Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, nhiều người Việt đã ra nước ngoài học tập và tu nghiệp. Họ có cơ hội tiếp cận với những nền văn hóa khác, với những tri thức mới của nhân loại. Nhiều người trong số đó đã trở về và có những đóng góp đáng kể làm thay đổi cuộc sống của người Việt Nam hôm nay; nhưng cũng có không ít người, vì những hoàn cảnh khác nhau đã ở lại nước sở tại hoặc tìm đến các nước thứ 3 để làm việc và tiếp tục học tập, nghiên cứu. Rất nhiều người trong số đó thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau, họ là giáo sư, bác sỹ, các nhà vật lý, thiên văn học, nhà văn, nghệ sỹ v.v. Những thành công và đóng góp của họ không chỉ dừng lại ở lợi ích cá nhân hay một quốc gia, dân tộc. Đó là những đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại.
Trong số này Nhịp Điệu xin giới thiệu một gương mặt trẻ đã có những thành công và đóng góp đáng kể cho nghệ thuật múa Ballet thế giới.
Phạm Minh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1984 anh được nhận học bổng và sang học Ballet tại trường múa quốc gia Kiev (Ukraina). Anh tốt nghiệp năm 1992 và được trường cử đi tham gia cuộc thi Concours International ở Varna. Có thể nói đó là lần đầu tiên anh có cơ hội bước ra thế giới và ngay lập tức ông Robert Berthier, giám đốc đoàn múa « Le Jeune Ballet de France » đã phát hiện ra tài năng của anh và mời anh về làm cho đoàn trong 2 năm. Trong 2 năm đầu đời làm diễn viên của JBF, anh đã có cơ hội làm việc với những biên đạo nổi tiếng của Pháp như : Brumachon, Karine Saporta, Bertrand d’At… thời gian đó đã đem lại cho anh những kinh nghiệm vô cùng quý báu sau này. Phạm Minh là một trong số ít diễn viên múa có được hợp đồng như vậy, bởi ở công ty « Le Jeune Ballet de France » thường mỗi diễn viên chỉ có thể ở lại 1 năm. Sau đó từ 1994 đến nay anh là diễn viên chính của đoàn Ballet du Capitole, đó là một nhà hát rất nổi tiếng ở thành phố Toulouse của Pháp đã có lịch sử hơn 3 thế kỷ. Hiện tại anh mới được bổ nhiệm làm quản lý, huấn luyện và dàn dựng của nhà hát. Anh cũng đã về Việt Nam biểu diễn nhiều lần và dàn dựng hai vở Ballet tại Việt Nam với các diễn viên của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam ; « Mùa xuân thiêng liêng » năm 2006 và « Những người đãng trí » năm 2009. Sau đây là bài phỏng vấn dành cho anh.
PV : Xin chào anh, được biết anh đã nhiều lần về thăm quê hương và trên cương vị nghệ sỹ anh cũng đã có những hoạt động trao đổi với nghệ sỹ trong nước. Anh có thể cho biết chi tiết hơn về những hoạt động đó không?
PM : Lần đầu tiên tôi được về Việt Nam là vào hè năm 2003 qua lời mời của giám đốc VNOB lúc bấy giờ là NSND Công Nhạc. Lần thứ hai là năm 2005, cả hai lần này tôi được mời về như là một diễn viên tham gia biểu diễn cùng các diễn viên VNOB. Sau hai lần hợp tác trên cương vị diễn viên thì ông giám đốc có ngỏ lời mời tôi dàn dựng tác phẩm mới cho nhà hát. Tất nhiên là tôi nhận lời ngay lập tức, bởi đó là điều tôi luôn ấp ủ và mong ước bấy lâu nay.
Tôi đã muốn dựng một tác phẩm múa theo cốt truyện của Nicolas Roerich trên bản nhạc «Mùa xuân thiêng liêng » của Stravinsky từ rất lâu rồi, và khi NSND Công Nhạc đặt vấn đề thì đó là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Tôi và các bạn diễn viên của VNOB đã dựng lên một tác phẩm vô cùng xúc động và hoàn chỉnh, điều đó làm tôi rất hạnh phúc.
PV : Ý tưởng về hai vở diễn anh đã làm việc với nghệ sỹ VNOB xuất phát từ đâu và anh mong muốn truyền tải điều gì qua hai tác phẩm cũng như công việc của mình với nghệ sỹ và công chúng trong nước?
PM : Như tôi đã nói “Mùa xuân thiêng liêng » là tác phẩm tôi đã ấp ủ từ lâu. Trong sự nghiệp diễn viên, tôi đã nhiều lần xem và trực tiếp biểu diễn vở « Mùa xuân thiêng liêng » của các biên đạo khác nhau nhưng lần này, tôi không muốn làm lại một bản giống như thế nữa. Dựa trên cốt truyện của Roerich, tôi biến nó thành câu truyện xảy ra trong một ngôi làng của Việt Nam.
Năm 2008, NSND Phạm Anh Phương (giám đốc mới của VNOB) mời tôi về dàn dựng một tác phẩm mới. Mặc dù rất bận nhưng tôi đã gạt bỏ những công việc khác và nhận lời. NSND Anh Phương để tôi hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn ý tưởng cũng như âm nhạc để dàn dựng tác phẩm mới. Đó là điều vô cùng quan trọng đối với tôi, tôi không phải chịu áp lực từ việc phải theo ý đồ của người này hay người khác. Khi được tự do chọn lựa, tôi đã muốn làm một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ, nếu như sử dụng âm nhạc cổ điển cho vở « Mùa xuân thiêng liêng » thì lần này tôi dùng nhạc electro-acoustique. Ở “Mùa xuân thiêng liêng » tôi đã dàn dựng theo một cốt truyện và có thể nói là dễ xem, dễ hiểu thì lần này tôi muốn làm một vở không theo cốt truyện. Khán giả thay vì tham gia một cách thụ động vào « Mùa xuân thiêng liêng » thì lần này họ sẽ cùng tôi tham gia vào việc việc sáng tạo ra « Những người đãng trí ». Thông qua các chuyển động, tôi muốn khán giả tự do tưởng tượng và hình dung ra các ngụ ý mà tôi gợi ý ra. Một lý do nữa, trong vở « Mùa xuân thiêng liêng » chỉ có hai nhân vật chính, tôi thấy thật tiếc vì không thể sử dụng được hết khả năng của các diễn viên vì thế mà trong « Những người đãng trí » tôi quyết định tạo ra một vở diễn mà ai cũng là nhân vật chính, mỗi một solo, duo, trio là một câu chuyện, một hoàn cảnh.
PV : Một cách khách quan, anh nhìn nhận thế nào về hai “đứa con” của mình cũng như những nghệ sỹ đã tham gia trong các sáng tác của anh?
PM : Tôi hoàn toàn thỏa mãn với những gì đã làm, bởi vì nó gần như đáp ứng được tất cả những gì tôi đã hình dung ra trước khi gặp gỡ và làm việc cùng các nghệ sỹ của VNOB. Tất nhiên khi bây giờ xem lại, tôi thấy muốn thay đổi chỗ này, chỗ kia nhưng nó cũng chỉ khác thôi chứ chưa chắc đã tốt hơn được. Còn về các nghệ sỹ mà tôi đã được làm việc cùng, tôi rất hãnh diện vì được làm việc cùng họ, các bạn ấy là những nghệ sỹ có trình độ rất cao. Tôi thường xuyên nói với họ rằng : Tôi rất tự tin nếu có cơ hội mời các bạn sang châu Âu biểu diễn, các bạn hoàn toàn có thể chinh phục khán giả ở châu Âu bằng tài năng của mình. Nhưng cái làm tôi buồn là các nghệ sỹ ở Việt Nam không có cơ hội để thể hiện và được hưởng những gì xứng đáng với khả năng của họ.
PV : Ngoài những định nghĩa chung, mỗi nghệ sỹ đều có những quan điểm riêng của mình về nghệ thuật, anh có thể chia sẻ quan điểm về nghệ thuật của mình không?
PM : Tôi không có quan niệm gì đặc biệt về nghệ thuật của mình, tôi chỉ nghĩ : Múa là « công cụ » để mình đưa đến cho khán giả những suy tư, cảm xúc mà không thể diễn đạt được bằng lời.
PV : Có vài ý kiến cho rằng vở “Những người đãng trí” của anh không phải là Ballet, bởi vì theo họ Ballet có nghĩa là “kịch múa” và phải có cốt truyện, tình tiết, mâu thuẫn, nhân vật, tính cách, hoàn cảnh.v.v. nhưng trong tác phẩm của anh không có những yếu tố đó, anh nghĩ thế nào về ý kiến này và theo anh thế nào thì được gọi là Ballet?
PM : Ballet không phải là một loại kịch câm, nó là nghệ thuật biểu hiện của cơ thể và cái chính là “esthétique” và “émotions”. Nó không phải là dụng cụ để tuyên truyền. Không ai có thể bắt buộc một biên đạo là trong một vở Ballet phải có người tốt, kẻ xấu rồi cuối vở người tốt đánh thắng kẻ xấu v.v. Thật may cho những người làm và yêu nghệ thuật vì những người có quan điểm như vậy là không nhiều.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, chứng bệnh “Amnesia” đang trở thành một điều đáng lo ngại và bà trẻ của tôi ; người đã nuôi tôi trong hai năm đầu ở Pháp cũng bị mắc chứng bệnh này. Cái tôi muốn truyền tải trong « Những người đãng trí » là cái nhìn và tâm trạng của những người bên ngoài đối với người bị mắc căn bệnh này. Ta biết họ là ai và chuyện gì xảy ra với họ nhưng những người đang mắc căn bệnh đó không có ý thức gì về họ và căn bệnh của họ, họ quên hết những chuyện xảy ra trong quá khứ và những người thân của họ. Bản thân tôi, mỗi lần gặp lại bà trẻ của mình luôn gây cho tôi những cảm giác vô cùng « khó chịu ». Tôi hi vọng khi khán giả xem « Những người đãng trí » cảm thấy được những gì mà tôi đã trải qua và thông qua vở diễn họ có thể hình dung ra câu truyện của các nhân vật, tôi muốn khán giả « thấy » cái mà mình tưởng là mình biết rõ nhưng thực sự lại không thể biết nó bắt đầu và kết thúc thế nào.
Quay lại với những người nói rằng : « Những người đãng trí » không phải là Ballet, tôi nghĩ họ là những « kẻ lười biếng ». Chẳng khác nào bạn mua một cuốn truyện về đọc nhưng lại trách móc là sao nhà văn không vẽ thêm tranh cho dễ tưởng tượng và dễ hiểu.
Những lúc ta nghe nhạc của Mozart, Beethoven, hay Chopin; nhìn tượng của Rodin hay xem tranh của Picasso v.v. có bao giờ ta tự hỏi là bản nhạc này, bức tượng này hay bức họa kia có cốt truyện, mâu thuẫn hay tính cách gì không đâu. Cái quan trọng là ta cảm thấy gì từ những bản nhạc, bức tranh, bức tượng đó và nó có gây ấn tượng gì với mình không thôi. Trong lúc nghe, xem đó ta chìm vào cảm xúc cùng với tác giả và từ sự đồng cảm đó có lẽ ta sẽ thấy được những gì bản nhạc hay bức tranh đó muốn nói với ta.
Công việc của tôi là tạo ra những ấn tượng đó cho diễn viên và đến lượt diễn viên, họ sẽ gây ra những cảm giác và trải nghiệm đó với khán giả.
