Lê Vũ Long

982-along1-238x300

“Tôi đã tìm thấy hạnh phúc ngay từ công việc”

Đứng tên đạo diễn chương trình Davines hair show 2010 với chủ đề “Rất xa, Thật gần” (Ngày 31/7/2010- tại A3 Triển lãm Giảng Võ), Lê Vũ Long có 2 tháng để chuẩn bị sau thành công của vở múa “Ký ức thở dài”. Lần này, với một chương trình thời trang tóc, Lê Vũ Long muốn đưa ra một tác phẩm mà ở đó, thời trang tóc cũng là một nghệ thuật, cân bằng với những bộ môn nghệ thuật khác để cùng kể một câu chuyện Hà Nội- của những người Hà Nội bằng một tình yêu Hà Nội.

100% là tình yêu

  • Từ vai trò một biên đạo ở Davines hair show 2009 đến đạo diễn trong Davines hair show 2010, hẳn là anh có nhu cầu để đứng ở một vai trò khác?

Trước hết phải khẳng định, tôi là người được đào tạo bài bản về sân khấu, trong khi đa phần các đạo diễn sân khấu hiện nay là tay ngang, một số tên tuổi thì đa phần là dân điện ảnh chuyển sang. Còn tôi là người được đào tạo bài bản như vậy thì nhu cầu nâng cấp những gì mọi người đang nhìn thì hoàn toàn không hẳn. Năm trước, tôi đã nhận lời cộng tác với Davines hair show trong vai trò một biên đạo, nhưng thực chất tôi đã làm nhiều công việc của một đạo diễn trong chương trình đó. Năm nay nhà sản xuất có đặt vấn đề yêu cầu từ rất sớm và chúng tôi chia sẻ được những ý tưởng, mục đích với nhau để cùng hướng đến một hiệu quả cuối cùng

  • Anh đã rút được kinh nghiệm gì từ Davines hair show 2009?

Đó là kinh nghiệm về tóc, một thứ đặc thù và khác biệt với các chương trình thời trang khác. Người mẫu đa phần là không chuyên, họ khác với những người mẫu trang phục vì không được đào tạo trước về kiến thức và kỹ năng cần có để trình diễn. 99% người mẫu tham gia chương trình là những người không chuyên như vậy, lần đầu bước lên sân khấu. Lần này, số lượng người mẫu còn nhiều hơn, và nhưng tôi đã có kinh nghiệm để làm việc với họ.

  • Nghệ thuật Múa của Lê Vũ Long sẽ đóng một vai trò gì trong chương trình? Tính tương tác của nó như thế nào với fashion đặc biệt là tóc ?

Tham vọng của kịch bản và cá nhân tôi đặt ra là đưa ra khái niệm đa nghệ thuật không khoảng cách. Nghệ thuật sân khấu mới – tôi không muốn dùng chữ “đương đại”, thể hiện một ranh giới giữa các phạm trù và khái niệm nghệ thuật gần nhưđược xóa nhòa. Trên cùng một sân khấu, bạn có thể vừa được xem điện ảnh, video art, múa, trình diễn, thời trang, âm nhạc, ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt. Trong cùng một tác phẩm, các yếu tố nghệ thuật hòa cùng nhau trở thành một. Tôi muốn đưa ra một khái niệm khác bởi từ trước đến nay từ event cho đến show là hai khái niệm khác nhau và không phải ai cũng biết sự khác biệt đó. Chúng tôi muốn đẩy nó thành một tác phẩm. Tác phẩm khác biệt vói show. Nếu như Show đơn giản là trình diễn và khoe thì Tác phẩm có thể đứng độc lập và có đời sống riêng. Nó mang trong mình tư tưởng và thông điệp muốn truyền tải. Với Davines hair show năm nay, không đơn thuần là chúng tôi muốn khoe mà chúng tôi muốn mang đến một câu chuyện và thông điệp tới công chúng.

Đối với nhiều người, cách làm quen thuộc là mời những người nổi tiếng tham gia chương trình để gây sự chú ý. Tôi không phủ nhận đó là một cách hay nhưng với tôi nó đã cũ vì sự tồn tại nhiều năm nay… Tôi không thích trong chương trình có những độ kênh nhất định giữa chính và phụ, nổi tiếng và không nổi tiếng, chuyên nghiệp và không chuyên… Nó làm xáo trộn và giảm đi tính tổng thể của chương trình. Với tôi bây giờ, suy nghĩ làm sao để có một tác phẩm cuối cùng được trình làng trong đó không có những yếu tố chính phụ ấy.

  • Năm ngoái, tôi thấy anh khá kiệm lời khi nói về chương trình. Nhưng năm nay ở một vị trí quan trọng và tổng thế hơn, xem ra anh kỳ vọng nhiều?

Năm ngoái, lý do tôi không phát biểu nhiều vì… có ít người hỏi tôi thôi. Tất nhiên, thời gian chuẩn bị cho Davines hair show 2009 của tôi hơi ngắn. Chứ bản thân tôi, với truyền thông tôi là người cởi mở, luôn lưu tâm bởi các bạn là những người đem thông tin đến cho những người không có cơ hội đi xem.

  • Vậy mà tôi nghĩ anh khiêm tốn. Khiêm tốn hay Kiêu hãnh thể hiện đúng nhất con người anh?

Không, tôi không khiêm tốn, và cũng chẳng quá kiêu hãnh. Còn con người tôi ư, chắc chắn sẽ tồn tại cả hai. Tôi không thể không kiêu hãnh hay không khiêm tốn. Nhưng vấn đề là vào lúc nào, tùy thuộc vào hoàn cảnh và giao tiếp thôi

  • Vậy trong hoàn cảnh Davines hair show 2010, có bao nhiêu % sự kiêu hãnh của anh trong chương trình này?

Lần này tính cách sẽ không nằm trong 2 khái niệm anh vừa nói. Tôi nghĩ, nội lực thì bao hàm trình độ, gồm những thứ nằm sâu bên trong con người tôi được đưa ra. Câu chuyện của show tôi đưa đến cho người xem lần này là tình yêu với Hà Nội.100% là tình yêu..

982-levulong-ratxathatgan-300x216

Tôi luôn bắt đầu mọi thứ từ một con số 0

  • Nói đến Lê Vũ Long là múa. 15 năm gắn với nó anh có nhớ mình đã có bao nhiêu tác phẩm mang thương hiệu của mình không?

Nói ngay chắc không nhớ. Tôi cũng đều có hồ sơ lưu trữ cho tất cả những công sức mình đã bỏ ra 15 năm qua. Nhưng tôi khẳng định nó không quá nhiều mà chẳng quá ít.

  • Trung bình thời gian đầu tư và tuổi thọ của một vở diễn của anh?

Đây là điều tự hào, bởi tôi là người dám bỏ công sức của mình ra cho một tác phẩm, trước hết là vì chất lượng của tác phẩm chứ không vì một điều gì khác. Năm 2009, tác phẩm gần đây nhất của chúng tôi là Ký ức thở dài được chuẩn bị trong 5 tháng và và ngày nào tôi cũng lao động 8 tiếng. Trung bình một tác phẩm múa như vậy tôi cố gắng duy trì được sức sống trong vòng 4 năm biểu diễn trong và ngoài nước

  • Giới nghệ sĩ thường nói với nhau “Có giỏi thì làm đi”. Chỉ có công việc mới tự chứng minh được lời nói. Vậy sau những thở than nghề nghiệp ấy anh đã phải làm gì để tự thân thay đổi vận mệnh múa của riêng mình?

Làm việc đối với tôi là một nhu cầu, giống như việc hít thở vậy. Đối với một số người đó là nhu cầu để nổi tiếng, giàu có… điều này cũng chính đáng. Nhưng đối với tôi, đó là nhu cầu để được trưởng thành, được học thêm cái gì đó. Đó là hạnh phúc, tôi đã tìm thấy trong công việc

  • Anh có đoàn múa riêng, có con đường riêng… mọi thứ đã rõ. Vậy tham vọng nghề nghiệp của riêng anh là gì?

Cá nhân tôi, được chia sẻ đã là một hạnh phúc lớn lao nhất rồi. Được chia sẻ những câu chuyện tình cảm, suy nghĩ với những nghệ sĩ làm việc cùng và được họ chia sẻ ngược lại qua công việc. Đến với công chúng thông qua tác phẩm thì quá hạnh phúc và sung sướng. Tham vọng trong công việc thì không có theo cách tôi hiểu. Nhưng mong muốn thì có, với những ao ước giá như có điều kiện tốt hơn nữa, giá như có nhiều những người bạn sát cánh hơn nữa… thì công việc chắc chắn còn tiến xa, tác phẩm còn tốt hơn nhiều. Nhưng nhìn ngược lại những ao ước kia, tôi làm càng tự hào. Có thế đấy mà mình vẫn làm việc đều, không nghỉ. Đáng tự hào lắm chứ.

  • Với những người bạn khiếm thính của đoàn múa Nơi đến, anh duy trì niềm tin cho các diễn viên múa của mình bằng điều gì?

