Những chiếc giày kể chuyện đời

Trong lúc vở múa vẫn đang diễn ra trên sân khấu Nhà hát TP HCM, ngồi ở hàng ghế khán giả, có những khoảnh khắc tôi đã nghĩ về hình ảnh một vòng tròn. Những vòng tròn được người nghệ sĩ – trong suốt cuộc đời- vẽ ra không biết bao nhiêu lần trên sàn gỗ, trên không trung… mà những ngón chân chính là cây cọ vẽ tinh tế nhất. “Câu chuyện của những chiếc giày” (diễn ra vào cuối năm 2009) theo một cách nào đó, đã vẽ nét đầu tiên của chiếc vòng tròn ấy, bắt đầu từ tiết mục mở màn “Chuyện sàn tập”…

151-1280465779-39827-410412778151-742593151-4507188-8006649-n-300x213

Ngôn ngữ múa từ lâu không phải là thứ ngôn ngữ dành cho số đông và đó là thứ áp lực lớn nhất mà đạo diễn- biên đạo múa Tấn Lộc phải vượt qua bằng một cách kể giản dị, đời thường. Làm sao để ngay cả người không am hiểu nhiều về nghệ thuật múa lắm vẫn tìm thấy sự đồng cảm, chân thành với những hình ảnh đang trình diễn trước mắt họ. Bởi “Câu chuyện của những chiếc giày” không hề được làm ra để tôn vinh một cá nhân nào, nó là câu chuyện của mẫu số chung, của nước mắt, mồ hôi, nỗi đau cùng với nụ cười của người nghệ sĩ múa.

Từ những bước chân chập chững của những cô cậu bé “nhập môn” đầy nhọc nhằn trên sàn tập, rồi nhận ra múa chính là đam mê lớn nhất trong cuộc đời mình để một mặt vất vả mưu sinh bằng đủ mọi nghề kiếm sống: múa cho đám cưới, múa minh họa cho ca sĩ, đi dạy múa… mặt khác vẫn chăm chỉ trên sàn tập lúc thì một mình khi thì cùng những người bạn cùng chí hướng trong niềm hi vọng ngày nào đó mình sẽ tỏa sáng bằng một vai múa để đời trước khán giả. Đôi giày bao bọc cho đôi chân người nghệ sĩ trong ngày tháng đó dù đã sờn, đã bạc màu, so với xưa kia nhưng bù lại đã biết tự nhủ về lòng kiên nhẫn thực hiện ước mơ. Nhưng những tranh giành, ganh đua trong nghề cũng có lúc làm người nghệ sĩ mệt mỏi, có người dừng lại, chọn cho mình một con đường khác, có người bước tiếp và học cách chấp nhận vinh quang giống như sao trên trời còn đắng cay sẽ nhiều như cát nằm dưới đôi giày lấm lem của mình.

Người thành công- kẻ thất bại, niềm hạnh phúc hay sự day dứt vì không quyết liệt với ước mơ làm một nghệ sĩ múa mãi mãi – bất chấp những chướng ngại trong cuộc đời, cuối cùng cũng đã hoàn thành nét vẽ còn lại trong chiếc vòng tròn mà mình đã từng vẽ ra. Điểm nối cuối cùng với tiết mục “Chuyện kể tiếp”, đã khép lại chiếc vòng tròn tròn trĩnh được gọi tên là đam mê. Những câu chuyện nho nhỏ của: Chuyện đời thường, Chuyện những chàng trai, Anh em nhà Thùy Chi, Xa nhà, Chuyện những người bạn, Ngã rẽ, Giày, Ước, Kỷ niệm… lại bắt đầu một vòng đời mới trên đôi chân nhỏ xinh, những chiếc giày trắng tinh khôi của các cô cậu bé bước vào lớp học múa vỡ lòng trong cuộc đời…

Rất nhiều lần những tràng pháo tay vang dội của khán giả đã đột ngột vang lên khi diễn viên đang hăng say trình diễn các tiết mục. Những cảm xúc tuôn trào tự nhiên đó đã làm cho êkíp của vở diễn từ biên đạo đến các diễn viên: Tấn Lộc, Noriko Kuroe, Tố Như, John Huy Trần, Thùy Chi, Ngọc Khải, Minh Tâm và vũ đoàn Arabesque… nhận ra được “cú liều” của họ đã thành công vượt ngoài mong đợi. Không nhà tài trợ, không quảng bá rầm rộ cũng không phát ngôn “hoành tráng” trước giờ diễn như nhiều chương trình nghệ thuật khác…, “Câu chuyện của những chiếc giày” như một nghệ sĩ độc lập đứng trong guồng máy giải trí bề bộn của thị trường Việt, nhưng bằng tài năng của mình, người nghệ sĩ độc lập ấy đã tỏa sáng mạnh mẽ và “bắt” khán giả phải để ý đến mình nếu họ là những người yêu thích nghệ thuật thực sự.

Vở múa được kể với không nhiều ẩn dụ, tính chất gần gũi được đạo diễn Tấn Lộc tận dụng tối đa từ tên nhân vật (cũng là tên thật của nghệ sĩ ngoài đời) cho đến tên tiết mục, không gian sân khấu, ánh sáng và cả âm nhạc minh họa những động tác múa. Ngoại trừ điểm độc đáo duy nhất vượt ra khỏi tổng thể giản dị và mộc mạc ấy, một thiết kế sàn gỗ nghiêng rất lạ đặt giữa sân khấu chính và các diễn viên trình diễn trên đó như đang leo qua một con dốc trong cuộc đời. Trượt ngã lại đứng lên, có người đủ sức để vượt qua con dốc ngay lập tức, có người nằm lại lưng chừng con dốc vì cần tập luyện thêm và có người trượt hẳn xuống chân dốc không đủ sức lực để quay lên…

Sáng tạo là vô chừng, trong trường hợp này đạo diễn Tấn Lộc đã giúp khán giả thấy được nghệ thuật múa vẫn luôn luôn là một nghệ thuật đỉnh cao. Vấn đề đơn giản là khả năng sáng tạo của bạn có chạm được đến đỉnh cao ấy hay không, và chọn lựa thể hiện như thế nào tốt nhất để phù hợp với khán giả – nhưng không phải là số ít – mà là cho đám đông…

Những đôi chân và những chiếc giày có thể được múa trên nền của những giai điệu jazz, hip hop, ballet… Nhưng câu chuyện của những người nghệ sĩ múa Việt Nam thì không lẫn vào đâu được. Và khi những chiếc giày kể câu chuyện của nó cho cuộc đời này nghe, tôi tin là nó đang kể bằng một thứ ngôn ngữ Việt Nam nhất…

Như một điều ước dành riêng cho những nghệ sĩ thực hiện vở múa, một ngày không xa trong năm 2010 này, “Câu chuyện của những chiếc giày” sẽ kể lại thêm nhiều lần nữa cho khán giả khắp Việt Nam được nghe. Rồi theo thời gian, sẽ được kể với người dân ở khắp các thành phố lớn trên toàn thế giới…

P/S: Vở múa Câu chuyện của những chiếc giầy sẽ tái xuất hiện vào đêm 3/8/2010, một đêm duy nhất tại Nhà hát TPHCM. Đặc biệt lần này nghệ sĩ múa Thùy Chi sẽ xuất hiện trở lại sau khi không thể tham gia vở múa này trong lần công diễn thứ 2 vào cuối năm ngoái. Hii, mọi người nhớ đón xem vở này nhé, giá vé tuy là từ 200k-400k nhưng chắc chắc là rất rẻ so với những gì mà vở mua xuất sắc này mang lại.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*