Múa đương đại: Châu Âu chưa gặp Việt Nam

Hai đêm diễn ra chương trình múa đương đại Châu Âu gặp Việt Nam (8-9/9 tại nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội), khán phòng đều chật cứng khán giả. Điều đó chứng tỏ, múa đương đại đang tạo nên một hấp lực đáng mừng với công chúng, hoặc ít ra là với giới nghệ sĩ. Nhưng, để gặp được châu Âu, thì sao?

Châu Âu áp đảo

Trong chương trình múa đương đại Châu Âu gặp Việt Nam, chủ nhà hơi “lép vế” khi hai trên ba tiết mục là của châu Âu. Không có gì để nói nhiều về Cái chết và cô gái, ngoại trừ việc biên đạo người Đức Hans Henning Paar đã mạnh dạn hiện đại hóa một kiệt tác âm nhạc của Schubert thành một vũ kịch có màu sắc mềm mại và tương đối “hiền lành” với sự góp mặt của 11 nghệ sĩ múa Việt Nam, đôi chỗ động tác còn chệch choạc.

Song, Người yêu hòa bình được ban phúc lành thì khác. Màn độc diễn của nghệ sĩ nổi tiếng người Bỉ – Ricardo Machado đem đến một nhận diện tươi mới và sắc nét hơn hẳn cho khán giả Việt Nam, còn đang rất mơ màng về múa đương đại. Hóa thân làm một bù nhìn rơm, Ricardo Machado đã có những khoảnh khắc giằng xé, vùng vẫy điên cuồng và tuyệt vọng để thoát khỏi sợi dây vô hình thoòng trên cổ. Tiếng thở hổn hển, tiếng kêu hạnh phúc của bù nhìn trong giây phút tự do khiến khán phòng lặng phắt không một tiếng động, rồi òa vỡ những tràng pháo tay thán phục và ngỡ ngàng. Có lẽ nào, múa đương đại lại dễ xem, dễ cảm và đẹp đến như vậy, dù ngay trong một tác phẩm có tính ngẫu hứng cao và ngôn ngữ biểu cảm lên đến mức độ dữ dội!

Tác phẩm Người yêu hòa bình được ban phúc lành.

Là tiết mục thuần Việt duy nhất trong chương trình mang cái tên giàu ý nghĩa này, song vở múa Mùa đom đóm rất tiếc lại là tiết mục nhạt hơn cả. Nhạt, không phải do tay nghề của biên đạo hay trình độ của nghệ sĩ, mà ở màu sắc đương đại gần như chỉ… thấp thoáng. Đội ngũ biên đạo và dàn diễn viên phần lớn có sở trường về ballet đã không đem đến nhiều cảm nhận mới mẻ cho khán giả vốn đang rất háo hức về múa đương đại. Sự xuất hiện lạc nhịp và có phần xa xỉ của một tác phẩm mang hơi hướng cổ điển trong một không gian đương đại khiến người ta phải đặt ra nhiều dấu hỏi, nhất là khi số lượng các chương trình múa đương đại trong một năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chưa gặp nhau

Cùng thời điểm diễn ra Múa đương đại – châu Âu gặp Việt Nam, tại một sân khấu khác, biên đạo trẻ Quách Phương Hoàng giới thiệu vở múa đương đại mang tính đột phá: Vườn trăng, lần đầu tiên kết hợp múa với xiếc. Kết quả của chuyến thử nghiệm này có thể gói gọn trong hai tính từ: Độc đáo và cuốn hút. Nhưng, quan trọng nhất, Quách Phương Hoàng đã làm được một điều: Bảo toàn vẻ đẹp, sự tinh tế, và độ hấp dẫn cho một vở múa có nhiều phân đoạn ngẫu hứng cùng nhiều động tác nặng nhằm khai thác tố chất xiếc của dàn diễn viên xiếc. Khá giống với cách mà nghệ sĩ người Bỉ Ricardo Machado đã chinh phục khán giả Việt Nam.

Quách Phương Hoàng trong vở múa Vườn trăng

Tiếc là, Quách Phương Hoàng và Ricardo Machado không gặp nhau trên cùng một sân khấu, để công chúng có dịp so sánh và nhận ra tiềm năng, sức sáng tạo dồi dào cùng vị trí có lẽ không hề tụt hậu của múa đương đại Việt Nam so với châu Âu. Lại phải nói “Tiếc là…” khi không ít tài năng như Quách Phương Hoàng, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, trở về với khát vọng gây dựng múa đương đại Việt Nam và đang mòn mỏi tìm kiếm cơ hội tiếp tục xuất hiện trên sân khấu sau những cuộc trình làng ấn tượng, vì lý do nào đó đã không có đất tại festival múa đương đại quy mô nhỏ có cái tên rất kêu: Châu Âu gặp Việt Nam. Ở khía cạnh này, đúng là, còn lâu lắm múa đương đại Việt Nam mới có thể “gặp” châu Âu!

Theo SGTT

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*