“Chiếc giày biết múa.Chiếc giày biết khóc, chiếc giày biết cười. Chiếc giày mang hơi thở, niềm tin, ước mơ và khát khao cháy bỏng. Chiếc giày kể chuyện…Chuyện về những con người đam mê nghệ thuật múa. Chuyện về những diễn viên múa với nhiệt huyết và lòng kiên trì bền bỉ. Chuyện về những diễn viên múa với những cống hiến âm thầm, những hy sinh thầm lặng để nuôi dưỡng ước mơ, để chắp cánh cho hy vọng và để mãi mãi một tình yêu múa…“Chuyện kể những chiếc giày” tôn vinh người diễn viên trên sàn diễn, dưới ánh đèn sân khấu, trong luyện tập khó khăn vất vả và trong cả những lo toan đời thường, những bộn bề cuộc sống.“Chuyện kể những chiếc giày” đi qua những đam mê rất thật và những cuộc đời rất thật, để thấy, để hiểu, để cảm thông, để chia sẻ… cho niềm tin ấy, cho khát khao ấy thăng hoa”
(Trích đoạn giới thiệu trong cuốn prochure của tác phẩm “Chuyện kể những chiếc giày“)
Có thể nói, với nghệ thuật múa, mình là một kẻ ngoại đạo. Kẻ chỉ biết xem múa qua những trích đoạn ballet trong chương trình biểu diễn của nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP.HCM từ thưở còn học phổ thông và bắt đầu yêu thích văn học nghệ thuật. Kẻ chỉ học múa với những bài tập khởi động và những động tác, tổ hợp cơ bản nhất của ballet, dân gian, jazz… như một môn học phụ trợ trong chương trình đào tạo đạo diễn sân khấu của trường CĐVHNT. Thế nhưng mình là một kẻ may mắn, bởi mình đã được học một người thầy có đủ nhiệt huyết và niềm đam mê với nghệ thuật múa để có thể truyền lại cho những lứa học trò của mình những xúc cảm và rung động khi đến với múa.
Mình còn nhớ rất rõ ngày hôm đó, ngày đầu tiên lớp đạo diễn SKK7 học môn múa, ai nấy cũng bất ngờ khi nhìn thấy “ông thầy giáo” dạy múa trẻ măng bước vào lớp, bất ngờ khi điều đầu tiên thầy làm là kêu cả lớp ngồi lại thành vòng tròn và hỏi mọi người biết gì về múa và có thích múa hay không. Và ngày hôm đó, câu trả lời của mình là, mình có biết đến múa qua những chương trình múa được xem ở nhà hát thành phố, chủ yếu là múa ballet, nhưng mình chưa từng nghĩ mình sẽ học múa và mình không thích múa. Vậy đó, lần đầu gặp mặt và câu đầu tiên nói với thầy dạy múa là vậy đó! Và mình cũng nhớ rất rõ câu của thầy nói với tụi mình về nghệ thuật múa, trả lời cho câu hỏi đầu tiên: múa là gì? “Múa là sự chuyển động hay đứng yên của cơ thể với một cảm xúc nào đó“. Và câu nói đó đã in sâu vào trí nhớ của mình, mở cho mình cánh cửa đầu tiên để thật sự khám phá nghệ thuật múa. Chỉ là những bài tập cơ bản và đơn giản nhất, nhưng cũng đủ cho cơ thể trải qua cái cảm giác đau nhức ê ẩm, để rồi cảm nhận sự thay đổi của cả cơ thể lẫn tinh thần của chính mình. Dù thời gia học múa thật sự rất ít ỏi, nhưng múa đã đem lại cho mình những khám phá rất mới mẻ về bản thân mình và những xúc cảm rất chân thật đối với loại hình nghệ thuật này.
Lâu lắm rồi mình mới lại bước chân vào nhà hát lớn thành phố để xem một chương trình múa. Và đêm nay, “Chuyện kể những chiếc giày” đã đem lại cho mình rất nhiều những cung bậc cảm xúc và hoài niệm. “Chuyện kể những chiếc giày” hội đủ những yếu tố để mình được chiêm ngưỡng và cảm thụ nghệ thuật múa một cách tổng quan nhất, mình được thấy những diễn viên tập những động tác khởi động cơ bản nhất trong phòng tập, mình được xem diễn viên múa “qươ” gì trên sân khấu của tiệc cưới hay minh họa cho bài hát của một ca sĩ, mình được xem những tổ hợp múa, những bài múa đơn, đôi, tam, tứ, ngũ và tập thể với các thể loại của nghệ thuật múa như ballet, hiphop, tap dance, jazz, modern, contemporary…
Về hình thức “Chuyện kể những chiếc giày” với sự hòa quyện giữa hiệu quả âm thanh của nghệ thuật âm nhạc, ngôn ngữ cơ thể tuyệt đẹp của nghệ thuật múa, hiệu quả hình ảnh đầy chất điện ảnh và nghệ thuật xử lý ánh sáng rất chi tiết, đem đến cho mình sự cảm thụ thoải mái và dễ chịu nhất, đủ để đánh thức những cảm xúc và rung động, và hơn thế đủ để gợi lên trong mình những suy tư về nội dung của tác phẩm. Sự đồng cảm của người nghệ sĩ với niềm khát khao và đam mê mãnh liệt đối với loại hình nghệ thuật mà mình theo đuổi là không có biên giới…
Một người khán giả bình thường có thể có những cảm nhận của riêng mình, những điều hài lòng và những điều còn vướng mắc sau khi xem xong tác phẩm. Với mình thì… mình thật sự thán phục công sức và những nỗ lực của tập thể sản xuất, sáng tạo, diễn viên, nhân viên của Arabesque để có thể trình làng tác phẩm với khán giả lần thứ 3. Chưa có một công ty tư nhân hay một nhóm múa nào ở Sài Gòn dám đứng ra tự tổ chức sản xuất một tác phẩm múa chuyên nghiệp một cách hoàn toàn độc lập. Arabesque đã làm được điều đó.
Dù mình chỉ có cơ hội chứng kiến hai tiếng ngắn ngủi trong tổng thời gian gần 48 tiếng đồng hồ chuẩn bị về sân khấu và ánh sáng cho đêm diễn, mình cũng đủ cảm nhận được áp lực và khối lượng công việc mà đạo diễn Tấn Lộc cùng tổ hậu đài, nhân viên âm thanh ánh sáng của nhà hát lớn thành phố đã vượt qua. Và cuối cùng, họ đã đem đến được cho khán giả hơn 2 tiếng đồng hồ thưởng thức một “Chuyện kể những chiếc giày” hoàn chỉnh và hấp dẫn. Mình muốn cảm ơn đạo diễn Tấn Lộc, những biên đạo, những diễn viên và những con người không tên khác đã cùng tạo nên sức sống cho tác phẩm múa “Chuyện kể những chiêc giày” trong đêm diễn hôm nay!Và mình lại xin dành phần kết của ghi chép này cho hai câu đề của hai người đã góp mặt trong “Chuyện kể những chiếc giày” và đã được vang lên trong một khoảnh khắc của chương trình bằng rất nhiều thứ ngôn ngữ như một lời chia sẻ chân thành nhất: “Được sống và làm cái nghề mà mình yêu thích là một điều may mắn và hạnh phúc” (Ta Thùy Chi) , “Có những điều không thể diễn tả bằng lời nói mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim” (Ngô Thụy Tố Như).
Bài viết này trên mình viết sau khi xem Chuyện kể những chiếc giày năm ngoái 2010 – lean3181
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind