM nếu bố mẹ các em nhỏ cho chúng đi học ballet. Ở châu Âu cũng có những diễn viên thể hình rất đẹp nhưng chẳng là gì trong ballet, và ngược lại có những diễn viên hình thể không được đẹp nhưng múa rất đẹp. Quan trọng nhất là nhiệt huyết, mong muốn, khát khao với ballet. Để tôi kể bạn nghe một chuyện, có lần tôi đến Stockhom xem một vở ballet, diễn viên chính với vai diễn cô gái 16 tuổi đã gây ấn tượng mạnh với tôi, hết vở, tôi lên sân khấu tặng hoa cho cô và thật bất ngờ vì khi mặt đối mặt, tôi tưởng đó là người khác. Không thể tưởng tượng được diễn viên ấy đã 39 tuổi nhưng lại có thể trở thành 16 tuổi trên sân khấu như vậy, cô ấy diễn quá xuất sắc. Phải rất khát khao với múa cô ấy mới làm được như vậy. Theo tôi, các bạn đừng tự ti, đừng đầu hàng với ballet khi nghĩ về sự phù hợp của cơ thể với bộ môn này, nó không quan trọng đến thế.

1831-joba

* Vậy theo cảm nhận của chị, khó khăn của diễn viên múa Việt Nam khi tập ballet cổ điển là gì?

– Tập luyện và biểu diễn một vở ballet cổ điển là một thử thách cho diễn viên Việt Nam vì họ sống và phát triển trong một nền văn hóa khác với nền văn hóa đã sản sinh ra ballet. Có những thứ rất khác với họ, từ âm nhạc, phục trang, động tác đến cách ứng xử… trên sân khấu. Hơn nữa, thời đại của vở múa cách thời mà họ đang sống khá xa, không chỉ với diễn viên Việt Nam mà với cả diễn viên châu Âu, vì thế khi học ballet, diễn viên ở khắp nơi đều phải đọc sách lịch sử, văn học, nghệ thuật để hiểu về thời kỳ đó, con người thời đó.

* Còn khó khăn với chị khi phải làm việc trong điều kiện như vậy?

– Khó khăn của tôi khi làm việc với các diễn viên Việt Nam cũng xuất phát từ nguyên nhân tôi đến từ một nền văn hóa khác. Chúng tôi phải tìm hiểu lẫn nhau qua công việc. Khi xem một diễn viên tập, tôi thấy tốt nhưng khi giao vai cho họ thì lại thấy họ khác. Lại có những người hàng ngày rất giấu mình nhưng một ngày lại làm được tất cả những thứ tôi yêu cầu, điều đó khiến tôi bối rối vì thấy mình như đã giao nhầm vai. Ở đây tôi nhìn thấy có những diễn viên rất có khả năng nhưng lại sợ khi thể hiện mình, họ không tự tin. Nếu có nhiều thời gian hơn, tôi nghĩ tôi có thể giúp họ bộc lộ được hết khả năng của mình. Nói chung cần nhiều thời gian để hiểu nhau kỹ.

Với công việc thiết kế mỹ thuật, tôi rất khó khăn khi không thể kiểm soát được hoàn toàn các khâu thực hiện. Tôi phải gửi bản thiết kế từ trang phục đến cảnh trí qua email để các bạn Việt Nam thực hiện nhưng khi sản phẩm đến tay thì lại không như tôi đã thiết kế. Phông nền sân khấu tôi thiết kế có thể mang đi in luôn nhưng họ vẽ lại nên sai nhiều chi tiết, hay chiếc mặt nạ chuột thì được làm quá to, quá dài, diễn viên sẽ khó mà múa với chiếc mặt nạ đó…

1831-jobon

* Chi phí và kỹ năng để dàn dựng cảnh trí, phục trang cho các vở ballet cổ điển có lẽ cũng là một vấn đề quan trọng với chúng tôi. Vừa biên đạo vừa thiết kế mỹ thuật cho Kẹp hạt dẻ, chị thấy việc này như thế nào?

– Nếu nói về điều kiện kinh tế thì sự đầu tư phụ thuộc vào quy mô của vở diễn các bạn muốn làm và tùy thuộc vào những thứ người dựng muốn khán giả thấy. Một vở múa hiện đại muốn thật ấn tượng thì cũng mất khá nhiều tiền để làm hiệu ứng, ngược lại những vở cổ điển có quy mô vừa phải thì mức đầu tư cũng không lớn. Tôi thấy Việt Nam hoàn toàn có thể dựng các vở ballet bằng những câu chuyện của riêng các bạn với quy mô vừa phải, phù hợp.

* Cảm ơn chị.

Johanne Jakhelln Constant tốt nghiệp Trường Múa Fagerborg tại Oslo, cử nhân sư phạm ballet cổ điển tại ĐH Múa Stockhom Thụy Điển, thạc sĩ biểu diễn tại ĐH Iowa (Mỹ), từng là Giám đốc nghệ thuật Đoàn múa ballet Quad Cities ở Mỹ. Chị đã biên đạo hơn 40 tác phẩm vũ kịch trong đó có những vở lớn như Kẹp hạt dẻ, Cô bé lọ lem, Nàng công chúa ngủ trong rừng… và từng nhận được giải thưởng về biên đạo. Hiện tại, chị là giám đốc nghệ thuật và biên đạo của Đoàn múa Moving Art đồng thời giảng dạy bộ môn Ballet cổ điển và Lịch sử múa tại khoa Âm nhạc, múa và kịch nghệ của Trường Bodo ở thành phố BodØ, Na Uy.

Dương Vân Anh (thực hiện)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*