NSND Nguyễn Công Nhạc: Thôi đành “rửa tay gác kiếm”

598-19-ns105

NSND Nguyễn Công Nhạc
có vóc người gầy gò bé nhỏ và nụ cười cởi mở, hồn nhiên. Ông thuộc lớp nghệ sĩ múa balê đầu tiên của Việt Nam với 7 năm học trong nước và 7 năm tu nghiệp ở nước ngoài.

Là thầy dạy của nhiều thế hệ nghệ sĩ múa, NSND Nguyễn Công Nhạc thành công trong vai trò biên đạo múa với nhiều vở diễn nổi tiếng một thời như “Bài ca chim ưng”, “Tranh tứ bình”, “Tiếng trống Xô Viết”, “Bên dòng Lô năm xưa”, “Ngôi sao Đồng Lộc”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Huyền thoại mẹ”, “Trương Chi”… Tâm sự với phóng viên, NSND Nguyễn Công Nhạc nói đầy ngậm ngùi: “Thôi đành rửa tay, gác kiếm”!Thưa NSND Nguyễn Công Nhạc, vở balê “Kiều” lỡ hẹn khán giả dù công tác khởi động, khuấy động sự quan tâm của báo chí và dư luận được làm khá tốt. Có vẻ ông là người buồn hơn cả?+ Buồn chứ. Bởi trước khi công bố với báo chí, tôi đã có tới 7 năm nghiền ngẫm ý tưởng về một vở balê mang đậm tinh thần Việt Nam. Êkíp làm việc gồm tôi, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và biên đạo múa Nguyễn Việt đã nhiều lần làm việc với nhau, nhưng cuối cùng không thành bởi vẫn là câu hỏi muôn thuở: “Tiền ở đâu ra?”. Phải cần đến ít nhất 3 tỉ đồng thì mới có thể nói tới dựng balê “Kiều”, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đi vận động tài trợ khó quá, không có Mạnh Thường Quân nào chịu đầu tư một khoản tiền lớn như vậy cho bộ môn nghệ thuật kén khán giả như balê. Sau đó tôi lại về hưu, dự án thành ra dang dở mà đến giờ, mỗi lần nhắc đến, tôi vẫn còn luyến tiếc. Chắc là phải đợi đến một giai đoạn nào đó, khi mọi hình thức giải trí đã trở nên bão hòa, khán giả có nhu cầu tìm đến loại hình nghệ thuật khác thì balê “Kiều” mới có cơ hội lên sân khấu.– Đi trọn con đường với nghệ thuật múa balê, điều gì ở bộ môn nghệ thuật này khiến ông thấm thía nhất?+ Cũng giống như nghệ thuật xiếc và võ thuật, múa là một nghề vất vả, nặng nhọc vì phải dùng chính cơ thể mình làm ngôn ngữ, phải “trả giá” bằng chính cơ thể mình. Với múa, người nghệ sĩ phải rèn luyện liên tục với cường độ cao, thể lực tốt để có thể thực hiện những động tác khó cơ bản như quay, nhảy, bê, đỡ. Cần phải trí tuệ, sáng tạo và đặc biệt là phải cảm nhận âm nhạc rất tốt. Nếu chỉ là múa dân gian, dân tộc thì nhẹ nhàng, chứ múa balê là phải đạt “chuẩn”, đến độ có thể diễn cùng với các diễn viên quốc tế và làm việc với chuyên gia nước ngoài.– Sau khi học 7 năm ở Nga về, ông lại chuyển qua làm công tác giảng dạy và biên đạo chứ không trở thành nghệ sĩ biểu diễn. Sự “trả giá” mà ông vừa nói ở trên, có phải được ông cảm nhận qua các thế hệ học trò của mình?+ Là huấn luyện viên tôi phải vào cuộc, phải dấn thân không khác gì một diễn viên. Chỉ có điều là mình làm mẫu, chỉ không lên trình diễn trên sân khấu thôi. Học trò của tôi có những người thành danh như NSND Anh Phương nay nối tiếp tôi gánh vác trọng trách Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, NSƯT Lê Vân… nhưng có những người tên tuổi vẫn chìm lấp, có những người chật vật trụ lại và những người bỏ nghề. Tôi âm thầm chứng kiến tất cả và luôn động viên các thế hệ học trò, phát hiện, chăm chút, khích lệ các em vươn lên khẳng định mình. Chỉ có điều, giờ đây nhiều gia đình không muốn cho con em mình đi học múa vì họ sợ nghèo, sợ khổ. Chứ không giống như thế hệ tôi ngày xưa. Bố mẹ tôi là nông dân, 12 tuổi tôi được các thầy tuyển vào học múa, được nhà nước nuôi là rất vinh dự, sung sướng. Với balê, tôi cũng đã nếm đủ niềm vui, nỗi buồn, vinh quang và cay đắng.– Nghe nói, có những khi ông nản lòng đến mức muốn bỏ nghề múa. Điều gì đã níu giữ ông ở lại với nghề cho đến khi nghỉ hưu?+ Những năm 1990-1993 là thời điểm tôi nản lòng thật sự, muốn bỏ nhà hát ra ngoài làm việc gì đó kiếm sống. Đó là giai đoạn sau Đổi mới, nghệ thuật múa bị rơi vào khủng hoảng, thoái trào. Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từ hơn 200 người chỉ còn lại hơn 90 người. Nhưng cuối cùng vẫn không bỏ được. Bởi vì số học trò mà mình dạy sau này phần lớn về nhà hát cống hiến, nếu mình bỏ nghề là “lừa dối” chúng nó, là “đem con bỏ chợ”. Sau này, nhà hát cũng được quan tâm hơn, NSND Trung Kiên lúc đó là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao kiêm nhiệm làm Giám đốc Nhà hát để xốc lại đội ngũ, dần dần Nhà hát được khôi phục lại và có sức sống đến ngày hôm nay. Có lẽ, điều níu giữ tôi ở lại với nghề múa lúc đó chỉ có thể là lòng tự trọng trước học trò mà thôi.– Lập gia đình ở cái tuổi xấp xỉ “ngũ thập tri thiên mệnh”, phải chăng quá mải mê với múa mà ông quên mất việc… lấy vợ?+ Không, tôi cho rằng việc lấy vợ lấy chồng đều là do duyên số. 47 tuổi mới đến duyên, tự nhiên thấy hợp là lấy thôi chứ có phải quên hay kén chọn gì đâu.– Trở thành Phó giám đốc, rồi Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đúng vào giai đoạn khó khăn nhất, chắc hẳn ngày đó ông phải đối diện với nhiều áp lực?+ Tôi luôn cảm thấy đôi vai mình trĩu nặng với những câu hỏi “Làm cách nào bây giờ?”. Nhưng rồi cứ âm thầm lặng lẽ, tôi mời chuyên gia nước ngoài về, rồi cử người đi học, dần dần phục hồi lại những vở diễn đã làm nên tên tuổi của Nhà hát như “Rômêô và Juliet”, “Hồ Thiên Nga”, “Dòng Đa Nuýp xanh”, “Kẹp hạt dẻ”… Đã có lúc người ta nói với tôi rằng: “Đừng biến Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam thành sân chơi của người nước ngoài…”, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Đến năm 1997, khi tôi lên làm Giám đốc thì về cơ bản Nhà hát đã hồi sinh, từ đó còn gây được ấn tượng với nhiều tiết mục múa đương đại và đến nay đã xuất hiện một thế hệ biên đạo trẻ tài năng như Anh Phương, Thu Hà, Kiều Lê. Đến khi nghỉ hưu, tôi rất vui bởi vì những gì làm được thì tôi đã làm rồi, không còn ân hận gì nữa. Giờ tôi chỉ chuyên tâm làm công tác giảng dạy 3 lớp biên đạo ở Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Trường đại học Sân khấu Điện ảnh.– Về hưu rồi, không mất nhiều thời gian cho công việc hành chính nhưng không thấy ông sáng tác gì thêm?+ Sau sự thất bại của dự án balê “Kiều”, tôi tự nhận thấy mình không có gì mới cả. Thẳng thắn hơn thì là tự thấy mình quá cũ, vì thế tôi không làm nữa. Thôi đành “rửa tay gác kiếm”, nhường sân chơi cho các bạn trẻ. Tôi chỉ còn một ấp ủ là làm sao tạo dựng được một thế hệ biên đạo trẻ xông xáo, xả thân với nghề và hy vọng cùng các em làm được cái gì đó mới cho nghệ thuật múa. Thú thực thì tôi vẫn nghĩ, vẫn đắm đuối về “Kiều” lắm!– Tôi băn khoăn, không biết điều đặc biệt nào ở balê “Kiều” còn khiến một nghệ sĩ đã quyết “rửa tay gác kiếm” như ông trăn trở nhiều thế?+ Có một thực tế là, từ xưa đến nay múa balê vẫn bị xem là… đứa con lai, vẫn phải hứng chịu nhiều cái nhìn khắt khe. Vì thế, tôi luôn ấp ủ sáng tạo ra những tác phẩm balê mang màu sắc Việt Nam. Sở dĩ tôi luyến tiếc “Kiều” vì nó có thể cho tôi được bộc lộ mình, có cơ hội làm mới mình. Balê “Kiều” sẽ không kể lại “Truyện Kiều”, không minh họa “Truyện Kiều” vì ai cũng biết rồi. Tôi muốn trên sân khấu balê, chính tác giả Nguyễn Du trở thành một nhân vật chính xuất hiện như một nhà chỉ huy, tận mắt chứng kiến những vui sướng và đau khổ của các nhân vật của mình. Cũng như người đọc mấy trăm năm qua hiểu và chia sẻ với Kiều, tôi cũng muốn lý giải vì sao “Truyện Kiều” sống mãi trong tinh thần dân tộc. Chỉ có điều là phải diễn đạt bằng một ngôn ngữ hoàn toàn khác mà thôi.– Ông có thấy rằng ở nước ta hiện nay, nghệ thuật múa đang bị lạm dụng quá mức và múa minh họa hiện có khi còn bị xem là một cái… họa cho nghệ thuật múa truyền thống không, thưa ông?+ Múa minh họa cũng là một loại hình và nó là nhu cầu thực tế của đời sống, chỉ có điều nó bị sa đà vào các yếu tố nước ngoài mà người ta học từ các băng đĩa trôi nổi nên thiếu sự trau chuốt, tìm tòi đích thực. Múa đương đại cũng là một dòng nhưng sự phát triển của nó không có nghĩa là làm hỏng balê, múa dân gian dân tộc. Song, có một thực tế là múa minh họa cho các lễ hội lớn, các show quảng bá du lịch… đang làm khán giả hiểu sai về nghệ thuật múa. Đúng là một cái… họa đấy!– Ông nghĩ sao nếu đến Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, người ta lại dùng những màn múa tập thể đơn điệu và tốn kém để… chào mừng?+ Chắc chắn chuyện đó lại tái diễn thôi. Bởi vì lại hỏi câu hỏi ngược lại rằng: “Nếu không múa thì biết làm gì?”. Theo tôi, cần phải đầu tư cho các tác phẩm lớn, chứ đừng cứ mít tinh rồi lại minh họa bằng múa, mô tả bằng múa. Hình thức này đã trở nên quá nhàm chán và không cần thiết.Xin cảm ơn NSND Nguyễn Công Nhạc!

598-reddot

Việt Hà (thực hiện)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*