Về thăm nhà nhân kỳ nghỉ hè sau một năm học biên đạo múa ở Bắc Kinh, Thùy Chi bảo mình như cá gặp nước vì được múa và… ăn
Kết thúc vở múa Chuyện kể những chiếc giày tại Nhà hát Thành phố vào tối 3-8, các diễn viên từ trên sân khấu bước xuống khán phòng. Nhận được lời cảm ơn của khán giả vì vừa đem đến những cảm xúc quá tuyệt vời, Thùy Chi và đồng nghiệp sung sướng lắm. Sau khi chụp ảnh cùng khán giả, có ba người lặng lẽ đứng chờ một góc để chúc mừng cô diễn viên múa này. Đó là bố, NSND Tạ Bôn; mẹ, Nhà giáo Nhân dân Kim Dung và anh trai, nghệ sĩ violon Tạ Tôn, của Thùy Chi .
Cùng với những gì vừa xem trên sân khấu, hình ảnh đẹp về một gia đình nghệ sĩ ấy làm nhiều khán giả xúc động.
Tôi hẹn gặp Thùy Chi tại một quầy cà phê gần Trường Múa thành phố. Cô đến sớm và nhắn tin cho tôi: “Em đến rồi. Hôm nay tập xong sớm. Anh lái xe cẩn thận nhé!”
Tin nhắn làm tôi ngạc nhiên vì chưa gặp nhau lần nào nhưng cô đã bày tỏ sự quan tâm như vậy. Tôi mở đầu câu chuyện bằng cấu hỏi liên quan đến tin nhắn ấy. Chi hồn nhiên trả lời: “Vì em thấy đường xá bây giờ đông đúc quá. Em nhắn tin như vậy sợ anh vội mà lái xe bất cẩn…”. Phải chăng Chi là thế, lúc nào cũng hồn nhiên, tận tâm đến bất ngờ.
Gần một năm rồi mới trở lại với vở diễn Chuyện kể những chiếc giày, cảm xúc của Chi ra sao khi vở diễn được khán giả dành cho nhiều cảm tình?
Gần bốn tháng không được diễn trên sân khấu nên những ngày tập đầu tiên, Chi thấy cảm giác thật lạ, chân tay cứ không chịu nghe lời mình, đến nỗi Chi than với các anh chị “Sao em thấy mình múa chán quá!”. Thế nhưng ở những buổi tập kế tiếp, với cốt truyện vốn chân thật và đào sâu vào cuộc sống, niềm đam mê cuả những người diễn viên múa, mỗi lần tập, Chi đều cảm nhận được sự say mê, tình cảm mà tất cả các bạn diễn viên dành cho vở diễn. Nhờ vậy, Chi đã hòa mình với mọi người rất nhanh và tìm lại được những gì mà buổi diễn muốn dành tặng cho mọi người và có những đánh giá cao đối với công sức của tập thể, những người đã làm nên buổi diễn hôm đó.
Một năm học biên đạo múa ở Bắc Kinh. Chị thấy mình đã thu thập được những gì?
Chi mới học được hai học kỳ về múa solo nên chưa thu thập được gì đáng kể. Tuy nhiên, Chi vẫn thích làm diễn viên hơn. Chi thích được hòa mình vào những điệu múa, uốn đôi tay, đôi chân theo tiếng nhạc. Cảm giác đó hạnh phúc vô cùng.
Từ năm 12 tuổi đi học múa ở Trung Quốc, sống tự lập và xa gia đình, có phải thời gian này giúp Chi trở thành người mạnh mẽ?
Ngày ấy, biết mình được đi học, Chi chỉ vui mừng vì được ra nước ngoài thôi. Chi khác với Linh Nga, cô bạn ấy khóc như mưa ngay từ khi nghe tin. Còn Chi, ra sân bay vẫn ôm gấu bông vui cười. Đến khi vào đến phòng cách ly nhận ra mẹ và anh trai không đi theo mới òa khóc, may mà có bố ở bên cạnh. Bố đưa con gái sang Trung Quốc, sắp xếp chỗ ở một tuần rồi về nước, lúc ấy Chi và Linh Nga cứ thỉnh thoảng lại ôm nhau khóc vì nhớ nhà.
Sau này nghe bố kể lại, khi về nhà, đôi lúc bố mẹ giật mình thấy sao dũng cảm để con gái học một mình nơi xứ người. Tuy nhiên, Chi luôn hiểu bố mẹ muốn con gái sẽ tự lập hơn, mạnh mẽ hơn.
Thế nhưng, bao năm rồi Chi vẫn chẳng mạnh mẽ được bao nhiêu. Năm ngoái, sang Bắc Kinh học biên đạo múa, ngay khi đặt chân vào phòng trọ, ngồi soạn đồ đạc mà cứ năm phút Chi khóc một lần. Ba ngày sau, Chi vẫn còn khóc vì nhớ nhà.
Được biết sau sáu năm học trung cấp, Chi đến Thâm Quyến làm diễn viên múa để kiếm tiền đi học tiếp. Sao Chi lại quay về?
Ba năm ấy, với suy nghĩ của một cô gái trẻ, Chi cố gắng đi làm học thêm kinh nghiệm đồng thời để kiếm tiền đi học tiếp Đại học, đơn giản vì nghĩ rằng ở nước ngoài sẽ kiếm được nhiều hơn Việt Nam . Thế nhưng, cuộc sống đắt đỏ nên Chi cũng không dư dả là bao.
Đúng vào thời điểm đó, bố mẹ quyết định khuyên Chi quay về vì thấy không dễ để kiếm tiền học tiếp và cũng lo con gái đi quá lâu sẽ không bắt kịp với cuộc sống trong nước. Đó là bước ngoặt của Chi.
Có bao giờ Chi hối tiếc vì theo nghề múa? Chi có sống được với nghề?
Chi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc mà còn luôn cảm ơn bố mẹ đã cho Chi một cuộc sống với niềm đam mê, một tình yêu với nghề mình theo đuổi. Có nhiều lời mời đóng phim, làm MC, nhưng Chi thấy mình không thực sự hứng thú và tự tin.
Không những vậy, Chi vẫn có thể sống được với nghề múa bằng cách tham gia các chương trình ca nhạc, event hay đi dạy. Với Chi, gặp gỡ đồng nghiệp, khán giả trong nước, ăn những món mình thích và được múa là quá hạnh phúc rồi.
Thường xuyên bị so sánh với Linh Nga, Thùy Chi có cảm thấy khó chịu?
Cả Chi và Linh Nga đều có cảm giác khó chịu mỗi khi bị hỏi như vậy. Thật ra dù hoạt động cùng lĩnh vực nhưng mỗi đứa một con đường riêng, chỉ cần bọn mình vẫn hiểu nhau và cố gắng làm tốt công việc của mình, thế là đủ rồi.
Sau khi tốt nghiệp biên đạo múa chắc Chi sẽ có những kế hoạch “hoành tráng”?
Trước mắt, Chi cố gắng học tốt và tranh thủ biểu diễn khi được về nước chứ chưa dám nghĩ đến chương trình do mình biên đạo.
Được biết người yêu của Chi cũng hoạt động nghệ thuật. Chi có thể bật mí về anh ấy?
Chi không muốn nói nhiều về người yêu, chỉ rất mừng vì anh không phải là một diễn viên múa (cười).
Thông tin:
– Tạ Thùy Chi sinh năm 1986, đến với múa từ lúc 5 tuổi.
– Thùy Chi sẽ xuất hiện trong một tiết mục do biên đạo múa Ngọc Khải từ Hà Lan trở về dàn dựng trong chương trình Giai điệu mùa thu 2010 vào ngày 18-8 tại Nhà hát Thành phố.
– Sau thành công của vở Chuyện kể những chiếc giày, biên đạo múa Tấn Lộc, Ngọc Anh và Ngọc Khải sẽ kết hợp cùng biên đạo múa Ngọc Anh vừa về từ Anh Quốc, dàn dựng chương trình biểu diễn múa Mộc với sự tham gia của Tố Như, Thùy Chi , Ngọc Anh, Ngọc Khải và các thành viên của nhóm múa Arabesque…
Theo TTGD
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind