“Diễn viên ‘Carmen Hà Nội’ đã cố gắng rất nhiều”

Dù nhận được nhiều nhận xét trái chiều của dư luận và giới chuyên môn trong lần ra mắt vào tháng 5/2011, Carmen Hà Nội – vở opera đương đại được phóng tác từ Carmen kinh điển của Bizet do NH Nhạc Vũ Kịch VN và đạo diễn Thụy Điển hợp tác dàn dựng – sẽ vẫn được tái diễn vào tháng 9/2011 tại Nhà hát Lớn.

2959-phamnhhphuong

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với NSND Phạm Anh Phương – GĐ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, đồng thời là đạo diễn nghệ thuật của chương trình.

* Sau những lời khen dành cho Carmen Hà Nội cũng như những đóng góp của khán giả, với vai trò là đạo diễn nghệ thuật của chương trình, ông có thể cho biết ý kiến của mình?

– Khen chê là quyền của khán giả nhưng chỉ nên nhìn ở một góc độ nào đó thôi. Còn bản thân diễn viên, họ cũng đã cố gắng rất nhiều. Với thù lao nghệ thuật cũng chỉ có 20.000 đồng/ buổi, để thực hiện vở diễn này, các diễn viên của chúng tôi phải học ngôn ngữ bản gốc từ cách đây 7 – 8 tháng. Vì thế, thiếu sót xảy ra là điều khó tránh khỏi. Với mục đích là để duy trì, phát triển nghệ thuật opera ở Việt Nam cũng như giới thiệu những tác phẩm kịch mục nổi tiếng thế giới đến công chúng để họ hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này, nên chúng tôi không xây dựng vở chỉ để diễn một lần mà sẽ diễn nhiều lần. Vì thế, những gì trong đêm ra mắt lần đầu chưa hoàn thiện thì sẽ được hoàn thiện dần qua từng đợt diễn sau này.

* Để opera đến gần với người xem, nhất là ở trong điều kiện như Việt Nam, với sự hợp tác của các đạo diễn nước ngoài, ông đã có những phương án gì để thực hiện tốt mục tiêu này?

– Opera ở Việt Nam đang gượng sức mình. Ở Việt Nam, có lẽ chúng ta không chỉ có lỗ hổng ở khâu diễn viên mà ngay đến một đạo diễn opera thực sự cũng chưa có. Trước đây, một số người được cử đi học ở nước ngoài, nhưng từng dự án được thực hiện đều có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Nếu không, nhiều khi chúng ta còn phải mời đạo diễn kịch như anh Lê Hùng sang dàn dựng. Diễn viên chỉ được học thanh nhạc ở thể loại thính phòng, chưa phải là opera. Vì còn thiếu những kỹ năng như hành động sân khấu, múa, vũ đạo… Thiết kế sân khấu, cũng chỉ có một vài người làm được. Nguồn lực của chúng ta chỉ đáp ứng được với những chương trình nhỏ.

Trong những năm qua, NH Nhạc Vũ Kịch VN đã kết hợp được với các chuyên gia đến từ Nga, Pháp, Đức và gần đây nhất là Thụy Điển (hỗ trợ trong dự án 5 năm Phát triển văn hóa Việt Nam bền vững). Sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài như vậy không chỉ tạo dựng được những tác phẩm mà còn như một động lực để các nghệ sĩ, diễn viên trong nhà hát hoạt động thành guồng. Trước đây, nếu mỗi lần sang Việt Nam, các chuyên gia thường đi theo ê-kíp từ nhạc trưởng, phụ trách ánh sáng đến chuyên gia trang phục để mình học hỏi được từng khâu, từng bộ phận trong cả một quy trình sáng tạo nghệ thuật thì dần dần, chỉ còn lại đạo diễn và thiết kế sân khấu. Hay trước đây, thường có solist kết hợp giữa Việt Nam và nước ngoài nhưng sau đó người Việt hoàn toàn làm chủ sân khấu. Nói như vậy là để thấy đội ngũ nghệ sĩ của chúng ta sau những lần hợp tác quốc tế đó, đã trưởng thành lên rất nhiều. Năng lực của mình được học hỏi, đào luyện và nâng cao.

* Có khán giả cho rằng, nếu ai đã thích opera chính thống thì dù có “Việt hóa”, và “hóa” thế nào thì họ cũng không xem…

– Với mong muốn phát triển nghệ thuật bác học cũng như phát huy sự sáng tạo của nghệ sĩ nên khi dựng vở này, đạo diễn đã chuyển hóa từ cốt truyện, phóng tác thêm để người xem cảm thấy hình như câu chuyện gần gũi chứ không phải lấy nguyên xi bản gốc đã có cách đây hàng trăm năm. Từng chi tiết đóng góp cho vở diễn có sự gắn bó với đời sống của người Hà Nội hôm nay. Điều này, đã được khán giả đón nhận một cách tích cực và chúng tôi thấy đây cũng là hướng đi hợp với xu hướng, thẩm mỹ của người đương thời.

Châu Âu những năm cuối của thế kỉ trước, opera kinh điển cũng đã chịu ảnh hưởng của những loại hình nghệ thuật phổ thông khác như pop, rock. Từ cổ điển đến hiện đại, đó là quy luật phát triển chung của tất cả các loại hình nghệ thuật khác chứ không riêng gì opera. Đó thực sự là một bài toán khó. Còn khán giả họ có quyền xem, chê, khen nhưng sự thay đổi của nghệ thuật luôn là để đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc sống.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ngọc Minh (thực hiện)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*