Tôi thích làm việc khó, không thích việc dễ. Tôi biết quỹ thời gian của mình còn bao nhiêu để làm việc , theo cái kiểu: “Nếu ta còn 24 tiếng nữa sẽ chết” vậy. Nếu chỉ còn 24 tiếng, chắc chắn tôi sẽ biết cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất, không điên loạn và thật bình tĩnh để làm được nhiều việc nhất… Khi tôi biết trong tay tôi có những con người không qua trường lớp, chưa từng làm quen với nghệ thuật trước đó, tôi phải tìm một cách làm việc riêng với họ để đi đến một cái đích chung. Đây là một điều thú vị, đôi khi không biết trước được kết quả, nhưng thực tế thì cả chúng tôi đều trưởng thành qua từng vở diễn. Mỗi vở diễn đã mang trong đó một hệ thống và giáo trình riêng cho múa … Hiện nay tôi có hơn 10 tác phẩm thì đó là hơn 10 tiếng nói, câu chuyện, mùi vị khác nhau. Phương pháp làm việc tiếp cận, chia sẻ và để đến được tác phẩm tạo ra nó cũng hoàn toàn khác nhau. Thú vị nhất là sự không lặp lại. Tôi luôn bắt đầu mọi thứ từ một con số 0. Một đoàn diễn ư, một sự nghiệp hay một con đường ư… cũng đều bắt đầu từ một thứ chẳng ai biết đến cả.

982-090910115146-770-438

Lê Vũ Long vai Thắng và diễn viên Lệ Hằng vai Hoài 'Thát-chơ

Để nổi tiếng ở Việt Nam dễ dàng quá!

  • Nếu không có múa liệu anh sẽ là người như thế nào?

Không, tôi chưa bao giờ tự hỏi như thế, bởi tôi tự hào về những gì mình đã làm. Nếu như điện ảnh dùng phương tiện truyền tải là phim ảnh, băng từ, Họa sĩ dùng giấy vải, màu sắc, Văn chương dùng chữ nghĩa … thì với Múa, chúng tôi dùng chính cơ thể tươi sống của mình để trò chuyện, không vay mượn nhờ vả nguyên vật liệu. Cơ thể chính là một phương tiện truyền tải để giao tiếp tuyệt vời nhất

  • Còn điện ảnh và truyền hình thì sao. Anh đã đến với nó ngọt ngào và suôn sẻ lắm mà

Vì nó chán. Anh nói suôn sẻ với tư duy tôi sẽ trở thành cái gì đó. Trở thành cái gì đó ở Việt Nam vô cùng dễ nhưng nó rẻ tiền. Tất cả mọi người đều nhìn thấy điều đó, sẽ chết yểu rất nhanh nếu như không có giá trị gì cả. Người tự trọng là người nghĩ mình sẽ làm gì và nên làm hay không, chứ đâu thể lao vào làm không suy nghĩ được.

  • Hóa ra anh không thích sự nổi tiếng phù phiếm?

Sẽ thật đáng trân trọng nếu nổi tiếng đi lên bằng những nỗ lực lao động thực thụ. Nhưng bây giờ, những cô hotgirl nổi tiếng dễ dàng lắm, chỉ cần có ngực to, diễn vài ba thứ vô hồn… rồi lên báo là nổi tiếng. Mọi thứ thô sơ và dễ dãi quá…

  • Vậy ngay từ khi anh còn trẻ, anh cũng đã không thích mình nổi tiếng như một tài tử à?

Không, tôi muốn dành thời gian cho việc tiếp nhận kiến thức, tiêu hóa nó nữa chứ không đơn giản là ăn nó. Tại sao lại phải cuống lên khi trong lòng rỗng tuếch. Tôi cũng không thể làm nghệ thuật nếu không mang trong mình sức nặng. Việc dừng lại để nạp và chuyển hóa kiến thức vô cùng cần thiết nhưng khống mấy người hiểu. Cứ hốt hoảng, bối rối và cuống lên sẽ chẳng làm đựoc gì cả.

Nổi tiếng và lời khen thực tế là một con dao 2 lưỡi. Đôi khi nó làm chậm chậm tiến trình lao động của chúng ta. Lùi lại một tí, chọn điểm dừng, và làm trong sạch mình để làm một cái mới. Đó cách làm chuyên nghiệp.

  • Vậy bố anh – diễn viên nổi tiếng Dũng Nhi là tấm gương, hay là một đối chứng phản nghệ thuật của anh?

Tôi ít khi đánh giá ai làm gì. Không hẳn tôi đấu tranh, bởi đó là việc của những người làm cách mạng. Tôi cũng chẳng có ý thức lật đổ cái này để đưa ra cái kia. Làm nghệ thuật chân chính không có nghĩa là lật đổ cái gì cả. Có nhiều cách, nhiều hướng tiếp cận vấn đề để làm việc lý thú và thông minh. Tôi không muốn dẫm lên ai để nói về mình hết. Trong gia đình, không chỉ có bố mẹ tôi mà cả bà nội tôi, các cô chú cũng là nghệ sĩ, tạo thành một gia đình 3 thế hệ làm nghệ thuật. Nhưng nguyên tắc của gia đình là không bàn về nghệ thuật trong nhà và tôn trọng cá nhân. Mọi người trong gia đình ít chia sẻ về công việc vì làm nghệ thuật vốn đã nặng nhọc lắm rồi, không thể để gia đình thành chiến trường.

  • Nhưng chẳng lẽ không có một chút suy nghĩ nào về việc Cha truyền con nối để lưu luyến với điện ảnh sao?

Tôi làm điện ảnh cũng không ít đâu, nếu tính phim truyện nhựa và vai chính chắc cũng nhiều đấy chứ. Nhưng phải nói cho rõ về điện ảnh với anh thế này. Thứ nhất, rốt cuộc là đạo diễn người ta có muốn mời tôi không cái đã. Thứ hai, khi họ chú ý đến tôi rồi, liệu tôi có cảm được vai diễn không. Có nhiều phim mà tôi không cảm được thì tôi không làm. Và ngược lại, nếu hay tôi vẫn có thể bỏ hết để làm bằng được. Phải có 2 phía, chứ tôi không thể gào lên “làm phim đi” là có phim để làm. Nói thực, tôi không thể để phí phạm thời gian, vì còn khối thứ hay hơn để làm mà.

  • Tạo sao người ta đánh giá anh rất cao và kỳ vọng ở anh cũng nhiều trong điện ảnh mà anh lại đi ngược với nó?

Tôi đâu có đi ngược lại? Nhưng một năm chúng ta có bao nhiêu phim, bao nhiêu kịch bản tốt, bao nhiêu cái đáng được quan tâm. Tôi tôn trọng tất cả các dòng, coi tất cả đều là nghệ thuật dù nó là giải trí hay thị trường. Tôi không phản đối, nhưng tôi không tham gia vì dạng phim đó tôi không cảm được.

982-dep-fashion-show-9-thach-thuc-cac-nha-thiet-ke-3

Biết lấy vợ hay thế thì tôi còn lấy sớm hơn

  • Vậy những sở thích thường nhất của anh với đời sống, không phải là nghệ thuật nặng nhọc?

Nhiều thứ lắm. Hút một điếu thuốc, nhìm ngắm một cái cây, con cá… Đó là thái độ với cuộc sống của tôi. Người yêu cuộc sống thì mỗi việc làm đều có ý nghĩa. Nếu có tình yêu giành cho nó thì không cái điều gì là không hay ho cả.

  • Anh thành người đàn ông của gia đình quá sớm có vất vả và mất đi nhiều khát vọng không?

Không, có vợ hay lắm. Tôi mà biết lấy vợ hay thế thì tôi còn lấy sớm hơn nữa chứ. Ai mà chưa lấy vợ, chắc tôi nghĩ họ chưa hiểu và nếm mùi đó thôi.

  • Anh nói thế, phải chăng vì anh lấy vợ cùng nghề nên dễ có đồng cảm hơn?

Đúng, vợ tôi cùng nghề và chia sẻ nhiều cho tôi những áp lực công việc và cuộc sống. Nhưng phải nói thế này, may mắn là tôi có một cô vợ hay. Vợ tôi hay lắm.

  • Hay thế thì anh có còn thời gian một mình không?

Nhiều. Tôi một mình – bên vợ, một mình – bên hai con, một mình với gia đình tôi.

  • Công tử ngày nào giờ một vợ hai con. Phong độ và sự hào hoa ngày nào còn bao nhiêu khi anh tự nhìn lại mình?

Tôi vẫn vậy. Tôi thấy tôi chưa bao giờ hào hoa. Có người xem phim và cứ nghĩ tôi là công tử. Nhưng trong mắt người khác tôi là công chức. Và trong mắt nhiều người khác nữa nữa, tôi là công nhân.

Bạch Vân (thực hiện)

Bài phỏng vấn cho Nhân vật ảnh bìa báo Thể thao văn hóa đàn ông ra ngày 26-7-2010

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*