PV : Được biết ngoài những nghệ sỹ của VNOB anh cũng chưa có cơ hội tiếp cận với nghệ sỹ ở các đoàn nghệ thuật và vùng miền khác, nhưng có thể nói rằng các nghệ sỹ ở VNOB là những người có kỹ năng hàng đầu ở Việt Nam, vậy qua những lần làm việc và về thăm quê hương, anh nhận định thế nào về tình hình nghệ thuật trong nước? Để hội nhập được với thế giới theo anh các nghệ sỹ Việt Nam đã có gì, còn thiếu gì và cần phải làm gì?
PM : Vâng, tôi cũng rất tiếc là chưa có được cơ hội đó. Thực sự là công việc hiện tại của tôi rất bận, vừa làm diễn viên vừa phải quản lý và huấn luyện cho diễn viên của nhà hát Ballet du Capitole nơi tôi đang làm việc và đồng thời dạy cho các lớp ở Tokyo vào mùa hè thì quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Tôi không có thời gian trống để « đi xin việc », nhưng tôi luôn sẵn lòng về Việt Nam khi có một lời mời.
Mặc dù ở xa nhưng mỗi lần về nước tôi đều thấy có sự thay đổi, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tôi vẫn luôn mơ ước là trong một tương lai không xa, các nghệ sỹ ở Việt Nam sẽ sống được bằng những đam mê của họ.
Phải làm gì và thiếu cái gì thì tôi nghĩ là câu hỏi dành cho lãnh đạo và các nhà quản lý. Tôi biết hiện tại đời sống của nghệ sỹ trong nước rất khó khăn, vì thế mà họ phải làm mọi việc để kiếm sống, như là biểu diễn ở các quan bar hay nhà hàng, khách sạn v.v. có thể nói là các hoạt động không được chuyên nghiệp cho lắm. Công chúng thì đa phần lại chỉ được tiếp cận nghệ thuật qua những kênh như thế, trong tình trạng như vậy thì làm sao có được sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa cả hai phía. Những gì có thể nói là sẽ cứu mình trong cuộc sống kinh tế hàng ngày thì nó cũng là cái có thể « giết » thứ mà mình tôn quý. Đôi khi tôi cũng thử đặt mình trong những hoàn cảnh như vậy : Sẵn sàng làm bất cứ điều gì để kiếm tiền hay nhịn đói và giữ vững lòng tin đối với nghệ thuật ? Nó làm tôi thực sự cảm thấy đau đớn. Tôi nghĩ nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn để có thể có được một đời sống nghệ thuật lành mạnh.
Trong sự nghiệp diễn viên của mình, tôi có được may mắn là đi rất nhiều nơi trên thế giới và tôi thấy ngoài những nước đã phát triển thì không phải nước nào cũng có được một đoàn múa Ballet hay một dàn nhạc giao hưởng. Tôi hi vọng các nhà lãnh đạo sẽ có những chính sách hợp lý để giữ gìn và phát triển những gì mình đã tạo dựng được. Bởi một đất nước muốn phát triển phải có một nền văn hóa, nghệ thuật phát triển.
PV : Công việc hiện tại của anh thế nào ? Trong tương lai anh có mong muốn hay dự định gì để đóng góp cho quê hương không?
PM :Tôi vừa diễn xong vở « Carmen », đây cũng là lần cuối cùng tôi diễn vai chính trong một vở lớn. Tôi quyết định sẽ không lên sân khấu nữa, bởi công việc quản lý, huấn luyện và dàn dựng đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Chưa có kế hoạch đặc biệt nào cho tương lai nhưng tôi luôn sẵn sàng về làm việc với các diễn viên múa ở Việt Nam khi có điều kiện.
PV : Cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ. Chúc anh luôn khỏe để có thể đóng góp nhiều hơn cho nghệ thuật múa nói chung và nghệ thuật múa Việt Nam nói riêng.
Nguyễn Anh Đức thực hiện
Bài viết đã đăng trên tạp chí Nhịp Điệu của Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind